Còn đâu những giây phút gia đình quây quần xem phim truyền hình?

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Những ngày lễ, ngày cuối tuần hay những buổi tối sau một ngày làm việc mệt mỏi, người ta lại chuộng việc xem phim ở ngoài rạp để có được trải nghiệm xem phim mới mẻ và đầy tính giải trí hơn.

Có rất nhiều cách đơn giản để giữ lửa hạnh phúc cho gia đình, một trong số đó là cùng nhau quây quần xem phim truyền hình mỗi tối. Thế nhưng, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và kĩ thuật số, thói quen và gu thưởng thức phim của khán giả cũng có nhiều thay đổi. Cuộc sống hiện đại, người người đều bận rộn với công việc riêng, thời gian dành riêng cho gia đình cũng ít đi, đặc biệt là những khoảnh khắc cùng nhau xem một bộ phim dài tập hay chương trình truyền hình.

Những ngày xưa cũ khi TVB còn "thống trị" màn ảnh nhỏ châu Á

Thập niên 80 - 90 được xem là thời kỳ huy hoàng của phim ảnh Hồng Kông nói chung và TVB nói riêng, khi các phim truyền hình được sản xuất vào giai đoạn này đều tăng vọt cả về số lượng lẫn chất lượng. Sự phát triển mạnh mẽ của TVB đã ảnh hưởng rất lớn đến các nước trong khu vực châu Á và dĩ nhiên là không thể thiếu Việt Nam. Những phim truyền hình xuất sắc nhất ở thời kỳ này phải kể đến là Bến Thượng Hải (1980), Anh Hùng Xạ Điêu (1994), Tiếu Ngạo Giang Hồ (1996),  Thần Điêu Đại Hiệp (1995), Thiên Long Bát Bộ (1996)... Không chỉ được phát sóng ở Hồng Kông mà các phim này còn được lan truyền và làm mưa làm gió tại Việt Nam. Tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X gắn liền với các phim truyền hình này. Thời kỳ háo hức thuê băng đĩa về nhà xem cùng gia đình, bạn bè hay xem "ké" nhà hàng xóm đã trở thành kỷ niệm xưa cũ đẹp đẽ của nhiều người.

Phim ảnh Hồng Kông thoái trào, truyền hình Hàn Quốc bắt đầu nở rộ

Sau khi nền công nghiệp phim ảnh Hồng Kông dần thoái trào, làn sóng văn hoá Hàn Quốc bắt đầu lan truyền đến Việt Nam và phim truyền hình của Hàn cũng nở rộ vào đầu những năm 2000. Những phim nổi đình nổi đám lúc bấy giờ phần lớn là các phim tình cảm lãng mạn và cảm động. Lúc bấy giờ kỹ thuật số và Internet vẫn chưa thịnh hành, trung bình mỗi nhà chỉ có một chiếc TV, số kênh truyền hình của nước ta cũng chưa đa dạng, chủ yếu là các kênh của VTV và của một vài tỉnh miền Tây. Vì thế phim truyền hình Hàn Quốc thống lĩnh hầu hết thời lượng của các chương trình truyền hình trên màn ảnh nhỏ, và mỗi lần xem phim đều hội tụ đủ các thành viên trong gia đình (có khi còn có cả nhà hàng xóm). 

Những ai đã trải qua giai đoạn này chắc hẳn còn nhớ những phim đình đám như Trái Tim Mùa Thu (2000), Giày Thuỷ Tinh (2002), Mối Tình Đầu (1996), Nấc Thang Lên Thiên Đường (2003), Nàng Dae Jang Geum (2003)... Đây còn là giai đoạn sản sinh ra nhiều diễn viên khiến khán giả phát cuồng, nhiều người vẫn còn nổi tiếng cho đến tận bây giờ như Cha In Pyo, Choi Ji Woo, Song Hye Kyo, Bi Rain, Jang Dong Gun...  Những câu chuyện tình yêu màu hồng, đẹp như truyện cổ tích nhưng cũng đầy sướt mướt, cùng với dàn diễn viên toàn trai xinh gái đẹp, trang phục đẹp mắt và cảnh quay đẹp lung linh đã góp phần giúp phim Hàn hấp dẫn đối với khán giả và khiến họ phải đứng ngồi không yên để chờ đợi tập tiếp theo được phát sóng. 

