Cho Anh Gần Em Thêm Chút Nữa – Ngôn tình trên cành “Quất”
Đánh giá phim · Moveek ·
Phim có cái kết bi thương, đẫm nước mắt nhưng để lại thông điệp lạc quan và lan truyền nguồn cảm hứng tích cực cho cả những ai đang tự đánh mất đi niềm tin của chính mình.
Phim mở màn bằng cách giới thiệu nhân vật theo cách kể tự sự dạng hồi ký.
Lưu ý: bài viết tiết lộ rất nhiều tình tiết phim, hãy coi phim trước khi đọc tiếp.
Cho Anh Gần Em Thêm Chút Nữa được lấy cảm hứng từ tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Gào, là câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình đi tìm mục đích sống của những người trẻ. Hai gương mặt diễn viên từng gây ấn tượng mạnh với hai phim đình đám trước đây là 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy và Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò, là Jun Vũ và Đình Hiếu đảm nhận vai chính trong Cho em gần anh thêm chút nữa.
Cô gái trẻ chẳng may mắc bệnh ung thư Rin (Jun Vũ) tình cờ gặp Kai (Đình Hiếu) lúc này đang tự chôn vùi tuổi xuân của mình sau khi cả mẹ lẫn cha đều qua đời vì căn bệnh ung thư. Cô quyết định chinh phục Kai vì mỗi ngày đã nhìn thấy sự ân cần chăm sóc của Kai dành cho cha mẹ tại bệnh viện. Tình yêu của hai người trẻ nảy nở, khiến cuộc sống của họ xảy ra nhiều chuyển biến.
Hình ảnh ẩn dụ con đom đóm nhỏ trong đêm tối là một ngôn ngữ điện ảnh rất đắt của đạo diễn văn Công Viễn, hiện thân cho Rin như đang cố gắng dùng ánh sáng kỳ lạ của mình để thắp lên những hy vọng đã tắt ngày nào trong Kai. Họ tìm ra được mục đích sống và biết quý trọng cơ hội chỉ được sống có một lần trong cuộc đời này. Phim có cái kết bi thương, đẫm nước mắt nhưng để lại thông điệp lạc quan và lan truyền nguồn cảm hứng tích cực cho cả những ai đang tự đánh mất đi niềm tin của chính mình.
Rin là vai diễn đầy tính thử thách với nhiều cung bậc cảm xúc, dám nghĩ dám làm, yêu hết mình… nhưng lại được thể hiện rất thuyết phục bởi cô gái 21 tuổi Jun Vũ vốn được biết đến là người mẫu Thái gốc Việt. Đình Hiếu diễn tròn vai, có chiều sâu tâm lý, dù vẻ ngoài của anh không long lanh như kiểu nhân vật nam dạng này phải có. Hai nghệ sĩ hài Hồng Đào - Quang Minh lần đầu trở lại với phim chiếu rạp đã không khiến khán giả thất vọng khi vào vai bố mẹ Rin hài hước nhưng ở một vài phân đoạn còn khiến khán giả khóc không ngừng…
Phim có những cảnh quay rất đẹp ở miền Tây Nam bộ. Khu rừng tràm Trà Sư mộc mạc nhưng đẹp đến choáng ngợp. Hình ảnh cặp đôi vai chính tay trong tay đi dưới con đường rợp lá đẹp không kém gì xứ Hàn đã khiến không ít người phải xuýt xoa. Nhạc phim với ca khúc Cho em gần anh thêm chút nữa do Tăng Nhật Tuệ sáng tác, được thể hiện qua giọng hát truyền cảm của ca sĩ Hương Tràm rất hợp với nội dung câu chuyện cũng đem lại cảm xúc dạt dào cho khán giả.
Các nhân vật phụ trong phim qua sự diễn xuất có nghề của các diễn viên nổi tiếng như: Chí Tài, Hiếu Hiền, Kiều Minh Tuấn, Lê Thiện, Khả Như, bé Thanh Mỹ, Don Nguyễn… góp phần đem lại nhiều màu sắc cho bộ phim dễ cảm này!
