David Lynch và những giấc mơ trên màn ảnh
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Maii ·
David Lynch là nhà làm phim nổi tiếng với phong cách siêu thực, sở hữu nhiều tác phẩm có phần thách thức người xem như Eraserhead, The Elephant Man, Mulholland Drive...
Ai đam mê dòng phim siêu thực hẳn cũng biết đến cái tên David Lynch. Sở hữu nhiều tác phẩm nổi tiếng như Eraserhead, Mulholland Drive, Blue Velvet, The Elephant Man, Twin Peaks… vị đạo diễn/biên kịch người Mỹ không chỉ được giới phê bình yêu thích mà còn được nhiều khán giả ngưỡng mộ vì những bộ phim đầy tính sáng tạo và thách thức người xem.
Lớn lên trong một gia đình có cha là nhà khoa học, mẹ là cô giáo dạy tiếng Anh, có lẽ chẳng ai nghĩ rằng chàng David Lynch nổi loạn sau này sẽ trở thành một trong những nhà làm phim nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh. Lynch đến với phim thông qua âm thanh và những bức tranh đầy màu sắc. Ông từng chia sẻ rằng khi đang họa một người phụ nữ trong khu vườn, ông chợt nghe thấy tiếng gió thổi, và bức tranh bắt đầu chuyển động. Hoặc như khi ông từng bắt gặp một người phụ nữ khỏa thân với khuôn miệng đầy máu bước đi trên đường rồi sau đó biến mất.
Những trải nghiệm lạ kỳ này có thể góp phần tạo nên bước đi đầu tiên, viên gạch đầu tiên để ông xây nên sự nghiệp làm phim với những câu chuyện hư ảo giữa mơ và thực, phá vỡ mọi cấu trúc kể chuyện điển hình trong điện ảnh. Memento hay Pulp Fiction có thể là những phim chuẩn mực về lối kể chuyện phi tuyến tính, nhưng phim của David Lynch (trừ The Straight Story không do ông viết kịch bản) thậm chí còn vượt lên trên cả sự phi tuyến tính, cho thấy một phong cách làm phim có phần ngẫu hứng nhưng vẫn mang lớp lang rõ ràng và chú trọng vào cảm xúc nhiều hơn mạch truyện.
Phim của David Lynch thường thiếu yếu tố tường thuật. Nó không mang tính giải thích nhiều và luôn có sự kết nối yếu ớt giữa các tình tiết, tùy thuộc vào cách hiểu của người xem. Mulholland Drive là phim tiêu biểu nhất cho phong cách đó. Bao nhiêu phần trăm trong Mulholland Drive là thật, đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc của giấc mơ? Chẳng ai biết, và ông cũng không muốn giải thích bởi ông cho rằng người xem phải tự đi tìm trải nghiệm và cảm xúc riêng của mình trong đó.
Độc đáo, kỳ ảo nhưng cũng không kém phần ghê rợn, bạo lực và ám ảnh, phim của ông làm không hiếm người nghĩ rằng David Lynch hẳn phải là một nhà làm phim với tâm hồn đầy sóng gió và đau khổ, mới có thể tạo nên những tác phẩm tăm tối như thế. Tuy vậy, trong triết lý làm phim của mình và trong những dòng tự sự về cuộc đời, về cách ông tiếp cận nghệ thuật, ông không cho rằng làm nghệ thuật là phải đau khổ, phải quằn mình bám lấy những cảm xúc tiêu cực bởi quá trình bị áp lực đè nặng, vượt qua sức chịu đựng của con người có thể gây hại cho quá trình sáng tạo.
Ông có những kiểu làm phim rất độc đáo (đôi khi có thể hơi khó hiểu với nhiều người). Chẳng hạn như với Eraserhead – phim kinh dị siêu thực đầu tay mà ông đã mất 5 năm để hoàn thành, David Lynch không chắc bản thân hiểu rõ toàn bộ ý nghĩa của phim là gì khi nó đang thành hình. Vật lộn mãi như thế, ông quyết định giở cuốn Kinh thánh ra đọc, cho đến một ngày, ông đọc một dòng trong cuốn Kinh và chợt hiểu bộ phim của mình một cách toàn vẹn nhất. Từ đó, một trong những tác phẩm rùng rợn và được người xem đánh giá cao nhất của David Lynch ra đời. Thiếu kinh phí để thực hiện, ông vừa đi làm thêm, vừa để dành tiền để quay từng cảnh nhỏ. Chỉ riêng cảnh nhân vật Jack bước qua cánh cửa cũng đã phải mất 1 năm 6 tháng mới hoàn thành. Nhưng sự kiên trì và tầm nhìn đã giúp ông vượt qua. Trong ông luôn có một khao khát gắn với nghệ thuật và việc làm phim luôn được đặt lên hàng đầu.
Những khoảnh khắc ngẫu hứng ảnh hưởng xuyên suốt phim của David Lynch, không nhất quán, nhưng tựa hồ lại góp phần định hình nền điện ảnh sau khoảng 40 năm với hơn 10 bộ phim trong sự nghiệp. Khi thực hiện Blue Velvet, ông viết 4 bản nháp kịch bản khác nhau và gặp vấn đề với kết thúc của nó. Cho tới một ngày, ông đến văn phòng vì có cuộc hẹn, và bỗng dưng chợt nhớ ra một giấc mơ mình có đêm trước. Thế là ông hỏi mượn thư ký một tờ giấy và ý tưởng cho một kịch bản hoàn chỉnh được hình thành. Inland Empire thì thậm chí còn chẳng có kịch bản, ông sẽ viết từng cảnh và quay từng đoạn, cũng chẳng biết kết thúc thực sự là gì, cuối cùng chúng ta có một bộ phim rùng rợn (và khó hiểu) khác.
