Điện ảnh kinh dị Á Đông mất gì sau mỗi lần remake?

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

Phim kinh dị Á Đông là mảnh đất màu mỡ mà Hollywood luôn muốn khai thác qua mỗi lần remake.

Remake là việc có từ rất lâu ở Hollywood, bên cạnh việc liên tục bơm tiền cho các phần tiếp theo, tiền truyện hay hậu truyện. Phương thức này vẫn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim ảnh giữ sức sống cho một thương hiệu điện ảnh lâu đời, nhưng quan trọng hơn, đây sự lựa chọn rẻ bèo để kiếm doanh thu dễ dàng. 

Ảnh: The Independent
Ảnh: The Independent

Đối với phim ảnh nói chung và phim kinh dị nói riêng, lợi nhuận luôn là lý do đẩy các studio đến với lựa chọn remake – làm lại – một bộ phim nào đó thường có tuổi thọ lên đến vài thập kỷ. Việc nảy ra một ý tưởng kinh dị mới mẻ và biến nó thành một bộ phim ăn khách không phải là một chuyện dễ ở Hollywood ngày nay. Hầu hết mọi điều đặc biệt ở mọi thể loại phim ảnh đã được đưa lên màn ảnh. Mọi khuôn mẫu và công thức từ lãng mạn đến ly kỳ đến đẫm máu đều đã được sử dụng. Phim ảnh hiện đại giờ đây là một tấm gương phản chiếu hào quang của một thời đã qua, khi người xem vẫn khiếp sợ trước một con quái vật được tạo nên từ kỹ thuật trang điểm hay một cái bóng ẩn khuất ở góc phòng. 

Trào lưu làm lại các dự án có tiếng như một cách làm mới lại các chủ đề và thêm vào nền điện ảnh chung sự đa dạng mà không phải lo sợ quá nhiều các rủi ro. Tại sao phải bắt đầu một quá trình lên ý tưởng vừa dài vừa tốn kém trong khi các studio chỉ việc trả một khoản tiền vừa phải để thuê một biên kịch cải biên một số chi tiết. Hơn nữa, các dự án gốc nổi tiếng còn có sẵn một mạng lưới người hâm mộ sẵn sàng trả tiền để xem phiên bản remake để thỏa mãn trí tò mò, tâm lý so sánh, và nhiều khi cũng là để thỏa cảm giác hoài niệm. Đối với những ai chưa từng xem phim gốc, thì dự án mới chỉ là một bộ phim thông thường khác để giải trí. Dĩ nhiên, quá trình quảng bá cũng dễ dàng hơn nhiều. 

Remake không phải công việc nhận được nhiều cảm tình. Nó như một hành động thể hiện sự lười biếng của những cá nhân làm việc trong ngành nghề sáng tạo như làm phim. Nhưng về cơ bản, đây vẫn nằm trong số lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất khi đến lúc phải kiếm tiền đưa về công ty. Vấn đề của việc remake là tiêu chuẩn trung bình luôn đi kèm với các dự án này.

Không phải dự án remake nào cũng xuất sắc và cũng không dự án remake nào cũng dở tệ. Chúng thường dừng lại ở mức độ coi được. Bỏ qua việc so sánh với bản gốc, chúng đều có kịch bản tương đối chỉnh chu, diễn xuất tròn trịa và câu chuyện ba hồi hợp lý. Disney là ví dụ điển hình với các dự án The Lion King (2019), Cinderella (2015), Beauty and the Beast (2017), Aladin (2019). Nên việc remake không nhất thiết có hại cho điện ảnh. Thế nhưng, bên dưới nỗi hoài niệm và tò mò dường như là nỗi lòng bị vắt sữa của người xem khi chứng kiến phiên bản làm lại không có một điểm sáng tạo mới mẻ nào.

Phim kinh dị không nằm ngoài phạm vi trên. Mặc dù nhiều dự án remake được làm ấn tượng không kém cạnh bản gốc như Suspiria (2018) có thể làm sống lại câu chuyện của hội phù thủy đội lốt trường dạy nhảy mà không đánh đổi nét nghệ thuật và cách kể chuyện ma mị của bản gốc, My Bloody Valentine (2009) – phần làm lại của bộ phim cùng tên ra mắt vào 1981 – cũng có chất lượng không tệ, Let Me In (2010) – phiên bản remake của bộ phim Thụy Điển Let the Right One In (2008) – nhận được lời khen tích cực, những dự án remake tầm tầm không đặc sắc vẫn chiếm đa số trong danh sách phim kinh dị làm lại. Tuy nhiên, khi nói đến phim kinh dị đến từ phương Đông, vấn đề lại nằm ở chỗ khác. 