Vâng , đây là những lời nói hoa mỹ của truyền thông che mắt lẫn cảm xúc khán giả. Phim không dành cho khán giả khó tính và sống chuẩn mực theo lề lối vì sẽ có cảm nhận giống như tôi khi viết bài bình luận phim này. Trích cảm nhận của một người đồng quan điểm trên báo Tuổi Trẻ như sau:
Trong khi đó, phim ngôn tình Cho em gần anh thêm chút nữa của đạo diễn Văn Công Viễn (ra rạp từ 2-12) rất “chịu chơi” khi chuyển thể kịch bản điện ảnh của phim thành một bộ truyện tranh, phát hành rộng rãi trên toàn quốc sau khi phim ra mắt. Tuy vậy câu chuyện cũ kỹ, thiếu cái nhìn điện ảnh là điểm trừ rất lớn của bộ phim này. Trong sự háo hức đón chờ những bộ phim mới mẻ, người xem vì vậy vẫn đôi lúc phải chặc lưỡi tiếc rẻ “Giá mà...”!
Cách kể chuyện mở đầu của phim giống những phim của Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc rất được ưa chuộng trong những năm 2000 đến năm 2010. Phải nói đúng hơn sau khi xem phim thì mới dám can đảm giống nữ chính như: “ Cho em quất (đeo đuổi) anh thêm lần nữa “
Phim được chuyển thể từ ý tưởng câu chuyện của tác phẩm cùng tên của nhà văn Gào , tôi thì chưa đọc truyện của cô ấy nhưng thiết nghĩ không hợp với mình vì chưa từng nghĩ nhân vật trong phim phù hợp với người phụ nữ Đông Nam Á.
Giới trẻ hiện nay được cổ súy trong những câu chuyện ngôn tình theo cái kiểu bất cần đời, thích thì yêu , thích thì làm không theo chuẩn mực nào, kể cả thuấn phong mỹ tục. Cho nên tuổi học trò đẹp nhất vô tư hồn nhiên đã biết yêu sớm hơn, biết ghen tuông và phơi mình trên mạng xã hội.
Cha mẹ phải nuông chiều theo thói học đòi của con, tôi đã thấy một cô giáo trường trung học luôn nghiêm khắc với học sinh nhưng lại cưng chiều con gái hết mực tại quán cơm gần trường. Có mẹ bên cạnh nói chuyện hay mẹ đưa con đi học thêm mà con gái chừng 13 tuổi chẳng thèm nhìn mẹ nói một câu mà cắm cuối vô cái điện thoại smart phone để chơi facebook hay xem phim và chơi game. Vừa đút cơm cho con, người mẹ phải hù dọa lấy điện thoại lại nếu con mải mê chơi mà không ăn cơm.
Trở lại với câu chuyện chính trong phim với hai cô gái 19 tuổi, trẻ đẹp, giàu sang đi cua một thằng thanh niên (19 tuổi hay 21 tuổi) dở hơi, chán nản, sống dở chết dở. Phải chăng trai trên đời chết hết hay con gái ế quá phải đi hốt trai trẻ cho bằng được, vì thời nay trai đẹp yêu nhau hết rồi.
Điểm vô lý nhất trong phim không biết tác giả hay đạo diễn có đến thực tế ở bệnh viện Truyền Máu Huyết Học hay Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới để thực tế hay không? Mà một người bệnh vô thuốc một năm mấy mà khỏe phà phà để đi cua trai và trêu ghẹo giang hồ với lý do cứu mèo của đứa bạn thân? Trong khi nhỏ bạn thân là Les (thuộc dạng SB mạnh mẽ và có máu liều như con trai), lại để đứa bạn gái thân thiết yếu đuối đang mang bệnh hiểm nghèo đi đòi mèo. Tôi biết vài người Les ngoài đời họ rất mạnh mẽ và kiên cường nếu điều gì không phải với họ hay chướng tai gai mắt thì sẽ ra mặt hẳn hoi chứ không mềm yếu như nhân vật trong phim.
