How to Become a Tyrant (Netflix) - Những "cảm hứng" từ những bạo chúa khét tiếng
TV Series · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
How to Become a Tyrant đảm bảo tính dễ hiểu, dễ tiếp thu, còn thực hành thì…tùy bạn.
Nhiều khi dạo Netflix trong một ngày đẹp trời chậm rãi mà không có điểm đến nào cụ thể, bạn lại bắt gặp những series “self-help khởi nghiệp” rất ư là Netflix. Nếu quá chán với công việc văn phòng, hoặc thấy các tay lừa đảo quá tầm thường, How to Become a Tyrant (Cách Trở Thành Bạo Chúa) có thể mở ra cho bạn một con đường sự nghiệp gay cấn hơn.
Đúng như tên gọi của nó, How to Become a Tyrant là series tư liệu (documentary), lịch sử kể về quá trình lên nắm quyền đẫm máu và cái kết bi thảm của những kẻ độc tài nổi tiếng nhất trong lịch sử của chúng ta trong vòng 100 năm đổ lại, nhưng với một cú twist nhẹ. Từ những cái tên nổi tiếng hầu như ai cũng biết như Hitler, Stalin, cho đến những gương mặt còn lạ lẫm, How to Become a Tyrant sắp xếp và giải mã những cuộc đời này, gồm tiểu sử và các “thành tựu”, ví dụ, sao cho bạn cũng có thể học được cách trở thành một bạo chúa. Series đảm bảo tính dễ hiểu, dễ tiếp thu, còn thực hành thì…tùy bạn.
Vì cú twist này mà How to Become a Tyrant tránh được tính dàn trải mà thể loại phim tài liệu hay gặp phải. Như một phần “bonus”, giọng đọc dẫn dắt người xem suốt phim không ai khác chính là “Quỷ Lùn” Peter Dinklage của loạt phim Game of Thrones. Với chất giọng trầm, và truyền cảm, mỗi tập phim trôi qua là nỗ lực tổng hợp của việc series này vừa cố biện minh cho chế độ độc tài lẫn chỉ ra những tai hại mà nó đem lại, đồng thời cũng nhấn mạnh sức hấp dẫn tỏa ra từ việc nắm quyền lực tối cao.
Nhiều lúc, người xem cảm thấy rằng Dinklage, người rõ là đang vận dụng thái độ ngông nghênh mà nam diễn viên đã thổi hồn vào nhân vật Tyrion Lannister trước đây, đang dành lời khen “chân thành” với bày tỏ độ “ngưỡng mộ” nhất định cho những cái tên đã tạo nên chương sách đầy máu và nước mắt trong lịch sử nước họ. Thuyết phục khán giả tại sao họ nên thử nghiệm các bài học trong đây dường như là thú vui ngoài lề của How to Become a Tyrant – nhìn cách đặt tựa của series là thấy ngay thôi!
Nhìn chung là series chẳng chán đâu, miễn là bạn có thể thỏa những điều kiện sau. Dĩ nhiên, để cảm được sức hấp dẫn của series này phần nào dựa vào việc bạn có đam mê nhất định với lịch sử hay không, sau đó là tính kiên nhẫn mà thể loại tư liệu đòi hỏi. Bên cạnh tình yêu lịch sử thế giới, kiến thức về các sự kiện chính trị là thứ cần thiết. Mức độ các kiến thức này có thể không cần quá sâu, chỉ cần đủ để hiểu những gì đang được đề cập. Còn How to Become a Tyrant sẽ nhận trách nhiệm đào sâu những kiến thức sẵn có cho bạn.
