Khám phá thông điệp ý nghĩa của 5 bộ phim ẩn mình dưới những con số
Tin điện ảnh · Maii ·
Tựa phim là yếu tố quan trọng mang lại ấn tượng cho khán giả, và còn gì ấn tượng hơn khi mang những con số đi vào tựa đề, tạo ra nét bí ẩn và kích thích trí tò mò của khán giả?
Ngạn ngữ có câu: "Đừng đánh giá quyển sách qua cái bìa", ngụ ý một cái bìa đẹp không làm nên một quyển sách với nội dung hay. Điện ảnh cũng tương tự, nhưng tựa phim vẫn là yếu tố quan trọng mang lại ấn tượng cho khán giả, khiến họ quyết định liệu có nên dành thời gian cho bộ phim này hay không. Và còn gì ấn tượng hơn khi mang những con số đi vào tựa đề, tạo ra nét bí ẩn và kích thích trí tò mò của khán giả? Dưới đây là danh sách các bộ phim đã thành công khi liên kết tựa đề phim với những con số, ẩn chứa những thông điệp khó quên.
1. (500) Days of Summer – 500 Ngày Yêu
(500) Days of Summer là một bộ phim điện ảnh thuộc thể loại hài lãng mạn của Mỹ sản xuất năm 2009. Kịch bản được viết bởi Scott Neustadter và Michael H. Weber; Marc Webb là đạo diễn. Nhân vật chính của phim là chàng trai Tom Hansen (Joseph Gordon-Levitt) yêu hết mình và cố gắng dạy cho Summer Finn (Zooey Deschanel) biết thế nào là tình cảm chân thật. Thế nhưng, đáp lại mọi cố gắng của anh chỉ là nỗi thất vọng, khi Summer sau bao lần dây dưa vẫn không thể đáp lại tình cảm ấy. Hai người xa nhau mãi mãi sau 500 ngày yêu.
Đây không phải là một câu chuyện tình với những ánh mắt lãng mạn, ánh nến lung linh hay những hiểu lầm diễn ra để làm nền cho một cái kết đẹp. Đây là lời tự sự nói về tình yêu, là những dòng hồi tưởng với những cảm xúc thực tả về nỗi đau và sự thất vọng, về mối tình có duyên nhưng không phận, chứ không chỉ có màu hồng.
Phim được đánh giá cao bởi tính chân thật, khơi gợi đồng cảm nơi khán giả bởi họ có thể nhìn thấy bản thân mình trong bộ phim. (500) Days of Summer nhận được nhiều đề cử và giải thưởng, nhưng đáng chú ý nhất là đề cử Quả cầu vàng cho Phim ca nhạc hoặc phim hài hay nhất tại lễ trao giải lần thứ 67, và một đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất (Phim ca nhạc hoặc Hài kịch) cho Joseph Gordon-Levitt.
2. 5 Centimeters Per Second – 5 Centimet trên Giây
Là anime do Shinkai Makoto đạo diễn và hãng CoMix Wave thực hiện. Cốt truyện xoay quanh mối quan hệ của một cậu bé tên Tono Takaki với Akari Shinohara - bạn thanh mai trúc mã của cậu từ khi còn đi học vào khoảng những năm 1990, cho đến thời điểm hiện tại, nhưng giữa họ luôn có một khoảng cách và thường chỉ liên lạc với nhau từ xa qua thư hay điện thoại.
Cũng giống như 500 Days of Summer, đây là một câu chuyện buồn nhưng mang nhiều thông điệp sâu xa, hơn thế nữa là chất Nhật Bản đậm nét trong từng khung hình. Tựa phim ẩn dụ cho tốc độ của một cánh hoa anh đào khi rơi xuống, ngụ ý về cuộc sống gắn kết giữa con người với nhau, rồi cũng sẽ thay đổi. Khi thời gian qua đi, có những người vẫn ở lại cùng ta theo năm tháng, nhưng cũng có người sẽ mãi mãi chẳng thể gặp lại.
Vẻ đẹp của thời gian, vừa tinh tế nhưng cũng đượm buồn, được khắc họa xuất sắc trên phim thông qua hiệu ứng hình ảnh tuyệt đẹp, những bản nhạc piano man mác, và sử dụng tương tác giữa các nhân vật để khơi gợi lên cảm xúc trong khán giả mà không cần dùng ngôn từ. Phim giành Giải bạch kim lớn Lancia tại Liên hoan phim chủ đề tương lai vì là phim có hình ảnh và hiệu ứng xuất sắc nhất và giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại lễ trao giải điện ảnh châu Á Thái Bình Dương năm 2007.
3. The Hateful Eight – Tám Hận Thù
Bộ phim của "quái kiệt" đạo diễn/biên kịch Quentin Tarantino, quy tụ dàn diễn viên toàn sao, bao gồm Samuel L. Jackson, Kurt Russell, Channing Tatum, Jennifer Jason Leigh, Walton Goggins, Demian Bichir, Tim Roth, Michael Madsen và Bruce Dern.
Bối cảnh của câu chuyện xảy ra vài năm sau cuộc nội chiến Mỹ, khi vấn đề bạo lực và xung đột sắc tộc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đang trên đường đưa nữ tặc Daisy Domergue (Jennifer Jason Leigh) từ Wyoming tới thị trấn Red Rock để lãnh thưởng, gã săn tiền thưởng nổi tiếng John Ruth (Kurt Russell) gặp 8 kẻ lạ mặt, từ đó bắt đầu các cuộc đấu trí đẫm máu.