David Lynch mang đến cho các nhà làm phim trẻ sau này những bài học về tầm quan trọng của âm thanh, hình ảnh kết hợp với bối cảnh để tạo nên không khí, tạo nên tông và cảm xúc. Với ông, các yếu tố này được đẩy lên mức tối đa. Làm việc với nhà soạn nhạc Angelo Badalamenti lâu năm, ông chia sẻ một kiểu làm việc rất thú vị rằng ông sẽ nói một điều gì đó, Angelo sẽ chơi lại điều ông nói dưới dạng một đoạn nhạc. Thỉnh thoảng, Angelo sẽ bắt được một ý tưởng mà Lynch cảm thấy tuyệt vời và ông sẽ tiếp tục đưa bài nhạc đó đi đúng hướng.
Phim cũng giống như âm nhạc. Chúng có thể rất mơ hồ, nhưng người ta vẫn tìm kiếm một cách hiểu, cố gắng hiểu nó bằng lời, diễn giải nó, và khi không thể làm được điều đó, họ trở nên khó chịu. David Lynch khẳng định rằng bằng việc bàn luận bộ phim với người khác, trao đổi ý tưởng, họ có thể dần đi đến một kết luận riêng cho mình. Phim của ông, hoặc là người ta sẽ rất thích, hoặc người ta sẽ rất ghét, và kể cả những ai là fan của David Lynch cũng chưa chắc có thể khẳng định mình hiểu hết các phim của vị đạo diễn. Đối với ông, điện ảnh có ngôn ngữ riêng, và nếu một nhà làm phim phải diễn giải bộ phim, điện ảnh sẽ mất đi phép màu và tính diệu kỳ của nó. Đừng nghĩ quá nhiều đến logic khi xem phim của Lynch, bởi ông chú trọng tính toàn vẹn, sự hòa hợp, không phải lý trí.
Có một giả thuyết cho rằng Lynch không phải lúc nào cũng hiểu các yếu tố trong bộ phim mà mình dựng nên. Nhưng thực tế là khi ý tưởng xuất hiện, ông không biết nó có ý nghĩa là gì, nên ông sẽ suy nghĩ về nó, giải mã ý tưởng đó và tìm câu trả lời. Khi một câu chuyện của David Lynch xuất hiện trên màn ảnh, ông không nghĩ đến những điểm mấu chốt trong câu chuyện hay cấu trúc, mà nghĩ nhiều đến cảm xúc và để trực giác dẫn dắt, đồng thời cố gắng thể hiện đúng ý tưởng xuất hiện trong đầu.
Ý tưởng với ông cũng giống như những con cá. Con cá nhỏ thì lượn lờ gần mặt nước, nhưng những con cá to thì bơi dưới tầng nước sâu. Để bắt được những con cá lớn đắt giá đó, bạn sẽ phải lặn sâu xuống tầng nước đó và tìm kiếm. Các mảnh ghép ý tưởng ban đầu xuất hiện rời rạc, hầu như vô nghĩa, nhưng dần dần, khi nắm bắt được quy luật của các mảnh ghép đó, ông có một ý tưởng thành hình. Vì thế mà ông cực kỳ chú trọng việc đạo diễn có quyền được làm phim theo hướng đi của mình.
Trong ngành công nghiệp phim ảnh, không phải lúc nào điều đó cũng là điều khả thi. Dune, phim chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Xứ Cát, là một trong những thất bại của David Lynch khi ông không được quyền biên tập bản dựng hoàn chỉnh vì áp lực từ nhà sản xuất và studio. Một bộ phim đi theo ý tưởng của đạo diễn và thất bại, họ vẫn có thể sống với trải nghiệm đó. Nhưng một bộ phim không theo ý tưởng của đạo diễn và thất bại, trải nghiệm đó sẽ mang đến sự cay đắng và đau khổ gấp đôi. Vì những trải nghiệm này mà nhiều người đã bỏ làm phim, đã quay lưng với sáng tạo và làm ra những tác phẩm lười biếng về nội dung. Với Dune, ông cảm thấy như mình đã chạm đáy sự nghiệp. Tuy vậy, sau trải nghiệm tồi tệ đó, ông đã trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết với những phim mang tầm cao mới như Twin Peaks, Lost Highway hay Mulholland Drive.
Trong thời đại phim ảnh ngày nay, ông nhận thức được phim của mình sẽ chẳng thể nào chạm đến được người xem qua màn ảnh rộng một cách sâu sắc, vì thế ông bằng lòng và yêu thích việc kể chuyện qua màn ảnh nhỏ như Twin Peaks: The Return trên đài Showtime năm 2017, phim ngắn What Did Jack Do? trên Netflix và những dự án khác mà ông thích.
Sống vì phim, hay nói đúng hơn là sống vì nghệ thuật, ông không lo bộ phim của mình sẽ được đón nhận thế nào, bởi nếu suy nghĩ quá sâu về nó, về việc nó sẽ làm tổn thương người này, tổn thương người kia, hoặc họ sẽ cảm thấy thế nào về bộ phim… thì sẽ chẳng còn ai làm phim nữa. Vậy nên, David Lynch chỉ làm những gì mình thích và không bao giờ biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Nguồn: Theo The Guardian, Catching The Big Fish