Khi biết Rin rủ mình đi bar để giải khuây bất lực theo kiểu bó tay nhìn con bạn thân mình đang dày vò bản thân, sống buông thả, kêu rượu cocktail uống thả ga dù cảnh trước vừa đổ máu, chắc cũng biết bệnh tình của nhỏ bạn thân khá nặng mà lại không phản ứng (một điểm mâu thuẫn nữa của bệnh nhân đang điều trị nhiễm trùng máu), điều này cho thấy ba mẹ nhân vật rất dễ dãi, mâu thuẫn với phân cảnh trước là bạn trai con mình rủ đi về quê, đi chơi xa mà bà mẹ nghiêm khắc sợ con mình bị dị ứng (vì biết con gái đang bệnh nặng).
Lời thoại trong phim thô, tục tiểu cho thấy ngôn ngữ điện ảnh nghèo nàn (nhiều nhân vật văng tục như thằng chó, con mẹ …) cứ như mấy clip trên youtube bắt chước giễu nhại kiểu sống Tây hóa.
Một sự ngỗ nghịch chứ không phải ngổ ngáo của hai nhân vật chính, thật ra không lấy gì làm hay ho khi phải gân cổ cáu gắt với mẹ (nữ chính) hay gắt gỏng với bà ngoại (nam chính) là phải sống cho chính mình mà không biết cảm xúc và nỗi cơ cực của người thân khi chăm lo và nuôi nấng mình đằng đằng nhiều năm, chỉ mong mỏi con gái nên người và thành tài.
Một người cậu nhu nhược khi thấy cháu trai hỗn hào với mẹ mình mà đứng bất động, mờ nhạt ở khung hình phía sau, không cảm xúc.
Nói về nhân vật nhiễm trùng máu thì phải sống môi trường sạch sẽ, kiêng cữ và sống lành mạnh, cần sự trong lành nên mọi việc ra vô bệnh viện đều cách ly và khử trùng.
Nhất là nam chính có một thời gian chăm sóc mẹ bị ung thu cần phải quen thuộc mùi thuốc “một năm rưỡi“ trên người nữ chính hay khí quản anh ấy bị tắc nghẽn do mê ngủ.
Không biết ở trường Đại Học nào mà sinh viên vô trường mà trốn tiết chỉ để ngủ trong thư viện mà thầy cô hay giáo viên, bạn học không hề hay biết. Phải khâm phục cái thư viện trường học chứa chấp học sinh cá biệt nằm ngủ chình ình ngay ban ngày mà lộ thiên như thế, việc gì đến thì cứ đến cứ như cái chợ … lớn tiếng vì dành trai với nhau.
Nhân vật chính trong phim còn trẻ và không hề tỏa sáng vì diễn xuất không có, cứ đơ ra một khuôn từ đầu đến cuối và không có nhập tâm vai diễn. Diễn viên nam chính , nữ chính và nữ phụ giành trai cứ nhây ra và chây lì cảm xúc. Các nhân vật tròn vai thuộc về Khả Như, Kiều Minh Tuấn, Xuân Tiến, Lê Trang, bà quản lý thư viện.
Những nhân vật thứ như Quang Minh, Hồng Đào, diễn viên đóng vai bà ngoại tỏa sáng nhất phim vì đem đến tiếng cười và cảm xúc thật cho người xem, diễn như không diễn như đem cuộc đời thật lên màn ảnh rộng.
