Diễn viên nhí đóng phim dán nhãn R - Vấn đề gây nhức nhối của ngành điện ảnh

Tin điện ảnh · SarahTran ·

Mặc cho nhiều vụ lùm xùm, các bộ phim này vẫn không hề vi phạm luật phòng chống khiêu dâm trẻ em.

Việc các diễn viên nhí tham gia vào các bộ phim dán nhãn R từ lâu đã luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong lịch sử điện ảnh. Mặc dù việc đóng các cảnh gây sốc cho thấy tài năng diễn xuất thiên phú của các diễn viên nhỏ tuổi, nhưng nó vẫn khiến nhiều khán giả ám ảnh và lo lắng những cảnh phim này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các em. Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc rằng làm thế nào mà những bộ phim này có thể tránh bị pháp luật “sờ gáy”, và phụ huynh của các diễn viên nhỏ tuổi này thật sự cho phép các em đóng những cảnh này?

Có rất nhiều bộ phim để diễn viên nhí đóng cảnh nhạy cảm hay cảnh bạo lực gây nhiều tranh cãi như Taxi Driver (1976), Hounddog (2007), Orphan (2009), Kick-Ass (2010), Logan (2017)… Nhưng tác phẩm hứng chịu gạch đá, tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất, thậm chí còn bị đưa lên bàn cân của pháp luật chính là Lolita (1997) của đạo diễn Adrian Lyne. Lolita kém may mắn hơn những bộ phim khác bởi nó được phát hành đúng vào thời điểm Tổng thống Clinton ban hành đạo luật phòng chống khiêu dâm trẻ em và cái chết của người mẫu nhí JonBenét Ramsey. Bộ phim kể về người đàn ông trung niên tên Humbert Humbert (Jeremy Irons) có sự ám ảnh tình dục với cô bé 12 tuổi Dolores Haze (Dominique Swain). Thời điểm lúc tham gia bộ phim, Dominique chỉ mới 15 tuổi và phải thực hiện những cảnh khoe cơ thể thậm chí là cảnh sex. Bộ phim gặp khó khăn trong việc tìm nhà phát hành và chỉ thu được hơn $1 triệu/$62 triệu kinh phí.

Lolita là một trong những phim tốn nhiều giấy mực nhất của giới báo chí
Lolita là một trong những phim tốn nhiều giấy mực nhất của giới báo chí

Nhưng mặc cho nhiều vụ lùm xùm, các bộ phim này vẫn không hề vi phạm luật phòng chống khiêu dâm trẻ em. Theo trang web ChildreninFilm.com, một đứa trẻ không thể thực hiện cảnh sex, thậm chí nếu cảnh này chỉ là giả. Những cảnh phim này chỉ nên mang tính ngụ ý, được thể hiện một cách gián tiếp hoặc phải có diễn viên đóng thế. Bên cạnh đó, cần phải có sự cho phép của phụ huynh hoặc người giám hộ trên 18 tuổi thì những cảnh quay này mới được thực hiện. Và các diễn viên chỉ được xem sản phẩm hoàn thiện khi chúng đủ số tuổi mà bộ phim bị gắn nhãn.

Trong phân cảnh Dolorez ngồi lên đùi của Humbert, đạo diễn đã đặt một chiếc gối giữa họ. Hơn nữa, khi thực hiện các cảnh nhạy cảm trong Lolita, đạo diễn Adrian Lyne đã ghi hình lại toàn bộ quá trình ở mọi góc quay chứng minh rằng bộ phim không hề vi phạm pháp luật phòng khi phải đối chứng ở tòa. Bộ phim Hounddog cũng đã từng khiến nhiều người lên tiếng phản đối khi có cảnh Dakota Fanning lúc bấy giờ mới 12 tuổi phải thực hiện cảnh bị cưỡng bức mà không hề có diễn viên đóng thế. Tuy nhiên, cảnh phim này không hề có cảnh khỏa thân và chỉ được thể hiện bằng biểu cảm trên gương mặt của Fanning. Bộ phim được thực hiện ở North Carolina và những người buộc tội đã phỏng vấn toàn bộ nhân viên trong đội ngũ sản xuất, kể cả Fanning. Cuối cùng, họ vẫn không tìm được bằng chứng nào buộc tội cảnh phim này vi phạm luật được ban hành ở bang North Carolina.

