Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa – Áng văn xúc cảm của tuổi trẻ

Đánh giá phim · PhucDu ·

Đơn giản chỉ là hành trình đi tìm lại chính mình và sống trọn vẹn như “chỉ còn một ngày” với nhau.

Tôi đọc Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa của Gào từ rất lâu rồi. Tập truyện ngắn đầu tay này của Gào (cũng như những tác phẩm sau đó) có những thế mạnh rất đặc trưng của cô nhà văn cá tính, những điều thu hút giới trẻ rất dữ dội. Thú thật, tôi không mấy thích các tác phẩm của Gào dù sự sáng tạo của cô ấy trong cốt truyện là rất rõ ràng. Truyện của Gào luôn có những hơi thở rất quyết liệt về tình yêu và tuổi trẻ, luôn là những con người với những vết thương chằng chịt đi tìm bình yên. Dù bộ phim điện ảnh của đạo diễn Văn Công Viễn lấy cảm hứng từ quyển sách này, chỉ giữ lại phần tựa đề và có một kịch bản khác nhưng cái tinh thần nguyên tác ấy của Gào vẫn còn nguyên vẹn, và nó tạo ra một sự lay động khá mạnh mà tác phẩm gốc chưa làm được.

Nội dung của bộ phim bạn có thể dễ dàng thấy qua trailer hay các bài giới thiệu, đơn giản chỉ là hành trình đi tìm lại chính mình và sống trọn vẹn như “chỉ còn một ngày” với nhau của Rin và Kai. Hai nhân vật chính là hai hình mẫu điển hình của giới trẻ trong thời đại mới – một anh chàng lúc nào cũng nghĩ rằng mình bị cả thế giới ruồng rẫy và một cô gái khỏe khoắn “mặt dày” mê trai đến bất chấp.

Rin có cả một “hồ sơ tuyệt mật” về Kai khá chi tiết sau khi vô tình thấy anh ở bệnh viện. Rin theo dõi Kai, chụp hàng tá tấm hình về anh chàng, thậm chí tìm ra facebook và gửi lời mời kết bạn, biết được cuộc sống của anh đang chao đảo như thế nào và muốn giúp anh thoát khỏi bóng tối ấy. Còn Kai, vì cái chết của cha mẹ mà trở thành một gã lông bông chỉ biết ngủ gật trong thư viện dù đang là sinh viên ngành Y. Kai cảm thấy tất cả mọi người, kể cả bà ngoại hay ông cậu rởm đời, lúc nào cũng bắt ép mình sống theo ý họ. Nhưng thật ra chỉ đến khi Rin xuất hiện và “bắt ép” Kai sống theo cách mà cô muốn thì Kai mới nhận thấy cuộc đời vẫn còn quá nhiều điều đẹp đẽ. Những ngày rong ruổi với Rin đi khắp “cùng trời cuối đất” đã dung dưỡng cho cả hai thứ tình cảm rất đặc biệt mà ở đó, bạn chính là thế giới của người kia. Để đến khi một hiểu lầm nào đó xảy ra, nếu chưa đủ vững vàng bạn sẽ chẳng biết đâu mới là sự thật. Sự thử thách này chính là những dư vị ngọt đắng rất quen thuộc mà chỉ những người đã sống qua thời tuổi trẻ thật nhiệt thành mới dễ dàng cảm thông.

Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay của Văn Công Viễn sau hàng loạt những dự án quảng cáo và truyền hình. Là phim điện ảnh thứ hai của Đình Hiếu và Jun Vũ sau Lật Mặt Phim Trường và Vẽ Đường Cho Yêu Chạy. Là một phim của những người trẻ, hướng đến giới trẻ và những quan niệm tích cực. Do đó dù phim vẫn còn rất nhiều những điểm dở thì vẫn có thể “du di” cho qua vì phần cảm xúc và cảm hứng trong phim được thể hiện khá tốt. Có một sự thật dễ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn chính là đừng nên so sánh phim Việt với bất cứ phim của nước nào trong giai đoạn này. Thị trường đang cần số lượng hơn chất lượng để có thể hình thành xác đáng nhất sự phân hóa trong thể loại. Bởi vậy, so với mặt bằng chung, dù Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa vẫn còn khá vụng về nhưng nó vẫn cho khán giả những cảm xúc chân thật.

