Bruce Willis xuất hiện ngắn ngủi trong Cú Đảo Ngoạn Mục, phải chăng đã đến thời "flop"?

Tin điện ảnh · Maii ·

Phong độ của Bruce Willis nhìn chung lên xuống thất thường. Một hai phim hay sẽ xen kẽ với một hai phim dở, diễn ra liên tục trong nhiều năm.

Bruce Willis là nhà sản xuất, diễn viên 63 tuổi người Mỹ, sinh trưởng trong một gia đình lao động. Thuở thiếu thời, Bruce Willis từng lăn lộn với nhiều nghề nghiệp khác nhau trước khi chuyển sang xuất hiện trên sân khấu, và sau đó là “đá sân” diễn xuất. Ông là người nhạy cảm, có tính cách thẳng thắn, không ngại nói lên suy nghĩ và quan điểm của mình trong những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, chính trị.

Xuất hiện nhiều trong các phim hành động, Bruce Willis chuyên “trị” vai điển hình như nam chính có quá khứ đen tối, cảnh sát, sát thủ, lính hoặc cựu lính trong quân đội, hoặc nhân vật vô tình vướng vào một phi vụ bất đắc dĩ nào đó… đặc biệt là các nhân vật này thường có tính cách thích mỉa mai khá hài hước.

Bộ phim đầu tay của ông là series phim truyền hình Moonlighting, với vai David Addison Jr., đã giúp ông có được giải Emmy và giải Quả Cầu Vàng đầu tiên trong sự nghiệp ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Năm 1987, ông tham gia phim điện ảnh đầu tiên Blind Date, trước khi đến với Sunset và đặc biệt là Die Hard vào 1988.

Die Hard là thương hiệu điện ảnh gồm 5 phần đã làm nên tên tuổi của Bruce Willis. Trong phần đầu tiên, ông vào vai John McClane, một nhân viên cảnh sát cố gắng giải cứu vợ mình Holly Gennaro (Bonnie Bedelia) khỏi tay kẻ khủng bố người Đức Hans Gruber (Alan Rickman).

Đây được đánh giá là một trong những bộ phim hành động kinh diển của điện ảnh hiện đại. Các góc quay, cốt truyện, lời thoại đều gọn ghẽ, sắc bén và được dẫn dắt hợp lý, gần như đã tạo nên một “công thức” để các bộ phim hành động sau này ăn theo. Cả Bruce Willis và diễn viên quá cố Alan Rickman đều được đánh giá cao. Phim nhận được 4 đề cử Oscar cùng nhiều giải thưởng khác. Các phần tiếp theo bao gồm Die Hard 2 (1990), Die Hard with a Vengeance (1995), Live Free or Die Hard (2007), đều được đánh giá khá tốt, dù không thể nào ăn đứt được phần đầu tiên.

Tổng doanh thu 3 phần đã vượt ngưỡng $700 triệu, đưa Bruce Willis trở thành một trong những diễn viên hành động Hollywood hàng đầu. Từ những năm 1990 trở đi, sự nghiệp của ông có nhiều biến động, phim hay có, nhưng phim dở cũng không phải ít. Phong độ của Bruce Willis nhìn chung lên xuống thất thường. Một hai phim hay sẽ xen kẽ với một hai phim dở, diễn ra liên tục trong nhiều năm.

Chẳng hạn như đầu những năm 1990, ông thất bại với The Bonfire of the Vanitles, thành công với Striking Distance, rồi thất bại với Color of Night. Góp mặt với một vai phụ và trở lại thành công trong Pulp Fiction của Quentin Tarantino, Twelve Monkeys, The Fifth Element những năm sau đó, nhưng rồi cũng bị chỉ trích thậm tệ với The Jackal, Mercury Rising, Breakfast of Champions, cuối cùng trở về với hoàng kim khi đóng chính trong Armageddon của Micheal Bay và được đánh giá cao về diễn xuất với The Sixth Sense.

The Sixth Sense là bộ phim kinh dị đã khẳng định tên tuổi của đạo diễn/biên kịch Shyamalan, với cách làm phim độc đáo, cái kết bất ngờ và không khí u ám. Phim cũng nhận được 6 đề cử Oscar, 4 đề cử BAFTA và 1 đề cử Quả Cầu Vàng cùng nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác. The Sixth Sense được làm ra không chỉ để hù dọa khán giả theo cách thông thường, mà còn mang thông điệp về niềm tin, tình yêu, gắn kết, mất mát và chia ly. Bruce Willis không có bất cứ cảnh hành động nào trong phim, những vẫn ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả với diễn xuất có hồn và diễn biến tâm lý sâu sắc. The Sixth Sense đã trở thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của ông , bên cạnh Die Hard.

Khoảng thời gian từ 2010 trở đi, ông vẫn tiếp tục đóng phim đều đặn, chủ yếu là phim hành động và có một số dự án đáng chú ý như 2 phần phim RED, 2 phần phim The Expendables, Fire With Fire, Sin City: A Dame To Kill For… Đặc biệt, năm 2013, Bruce Willis một lần nữa trở lại với thương hiệu phim nổi tiếng Die Hard trong A Good Day to Die Hard, tuy nhiên việc “vắt sữa” kỳ này lại không thành công và phim bị đánh giá kém hơn nhiều so với những phần trước.

Các vai diễn tiếp theo của ông không mấy đột phá, không được khán giả và giới phê bình đánh giá cao vì khá nhàm. Thậm chí, khi mang tính giải trí đơn thuần, các bộ phim mà Bruce Willis tham gia cũng không thể nào làm tốt mảng đó. Dự án mới nhất Cú Đảo Ngoạn Mục (Acts of Violence), vừa được công chiếu ở Việt Nam vào ngày 09.02.2018, cũng rơi vào trường hợp tương tự.

Phim xoay quanh hành trình giải cứu hôn thê của cựu quân nhân tên Roman (Ashton Holmes). Trên đường đi, anh gặp và hợp lực với một cảnh sát điều tra nạn buôn người, có tư tưởng đấu tranh với bộ máy quan liêu tên Avery (Bruce Willis).

Được khán giả đánh giá chung là có cốt truyện dễ đoán và vay mượn khá nhiều từ Taken hay Casino Royale, dẫn dắt thiếu logic và cảnh quay hành động nghèo nàn cộng với biên tập “không có tâm” đã khiến phim trở nên tệ hại theo cách thật khó tưởng tượng.

Và một điều đặc biệt là Bruce Willis chỉ xuất hiện trong phim vỏn vẹn… vài phút, nhưng tên tuổi lại được dùng để quảng cáo không khác gì một bộ phim ông đóng chính. Người xem phê bình việc gần đây ông không mấy chăm chút cho việc lựa kịch bản, mà chấp nhận bất cứ vai nào trong bất cứ bộ phim nào, dù phim có sáo mòn và nhàm chán đến đâu đi chăng nữa.

Điều này đã khiến khán giả cực kỳ thất vọng về ông. Chưa biết sự nghiệp của Bruce Willis tương lai sẽ đi về đâu, vì hiện tại ông cũng đã hơn 60 tuổi, các vai hành động có thể không còn mạnh mẽ như xưa và cũng không thể có nhiều đột phá được nữa. Nhưng ít ra, hi vọng ông cũng nên chọn kịch bản sao cho chỉn chu hơn một chút, để khán giả không phải ngán ngẩm thế này.