Dòng phim Rom-com có thực sự đã chết?
Rom-com là tên viết tắt của thể loại tình cảm hài, ra đời trong khoảng thập niên 30-40.
Rom-com là tên viết tắt của thể loại tình cảm hài, ra đời trong khoảng thập niên 30-40. Theo dòng thời gian, tuy công thức của thể loại này vẫn còn được giữ nguyên, nhưng phong cách, nội dung lẫn kỹ thuật đều biến đổi. Rồi nhiều làn sóng mới xuất hiện, các thể loại phim ngày càng đa dạng hơn và phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần của khán giả để chạy theo doanh thu và lợi nhuận. Nhiều người cho rằng đây là những nguyên nhân khiến cho dòng phim Rom-com ngày càng chết dần chết mòn, liệu có thực sự như vậy?
Giai đoạn Hollywood hào nhoáng và thơ mộng - Thời kỳ huy hoàng của phim Rom-com
Thời kỳ huy hoàng của Hollywood (The Golden Age of Hollywood) kéo dài từ thập niên 20 đến cuối thập niên 40 với những bộ phim kinh điển và hàng loạt siêu sao ra đời. Hollywood đạt đỉnh cao vào giữa những năm 40 với khoảng 400 bộ phim được sản xuất mỗi năm cho hơn 90 triệu khán giả Mỹ xem mỗi tuần. Lúc bấy giờ kinh đô điện ảnh của Mỹ đầy hào nhoáng, lộng lẫy và thơ mộng với những bộ phim Rom-com đời đầu như His Girl Friday (Cô Gái Ngày Thứ Sáu - 1940), Bringing Up Baby (Nuôi Trẻ - 1938), The Philadelphia Story (1933)... gắn liền với những tên tuổi lớn như Cary Grant, James Stewart và Katherine Hepburn.
Những phim của giai đoạn này đa số đều có kịch bản là chàng trai gặp một cô gái, ban đầu hai người làm bạn, sau đó thân thiết hơn, có tình cảm với nhau, trải qua nhiều khó khăn nhưng sau cùng vẫn đến được với nhau. Bên cạnh đó, kịch bản của các phim này còn có nhiều chi tiết hài hước, những rắc rối, tai nạn buồn cười để mang lại tiếng cười cho khán giả. Mặc dù người ta có thể nhìn thấy đôi chỗ không hợp lý trong các phim này, nhưng điều đó chẳng có vấn đề gì bởi diễn xuất, lời thoại, nhạc phim và những đoạn cao trào đã làm lu mờ tất cả những khiếm khuyết. Có thể nói, phim ảnh trong giai đoạn này là nơi để mọi người giải thoát khỏi thực tại, là nơi để có thể giải trí vào cuối tuần, chẳng ai muốn đến rạp chỉ để soi sạn và chứng kiến một câu chuyện thảm khốc đầy máu me hay nước mắt. Đó cũng là lý do vì sao phim Rom-com lên ngôi trong những năm 30-40.
Thời đại biến đổi ở Hollwood thập niên 60-70 - Rom-com chết lần 1
Thập niên 1970, tại Hollywood, một thế hệ đạo diễn trẻ, năng động và đầy sáng tạo bắt đầu khẳng định tiếng nói của mình. Họ mở ra một giai đoạn mới cho điện ảnh Mỹ - giai đoạn Hollywood mới (New Hollywood) với bộ phim đánh dấu cột mốc này là Bonnie and Clyde (1967). Các chủ đề như bạo lực, tội phạm, tình dục trở thành kho ý tưởng vô tận để các đạo diễn đưa lên màn ảnh. Họ biến những chủ đề này thành các siêu phẩm, nghệ thuật hoá chúng và rồi gu xem phim của khán giả đại chúng cũng thay đổi theo. Đa số các tác phẩm điện ảnh trong giai đoạn này theo trường phái hậu cổ điển (post-classical), có cốt truyện phức tạp hơn các phim của giai đoạn trước đó, nhân vật trong phim cũng có tính cách tốt xấu khó phân biệt, ranh giới giữa nhân vật phản diện và chính diện cũng dần lu mờ. Các cảnh tình dục và bạo lực cũng được đề cập một cách trực diện hơn. Tiêu biểu cho giai đoạn này là các phim A Clockwork Orange (1971), The Godfather (1972), Jaws (1975)... Không thể phủ nhận đây đều là những bộ phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ và giúp cho nền điện ảnh đa dạng, phong phú hơn, thế nhưng, việc các đạo diễn chạy theo trường phái này cũng góp phần giết chết dòng phim Rom-com.
Cuối những năm 80 - đầu những năm 2000 - Rom-com trở lại và có bước đột phá
Những đạo diễn như Rob Reiner, Roger Michell, Nora Ephron, Garry Marshall... có thể được xem như "vị cứu tinh" của Rom-com khi đã "vực dậy" dòng phim này vào cuối những năm 80 - đầu những năm 90. Sau khoảng 3 thập kỷ bị thể loại phim bạo lực, tội phạm lấn át, Rom-com trở lại và còn mang tính đột phá hơn xưa, mở đầu cho thời kỳ này là bộ phim When Harry Met Selly (1989) của đạo diễn Rob Reiner. Với kinh phí tầm trung chỉ $16 triệu nhưng thu về hơn $92 triệu trên toàn cầu và chiến thắng giải Oscar cho Kịch bản xuất sắc nhất, When Harry Met Sally đã mang lại niềm tin cho các nhà làm phim khác, giúp họ hào hứng để theo đuổi dòng phim này.
