Khi màu sắc chủ đạo chính là tinh thần của một phim điện ảnh

Góc Nghệ Thuật · VLynd ·

Đôi khi một bộ phim tràn ngập sắc màu rực rỡ lại chóng quên hơn một bộ phim có một tông màu chủ đạo.

Đôi khi một bộ phim tràn ngập sắc màu rực rỡ lại chóng quên hơn một bộ phim có một tông màu chủ đạo.

Điều gì lưu lại tâm trí bạn sau khi thưởng thức một bộ phim hay?

A. Nội dung chất lượng
B. Diễn xuất trên cả tuyệt vời
C. Kỹ xảo mãn nhãn
D. Thông điệp ý nghĩa

Tuỳ tâm trạng, tuỳ góc nhìn mà mỗi người có nhận định khác nhau. Bên cạnh những yếu tố trên, một màu phim chủ đạo xuất sắc ắt sẽ đưa cảm xúc của khán giả thăng hoa nhiều hơn. Thoát khỏi sắc trắng đen và những gam màu đơn điệu, điện ảnh ngày nay chạy theo chủ nghĩa siêu thực với những hình ảnh chân thật, rõ nét trên từng khung hình. Tuy nhiên, với đôi mắt đã quá quen với nhịp sống hằng ngày, khán giả đến với điện ảnh để thưởng thức một cái gì đó độc đáo, để cảm xúc hoà vào dòng chảy trên màn ảnh.

Trở lại điều cơ bản nhất, khi những khung hình chuyển động đầu tiên ra mắt, mọi thứ đều mang sắc trắng đen vô cùng đơn điệu. Khi sự chân thật vẫn chưa được truyền tải, con người bị chính tông trắng đen ấy giới hạn cảm xúc. Qua thời gian, điện ảnh ngày càng phát triển, những thước phim dần trở nên sinh động, những gam màu dần được đưa vào khung hình. Vậy điều gì khiến một bộ phim trắng đen như Schindler's ListSin City lại được khán giả yêu quý đến thế? Chính là sự điểm xuyến nhất định của một vài màu sắc. Ra mắt trong cái thời điểm mà có thể làm một bộ phim màu sắc đa dạng nhưng đạo diễn Steven Spielberg (Schindler's List) và bộ ba Frank Miller, Robert Rodriguez, Quentin Tarantino (Sin City) lại chọn trắng đen là màu phim chủ đạo.

Với Schindler's List, xuyên suốt bộ phim chỉ là một sắc thái trắng đen nhằm hướng khán giả đến một bối cảnh đầy ảm đạm và bi thương trong Thế chiến thứ II. Trong một vài cảnh nhất định, một bé gái mặc đầm đỏ vô tình nổi bật giữa đám đông. Lần đầu xuất hiện, bộ váy của cô bé đỏ rực, dễ dàng thu hút sự chú ý của khán giả nhưng khi cảnh quay cứ tiếp diễn, sắc đỏ ngày càng nhạt bớt đi và trong một cảnh cô bé trốn dưới gầm giường, sắc đỏ trở nên xám xịt như bao diễn viên khác, báo hiệu một kết cục không thể tránh khỏi. Như mặt trời mọc ở hướng đông, những điềm báo chết chóc không thể nào sai lệch, sắc đỏ trở lại với cô bé lần nữa nhưng nổi bật giữa những cái xác bị chất đống. Với dụng ý như thế đạo diễn Spielberg đã khắc hoạ thành công hiện thực nghiệt ngã của chiến tranh. Trong nhiều hoàn cảnh, màu đỏ được dùng trong phim đều tượng trưng cho sự căng thẳng và nguy hiểm. Với trường hợp của bé gái váy đỏ trong Schindler's List, điều này hoàn toàn đúng, dù có cố gắng tới đâu, Schindler cũng không thể cứu hết những người Do Thái tội nghiệp.

Sin City được ví như bộ phim mà có khả năng đưa từng khung hình của truyện tranh lên màn ảnh rộng với những cảnh hành động dồn dập cùng gam màu trắng đen chủ đạo. Tuy nhiên, những màu khác như đỏ, cam, xanh dương... đều thoáng xuất hiện qua các đồ vật như xe cộ, trang phục của nhân vật, ánh sáng phản chiếu và màu trời. Chính những điểm nhấn đầy dụng ý của đạo diễn mà khán giả trở nên thích thú hơn, nhiều giả thuyết đoán già đoán non ý đồ cho những màu sắc đó luôn là một chủ đề tranh cãi đầy thú vị.