Thế nhưng, motif quen thuộc cùng với kịch bản không có gì mới mẻ, đến nỗi khán giả có thể đọc "vanh vách" hay đoán trước được cái kết khiến phim truyền hình Hàn Quốc dần trở nên nhàm chán. Khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2009, phim Hàn Quốc không còn đủ sức "hô phong hoán vũ" như trước nữa mà nhường chỗ cho các phim thần tượng của Đài Loan như Hoàng Tử Ếch (2005), Thơ Ngây (2005), Tình Cờ (2006), Định Mệnh Anh Yêu Em (2008)... Tuy nhiên, từ đầu năm 2009, phim truyền hình Hàn Quốc trở lại và còn lợi hại hơn xưa gấp chục lần khi có sự cải tiến cả về kịch bản, trang phục và diễn viên. Boys Over Flowers (Vườn Sao Băng) - bộ phim được remake từ Vườn Sau Băng của Đài Loan đã mở đầu thời kỳ bùng nổ mới của phim Hàn kéo dài cho đến hiện tại. 

Phim truyền hình của các nước châu Á vẫn bùng nổ, nhưng những kỉ niệm đẹp như lúc xưa đã không còn

Ở thời điểm hiện tại, không chỉ có phim truyền hình của Hàn Quốc lên ngôi mà còn có sự xuất hiện của phim truyền hình Trung Quốc (đặc biệt là thể loại ngôn tình), Thái Lan, Ấn Độ. Các phim bộ của Hàn trong những năm gần đây có nội dung, kịch bản không ngừng sáng tạo, diễn viên có nhan sắc không hề kém cạnh thế hệ của các thập kỉ trước, trang phục, phụ kiện thì cực kỳ thời thượng và đẹp mắt. Chính vì thế phim Hàn Quốc ngày càng thu hút được giới trẻ và không bao giờ sợ bị ế. Thế nhưng, cho dù phim truyền hình Hàn Quốc có phát triển cỡ nào thì việc cả gia đình quây quần cùng nhau xem phim trên chiếc TV như lúc xưa đã không còn.

Tuy phim Hàn vẫn đang phát triển mạnh nhưng các phim đình đám như Hậu Duệ Mặt Trời, Vì Sao Đưa Anh Tới, Hoàng Tử Gác Mái,  Cô Gái Thấy Mùi Hương... chỉ đánh vào gu xem phim của giới trẻ chứ không còn sức hút với nhiều độ tuổi và phù hợp cho cả gia đình cùng nhau xem như lúc trước. Hiếm lắm mới có một bộ phim Hàn phù hợp cho cả đình cùng thưởng thức như Gia Đình Là Số Một. Ngoài ra, phim truyền hình Trung Quốc được chuyển thể từ kho tiểu thuyết ngôn tình phong phú cũng đang chiếm được một lượng fan Việt hùng hậu. Những phim như Sam Sam Đến Rồi, Bên Nhau Trọn Đời, Hoa Thiên Cốt, Hãy Nhắm Mắt Khi Anh Đến... đều gây tiếng vang lớn khi được phát sóng, tuy chưa đủ mạnh để trở thành trào lưu như phim Hàn nhưng đây cũng là thể loại rất có tiềm năng.

Bên cạnh đó, sự phát triển và lan truyền mạnh mẽ của Internet, các ứng dụng công nghệ hiện đại như smart phone, laptop, tablet khiến cho chiếc tivi không còn sức hút như xưa nữa. Giờ đây mỗi lần muốn xem phim, hầu như ai cũng có thể dùng điện thoại hay laptop để lên mạng tự xem một mình, những khoảnh khắc cả nhà quây quần trước màn hình tivi cũng không còn. Hơn thế nữa, đa số các kênh truyền hình Việt Nam hiện giờ không còn phát sóng nhiều phim hay như trước, mà thay vào đó là những phim dài lê thê cả nghìn tập của Đài Loan và Ấn Độ hoặc những phim truyền hình nhạt nhẽo cuả Việt Nam. Hầu như những phim này chỉ phục vụ được nhu cầu giải trí đơn thuần của những bà nội trợ tại gia chứ không thể đáp ứng được gu xem phim của giới trẻ bây giờ.

Hệ thống của nhiều rạp chiếu phim cũng ngày càng được nâng cấp, việc đi xem phim ngoài rạp ngày càng tiện lợi hơn và lựa chọn hình thức để giải trí cũng đa dạng hơn, không còn bị bó hẹp với chiếc tivi như ngày trước. Những ngày lễ, ngày cuối tuần hay những buổi tối sau một ngày làm việc mệt mỏi, thay vì về nhà xem những phim truyền hình mà có thể xem lại bất kỳ lúc nào trên mạng, người ta lại chuộng việc xem phim ở ngoài rạp để có được trải nghiệm xem phim mới mẻ và đầy tính giải trí hơn. 

Tình trạng cả gia đình cùng nhau xem phim trước TV ngày càng khan hiếm đã là quy luật tất yếu khi công nghệ và Internet ngày càng phát triển. Liệu smart phone, laptop và hệ thống rạp phim một ngày nào đó sẽ hoàn toàn thay thế chiếc TV trong mỗi gia đình?