Sau When Harry Met Sally là hàng loạt các phim Rom-com đã trở thành kinh điển và quen thuộc với hầu hết khác giả như Pretty Woman (1990), Sleepless in Seattle (1993), My Bestfriend's Wedding (1997), Shakespeare In Love (1998), Notting Hill (1999), 10 Things I Hate About You (1999)... Đến đầu những năm 2000, khán giả tiếp tục được thưởng thức hàng loạt các phim Rom-com nổi tiếng và xuất sắc khác như Bridget Jones's Diary (2001), Love Actually (2003), 50 First Dates (2004), The Holiday (2006), The Proposal (2009)...
Mặc dù công thức của những phim này vẫn khá giống những phim ở giai đoạn trước khi Rom-com còn ở thời huy hoàng, thế nhưng dần về sau, kịch bản của các phim này đã được cải tiến, thêm thắt nhiều chi tiết kịch tính hơn, các đoạn đối thoại, mặc dù chủ yếu vẫn là những đoạn đối thoại thông thường, nhưng lại dí dỏm, thông minh, lôi cuốn và buồn cười hơn. Tuy chỉ là phim ảnh với những câu chuyện không có thật, nhưng khi xem phim, khán giả (đặc biệt là nữ) lại có thể thấy chính mình trong đó, dễ dàng đồng cảm với các nhân vật. Chẳng hạn như đối với bộ phim Bridget Jones's Diary, hàng ngàn phụ nữ ở độ tuổi 30 ngồi với bạn bè cùng với cốc rượu vang chỉ để xem một người phụ nữ cũng ở độ tuổi 30 khác nói về cuộc đời mình cũng với đám bạn và cốc rượu vang. Điều đó cho thấy, các phim Rom-com ở giai đoạn này thành công là nhờ đánh vào đúng tâm lý và lối sống của khán giả đương đại. Hơn nữa, kinh phí để thực hiện các phim này chỉ ở mức tầm trung nhưng khi công chiếu thì lại cực kỳ thành công và doanh thu cao gấp 3 - 4 lần số tiền bỏ ra, vì thế nhiều đạo diễn không ngần ngại theo đuổi dòng phim này để phát triển sự nghiệp.
Từ khoảng năm 2008 đến nay - Phim siêu anh hùng lên ngôi, Rom-com đã chết lần 2?
Một điều đáng buồn là, khi Rom-com quay trở lại chưa được bao lâu thì một làn sóng mới lại ập đến khiến cho dòng phim này lại một lần nữa "lao đao", làn sóng này chính là phim siêu anh hùng và các phim hành động-khoa học viễn tưởng.
Năm 2008, phần đầu tiên của Iron Man được công chiếu, mở ra một kỷ nguyên hùng mạnh của dòng phim siêu anh hùng kéo dài đến tận bây giờ, và có lẽ vẫn còn sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Sau Iron Man 1, hầu như mỗi năm Marvel đều cho ra một phim siêu anh hùng, có khi một năm có tới 2-3 phim, và phim nào cũng trở thành bom tấn, cho dù là hay hay dở đều thống trị phòng vé và lấn át các phim ở thể loại khác. Với nhân vật chính là những người hùng năng lực đặc biệt, sức mạnh vượt trội, nhiều cảnh hành động, đánh đấm mãn nhãn, kịch bản có nhiều chi tiết hài hước, dí dỏm, dòng phim siêu anh hùng nhanh chóng hút được một lượng lớn người hâm mộ khi mới ra đời và ngày càng tăng theo dòng thời gian. Thậm chí bây giờ, cho dù không phải là fan ruột của Marvel, không biết chắc rằng phim hay hay dở, xem có hiểu hay không, nhiều người vẫn không ngần ngại chọn Avengers: Infinity War khi ra rạp xem phim.
Sự lên ngôi của phim siêu anh hùng cũng khiến cho nhiều studio và nhà làm phim ồ ạt chạy theo dòng phim này. Bởi đây là dòng phim rất dễ thu lời và dòng thu cũng khá ổn định. Có nhiều phim có thể không đạt được doanh thu cao như mong đợi, nhưng không bao giờ khiến các nhà làm phim bị lỗ. Bên cạnh đó, kinh tế ngày càng phát triển, vật giá leo thang, phí dịch vụ ngày càng tăng, giá vé xem phim tăng kéo theo tiêu chuẩn xem phim của khán giả cũng tăng. Khi đã cất công ra rạp và bỏ ra khoảng 100k để xem phim, ai ai cũng muốn được xem một bộ phim đáng với số tiền mình bỏ ra, và phim siêu anh hùng luôn là lựa chọn an toàn nhất. Người ta thà chọn xem cái búng tay của Thanos, chứ ít ai muốn vào rạp chỉ để xem một cặp nam nữ gặp nhau, yêu nhau, bỏ nhau rồi lại quay về với nhau.
Nói vậy không có nghĩa là phim Rom-com đã chết hoàn toàn. Trong những năm qua, vẫn có một vài phim Rom-com thành công và được nhiều khán giả yêu thích như Midnight In Paris (2011), Friends With Benefits (2011), Crazy, Stupid, Love (2011), About Time (2013), Love, Rosie (2014), The Spectacular Now (2013)... Tuy nhiên, với sự "bành trướng" của phim siêu anh hùng và các phim ở thể loại hành động, khoa học viễn tưởng khác, những phim kể trên chỉ đủ mạnh để dòng phim Rom-com không chết, chứ không thể nào đưa nó về thời kỳ huy hoàng như trước đó nữa. Thế nhưng, cũng không thể nào đổ lỗi cho dòng phim siêu anh hùng, bởi sự lên ngôi hay xuống dốc của bất kỳ thể loại nào đều cũng chỉ phụ thuộc vào thị hiếu và lựa chọn để đầu tư của các nhà làm phim. Vì thế việc trong tương lai dòng phim Rom-com sẽ chết hay lại lên ngôi vẫn còn là một câu hỏi khó.