Câu chuyện kịch bản - Phần 2: Những kịch bản đảm bảo hay

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Như đã nói trong bài 1 của loạt bài “Câu chuyện kịch bản”, hôm nay chúng tôi xin gửi đến các bạn những tác phẩm văn học hứa hẹn thành công nếu được chuyển thể thành phim.

Như đã nói trong bài 1 của loạt bài “Câu chuyện kịch bản”, hôm nay chúng tôi xin gửi đến các bạn những tác phẩm văn học hứa hẹn thành công nếu được chuyển thể thành phim.

1. Cha Con Ông Mắt Mèo (Tác giả: Nguyễn Thái Hải)

Thị trường phim điện ảnh Việt Nam tuy phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng dòng phim cho thiếu nhi vẫn còn yếu. Cái tên “sáng giá” nhất dĩ nhiên vẫn là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ. Trong khi đó, văn học thiếu nhi của Việt Nam lại có những tác phẩm đậm tính nhân văn và hấp dẫn.  Nếu những bộ truyện của Nguyễn Nhật Ánh như “Kính vạn hoa” (đã được chuyển thể thành phim truyền hình), “Truyện xứ Lang-biang” là nguồn cung hấp dẫn cho các hãng phim truyền hình, thì “Cha con ông mắt mèo”, một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thái Hải là một kịch bản đầy hứa hẹn trên màn bạc.

Truyện kể về nhân vật chính là hai cha con Út Đen . Mẹ bỏ nhà đi, Út Đen ban ngày đi học, đi chơi, ban đêm lại đi ăn trộm cùng cha. Vì đôi mắt cha Út Đen rất sáng trong đêm nên ông có biệt danh Mắt Mèo. Một ngày kia, ông Mắt Mèo bị bắn trúng trong lúc đi ăn trộm. Vì sợ bị phát hiện nên ông không dám đi chữa thương. Sau này ông phải cưa chân đi. Và từ đó, cuộc sống cha con ông chuyển sang trang mới: không còn những ngày đi ăn cắp lén lút, hồi hộp nữa. Và cũng từ đó, tình cha con đã cảm hóa người cha của Út Đen, ông nhận ra rằng báu vật lớn nhất của mình chính là đứa con luôn bên cạnh ông.

Khai thác chủ đề tình phụ tử và  nếp sống tại nông thôn Việt Nam thập niên 80-90, “Cha con ông Mắt Mèo”  là một tác phẩm đậm chất Việt và một cốt truyện đầy kịch tính lẫn xúc động. Nếu bạn từng bật khóc khi “The Kid” bị bắt khỏi tay Charles Chapin trong phim “Gà trống nuôi con”, thì phân đoạn cuối truyện “Cha con ông Mắt Mèo” sẽ khiến bạn muốn ngừng thở, hồi hộp dõi theo diễn biến truyện và vỡ òa trong cảm xúc.

2. Mắt Biếc (Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh)

Nguyễn Nhật Ánh quả thật là một nhà văn đại tài. Với chủ đề truyện thiếu nhi, ông chọn viết những bộ truyện dài để khai thác chất hồn nhiên, cũng như thể hiện quá trình trưởng thành của các nhân vật. Với chủ đề truyện tình yêu, ông viết thành tiểu thuyết với những cái kết đau đáu long người.

Truyện tình yêu của ông hầu hết là đẹp và buồn mà đỉnh cao của những tác phẩm đó là “Mắc Biếc”.

Nếu bạn là lớp thanh niên cuối 9x đầu 2000 và đang tung hô 500 days of Summer như 1 bản “Thánh Kinh” của những thanh niên bị Friendzone. Thì tức là bạn chưa đọc “Mắt Biếc”.

Chú thích: “Friendzone” là một từ dùng chỉ tình trạng của 1 mối quan hệ mà một bên khao khát có được tình yêu của bên kia, trong khi bên còn lại chỉ xem mối quan hệ này như 1 tình bạn. Nói cách khác, “Friendzone” là tình trạng yêu đơn phương và không có hi vọng gì.

Nhưng nếu như Tom Hansen trong 500 days of Summer có thể “thoát” khoải tình trạng tuyệt vọng này bằng cách “buông bỏ” Summer  và đi tiếp, thì nhân vật Ngạn của “Mắt Biếc” đã nâng mối tình si của mình thành một thứ lẽ sống. Anh chấp nhận một cuộc sống cô độc chỉ để giữ mối tình của mình nguyên vẹn cùng Hà Lan, cô gái duy nhất anh yêu trong đời.  

Và gần đây, có thông tin Victor Vũ sẽ “thừa thắng xông lên” chuyển thể “Mắt Biếc” thành phim điện ảnh. Tôi không nghi ngờ về khả năng dựng hình, phối cảnh, hay sử dụng nhạc phim của Victor Vũ, điều làm tôi băn khoăn là trong những diễn viên trẻ hiện tại có ai có đủ lực để diễn trọn vẹn vai chàng Ngạn, một người đầy tình yêu và cao thượng đến thế.

Và liệu Victor Vũ sẽ có những “biến tấu” nào để thu hút khán giả hiện đại, những người chưa đọc qua “Mắt Biếc”?

Tất cả hãy chờ đến khi phim ra.

