Điện ảnh Việt Nam (2019 - 2022) – Thăng hoa rồi lại bão hòa, vì sao nên nỗi?
Thị trường phim Việt vẫn đang từng bước lấy lại phong độ và chinh phục khán giả sau thời gian đại dịch. Nhưng vẫn cần rất nhiều sự nỗ lực.
Nhắc đến điện ảnh Việt, không ít ý kiến trái chiều đã được đưa ra, người khen tận mây xanh, kẻ chê cũng không ngớt lời. Do đó các nhà sản xuất phim hằng năm vẫn luôn cố gắng miệt mài tạo ra nhiều tác phẩm mới lạ để xóa tan sự hoài nghi về chất lượng cũng như góp phần xây dựng nền điện ảnh trong nước. Tuy nhiên nếu so sánh giữa 2 thời điểm trước khi có dịch vào năm 2019 và sau khi dịch bệnh Covid 19 đã được kiểm soát từ năm 2022, có thể thấy thị hiếu khán giả đã có sự thay đổi nhất định dẫn đến việc doanh thu phòng vé ngày càng xuống phong độ đến mức đáng quan ngại.
Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 20 phim điện ảnh Việt đổ bộ ra rạp. Đây được xem là dấu hiệu đáng mừng khi nền điện ảnh trong nước đã có sự phục hồi và hoàn toàn sẵn sàng trở lại cuộc đua phòng vé. Các nhà sản xuất liên tục cho ra mắt nhiều tác phẩm như muốn được thỏa sức khoe đứa con tinh thần của mình sau thời gian khó khăn vừa qua. Vì sự nóng lòng đó đã dẫn đến số lượng phim ồ ạt nhưng lại không đáp ứng nổi chất lượng mà khán giả kỳ vọng.
Nhìn vào doanh thu phòng vé hơn nửa đầu năm 2022, một thực tế đáng buồn hiện lên khi nền điện ảnh Việt rơi vào tình trạng "khát" phim trăm tỉ hơn bao giờ hết, con số chỉ quanh quẩn ở mức vài chục tỉ, thậm chí là vài tỉ. Nếu so với năm 2019 – một năm bùng nổ về doanh thu khi hàng loạt phim trăm tỉ cạnh tranh sôi nổi trên thị trường thì tình hình năm 2022 là một hồi chuông đáng báo động mà các nhà sản xuất nên nhìn nhận và có giải pháp hợp lý trong tương lai.
2019 – Năm tăng trưởng đột phá của phim nội địa
Đây được xem là bước ngoặt lớn của điện ảnh Việt khi liên tiếp có những tác phẩm bùng nổ về doanh thu. Để có được những con số ấn tượng như vậy, phần lớn phụ thuộc vào sự cởi mở và thị hiếu ngày càng đa dạng của khán giả đối với phim nội địa vào thời điểm đó. Suốt những năm trước, khán giả dường như đã quá bội thực trước các bộ phim hài nhảm, hài vô tội vạ để chắp vá cho nội dung như Đích Tôn Độc Đắc, Yêu Nữ Siêu Quậy,.. Và sự ra đời của nhiều tác phẩm mới lạ trong năm 2019 đã gần như chạm đúng đến thị hiếu đa dạng thể loại của khán giả. Làn gió mới từ hành động (Hai Phượng, Chị Mười Ba), hài lãng mạn (Cua Lại Vợ Bầu), hài kinh dị (Lật Mặt 4), cải biên (Mắt Biếc, Trạng Quỳnh) đến kinh dị (Bắc Kim Thang, Thất Sơn Tâm Linh) đã khiến khán giả thêm hào hứng và sẵn sàng bỏ tiền ra rạp để trải nghiệm những đặc sắc của điện ảnh Việt.
Bên cạnh đó, 2019 cũng là năm cuộc đua truyền thông giữa các bộ phim trở nên sôi nổi và mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi các tác phẩm được đầu tư bài bản trong khâu quảng bá phát hành để lôi kéo khán giả ra rạp xem phim cũng như tạo được hiệu ứng mạnh trên các phương tiện truyền thông. Thành công nhất phải kể đến Mắt Biếc, bộ phim đã tạo nên không ít chủ đề viral cho phim từ poster, nhạc phim, lời thoại,.. khiến các khán giả tò mò và háo hức ra rạp hơn.