Cảnh cô bé Lewellen do Dakota Fanning thủ vai bị cưỡng bức có thể sẽ khiến nhiều khán giả ám ảnh
Cảnh cô bé Lewellen do Dakota Fanning thủ vai bị cưỡng bức có thể sẽ khiến nhiều khán giả ám ảnh

Sẽ không có gì đáng để nói nếu như những cảnh nhạy cảm này được thực hiện bởi những diễn viên trưởng thành, nhưng vì đây là những bộ phim có diễn viên nhỏ tuổi nên nhiều khán giả có phản ứng gay gắt cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của các em mà nó còn liên quan đến một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay: ái nhi/ấu dâm. Có rất nhiều diễn viên trưởng thành sau nhiều năm im lặng mới dám lên tiếng về vấn đề này. Vào năm ngoái, nam diễn viên Todd Bridges – người đã từng tham gia chương trình sitcom Diff’rent Strokes, đã chia sẻ với CNN rằng anh từng bị lạm dụng năm 11 tuổi. Corey Feldman, người từng xuất hiện trong một phim quảng cáo cho McDonald lúc 3 tuổi, đóng vai Teddy Duchamp trong Stand By Me (1986) và nhiều phim khác, cũng đã chia sẻ khi tham gia chương trình truyền hình Nightline của đài ABC News:

“Tôi có thể cam đoan với bạn rằng vấn đề đứng đầu ở Hollywood đã, đang và sẽ luôn là ấu dâm. Tôi đã từng bị bao vây bởi họ khi tôi 14 tuổi. Thậm chí ở thời điểm đó tôi còn không biết như thế là ấu dâm.”

Bên cạnh việc gây tranh cãi vì để diễn viên nhí xuất hiện trong các cảnh có nhạy cảm, các bộ phim và nhà làm phim còn khiến nhiều người lo ngại sức lao động của các diễn viên nhí này bị bóc lột. Bởi luật pháp của mỗi bang ở Mỹ đều không giống nhau và không phải bang nào cũng ban hành luật bảo vệ quyền lợi của các diễn viên nhỏ tuổi. Hiện tại chỉ có 32 bang ở Mỹ đã ban hành luật quy định số giờ tối đa trong ngày hoặc tuần mà các diễn viên nhí có thể làm việc, cũng như trước khi xuất hiện trên màn ảnh phải có giấy phép.

Pennsylvania là một trong những bang có hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi của các diễn viên nhỏ tuổi chặt chẽ nhất. Trẻ em dưới 18 tuổi phải có giấy phép mới được tham gia vào lĩnh vực phim ảnh, dưới 16 tuổi thì phải có sự chấp thuận của ba mẹ và nhà trường. Và khi trên phim trường phải có sự giám sát của ba mẹ hoặc người bảo hộ. Nếu như có cảnh quay nào kéo dài hơn 48 giờ thì nhà sản xuất phải thuê giáo viên riêng cho diễn viên nhí phòng trường hợp bỏ dở việc học. Thêm vào đó, các diễn viên nhí không thể làm việc quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/một tuần.

Có lẽ những vấn đề liên quan đến các diễn viên nhí sẽ còn tiếp tục gây nhức nhối trong một thời gian dài nữa. Thậm chí ở một quốc gia phát triển mạnh mẽ như Mỹ mà chỉ mới có 32/50 bang ban hành luật bảo vệ quyền lợi của diễn viên nhỏ tuổi. Vậy còn những quốc gia khác trên thế giới thì sao? Nhưng cho dù có luật có được ban hành hay không thì phụ huynh vẫn luôn là những người có nghĩa vụ cao nhất bảo vệ con của họ và nắm vai trò quyết định có cho các em tham gia vào những phim nhạy cảm hay không.

Nguồn: Tổng hợp