<em>The Grudge (2006) </em>(Ảnh: Cinema Slack Review)
The Grudge (2006) (Ảnh: Cinema Slack Review)

Dòng phim kinh dị Á Đông được ưa thích hơn cả cho việc remake là điện ảnh kinh dị Nhật Bản. Những năm 2000 đầu là giai đoạn bùng nổ của xu hướng làm lại phim kinh dị Nhật. Trước đó vài năm, Ringu (1998) xâm nhập vào thị trường phim ảnh Mỹ và lập tức gây nên cơn sốt kinh dị Nhật ở đây, thúc đẩy Sony mua bản quyền và cho ra đời remake The Ring (2002). Thành công của The Ring (2002) tạo sự tự tin cho các studio Mỹ để tiếp tục làm lại hàng loạt các dự án kinh dị Nhật (J-horror) gồm The Grudge (2004), remake của Ju On: The Grudge (2002), Dark Water (2005)/Dark Water (2002), Pulse (2006)/Kairo (2001), One Missed Call (2006)/One Missed Call (2003). Ngoài ra, Hollywood còn remake Shutter (2008) từ Shutter (2004) đến từ Thái Lan, The Eye (2008)/The Eye (2002) của Hồng Kông và The Uninvited (2010), remake của A Tale of Two Sisters (2003) của Hàn Quốc.

So với thành công phòng vé, các dự án remake đều không được lòng giới phê bình và một bộ phận khán giả là những người hâm mộ bản gốc hoặc đã xem qua bản gốc. Nhìn chung, đây là yếu điểm mà các dự án remake kinh dị Á đều gặp phải. Tương tự như ý tưởng tiêu diệt của phương Tây và tôn thờ của phương Đông khi nói đến những con rồng, phim kinh dị của hai bên hình thành những nét riêng biệt nhiều khi không dễ để truyền tải.

<em>The Uninvited (2009) </em>(Ảnh: Phim Hay)
The Uninvited (2009) (Ảnh: Phim Hay)

Phim kinh dị châu Á gắn liền bản sắc của chúng với các giá trị tâm linh của đất nước sản xuất ra chúng. Tín ngưỡng tâm linh của các nước Á Đông lại gắn liền với gia đình, cộng đồng, mê tín dị đoan và tín ngưỡng dân gian, trong khi bên kia đại dương lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thiên Chúa Giáo. Ví dụ, phù thủy đối với người Mỹ và châu Âu là tai họa, trong khi đối với một số dân tộc Á, họ, còn được gọi là pháp sư, lại đại diện cho thế lực hùng mạnh cần phải nể trọng. 

Nỗi sợ mà phim kinh dị châu Á muốn gieo rắc lại nằm ở môi trường được xây dựng cho bộ phim. Nó thấm nhuần vào mọi chi tiết trong phim, từ tủ quần áo cho đến bức tường vô tri vô giác. Nhưng sẽ không có, hoặc rất ít, hồn ma nào nhảy ra hù dọa nhân vật hay người xem. Thay vào đó là nỗi bất an không dứt hiện hữu suốt cả bộ phim. Trong khi phim kinh dị Hollywood lại thích chơi trò hù dọa nhiều hơn. Các phim kinh dị Âu-Mỹ lấy cảm hứng từ Kinh Thánh hoặc các câu truyện ma về ngôi nhà ma ám, lời nguyền, nhưng nỗi sợ ma của dân tộc châu Á lại đến từ những việc gần gũi với cuộc sống của họ, càng gần càng đáng sợ. Đó là lý do mà phần lớn phim kinh dị Á thường xoay quanh gia đình, nhà, truyện dân gian và trường học - thay cho tôn giáo, Kinh Thánh, và những kẻ giết người hàng loạt.

Phim kinh dị châu Á cũng có cái nhìn rất khác về những hồn ma. Họ không thực sự định hình tốt xấu rạch ròi như phương Tây. Chúng thường xuất phát từ các bi kịch trong cuộc sống. Thậm chí, tai nạn xe cộ cũng có thể làm linh hồn người chết luôn lảng vảng mãi quanh ngã đường mình đã bỏ mình lúc còn sống. 

<em>Shutter (2004) </em>(Ảnh: IMDb)
Shutter (2004) (Ảnh: IMDb)

Cho nên, thay vì là một hình tượng đòi hỏi các nghi thức trục xuất, các hồn ma là một phần trong cuộc sống của người châu Á, lang thang ở nhân thế cho đến khi họ đạt được mục đích và siêu thoát. Nếu họ không làm hại con người, người ta cũng không xung đột với họ, nhưng gây thù với họ là chuyện khác (Shutter (2004)). Quan niệm này là nền tảng cho những lời dặn kiêng cữ một số việc trong sinh hoạt hằng ngày được truyền miệng nhiều đời trong gia đình Á Đông, chẳng hạn như không được gõ vào chén dĩa khi ăn hay mở dù trong nhà, vì những hồn ma lang thang sẽ bị thu hút và có chỗ trú trong nhà của gia chủ. Các quan niệm này thổi hồn cho các phim như The Eye 3 (2005), 13 Terrors (2014).

