Hãy ngừng việc nói về ý nghĩa của La La Land
Đánh giá phim · Moveek ·
Mùa Đông ở trong phim là mùa Đông của 5 năm sau, khi họ gặp lại nhau, mỗi người đều đang ở vị trí mà mình luôn hướng đến. Nhưng lại không còn có nhau bên cạnh.
Những Kẻ Khờ Mộng Mơ dành cho cả những người không thích thể loại sến súa tình cảm. Bởi nó là một bộ phim nghệ thuật rất tuyệt vời.
Bài viết này sẽ hạn chế hết mức có thể tất cả những gì liên quan đến “cảm nghĩ”, hay là bình luận Seb với Mia có một tình yêu như thế nào, hay nói lan man về ý nghĩa của mối quan hệ giữa tình yêu và sự nghiệp của những người trẻ tuổi. Nói chung, mình muốn khai thác bộ phim dưới một góc độ khác, phân tích các cảnh quay để thấy được nghệ thuật làm phim của nó. Mình thì chắc chắn không phải dân chuyên, nên rất hy vọng nếu bạn nào đó cũng muốn bình luận về bộ phim theo kiểu này thì có thể trao đổi thêm với mình ở phần comment để mình có thể cải thiện “óc cảm thụ” hơn. Sau đây sẽ là phân tích La La Land theo từng mục mà mình tự chia.
1. Cách nhà làm phim chia câu chuyện thành 4 mùa “Xuân, Hạ, Thu, Đông”
(Hơi nhiều đoạn phân tích tình cảm 1 chút ở đây)
Bộ phim mở ra bằng những lần tình cờ gặp gỡ của Seb và Mia. Rồi khi cả hai bắt đầu có tình cảm với nhau, phim được chia rõ rệt thành 4 phần tương đương với 4 mùa của 1 năm. Mùa Xuân là khi tình yêu của hai người chớm nở, khi mối quan hệ đang ở giai đoạn đẹp nhất. Trong mùa xuân của tình yêu, Seb và Mia tâm sự với nhau về những mong muốn của mình, và họ cũng đắm say vào trong ước mơ của đối phương. Rồi mùa Hạ đến, những tia nắng vàng chiếu xuống những con phố hai người đi qua, họ bắt tay vào xây dựng ước mơ của mình. Seb tham gia một band nhạc, còn Mia bắt đầu soạn vở kịch đầu tiên của cô.
Thế nhưng không có tình yêu nào là không trải qua biến cố. Và vượt qua biến cố, tình yêu mới có thể chắc bền. Mùa Thu, trong tiếng anh là Fall, thật trùng hợp bởi đây cũng là mùa mà mối quan hệ “rơi” nhanh xuống dốc. Mia không còn nhận ra người mình yêu thương khi anh không còn theo đuổi ước mơ năm nào của mình, cùng với việc điều mà cô hằng mong mỏi trở nên thật khó với tới. Seb cũng lạc lõng trong chính công việc mình làm để “có một thu nhập ổn định”. Và họ cãi nhau. Nhưng tình cảm của hai người tri kỷ đủ nhiều để họ vẫn luôn dành cho nhau những điều thật nhất, bằng chứng là việc Seb ngay lập tức đến với Mia để nói cho cô gái mình thương yêu biết rằng cô ấy sắp có được ước mơ. Nhưng họ vẫn không thể vượt qua cái “biến cố” mà mình nói ở đầu đoạn. Và cuối mùa Thu ấy, mối quan hệ vẫn “rơi”, vẫn “ngã”, để nhường lại chỗ cho sự nghiệp mà cả hai luôn mong muốn theo đuổi từ trước khi gặp nhau.
Mùa Đông ở trong phim là mùa Đông của 5 năm sau, khi họ gặp lại nhau, mỗi người đều đang ở vị trí mà mình luôn hướng đến. Nhưng lại không còn có nhau bên cạnh.
Bốn mùa với 4 cung bậc của tình cảm. Bốn mùa, từ Xuân đến Hạ rồi Thu rồi Đông, năm nào cũng sẽ lặp lại như vậy, có lẽ dụng ý rằng họ sẽ luôn nghĩ đến nhau từ năm này qua năm khác. Nhưng trong bao nhiêu năm của cuộc đời ấy, họ chỉ trải qua duy nhất 1 mùa Xuân, 1 mùa Hạ, 1 mùa Thu với nhau, cũng như hàm nghĩa rằng thời gian không bao giờ quay trở lại.