Tiếp đến, một cái đầu cởi mở là tối quan trọng khi xem những series như thế này. Một tập phim của series không có thời lượng quá dài, chỉ tầm 30 phút thôi, đồng nghĩa với việc thông tin trong đây đã được lựa chọn và lắng đọng. Thật đáng buồn là điều đó cũng có nghĩa là bối cảnh thúc đẩy những tên độc tài khét tiếng không được diễn giải đầy đủ. Nên series vẫn có những điểm chưa rõ ràng. Sự thiếu sót này chắc chắn sẽ trở thành một điểm gây tranh cãi – thứ vốn đã không thể tránh khỏi khi nói đến lịch sử trong một thế giới đầy các góc nhìn khác nhau và một kẻ độc tài chính trị luôn là tâm điểm của những cuộc tranh luận dữ dội nhất. Đến đây, một tâm trí mở sẽ giúp người xem thấm được những thông tin được đưa ra. Và nếu bạn được truyền cảm hứng để tìm hiểu về những cá nhân được đề cập trong đây, đó đã là một chiến thắng của How to Become a Tyrant. Vì trên hết, giáo dục vẫn là mục tiêu tối thượng của phim tài liệu.
Về phần nhìn, How to Become a Tyrant cũng không tệ. Nhấn mạnh cách mỗi bạo chúa đều khởi đầu sự nghiệp với sự tự tin cuốn hút bất chấp những xuất thân tầm thường, các nhà sản xuất sử dụng cảnh quay lưu trữ, thậm chí cả nghệ thuật đồ họa và hoạt hình để chuyển tiếp cốt truyện và mô tả những hành vi chỉ được truyền bá qua các con chữ. Đó là một điểm nhấn sáng tạo đến từ series, cũng như là cách giảm tải mức độ khủng khiếp thực sự của các sự việc trọng yếu trong đây. Nhưng tinh thần bạo lực và tàn khốc của những bạo chúa không vì thế mà mất đi. Nên phần đồ họa chắc chắn là một điểm cộng của series. Ngoài ra, chúng cũng tạo nên một trải nghiệm học sử sinh động.
Có lẽ khía cạnh khiến người viết hài lòng là series đã giữ thái độ khá công tâm khi nhắc đến những gã độc tài nổi tiếng. Thay vì phán xét họ như những cuốn sách lịch sử khác, How to Become a Tyrant quan tâm đến việc mổ xẻ sự nghiệp chính trị của họ hơn, nhằm tìm kiếm những điểm mấu chốt đã đưa những con người này đến đỉnh cao quyền lực và những quyết định dẫn đến thất bại thảm khốc. Series cân bằng chúng với những thành tựu mà những gã độc tài đã làm được song song với những tội ác kinh khủng.
Hitler là kẻ diệt chủng nhưng hắn đã đoàn kết cả một quốc gia. Tính chuyên quyền và bài ngoại của Stalin đã dẫn đến nhiều bất ổn song song với các thành tựu chính trị như giữ vững một Xô Viết toàn vẹn. Gaddafi, người không chỉ loại bỏ các tổ chức công đoàn và báo chí tự do, mà còn cấm hệ thống đo lường, việc tung hô taxi và gà nhập khẩu, loại bỏ lịch sử, địa lý và ngoại ngữ, tàn sát những nhà tự do ngôn luận, lạm dụng phụ nữ, nhưng ông ta cũng phần nào ủng hộ nữ quyền (dù chỉ để lợi dụng phong trào để lan tỏa sức ảnh hưởng), ổn định an ninh lương thực trong nước với dự án trị thủy đầy tham vọng cho quốc gia trong nhiều thập kỷ tới. Cho đến khi ông ta đi chệch khỏi cuốn cẩm nang và thế giới mơ ước của ông ta sụp đổ.
Đó là các bài học quan trọng và tính chất này tăng dần theo thời gian, cho đến khi tìm được một công thức hoàn hảo. Và các nhà sản xuất đã tìm được điều đó – kẻ độc tài, bạo chúa xuất chúng nhất tính đến thời điểm hiện tại, với vương triều chính trị kéo dài ba thế hệ của dòng họ Kim ở Bắc Triều.
Có thể thấy, tiền đề của How to Become a Tyrant hoàn toàn không vô lý chút nào, và con đường làm bạo chúa luôn vẫn rộng mở - nếu bạn xét đến xuất thân bình thường của những “tấm gương” trong đây. Biết đâu được bạn sẽ học được bí quyết gì đó bên cạnh các bài học lịch sử thì sao?