[CẢM NHẬN] Em Của Thời Niên Thiếu - Sau này chúng ta không phải cái gì cũng có, nhưng lại có chúng ta

Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · KNTT ·

Em Của Thời Niên Thiếu, một bộ phim nặng nề về những chủ đề thực tế ở xã hội Trung Quốc, nhưng cũng nhẹ nhàng về tình yêu của tuổi trẻ.

Kéo xuống để xem tiếp

Em Của Thời Niên Thiếu (Better Days), một bộ phim của đạo diễn Tăng Quốc Tường, mới đây đã giành chiến thắng áp đảo tại lễ trao giải Kim Tượng 2020 của Hồng Kông (Hong Kong Film Awards 2020) với 8 hạng mục, bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Châu Đông Vũ), Diễn viên mới xuất sắc nhất (Dịch Dương Thiên Tỉ), Kịch bản xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Bài hát trong phim hay nhất, Phục trang và trang điểm xuất sắc nhất.

Bộ phim của đạo diễn Tăng đã trở thành một hiện tượng ở phòng vé Trung Quốc khi được công chiếu vào thời điểm cuối năm ngoài (theo Box Office Mojo, doanh thu toàn cầu hiện tại của bộ phim rơi vào khoảng hơn $225 triệu), mặc dù có một khởi đầu không mấy dễ dàng khi bị rút khỏi Liên hoan phim Berlin lần thứ 69 cũng như lịch chiếu ban đầu vào 27.06.2019 bị dời. Sau tất cả những vất vả mà nó phải trải qua, bộ phim cuối cùng cũng gặt hái được phần thưởng xứng đáng, hệt như những khó khăn mà hai nhân vật chính trong bộ phim cũng phải vượt qua.

Một câu chuyện tình giữa hai con người bị ruồng bỏ

Em Của Thời Niên Thiếu xoay quanh cuộc sống của nhân vật Trần Niệm (Châu Đông Vũ), một cô gái đang chuẩn bị thi vào đại học bỗng bị vướng vào vòng quây của sự bắt nạt bởi những cô bạn học cùng lớp sau vụ tự tử của một học sinh. Gia đình của Trần Niệm chỉ có cô và mẹ, một người hay phải để cô ở nhà một mình để đi kiếm tiền (theo một cách không được chính đáng cho lắm) trong khi những chủ nợ hay đến nhà của Trần Niệm để gõ cửa đòi tiền mẹ của cô. Đơn độc một mình, Trần Niệm phải cố gắng học tập để vượt qua kỳ thi đại học và đến được Bắc Kinh nhằm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn dành cho cô và mẹ.

Trong khi đó, Tiểu Bắc (Dịch Dương Thiên Tỉ) là một chàng trai sống trong mặt tối của xã hội, một người không đến trường đi học và có thể được xem là một tên lưu manh. Định mệnh đã đưa Trần Niệm gặp Tiểu Bắc theo một cách mà không ai mong muốn, thế nhưng nhờ vậy mà hai con người cô đơn đã gặp được nhau, nhờ vậy mà Trần Niệm mới có thể nhờ Tiểu Bắc làm người bảo vệ bất đắc dĩ cho cô. 

"Cậu là người đầu tiên hỏi mình có đau hay không?" Tiểu Bắc thổ lộ với Trần Niệm, sau khi kể với cô rằng bố của cậu đã bỏ đi và cậu hiện giờ không biết mẹ của mình đang ở đâu. Lúc đầu, Trần Niệm cũng có cái nhìn và suy nghĩ về Tiểu Bắc hệt nhưng những người khác, rằng cậu là một tên lưu manh, thấp kém, không có trình độ, thế nhưng sau đó chính Trần Niệm là người đã chạy đến tìm Tiểu Bắc, khi nhà của cô đã không còn là một nơi an toàn nữa bởi những kẻ bắt nạt.

"Trần Niệm nợ Tiểu Bắc một lần" là những gì mà cậu nhờ Trần Niệm ghi lại vào cuốn vở bài tập, thế nhưng sau tất cả những sự việc xảy ra trong bộ phim, cả hai đều biết rằng mình đều nợ một điều gì đó ở đối phương, bởi không phải ngẫu nhiên mà hai người tìm thấy nhau trong những thời khắc khó khăn của tuổi trẻ.

"Cậu bảo vệ thế giới, còn việc của tớ là bảo vệ cậu."

Một xã hội Trung Quốc đầy áp lực về chuyện thi cử và bạo lực học đường 

Ở phần đầu của bộ phim, người xem được nhìn thấy hình ảnh ngôi trường mà Trần Niệm đang theo học. Ở đó là hình ảnh những chồng sách vở lộn xộn, cao ngang mặt những học sinh, là hình ảnh những cô cậu đang ngồi cặm cụi ghi chép hoặc đang úp mặt xuống bàn để kịp cho mình một giấc ngủ. Ngay sau đó là phân đoạn hàng loạt học sinh kéo nhau ra sân trường bởi một học sinh nữ vừa mới tự tử, là hình ảnh những học sinh đó lấy điện thoại ra để chụp và ghi hình lại rồi nhắn tin gửi nhau, trong khi chỉ có một mình Trần Niệm là người bước đến, cởi áo khoác ra để che cái xác lại.