Phim được chia ra làm hai phần rõ rệt với điểm mấu chốt là bi kịch ở đoạn cuối. Rõ ràng những tác phẩm lấy được nước mắt khán giả sẽ dễ dàng được cảm thông hơn là khiến họ phì cười. Rất may mắn khi Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa không bị mắc nhiều lỗi logic ngớ ngẩn, điểm yếu nhất trong khâu kịch bản chính là tình tiết khá cũ cùng những lỗi dựng phim. Còn lại những mảng miếng hài hước, chính kịch, bi kịch hay cả những thông điệp đều được đưa vào vừa vặn. Khi Kai và Rin đến với nhau ở phần đầu, cả biên kịch – đạo diễn – diễn viên đều chưa tạo được sự nhịp nhàng. Khán giả dường như phải mặc định chấp nhận rằng nhân vật này là như thế qua những dòng nhật kí của Rin và những khuôn hình mang tính giới thiệu khá rời rạc. Hai diễn viên chính cũng khá chật vật để tạo ra sự ăn ý trong diễn xuất vì tương quan ngoại hình cũng như kịch bản thiếu điểm nhấn. Tuy nhiên, những câu chuyện bên lề của các nhân vật phụ lại bổ sung khá tốt để chuyện phim chính được duy trì đến đoạn quan trọng. Sau những cuộc hội thoại gượng gạo và những màn trao tình không mấy thuyết phục, cuối cùng thì Rin và Kai đã có những giây phút thăng hoa thật sự ở phần sau của phim, khi họ sắp chia xa.

Công bằng mà nói, cả Jun Vũ và Đình Hiếu đều tròn vai. Họa chăng sự vụng về của họ ở phần đầu là do còn non kinh nghiệm với điện ảnh nên không thể dùng diễn xuất để lấp liếm một kịch bản chưa ấn tượng. Nhưng đến đoạn sau, khi mọi thứ đi vào quỹ đạo, các tình tiết được giải quyết êm đẹp thì sự hóa thân của họ cũng đầy đặn hơn nhiều. Jun Vũ phải biến hóa giữa hai hình tượng đối lập ở đầu và cuối, xen lẫn một vài đoạn ngổ ngáo (như đoạn ở quán bar), nhìn chung là ổn. Năm ngoái khi Jun Vũ sắm vai cô gái cung Song Ngư lúc nào cũng lưỡng lự, hay khóc lóc nhưng lại chinh phục khán giả bằng vẻ đẹp rất trong sáng trong Vẽ Đường Cho Yêu Chạy thì năm nay cô đã có một vai gần với cá tính thật của mình hơn – một nhân vật mạnh mẽ. Đình Hiếu có phần nhạt nhòa hơn, chưa thể bứt ra hoàn toàn khỏi hình ảnh anh bán bánh giò chung quy cũng vì nhân vật này một màu. Nhưng khán giả đã có thể khám phá ra một vài mặt rất đáng yêu của anh chàng trong những phân đoạn đòi hỏi sự ngây ngô dù những đoạn này chỉ làm cho nhân vật Kai trở nên khó hiểu. Dàn diễn viên phụ như nghệ sĩ Lê Thiện, Quang Minh, Hồng Đào, Khả Như, Kiều Minh Tuấn đều làm tốt nhiệm vụ bổ trợ cảm xúc cho câu chuyện được tròn trịa.