Gần đây, bộ phim vừa đoạt giải Oscar Phim hay nhất – The Shape of Water của đạo diễn tài năng Guillermo del Toro vừa để lại dấu ấn với khán giả khi sử dụng gam màu xanh lá cây và màu xanh mòng két làm chủ đạo. Không chỉ gian phòng được dán giấy tường màu xanh, phòng thí nghiệm được ốp gạch xanh, trang phục màu xanh của các nhân vật hay chiếc xe xanh đỏm dáng, gam màu xanh còn xuất hiện tràn ngập từ poster cho đến những khung hình. Màu xanh lá cây và mòng két đó vừa ám chỉ sự ảm đạm, nhàm chán, mong mang vừa là một niềm hy vọng hướng đến tương lai. Chính vì thế, dù những tình huống có khắc nghiệt đến đâu, cả hai nhân vật chính đến cuối cùng vẫn ở bên nhau “hạnh phúc trọn đời”. Nhưng tác phẩm của đạo diễn del Toro không đơn giản đến thế, tính nghệ thuật của phim ngập tràn qua những gam màu xanh đầy ẩn dụ và đó cũng là một trong những lý do thuyết phục cho giải Oscar của The Shape of Water. Với xu hướng “less is more”, sự nhấn nhá đơn điệu có chủ đích vẫn để lại ấn tượng nhiều hơn những gam màu rực rỡ đầy giả tạo.

Một tác phẩm điện ảnh khác tuy hụt Oscar nhưng vẫn ghi dấu trong lòng người xem vì nội dung dễ nuốt, thông điệp nhẹ nhàng không kém phần sâu lắng và cách sử dụng màu sắc chủ đạo thông minh là bộ phim nhạc kịch La La Land. Nước Mỹ vốn ngập tràn những giấc mơ hào nhoáng và Hollywood càng không phải ngoại lệ, câu chuyện của La La Land chỉ đơn giản xoay quanh hai con người trẻ tuổi chạy theo giấc mơ trên mảnh đất đắc giá nhất Hoa Kỳ. Nhìn vào cũng dễ thấy được tím là màu sắc chủ đạo. Tím vốn là màu sắc của sự mộng mơ, của những cô gái đang yêu với những cảm xúc lững lờ và hơn hết là tô vẻ một nỗi buồn đẹp đẽ. Đạo diễn Damien Chazelle đã khéo léo sử dụng gam màu đó để khắc hoạ một thực trạng khắc nghiệt trong nền công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, không phải toàn bộ phân cảnh đều mang màu sắc này mà trái lại, những đoạn gắng liền với thực tế như Mia chật vật casting trên con đường cao tốc đầy xe cộ, Mia trở thành một diễn viên nổi tiếng và có gia đình ấm êm. Để rồi khi vô tình gặp lại Sebastian trong màu sắc tím, những kỷ niệm ùa về, những hình ảnh không thực đại diện cho sự cố gắng níu kéo và sữa chữa những sai lầm của một quá khứ không thành.  

Đến với điện ảnh Hồng Kông, hẳn tín đồ của bộ môn nghệ thuật thứ 7 của hòn đảo này không bao giờ quên hai gam màu đỏ và vàng của Tâm Trạng Khi Yêu (In the Mood for Love) của đạo diễn Vương Gia Vệ. Ông Chu bà Trương đến với nhau không phải vì dục vọng mà chính là vì sự cảm thông trong cùng một cảnh ngộ khi người kề tay ấp gối với mình đang ngoại tình với bạn đời của đối phương. Trong cái tình cảnh mèo mả gà đồng diễn ra xung quanh, ông Chu bà Trương vẫn còn bị ràng buộc bởi luân thường đạo lý, nhưng chỉ cần một xúc tác nhỏ, ranh giới đạo đức dễ dàng bị xoá nhoà. Chính vì thế, gam màu đỏ chính là tâm trạng căng thẳng của hai nhân vật chính, nó cũng là màu sắc báo động cho những tình huống hiểm nguy chực chờ vồ lấy họ. Và màu vàng là sự ấm áp, cảm thông mà cả hai bên có thể tìm thấy lẫn nhau, họ chỉ cần đối phương có thể hiểu và lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn đang chết dần chết mòn mà người bạn đời đã gây ra. Một chủ đích đầy thông minh của Vương Gia Vệ.

[CẢM  NHẬN] Tâm Trạng Khi Yêu – Kiệt tác điện ảnh châu Á về mối tình đầy day dứt

[CẢM  NHẬN] Tâm Trạng Khi Yêu – Kiệt tác điện ảnh châu Á về mối tình đầy day dứt "sống để dạ, chết mang theo"

In the Mood for Love (Tâm Trạng Khi Yêu) mở đầu bằng những dòng chữ này, dự báo trước cái kết buồn cho một chuyện tình đầy day dứt.

Trước một nền điện ảnh ngập tràn kỹ xảo hoành tráng, những tín đồ điện ảnh lại có xu hướng tìm đến những cái gì giản đơn nhưng có thể lay động cảm xúc của họ. Và nhờ những gam màu chủ đạo, bộ phim không chỉ trở nên độc đáo mà có thể lay động những xúc cảm chai lỳ nhất.