Phim còn nhiều điểm vô lý nếu bạn chịu để ý như nữ chính đang bệnh khóc lóc nói lời xin lỗi mẹ dù đang bệnh mà hơi sức và lời nói cứ oang oảng như là lúc cảm xúc cao trào, giọng nói phát ra từ micro thật đanh thép (cứ như gào thét thấm thiết mà quên mình đang suy yếu và đang nằm dưỡng bệnh ở bệnh viện cứ như chốn không người). Việc cho tủy phải tìm người có tủy phù hợp và thử thuốc hay thử kháng thuốc, phù hợp trạng thái của bệnh nhân hay không thì cứ như đi chợ là có, đi làm thì sẽ kiếm tiền mà có được. Ông bác sĩ sau khi phẫu thuật thất bại đúng là trời ơi đất hỡi khi bước ra thật kiêu hãnh, không nói tiếng nào rồi bất lịch sự đóng cửa vô mà không chút lời an ủi làm tuột cảm xúc.
Người bỏ thuốc một năm mấy sống với thiên nhiên lại khỏe phây phây với người vô thuốc một năm rưỡi rồi lại giáo điều trống rỗng. Gần cuối phim ở trong rẫy mà kiếm cô y tá đẩy ra với xe lăn truyền nước biển mà “siêng” lên lớp nói những đạo lý mà ai cũng biết.
Phim đa số lấy khung hình an toàn cảnh trung mà thiếu cảnh toàn hay cảnh cận khi cần thiết để mãn nhãn và dâng trào cảm xúc cho người xem. Khi cơn mưa rào, chạy đi tìm ngôi nhà hoang vắng lánh mưa thì nó cũng vội vã như hai nhân vật trong phim, mới quen biết đã không ngần ngại lõa thể và trao nhau “cái vốn tự có“. Khi cầu hôn ngồi trước khung cảnh lãng mạn nên thơ mà khung hình bị bó chặt (chỉ thấy phần mặt nhân vật sau chân mài mà không có cảnh xung quanh rồi mới từ từ lia máy đi ra cảnh toàn cho đẹp), vài hiệu ứng thường thấy trong các câu chuyện cổ tích như cây sáng trưng đom đóm (lập lòe sao sáng) giống kiểu phim Hàn như Vườn Sao Băng, Cô Nàng Đẹp Trai…Cái ăn gian không gian như cảnh ngủ trước nhà của Kai và người cậu cũng vô lý, thoắt đến thoắt đi mà không có cảnh toàn chạy đi vội vã để tìm kiếm người yêu khi biết cô ấy đang say xỉn trong quán bar với trai lạ. Người xem tưởng họ đang ngủ xa nhà như khu chợ, ngoài đường gần bãi phế liệu, nhà hoang (vì cảnh trước đường vô nhà Kai đèn tròn giăng trên cao sáng rực và bán quán nước không bày bừa trước nhà sẵn tiện được những vật dụng và cảnh trí cho người ngủ bụi).
Hai phân cảnh nhân vật chảy máu mũi từ trailer cho đến phim cũng không có cảnh cận, chỉ lướt thoáng qua làm mất cảm xúc của nhân vật trong phim vì khán giả cần xem nữ chính đối mặt với bệnh tình của mình như thế nào, đối diện thảng thốt hay bình thản mỉm cười rồi ngục gã trong sự tuyệt vọng, nhất là đoạn cuối phim cao trào xúc cảm của tình yêu … Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa mà không hề có cảnh cận bắt lấy cảm xúc là khoảng khắc đẹp nhất phim.
Cuối phim càng nực cười hơn, sau 3 năm, nam chính tốt nghiệp nghành y và trở thành bác sĩ mở phòng mạch riêng gần nhà mà hoàn cảnh gia đình lại không giàu (nên nhớ bảo lưu 1 năm học mà khi đó 19 tuổi đến 21 tuổi chứ mấy mà để tốt nghiệp trở thành bác sĩ chuyên khoa, có tiền mở phòng mạch riêng cần học hành, kinh nghiệm và tích lũy tiền trong một thời gian dài). Khoảng thời gian 3 năm chưa đủ để nhân vật Kai trưởng thành hơn vì trong dáng dấp vẫn thư sinh. Thay vì cảnh bà ngoại đi rao khắp chợ cháu trai mở phòng mạch kêu gọi mọi người quen ghé ủng hộ (cứ như mong mỏi nhiều người bệnh để phòng mạch của cháu trai được đắt khách), bằng cảnh Kai trở thành bác sĩ trong phòng mạch đang khám chữa, bệnh hay cứu người. Rồi cô bạn thân (nhân vật Les) của bạn gái đã mất nay trở thành y tá và hộ lý cùng với người tình mà không biết chuyên môn ở đâu ra hay tự tiện sắp đặt cho vui (không biết mua bằng hay dùng tiền để chạy việc).