Như đã nói ở trên, điều khiến tôi có cảm tình với bộ phim này không gì khác chính là cảm xúc và những thông điệp. Rin là một người không may mắn nhưng sự quan sát mà cô dành cho cuộc sống lại rất tinh tế. Vì thế mà Rin giấu những mảng màu đen của mình vào trong, khóa lại bằng sự năng động của một cô gái chưa tròn đôi mươi. Rin xây dựng cho mình một hình tượng lạc quan như cách mà cô nhìn nhận về mọi thứ trong cuộc đời: những gì mình thấy chưa chắc đã là tất cả, vì mắt chỉ nhìn thấy những gì bộ não muốn thấy. Rin chính là con đom đóm nhỏ bé đã thắp sáng quãng trời đen kịt của Kai, dù đến mai ánh sáng ấy sẽ tắt ngúm. Rin đã soi đường cho cả bản thân mình, cho Kai tìm được lẽ sống đúng đắn. Dù đôi khi chính Rin cũng bị bộ não của mình che mờ trong sự hỗn độn của gia đình. Chẳng ai hoàn hảo, và nếu có ai đó giúp ta nhận ra ta đang sai lầm cái gì thì sẽ tốt biết bao. Như Kai đã nhận ra những gì mình trải qua không phải là nỗi đau dữ dội nhất của nhân loại nhờ có Rin, rồi chính Kai đã bình tĩnh soi xét con tim mình để đưa nó về đúng ngã đường nó nên đi. Có thể cuộc sống không bao giờ hồng hào dù chúng ta có nỗ lực và đặt hết hy vọng vào nó, nhưng nếu không cố gắng và bao dung thì ta sẽ chẳng bao giờ tha thứ được cho chính mình. Đoạn kết của phim là một bi kịch, nhưng cái hay ho nhất chính là nó đã tạo ra một tâm trạng lạc quan cho những người ở lại. Bộ phim này cho tôi một cảm giác rất đáng quý như khi xem Chàng Trai Năm Ấy (đạo diễn Quang Huy). Trong phim ấy, cái tinh thần sống đẹp của Đình Phong không phải thứ khiến tôi xúc động nhiều nhất. Điều khiến tôi đã khóc hết năm lần bảy lượt trong rạp chính là đám cưới của Sky và một chàng trai khác ở đoạn cuối. Nó thực tế và đẹp đến đau lòng vì cuộc sống sẽ luôn xoay vòng và không bao giờ đứng lại. Những người đã mất sẽ luôn mong muốn một cuộc đời tích cực cho những người ở lại. Và Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa cũng mang cái tinh thần rất tích cực ấy. Bằng sự gắn kết của những xung đột, bằng tương lai sẽ rạng rỡ của Kai dù ở đó chẳng còn có Rin. Tôi đặc biệt thích cái cách mà Kai nghĩ về Rin, về cái tuổi 19 xinh đẹp mà Rin đã trải qua cùng anh dù nó rất ngắn ngủi.

Nếu bạn đang sống giữa giai đoạn trẻ trung nhất của cuộc đời, chắc chắn bạn sẽ được phim truyền cảm hứng ít nhiều. Còn nếu bạn đã đi qua cái thời vàng son ấy thì bạn sẽ thấy bộ phim này như một kỉ niệm đẹp và buồn man mác. Dù đã sống hết mình cho tuổi trẻ hay chưa thì quãng đời đã nằm lại trong quá khứ đó vẫn sáng đẹp như chú đom đóm lập lòe, vẫn quyết liệt như cô “kỉ nữ máu” luôn tìm cho mình những giọt máu thật sự thuộc về cô. Sự khiếm khuyết mang tính “chuyên ngành” trong bộ phim này là điều dễ dàng nhìn thấy. Nhưng sự rung cảm từ bên trong của mỗi người lại khác nhau do cộng hưởng từ những trải nghiệm riêng biệt. Bộ phim đã thành công trong việc tra lại chìa khóa vào những kí ức chưa hẳn đã bám bụi nhưng bấy lâu nay ta vẫn chưa muốn mở nó ra một lần nữa.