2022 – Khán giả lại e dè phim Việt
Đại dịch Covid 19 ập đến, thị trường điện ảnh Việt bị ảnh hưởng khá nặng nề trong năm 2020 và 2021. Bất chấp tình hình đó, vẫn có những bộ phim làm nên chuyện và mang về con số doanh thu khủng. Năm 2020, có 3 phim Việt vượt ngưỡng doanh thu 100 tỉ VNĐ là Tiệc Trăng Máu (175 tỉ VNĐ), Gái Già Lắm Chiêu 3 (165 tỉ VNĐ), Chị Mười Ba 2 (108 tỉ VNĐ). Năm 2021, dù các hệ thống rạp chiếu phim chỉ hoạt động 6 tháng, phim Việt vẫn ghi nhận doanh thu kỷ lục của Bố Già với 420 tỉ VNĐ, trong khi đó Lật Mặt 5: 48h cũng đạt con số ấn tượng là 156 tỉ VNĐ.
Những tưởng rằng năm 2022 sẽ là một năm cho điện ảnh Việt thỏa sức tung hoành thế nhưng thực tế lại phũ phàng hơn vậy. Những cái tên được quảng bá dữ dội cùng dàn diễn viên bảo chứng phòng vé như 1990 (22 tỉ VNĐ), Chìa Khóa Trăm Tỷ (68 tỉ VNĐ), Nhà Không Bán (28 tỉ VNĐ) đã từng gây thất vọng không nhỏ cho nhà sản xuất khi chỉ thu về những con số doanh thu ít ỏi ngay trong dịp Tết nguyên đán. Mở đầu không mấy thuận lợi của năm Nhâm Dần đã kéo theo hàng loạt tác phẩm được đầu tư khủng nhưng doanh thu thì lẹt đẹt như 578 - Phát Đạn Của Kẻ Điên được đầu tư lên đến 60 tỉ VNĐ chỉ thu về hơn 3,5 tỉ VNĐ; Kẻ Thứ Ba đầu tư 33 tỉ VNĐ thu về chưa đến 1 tỉ VNĐ hay Maika: Cô Bé Đến Từ Hành Tinh Khác đầu tư gần 30 tỉ VNĐ cũng mới thu về gần 6,5 tỉ VNĐ. Top 3 bộ phim doanh thu cao nhất 2022 tính đến thời điểm này cũng chỉ có Em Và Trịnh là chạm mức 100 tỉ VNĐ còn lại Bẫy Ngọt Ngào (83 tỉ VNĐ) và Nghề Siêu Dễ (70 tỉ VNĐ).
Có thể nói trở lại rạp chiếu phim sau thời gian dài ở nhà đã khiến thị hiếu khán giả thay đổi nhanh chóng. Khán giả giờ đây không chỉ là những con dân đến rạp để giải trí đơn thuần mà họ cũng rất cần những bộ phim được đầu tư kỹ càng về mặt nội dung. Sự khó tính đó đối với phim Việt là điều dễ hiểu khi ngày càng có nhiều bom tấn thế giới đổ bộ phòng vé với không chỉ kỹ xảo bắt mắt, diễn xuất tài ba mà còn có cả sự nghiêm túc trong khâu kịch bản để mang đến một tác phẩm chỉn chu nhất có thể. Vì vậy khi điện ảnh Việt trở lại nhưng vẫn giữ nguyên lối làm phim thiếu đột phá, chất lượng nội dung và hình thức quá cũ kỹ, những lối mòn trong kể chuyện và khai thác tâm lý nhân vật hời hợt, hầu hết không để lại dư vị gì đáng nhớ cho khán giả.
Thị trường phim Việt vẫn đang từng bước lấy lại phong độ và chinh phục khán giả sau thời gian đại dịch. Tuy nhiên nếu chất lượng phim vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi, đột phá xứng tầm hoặc vẫn cứ mãi luẩn quẩn trong dòng phim giải trí hời hợt, thiếu chiều sâu thì chắc hẳn sẽ là một tương lai u tối cho chính nền điện nước nhà.