Dĩ nhiên, 2 nền văn hóa đều có sự tương đồng đáng kể. Cả hai đều không thân thiện mấy với búp bê, bùa ngải và lời nguyền, những con số cấm kỵ, và giác quan phi thường. Việc chia sẻ các điểm tương đồng làm các bộ phim gốc dễ làm lại hơn - The Grudge. Nhưng các chi tiết thuần Á sâu sắc đều bị đơn giản hóa hoặc lược bỏ đi bớt. Yếu tố xã hội là nạn nhân thường xuyên của hành động này.

<em>13 Terrors (2014) </em>(Ảnh: Netflix)
13 Terrors (2014) (Ảnh: Netflix)

Văn hóa tế nhị đặc thù làm các nhà làm phim Á thích việc lồng ghép và ám chỉ trong phim của họ hơn là nói thẳng ra như các nhà làm phim phương Tây. Ringu (1998) không chỉ là một bộ phim ma, mà nó còn là tấm gương phản chiếu nỗi sợ hãi công nghệ của người Nhật thời bấy giờ và sự xung đột giữa truyền thống với làn sóng hiện đại hóa. Người mẹ của ma nữ Sadako lại nói lên vấn nạn bạo hành phụ nữ. Dark Water (2002) lại nói lên sự thay đổi vai trò xã hội của phụ nữ Nhật.

Về nhánh tâm lý kinh dị, A Tale of Two Sisters là câu chuyện bi kịch của gia đình tan vỡ, nhưng nó cũng nói lên sự tuần hoàn của nhân quả. Điều quan trọng hơn là bộ phim lột tả nhiều gam màu xám trong nhân cách con người. Phiên bản gốc không lập nên ranh giới tốt xấu rõ ràng mà nhấn mạnh thông điệp ai cũng có thể làm nên những chuyện tồi tệ và hậu quả sinh ra từ những hành động đó. Thế mà The Uninvited lại lượt bỏ hoàn toàn yếu tố này bằng cách đặt nhân vật vào vùng trắng đen rõ ràng để làm bộ phim thành một câu chuyện về hiểu nhầm và bệnh tâm lý đơn thuần.

Mọi thành tố trong phim kinh dị Á đều có vai trò và ý nghĩa của nó, nhằm phục vụ một bức tranh xã hội toàn cảnh sâu rộng ẩn sau câu chuyện của nhân vật chính (gần đây nhất là Parasite (2019)). Các dự án remake lại không thể lột tả được điều này. Qua tay Hollywood, Ringu trở thành câu chuyện hạt nhân về hai mẹ con bị nguyền, Dark Water ca ngợi tình mẫu tử nhưng nhạt nhòa yếu tố xã hội vốn có, A Tale of Two Sisters lại biến thành một câu chuyện tâm lý thay vì là chuyện ma mang tính ngụ ngôn. Đơn giản đi một số chi tiết của bản gốc và làm phim gần gũi hơn với khán giả đại trà dẫn đến các phiên bản remake trông không khác gì những bộ phim kinh dị chung chung của Hollywood cả. 

Phim kinh dị châu Á là món khoái khẩu cho sở thích làm lại của kinh đô điện ảnh Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa có phiên bản remake nào có thể hài hòa sức hút và bản sắc rất đặc thù của bản gốc. Thường thì sức hút mới là trung tâm của nhà sản xuất. Vẫn là tiêu chuẩn coi được ấy (thời buổi này, việc làm một bộ phim dở tệ ở Hollywood là điều gần như không thể), phim kinh dị châu Á dần mất đi cái riêng sau mỗi lần remake. 

Nhưng, ta phải tự hỏi bản sắc Á có sức nặng đến đâu trong tầm nhìn của các nhà sản xuất. Đây không phải là vấn đề đúng sai. Khán giả mà Hollywood hướng đến đầu tiên là người xem trong nước. Nếu xét về phương diện này, thì việc Tây hóa phim ảnh Á là điều dễ hiểu. Suy cho cùng, các bộ phim vẫn chỉ là sản phẩm để kinh doanh và nội địa hóa chúng khi đem đến thị trường mới là quá trình vô cùng cần thiết. Đến cuối cùng, việc bản sắc châu Á có được giữ gìn trong các dự án remake hay không lại dựa vào mức độ toàn cầu hóa trong khẩu vị của người xem. Các nhà sản xuất cũng dần nhận ra sự điều này và xu hướng remake kinh dị châu Á cũng dần chấm dứt, dù chỉ trong thời gian ngắn. Parasite là mục tiêu tiếp theo mà Hollywood nhắm tới, với một điểm khác biệt là lần này họ sẽ biến nó thành phiên bản dài tập kiểu Mỹ. Và câu hỏi trên phải đợi bộ phim hoàn thành mới có thể trả lời được.

Bài viết liên quan