3. Là Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng (Tác giả : Nguyễn Huy Tưởng)

Trong các tác phẩm được giới thiệu trong bài viết, thì “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác phẩm gần gũi nhất với người đọc. Vì đây là tác phẩm được trích và giảng dạy trong sách “Ngữ văn 7” (giáo án cũ dành cho thế hệ 1990 trở về trước).

Đây là một tác phẩm khá “ổn” để chuyển thể thành phim.

Lý do 1: Điển tích “Trần Quốc Toản bóp nát quả cam” đã trở thành hình ảnh quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam yêu sử Việt. Điều này giúp bộ phim “tuy lạ mà quen” với các khán giả trẻ.

Lý do 2: Những cảnh trong phim không đòi hỏi quá nhiều : cảnh quê nhà Trần Quốc Toản, cảnh chiến đấu phục kích trong rừng. Chỉ có đoạn cuối truyện, khi Trần Quốc Toản tả xung hữu đột giữa muôn ngàn giặc Nguyên, mới cần đến diễn viên quần chúng cũng như kĩ xảo để thể hiện độ ác liệt của cuộc chiến.

Lý do 3: Chúng ta cần một hình tượng người anh hùng cho riêng giới trẻ Việt Nam.  Một Trần Quốc Toản có phần khích động của tuổi trẻ, nhưng yêu nước mãnh liệt và một lòng hiếu kính mẹ già, chính là một hình tượng thích hợp cho họ. Quá trình Trần Quốc Toản rèn luyện bản thân, kết giao bạn bè, đối đầu hiểm nguy sẽ là một nguồn cảm hứng cho những người trẻ sống can đảm và trách nhiệm hơn.

4. Ba Lần và Một Lần (Tác giả: Chu Lai)

Đã có rất nhiều tác phẩm nói về chiến tranh Việt Nam- Mỹ. Thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn v.v. Mỗi tác phẩm là một bản phản chiếu lại cuộc chiến của những người trong cuộc. Trong số đó, “Ba là và một lần” của Chu Lai là nguyên liệu quý để tạo thành một bộ phim điện ảnh hay. (Tác phẩm đã được dựng thành phim truyền hình ).

Phim gồm 2 tuyến truyện: tuyến trước năm 1975 và tuyến sau năm 1975 (thập niên 80-90 thế kỉ trước).

Xuyên suốt hai tuyến truyện là Năm Thành và Sáu Nguyện, hai người bạn, và cũng là hai kẻ địch trời sinh.

Cả hai đều là người trí tuệ. Nhưng Năm Thành thì bảnh bao, hoạt bát và đầy tính cá nhân, trong khi Sáu Nguyện lại chân thật, có chút thô mộc và cao cả.

Ban đầu Năm Thành và Sáu Nguyện cùng chiến đấu chung một đơn vị. Nhưng một sai sót xảy ra, khiến cho đơn vị của Năm Thành chỉ còn mỗi anh ta sống sót. Sai lầm này là lỗi của một phút bất cẩn của Sáu Nguyện và sự cố chấp của Năm Thành. Và cách mà họ đối diện với sai lầm đã cho thấy sự khác biệt của họ: Năm Thành thì đào ngũ và làm một tên chiêu hồi, Sáu Nguyện thì tiếp tục chiến đấu và sau này bị thuyên chuyển đi làm những việc hậu cần, công việc mà anh cho rằng chỉ dành cho những người không thể chiến đấu.

Chiến tranh đi qua, Năm Thành nhờ tài sản của vợ mà trở thành ông trùm kinh tế trong tỉnh, Sáu Nguyện thì rày đây mai đó, trở thành một người làm thuê đủ nghề. Nhưng cũng từ đó, mà một cuộc chiến mới nổ ra, nhằm kết liễu mọi ân oán, hoàn tất chuỗi “Nhân- Quả” của các nhân vật trong truyện.

“Ba lần và một lần” có những nét tàn bạo của chiến tranh để giúp người trẻ hiểu thêm về hi sinh của cha ông. Bên cạnh đó, tác phẩm còn nói lên những vấn đề nổi cộm của xã hội Việt Nam sau chiến tranh: sự thao túng của đồng tiền, sự bất công trong xã hội. Và trên hết, những thông điệp về tình yêu, sự phản bội, hi vọng ... được truyền tải qua rất nhiều hình ảnh trong truyện. Nếu lên phim, những hình ảnh có sẵn trong truyện sẽ tạo được hiệu ứng cảm xúc mạnh hơn bao giờ hết vì chúng được truyền tải dưới dạng hình ảnh và có sự phối hợp của nhạc phim.

Đã đến lúc giới trẻ Việt Nam có một cái nhìn hoàn chỉnh về cuộc chiến và thời hậu chiến, vì vậy mà câu chuyện của “Ba lần và một lần” lại càng cần được dựng thành phim.

Những tác phẩm kể trên cung cấp một “khung sườn” vững chãi cho phim điện ảnh. Nhưng nếu bản thân nhà làm phim muốn thể hiện mình ở một mức độ cao hơn, thì còn có một nguồn nguyên liệu khác.

Đó chính là văn học dân gian, nơi sự sáng tạo có thể vượt xa mọi giới hạn.

Mời đón xem phần sau: “Cổ nhưng không cũ”.

Bài 1: Câu chuyện kịch bản - Phần 1: Tìm “hồn” cho phim Việt