Mặc dù lúc sau bộ phim cho người xem thấy rằng việc cô bé tự tử là do cô cảm thấy không có ai bảo vệ mình khỏi những kẻ bắt nạt, sự sắp xếp những cảnh phim trước đó cũng phần nào gợi ý người xem đến sự áp lực trong học tập cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô bé, nhất là khi chúng ta biết rằng kỳ thi đại học (hay còn được gọi là Gaokao) ở Trung Quốc là một trong những kì thi khốc liệt và áp lực nhất trên thế giới khi có tới gần 1 triệu học sinh cùng tham gia. Dĩ nhiên, chúng ta cũng biết rằng kì thi đại học có vai trò quan trọng như thế nào đối với Trần Niệm, khi nó là cơ hội để cô và mẹ có thể đổi đời, để mẹ cô không phải đi bán hàng giả nữa, để cô có thêm một người để ở bên và bảo vệ mình.

Bạo lực học đường và bắt nạt là chủ đề chính xuyên suốt của bộ phim. Ở đó, người xem không chỉ được thấy quá trình diễn ra của nó, mà còn được chứng kiến cả hậu quả và nguyên nhân. Có nhiều phân cảnh Trần Diễm bị đánh trong bộ phim khiến cho người xem đau lòng, không chỉ vì không có ai ở đó để bảo vệ cô mà còn là do gánh nặng mà cô phải gánh vác trong lòng, khi có thể cô nghĩ rằng mình bị như vậy là xứng đáng, bởi vì cô đã không thể bảo vệ được người bạn đã tự tử. Phân cảnh cuối của bộ phim cho người xem thấy rằng sự bắt nạt sẽ không bao giờ kết thúc, mà thực ra nó chính là một vòng tròn cứ lặp đi lặp lại, từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Khi một cảnh sát điều tra cái chết của cô nữ sinh đến nhà phụ huynh của một kẻ bắt nạt để nói chuyện, người cảnh sát, cũng như khán giả, có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai trái, lệch lạc của những cô cậu học sinh còn trẻ tuổi một phần cũng xuất phát từ cách ăn nói, hành xử của cha mẹ chúng. Điều này còn nguy hiểm hơn ở một xã hội trọng thành tích học tập như Trung Quốc, khi mà điều cha mẹ quan tâm không phải là chính những đứa con mà là về cách chúng làm rạng danh hay làm xấu hổ gia đình của họ. Và như bộ phim đã nói, bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở trong mà còn ở bên ngoài nhà trường.

Màn hóa thân đầy cảm xúc của hai diễn viên chính

Việc giành được giải thưởng Kim Tượng 2020 cho Nữ diễn viên chính và Diễn viên mới xuất sắc nhất đã chứng minh tài năng của Châu Đông Vũ và Dịch Dương Thiên Tỉ khi đã hoàn thành vai diễn trong bộ phim một cách tuyệt vời. Châu Đông Vũ, một người đã 28 tuổi, thủ vai một học sinh với gương mặt ngây thơ và trong sáng của mình. Đối với Thiên Tỉ, thành viên của nhóm nhạc‎ TFBOYS, đây là vai diễn đột phá của anh khi vào vai một tay giang hồ lưu manh. Châu Đông Vũ, người đã từng làm việc với những đạo diễn như Trương Nghệ Mưu, Từ Khắc, Trần Khả Tân và Ninh Hạo, đã chứng minh rằng cô không cần một gương mặt quyến rũ để trở thành một diễn viên tài năng.

Cách mà cô tiếp cận đối với nhân vật Trần Niệm, khi cô để bản thân trôi theo vai diễn cả về mặt thể xác và cảm xúc, khiến người xem cảm thấy thương xót. Những ánh mắt lo lắng khi cô bị bạn bè dòm ngó, khi phải đi về nhà một mình trong sự lo sợ, những giọt nước mắt, những nỗi đau về thể xác mà cô phải chịu đựng khi bị bắt nạt, cũng như những nỗi buồn và nỗi lo giằng xé bên trong, là minh chứng cho những lời tán dương mà cô xứng đáng nhận được. Dịch Dương Thiên Tỉ, theo một cách tương tự, cũng để bản thân cảm nhận những nỗi đau cả bên ngoài và bên trong để vào vai một Tiểu Bắc với tâm lý phức tạp, một mặt vừa đáng sợ nhưng cũng mong manh và đầy ấp tình người. Phân cảnh mà cả hai người đối diện nhau qua một chiếc gương, vừa cười trong sự hạnh phúc cũng như khóc trong sự đau lòng, với mái tóc mà cả hai đều đã cạo trọc trước đó, chính là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong bộ phim đối với người viết.

Như đã đề cập trước đó, quá trình để Em Của Thời Niên Thiếu đến với công chúng không dễ dàng chút nào. Ngoài việc phải chịu sự kiểm duyệt từ phía Trung Quốc, bộ phim còn vướng phải những lùm xùm xung quanh nguyên tác bị nghi đạo văn của tác giả Cửu Nguyệt Hi, cuốn tiểu thuyết mà bộ phim được dựa trên. Thế nhưng, bỏ qua những khó khăn đó, người xem đã được chứng kiến một câu chuyện tình được xây dựng xung quanh một xã hội phản ánh thực trạng ở Trung Quốc, nơi mà những áp lực về thi cử và bạo lực học đường vẫn còn tồn tại. Đó là một câu chuyện về hai con người ở hai vị trí khác nhau trong xã hội, thế nhưng chính dòng dời đưa đẩy đã mang họ đến với nhau. Và như một câu nói có phần quen thuộc với một câu thoại trong Chúng Ta Của Sau Này (Us and Them), một bộ phim trước đó của Châu Đông Vũ:

"Sau này chúng ta không phải cái gì cũng có, nhưng lại có chúng ta…"

Nguồn ảnh: IMDb