8 con người, 8 tính cách, không ai chính diện, chẳng ai phản diện, 8 quá khứ phía sau và 8 câu chuyện đời, họ gặp nhau trong một đêm bão tuyết định mệnh với các biến cố khó lường. Không thuộc một thể loại nhất định nào; hành động, trinh thám hay viễn tây, đều có thể tìm thấy trong bộ phim. Những tình huống bạo lực và hài hước được áp dụng một cách triệt để, vừa éo le, kịch tính, vừa căng não, nhưng cũng lại khôi hài theo kiểu thâm thúy giễu nhại. Nếu bạn là fan của Quentin Tarantino, hẳn là không thể nào không nhận ra phong cách ấy, còn nếu đây là lần đầu xem phim do người được mệnh danh là “Quái kiệt của những quái kiệt” dàn dựng, bạn hẳn sẽ phải bất ngờ vì một bộ phim mang nhiều hương vị.
The Hateful Eight nằm trong danh sách những phim hay nhất 2015, 3 đề cử Oscar cho Nhạc phim xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, cùng nhiều đề cử và giải thưởng lớn nhỏ khác.
4. Blade Runner 2049 – Tội Phạm Nhân Bản 2049
Vốn không tạo dựng được lực lượng fan sẵn có từ tiền thân của mình, cũng không có gì lạ khi Blade Runner 2049 cũng phải chịu chung số phận thất bại về doanh thu. Thế nhưng có thể nói, bộ phim đã khắc phục được phần nào những điểm yếu trong kịch bản phi logic và đáng chán của người tiền nhiệm. Bộ phim dành ra 30 phút đầu để tóm tắt thế giới trong 30 năm sau, tức là năm 2049, khi con người đã di cư ra vũ trụ, để lại một Trái Đất hoang tàn và chết chóc. Thế hệ người nhân bản mới được tạo ra với sự quy phục hoàn toàn, còn những mẫu người nhân bản cũ thì bị Blade Runner loại bỏ. K (Ryan Gosling) là một đặc vụ đang trong quá trình săn đuổi Deckard (nhân vật chính của phần phim trước) và phát hiện ra một bí mật kinh hoàng.
Mạch phim vừa vặn, có đủ những điểm bất ngờ, xây dựng cốt truyện tốt, đặc biệt là triết lý nhân sinh được xem như ngang ngửa bản 1982. Ngoài ra, diễn xuất của các diễn viên cũng là một điểm cộng. Khác với phiên bản đầu tiên khi người ta chỉ khen nổi Roy Batty của Rutger Hauer thì sang bản 2049, “tân Blade Runner” lại hội tụ dàn cast tuyệt vời. Diễn xuất của Ryan Gosling (vai K) đã chứng tỏ anh không chỉ là một “bình hoa di động” với nét phong trần, lịch lãm vốn có, mà là một hóa thân hoàn toàn khác, lạnh lùng nhưng cũng nhiều nỗi cô đơn. Ngược với bản gốc, lần này phản diện của phim không còn khiến khán giả cảm thấy thương xót, bởi màn trình diễn tàn ác và dữ dội hơn của Wallace (Jared Leto) và Luv (Sylvia Hoeks). Harrison Ford trong vai Deckard mặc dù không chiếm nhiều khung hình như bản cũ, tuy nhiên nó cũng giúp ông gỡ gạc được phần nào thiếu sót trong cách xây dựng nhân vật Deckard năm xưa.
Ngoài ra, nhạc nền và âm thanh cũng là những ưu điểm tinh tế khiến đây là bộ phim viễn tưởng không thể bỏ qua, bởi lẽ doanh thu cũng chẳng nói lên điều gì. Bộ phim vừa được công chiếu chính thức vào ngày 06/10/2017.
5. 24 Hours To Live – 24 Giờ Hồi Sinh
Một bộ phim của Fundamental Films, dưới sự dàn dựng của Brian Smrz. Cốt truyện xoay quanh sát thủ Travis Conrad (Ethan Hawke), sau một cuộc phẫu thuật thử nghiệm, anh được hồi sinh từ cõi chết và có đúng 24 giờ để sống. Chấp nhận hợp tác với chính nữ đặc vụ đã giết chết mình (Paul Anderson), Travis bắt đầu thực hiện ý định trả thù tổ chức tội phạm vì cái chết của vợ con anh.
Tựa phim gợi nhớ nhiều đến series phim 24 của hãng fox, cũng dùng phương pháp tường thuật thời gian thực với 24 tập phim là 24 giờ của nhân vật chính. Cái hay của phương pháp dẫn dắt này chính là điểm hấp dẫn và hồi hộp của nhịp phim, khi khán giả luôn phải căng mắt theo dõi nhân vật chạy đua với thời gian. Có vẻ như ngay từ tựa đề 24 Hours To Live đã hé mở được phần nào chất kịch tính mà đạo diễn muốn truyền tải: Mỗi giây, mỗi phút trôi qua, tử thần lại càng đến gần, liệu anh có thể hoàn thành tâm nguyện? Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem bộ phim liệu có truyền tải thành công cái chất ấy không, hay chỉ là cái vỏ rỗng đến từ tựa đề. Bộ phim sẽ được công chiếu vào ngày 03/11/2017.