Giải thích cái kết của The Platform – Đứa trẻ đại diện cho điều gì?

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Maii ·

Ẩn dụ chính của The Platform thể hiện vấn đề khó giải đáp và rối rắm của chủ nghĩa tư bản trong cuộc sống hiện đại, nhưng cái kết của nó là một cái kết mở gợi nhiều suy nghĩ.

Kéo xuống để xem tiếp

Vậy thì đứa trẻ thực sự đại diện cho điều gì? 

The Platform là bộ phim mang tính ẩn dụ nhiều hơn tính logic, xuyên suốt khoảng 2/3 bộ phim, khán giả được biết rằng sẽ có đủ thức ăn và tài nguyên để tất cả mọi người đều có thể cùng sử dụng, nhưng chủ nghĩa tiêu dùng quá mức đã tạo nên sự thiếu công bằng trong xã hội và tầng lớp giàu có không bị bắt buộc hoặc không thích phải chia sẻ.

"Chúa Cứu Thế" trong The Platform - Nhân vật chính Goreng.  (Ảnh: Netflix)
"Chúa Cứu Thế" trong The Platform - Nhân vật chính Goreng. (Ảnh: Netflix)

Phim thể hiện rất hoàn hảo một xã hội giả tưởng hệt như xã hội mà chúng ta đang sống, với câu thoại và hình ảnh ẩn ý chặt chẽ và phù hợp, các nhà làm phim tuy vậy lại phải chật vật để đi đến một kết thúc tinh tế cho một câu chuyện trông có vẻ đơn giản. Kết thúc thực sự của nó mang ý nghĩa như thế nào? 

Vấn đề ở đây là cấu trúc quyền lực khi những người ở tầng trên gần như là những người không thể với tới được. Một trong những khoảnh khắc mạnh mẽ nhất của phim là khi Baharat thấy mình ở tầng 6, anh ta dùng dây thừng với hi vọng có thể leo lên các tầng trên và thoát khỏi cơn ác mộng này. Nhưng kế hoạch trông chờ vào lòng tốt của những người xa lạ nhanh chóng bị đổ bể bởi sự phân biệt chủng tộc. Chỉ cần một cá nhân là đã có thể phá vỡ sự “đoàn kết tự phát”. Khi cặp đôi ở tầng 5 hỏi về niềm tin của Baharat, anh ta tin vào vị Thánh nào, thông điệp về xung đột tôn giáo của phim hẳn đã quá rõ ràng.

Nhân vật chính Goreng hoàn toàn không thể dựa vào sự giúp đỡ của những người ở tầng trên. Anh ta có thể ép buộc những người ở tầng dưới tuân lệnh, nhưng sau đó thì sao? Cuối cùng cũng chỉ là một hình thức khác của đàn áp và chỉ có thể đưa Goreng đến một giới hạn nào đấy. Goreng và Baharat lên kế hoạch để gửi một thông điệp, thông qua đĩa bánh panna cotta được giữ nguyên, nhằm cho thấy mô hình quyền lực kiểu bạo chúa này đã không thể hoàn toàn phá hủy lương tâm của con người. Thế nhưng càng đi xuống những tầng dưới, bộ đôi nhận ra mọi chuyện có vẻ không đơn giản như mình tưởng khi sự bạo lực càng lúc càng tăng, và nghịch lý xảy đến khi họ không thể bảo vệ được biểu tượng của “lương tâm” mà không ra tay chiến đấu với những kẻ không chịu hợp tác.

Một kẻ bước vào cái hố và mang theo tiền, trong khi tiền còn không thể mua được thức ăn từ những tầng trên. (Ảnh: Netflix)
Một kẻ bước vào cái hố và mang theo tiền, trong khi tiền còn không thể mua được thức ăn từ những tầng trên. (Ảnh: Netflix)

Cả hai, ở một góc độ nào đó đều đã chấp nhận thái độ “cá lớn nuốt cá bé” trong hành trình đi xuống những tầng dưới và nhiệm vụ bảo vệ thông điệp này càng lúc càng bị ô uế với hành vi giết người và ăn thịt đồng loại, đó là lý do tại sao đứa trẻ - đại diện cho sự trong sáng và ngây thơ lại quan trọng đến thế.

Phim không giải thích làm cách nào và tại sao đứa trẻ lại ở tầng cuối cùng của Cái Hố - vốn không dành cho những ai dưới 16 tuổi, ít nhất là trên giấy tờ. Nhưng sự thật là cô bé còn sống và không bị tổn hại gì, cho thấy Miharu, mẹ của em đã thành công trong việc bảo vệ con mình.

Điều này không được giải thích đầy đủ trong phim, nhưng việc người mẹ cứ liên tục đi xuống các tầng dưới thông qua bục thức ăn rõ ràng không phải là nỗ lực tìm con, mà là đem thức ăn xuống tầng dưới cùng, để chắc chắn rằng em vẫn ở đó, vẫn sống, một mình và không bị ai làm hại.

Tình yêu của người mẹ, sự hi sinh và sẵn sàng làm mọi thứ để con mình sống sót, là lý do để đứa trẻ trông vẫn khỏe mạnh, sạch sẽ và thậm chí còn chẳng bị sang chấn tâm lý. Em là đại diện cho nhân tính, cho lương tri không thể bị phá vỡ của con người cho dù có sống trong một xã hội vô nhân tính và đề cao quyền lực, sự ích kỷ.

The Platform có cái kết mở dù thiếu thỏa mãn, nhưng gợi nhiều suy nghĩ.  (Ảnh: Netflix)
The Platform có cái kết mở dù thiếu thỏa mãn, nhưng gợi nhiều suy nghĩ. (Ảnh: Netflix)

Goreng, cuối cùng vẫn không thể lên đến tầng số 0 cùng đứa trẻ, bởi anh ta đã gần như bị vấy bẩn trong khoảng thời gian sống trong Cái Hố. Nhưng kết thúc phim tại đây không cho biết liệu điều gì sẽ xảy ra khi cô gái nhỏ đến được tầng trên cùng. Ở góc độ thực tế thì sự hiện diện của em trên tầng số 0 sẽ chẳng thay đổi được gì, nhưng ở góc độ ẩn dụ, em là tương lai và là hi vọng duy nhất còn sót lại của nhân loại.

Đứa trẻ là biểu tượng cho bản tính tốt đẹp của con người được phục hồi thông qua một thời kỳ bạo chúa, và cho thấy sự thay đổi chỉ có thể đến từ những thế hệ trẻ, những thế hệ sau này. Thế hệ trưởng thành như Goreng đã sống trong hệ thống xã hội này quá lâu, đã bị sự bất công định hình, họ có thể chiến đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng trong quá trình đấu tranh đó, họ cũng đã đồng thời trở nên biến chất.

Đứa trẻ, hình ảnh ẩn dụ về nhân tính con người trong The Platform.  (Ảnh: Netflix)
Đứa trẻ, hình ảnh ẩn dụ về nhân tính con người trong The Platform. (Ảnh: Netflix)

Những kẻ ở tầng trên sẽ không tình nguyện mà từ bỏ sự xa hoa mà chúng có được, và những kẻ ở tầng dưới vẫn đang bận tồn tại và sống sót để có thể nghĩ đến đại nghĩa hay mục tiêu nào sâu xa hơn, bảo vệ những đứa trẻ khỏi thế giới xấu xa này, có lẽ là con đường duy nhất để tiến lên phía trước của con người.  

Nguồn: Forbes