Có thể nói đây là bộ phim khoa học giả tưởng thành công của phim Việt khi thành công trong việc đưa tình cảm lãng mạn, hiện đại của tuổi trẻ với cách sống buông thả bất cần đời lên màn ảnh rộng.
Đâu nhất thiết người sống trong nghịch cảnh phải u tối và buông thả như thế vì nhiều người có gia cảnh khắc nghiệt hơn nhưng họ vẫn phải sống phấn đấu và biết vươn lên vì “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn“, hơn thế nữa lại sống với bà ngoại yêu thương chăm sóc và lo lắng hết mực. Mình đã từng trải trong hoàn cảnh còn thê thảm hơn nam chính nhưng từ nhỏ sống với bà ngoại thì mình vẫn biết ơn và thương bà nhất thì càng không làm gì sai trái hay phải khuấy để phiền lòng bà, đối với mình bà là người thân duy nhất nếu không còn hay thiếu tình thương của cha mẹ.
Vâng triết lý cuối cùng mà phim mang đến thật củ chuối khi nhận ra làm bác sĩ để cứu người, kéo dài sự sống và niềm hy vọng cho bệnh nhân mà từ đầu cà hai nhân vật chính đều sống sai lầm và ích kỷ cho riêng mình.
Cái điều mà buồn cười nhất phim là lý do cô gái để ý chàng trai là khi thấy anh ta chăm sóc mẹ mình mà ở bệnh viện người nhà thăm nuôi bệnh nhân thì thiếu gì cảnh ấy, nhất là cô ta là tình nguyện viên trong nhóm từ thiện thì phải có suy nghĩ tích cực và cách sống đúng đắn. Khi cô ta biết mình mang bệnh nặng trong người thì trên hết là phải lo cho mình và người thân chứ rảnh thời gian đi nhìn việc người khác mà ước ao thèm khát điều phi lý khi cha mẹ cô yêu thương, chăm sóc, quan tâm cô hết mực. Hơn lúc này, cô gái hay tâm nguyện của người con chính là nguyên nhân hàn gắn rạn nứt cho tình cảm của cha mẹ cô vì không dành thời gian cho nhau mà lý do này cũng phi lý cho cặp đôi vợ chồng già ở với nhau có hai mặt con, phải chi có một cô gái lớn bị bệnh mà đổ thừa cho nhau vì không dành thời gian cho gia đình, chăm sóc con cái thì không nói.Trong khi có hai người con,và con gái út (lúc đầu nghĩ con riêng của người mẹ) cũng yêu thương người chị. Như thực tế ở ngoài đời thì cô còn dành thời gian để chai mặt, chây lỳ để đi cua trai nữa không?
Câu chuyện sẽ đẹp hơn nếu như lúc đầu giả định Rin đi chăm sóc cho bệnh nhi, người bệnh ung thư ở bệnh viên (hay miền quê) tình cờ Kai về quê hay được điều đi làm sinh viên y khoa thực tập tại nơi đó. Qua quá trình chăm sóc và đấu tranh giành sự sống cho bệnh nhân nên cả hai nhận ra điểm chung và mặt tích cực của cuộc sống nên quan tâm và yêu thương nhau hơn. Từ đó cặp đôi mới nghĩ về nhau và dành tình cảm của riêng mình cho nhau nhiều hơn. Nhưng khi biết bạn gái tạm trốn tránh mình càng khắc khoải và xót xa hơn khi cô gái mặc cảm và che giấu bệnh tình…
Nguồn: Mèo Ú Đôremon