2. Cấu trúc “đầu cuối tương ứng” của phim
Ngày xưa học văn hay bị ám ảnh cái cấu trúc nghệ thuật này, nhưng lần đầu tiên xem một bộ phim mà thấy nó khai thác cấu trúc mà các tác phẩm viết trên giấy hay dùng tuyệt vời đến thế. Các chi tiết trong phim vừa tương ứng mà lại tương phản, làm nổi bật ý nghĩa đằng sau nó.
Bộ phim mở ra là cô gái Mia đằng sau quầy cafe, tặng cho diễn viên nổi tiếng một tách cafe khi họ vào quán. Và đến cuối, Mia đã không còn đứng sau quầy cafe ấy nữa mà bước vào vị trí được tặng cafe mà mình mơ ước năm nào.
Cuộc sống của Seb gắn liền với những bộ sưu tập tranh ảnh các nhạc công Jazz mà anh yêu thích - điều mà em gái anh không hề nói đến bằng điệu bộ tôn trọng. Nhưng đến cuối phim, trong quán pub nhạc Jazz thật đông người tới của chính Seb, ta lại nhìn thấy những tấm tranh ảnh đó được treo ngay ngắn cẩn thận.
3. Sự lặp lại của bài hát “City of Stars”
Chắc là có nhiều bài viết nói về điều này rồi. Giai điệu City of Stars có từ khi hai người chưa quen nhau, đến lúc quen nhau rồi, yêu nhau, cãi nhau, hay đến đoạn cuối khi đã chia tay và gặp lại nhau sau 5 năm, đều vang lên trong phim. Và mỗi lần vang lên ấy đều mang một âm hưởng khác, khi vui, khi buồn, khi thăng hoa, khi lại sâu lắng. “Thành phố của những ước mơ” - là thành phốnơi họ gặp nhau hay thành phố họ tự vẽ ra trong đầu mình? Bài hát ấy chứa đựng tất cả những tình cảm của họ, những ước mơ của họ, những cảm xúc buồn vui hờn giận với nhau và cả với cuộc đời, cuộc hành trình đạt tới “những vì sao”. Ca khúc ấy lặp đi lặp lại vừa làm mạch phim thêm thống nhất, lại làm cho câu chuyện đọng lại trong lòng người.
4. Cái kết của phim - những “flashback tưởng tượng”
Mình xin phép được tự đặt tên cái kết là những “flashback tưởng tượng”. Bởi kết phim, khi Seb đánh đàn bài “City of Stars” cho Mia nghe mà mình chắc đó là lần cuối cùng, những hình ảnh hai người bên nhau lại ùa về thành những “flashback” trong đầu họ, nhưng chính họ lại “tưởng tượng” ra một cái kết khác cho nó.
- Đó là vào lần gặp ở nhà hàng mà Seb bị sa thải, thay vào việc Seb đi thẳng, Seb đã hôn Mia.
- Đó là vào ngày trình diễn đầu tiên của vở kịch 1 người, thay vì việc không đến buổi “thảm bại” thì Seb đã đứng dưới cổ vũ cho Mia, trong không khí hò reo cổ vũ của bao khán giả.
- Đó là thay vì chia tay, họ đã đi khắp thế giới cùng nhau, Seb đàn, Mia diễn.
- Đó là thay vì việc Mia có một người khác, họ có một đứa con với nhau, và hạnh phúc đến trọn đời.
Những “flashback tưởng tượng” ấy, theo tôi, chính là dụng ý lớn nhất và là chi tiết nghệ thuật đặc sắc nhất. Trong tâm trí họ sẽ luôn có nhau, luôn yêu thương nhau, luôn coi nhau là tri kỉ, và sâu thẳm trong lòng họ là ước muốn vừa ở cạnh nhau mà vừa có sự nghiệp mình mong ước.
Bản thân mình không thích kết phim, bởi mình là người không thích chia ly và cũng không thích cái việc đánh đổi cái này để có cái khác. Mình cũng thích phim tình cảm, nhưng loại mình thích là loại lâm li bi đát hi sinh cho nhau như là đôi của Brad Pitt trong Liên Minh Sát Thủ cơ. Nhưng mình vẫn đánh giá cao, rất rất cao phim La La Land, bởi những yếu tố nghệ thuật của nó mà mình “thẩm thấu” một chút chút.
Để tóm lại, mình xin nhận xét rằng: La La Land là bộ phim đầu tiên mình xem mà cảm giác như tất cả các yếu tố trong một tác phẩm văn học đặc sắc được sử dụng triệt để. Và đối với những người không thích phim tình cảm, chỉ cần thưởng thức nghệ thuật làm phim thôi đã là đủ rồi.
Nguồn: haminhooo