[Cảm nhận] Jujutsu Kaisen và những vấn đề xã hội nhức nhối ít ai nói đến

Candice183 ·

Jujutsu Kaisen không chỉ là một anime huyền bí, hành động thông thường, mà còn cài cắm nhiều mặt tối của xã hội và gợi nhắc về nhân tính của con người.

Kéo xuống để xem tiếp

Jujutsu Kaisen là một trong những siêu phẩm anime thành công và đạt được nhiều tiếng vang nhất hiện tại. Bộ phim không hữu danh vô thực mà tự nhiên đạt được những thành tựu đó, nhờ tài năng của mình mà Gege Akutami - tác giả của bộ truyện gốc đã tạo nên một cốt truyện mới lạ, đầy lôi cuốn, những màn chiến đấu đẹp mắt và đặc biệt là cách xây dựng tính cách nhân vật cũng như các mối quan hệ giữa họ. Bên cạnh đó những vấn đề xã hội nhức nhối được cài cắm xuyên suốt cũng là một điểm sáng khiến bộ phim trở nên thiết thực và chạm đến nỗi lòng của người xem.

Đã có quá nhiều ý kiến cũng như bài viết nói về hệ thống cốt truyện, cũng như phân tích nhân vật, sức mạnh mà họ sở hữu nhưng ít ai lại nói đến những vấn đề thực tại của xã hội Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung ấy. Nên ở bài viết này, Moveek sẽ liệt kê cũng như phân tích những vấn đề đó, tưởng chừng như không quá lớn nhưng thật ra rất quan trọng trong việc phát triển nhân vật cũng như diễn biến nội dung bộ phim. 

1. Bắt nạt, bạo lực học đường

Đây không phải chỉ là vấn đề đáng nhức nhối tại Nhật Bản mà diễn ra ở mọi nơi trên thế giới và môi trường thường xảy ra nhất chính là trường học. Trong Jujutsu Kaisen, thì Junpei Hoshino chính là nạn nhân thảm khốc nhất. Junpei được khắc hoạ như một cậu bé yêu nghệ thuật phim ảnh, ít nói trầm mặc và thể lực cũng như thân hình yếu kém hơn bạn bè cùng lứa. Vì thế cậu dễ dàng trở thành mục tiêu cho đám bạn học hành hạ, đánh đập không vì lý do gì hết.

Con người là vậy, đôi khi họ vì cái tôi hay thoả mãn những phần xấu xa bên trong mình như bạo lực, muốn chứng tỏ mình là cá thể mạnh, một thứ gì đó hơn người khác nên luôn tìm cách hạ những người bên cạnh, đặc biệt là người yếu hơn họ để làm thú tiêu khiển. Qua nhiều tập phim, ta có thể thấy Junpei đã bị đánh đập, hội đồng, cô lập, bỏ rơi, tra tấn về thể xác lẫn tinh thần: như nguyền rủa, hạ nhục, châm tàn thuốc lên trán... Hậu quả của việc này đã khiến cậu bé thành một người có nhiều vấn đề tâm lý, bỏ học và nguy hiểm hơn là trở thành đối tượng cho kẻ xấu lợi dụng, hãm hại (như trong anime là Mahito).

2. Futuko hay Tokokyohi - vấn nạn học sinh từ chối đến trường

Thuật ngữ Futuko hay Tokokyohi đang là một một trong những vấn đề nhức nhối tại Nhật Bản, mỗi năm theo khảo sát ghi nhận có khoảng 200.000 trẻ em từ cấp 1-3 từ chối việc đến trường theo cách tiêu cực thậm chí là phản kháng. Và đây được xem là một bệnh tâm lý, nặng hơn là tâm thần vì mức độ nghiêm trọng của nó. Lý do hầu hết là vì yêu cầu khắc nghiệt tại môi trường học đường, vấn nạn bắt nạt, bạo lực, cô lập... 

Qua Jujutsu Kaisen, ta có thể hiểu một phần nào đó những lý do cũng như nỗi sợ, rào cản tầm lý của các em nhỏ đó thông qua nhân vật Junpei. Vì bị bắt nạt và không tìm được ai giúp đỡ nên cậu cảm thấy trường học giống như địa ngục, thà là ở nhà hoặc lang thang khắp nơi. Điều Junpei may mắn hơn các em nhỏ cùng hoàn cảnh đó là cậu có một người mẹ tâm lý, yêu thương con và hiểu chuyện, biết chia sẻ. Nhưng liệu có mấy người ở hiện thực có được điều đó, kết quả xấu là nếu phụ huynh càng bức ép bọn nhỏ thì cuộc sống chúng càng đau khổ hơn, kinh khủng hơn là với tâm hồn non nớt đó, chúng sẽ tìm cách để giải thoát cuộc đời nữa.

3. Thờ ơ và lãnh cảm với những thứ xung quanh

Người viết đã đọc đâu đó câu nói: Thờ ơ và lãnh cảm, giả vờ như vô can là một tội lỗi và luôn cảm thấy tâm đắc với ý kiến này. Trong vụ việc của Junpei ta có thể thấy rõ, thay vì giúp đỡ và tìm hiểu về những nỗi khổ tâm của cậu bé, giáo viên, bạn bè cũng như nhà trường đã mặc kệ nó. Chúng ta thường lơ đi những việc trước mắt, những nỗi đau của người khác dù có thể giúp đỡ được và tự vấn an bản thân rằng mình không làm sai, mình dính vào sẽ rắc rối lắm. Nhưng ta đâu biết rằng mọi thứ đều có nhân quả.

Và khi ta nhận ra điều đó rồi thì liệu ta còn là kẻ vô can. Thấy rõ qua Junpei, khi hận thù đi đến đỉnh điểm, cậu tìm đến trường hòng giết và trả thù kẻ bắt nạt cũng như tất cả mọi người trong tinh thần bất ổn và cực đoan. Trong phim chỉ tội cho mỗi cậu bé là người duy nhất chết còn mọi người tại trường thì bình an nhưng liệu ở ngoài đời thật sẽ được như thế khi lâu lâu ta đọc được rằng ai đó xả súng hay thảm sát tại trường học.

4. Liệu kẻ bất hạnh được đổ lỗi những người may mắn hơn mình?

Không chỉ ở trường hợp Junpei mà ở những nhân vật như Mai là những người có cuộc đời bất hạnh. Nhưng trái với tìm lối thoát như Maki, Nobara họ hay quỵ luỵ và đỗ lỗi cho những ai may mắn hoặc kiên cường hơn họ. Thương cảm và buồn khổ cho bản thân là không sai nhưng không đồng nghĩa họ có thể đánh đồng rằng vì họ bất hạnh nên có quyền khiến những người khác tổn thương hay dằn vặt người ta. 

Vì nghĩ cho cùng như Nobara từng nói, cuộc sống là do ta làm chủ, làm gì có cái lý cho kẻ bất hạnh mới là đúng. Liệu những ai họ cho rằng may mắn, có cuộc sống tốt đẹp hơn thì thật sự hạnh phúc. Vì tất cả chúng ta, đã là con người đều có những cái khổ, vấn đề riêng và luôn tìm cách đối mặt giải quyết nó.

5. Phân biệt nam nữ, dị đoan, mê tín

Đã từ lâu, trọng nam khinh nữ đã là một vấn đề nổi cộm đặc biệt là ở những nước Châu Á. Hai chị em Mai và Maki luôn phải chật vật với vấn đề này suốt cả đời họ. Họ bị coi khinh vì là phái nữ, bị phản bác hết tất cả tài năng, sự cố gắng vì không phải là đàn ông. Dù diễn biến trên anime chưa theo kịp với manga gốc nhưng ta cũng phần nào cảm nhận được phần nào nỗi khổ mà họ phải chịu bởi gia tộc trọng nam khinh nữ Zenin này.

Hơn thế nữa là những quan niệm về mê tín dị đoan như: sinh đôi là điềm gở, thờ phụng mù quáng cũng được khắc hoạ khá rõ nét trong bộ truyện.

6. Cha mẹ quyết định cuộc đời con cái cũng như con trẻ luôn phải cố gắng để nhận được sự công nhận từ gia đình

Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đó đã quá quen thuộc với chúng ta, những ai sinh trưởng và lớn lên ở các nước Á Đông. Các nhân vật như Maki, Mai, Noritoshi, Megumi được sinh ra bởi bậc cha mẹ áp đặt, vô trách nhiệm, cưỡng ép con mình phải có bổn phận sống và làm theo những gì mình muốn. Họ không maỷ may suy nghĩ khi bán con mình, hạ nhục, bắt chúng vào những vị trí quái gở vì chúng là con họ sinh ra.

Ta không thể lựa chọn cha mẹ cho chính bản thân cũng như chối bỏ nguồn gốc nên bọn nhỏ chỉ có thể nương theo hoặc là nỗ lực hết mình, thậm chí là hi sinh cả mạng sống chỉ vì chứng tỏ giá trị riêng cũng như để những con người đó phải thừa nhận sự tồn tại của họ. Qua những nhân vật này ta cảm thấy đâu đó có hình bóng của chúng ta những người đôi khi không có được tự do được là chính mình.

7. Phân biệt vùng miền

Qua những lát cắt về quá khứ của Nobara ta có thể thấy được con người có thể căm ghét lẫn nhau vì những lý do rất lố bịch chẳng hạn như vì khác vùng miền. Tuy rằng không phải nạn nhân trực tiếp nhưng Nobara luôn căm ghét những kẻ đã bắt nạt người chị hàng xóm tốt bụng, hành hạ, đập phá nhà cô chỉ vì cô là dân thành phố xuống tỉnh lẻ sinh sống. 

Ở hiện thực, ta luôn thấy vấn đề này hàng ngày khi người thành phố coi khinh dân tỉnh lẻ hay dùng tên vùng miền để thoá mạ, áp đặt nhau dù chẳng quen biết. Rồi từ đó suy ngẫm có khi nào ta cũng đâu đó 1, 2 lần vô tình trở thành một kẻ từng bắt nạt người khác vì vùng miền không?

Jujutsu Kaisen là bộ shounen anime thành công không chỉ ở mặt xây dựng hình ảnh, cốt truyện mới lạ mà còn ở cách xây dựng hệ thống và phát triển nhân vật vô cùng tuyệt vời và tỉ mỉ. Phải dành rất nhiều sự tán dường cho tác giả bởi không bởi những kiến thức ông truyền đạt qua bộ truyện mà còn ở những tình tiết về xã hội đầy nhức nhối và đáng suy ngẫm mà ông đưa vào. Bộ phim đã vượt qua tác phẩm anime giải trí thông thường bởi những giá trị mà tác giả đã luôn muốn đưa đến với người xem. 

Nếu bạn đang tìm kiếm một anime lấy chủ đề giả tưởng, siêu nhiên nhưng không chỉ có những màn hành động vô hồn, mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp về cuộc sống, thì Jujutsu Kaisen là một lựa chọn không tồi. Mùa đầu tiên của series hiện đang trình chiếu trên cả 2 nền tảng Netflix và FPT Play.

Ảnh: Netflix