Kiểm duyệt phim - Màn sương mờ ảm đạm dập tắt ý chí các nhà làm phim

Tin điện ảnh · tranleanhthi ·

Chuyện kiểm duyệt phim không chỉ là khe cửa hẹp ngăn cách bạn bè quốc tế đón nhận tư duy làm phim kiểu Việt Nam đặc sắc, mà còn hạn chế tín đồ phim ảnh trong nước thưởng thức môn nghệ thuật thứ 7 một cách trọn vẹn.

Dân làm phim ở Việt Nam có rất nhiều nỗi sợ như không hút nổi khách, doanh thu không tốt, thời tiết không ủng hộ hay diễn viên có vấn đề. Tuy nhiên, trong giai đoạn kiểm duyệt, cụm từ "vi phạm thuần phong mỹ tục" mà dân làm phim ở nước ta phải nhận lấy mới là nỗi sợ to lớn nhất. Điều này có nghĩa tác phẩm của họ sẽ bị cắt xén, xóa bỏ hay thậm chí không được cấp phép phát hành hay phổ biến.

Kiểm duyệt phim là gì?

Cụm từ "kiểm duyệt" được định nghĩa là sự hạn chế sự thể hiện quan điểm và quyền tự do ngôn luận hay tự do thể hiện đối với những chất liệu phim ảnh, sách vở, nghệ thuật được xem là có các yếu độc hại, nhạy cảm, không chính xác về mặt chính trị theo luật pháp của chính quyền sở tại.

Chính sách kiểm duyệt làm các nhà làm phim đau đầu
Chính sách kiểm duyệt làm các nhà làm phim đau đầu

Những ngày đầu ở Hollywood, kiểm duyệt phim xuất hiện từ rất sớm. Năm 1907, Chicago ban hành bộ luật kiểm duyệt phim đầu tiên trên thế giới, nhà chức trách cho phép các viên cảnh sát xem những bộ phim sắp ra rạp và để họ quyết định phim nào nên cấm. Tuy nhiên, quy chuẩn kiểm duyệt phim lúc đó còn rất sơ sài, các bộ phim bị cấm chỉ bởi một dòng miêu tả "vô đạo đức".

Sau nhiều năm đấu tranh giữa những nhà sản xuất phim và nhà làm luật, bộ luật Hays, bộ kiểm duyệt phim đầy đủ của Hollywood ra đời trong khoảng thời gian 1922-1945. Tuy nhiên, sự phát triển của văn hóa đại chúng, ảnh hưởng từ phim nước ngoài làm cho bộ luật Hays ngày càng suy yếu. 

Những yếu tố đồng tính là nguyên nhân kiểm duyệt thường thấy ở Malaysia
Những yếu tố đồng tính là nguyên nhân kiểm duyệt thường thấy ở Malaysia

Hiện tại, Hollywood thực hiện việc kiểm duyệt phim thông qua những tổ chức phi chính phủ. Điều này giúp cho bộ phim nhanh chóng ra rạp và sẽ không bị cắt xén vô tội vạ. Bên cạnh đó, hệ thống phân loại phim điện ảnh (MPAA) ra đời giúp đưa phim tới từng phân khúc khán giả và làm cho việc kiểm duyệt phim được tinh giản, hiệu quả hơn nhiều.

Kiểm duyệt phim ở Việt Nam gây hoang mang

"Khi tham dự các LHP quốc tế, báo chí và đồng nghiệp nước ngoài có hỏi tôi về chuyện kiểm duyệt ở Việt Nam.  Tôi không biết giải thích sao cho họ hiểu vì nhiều khi họ cảm thấy thật kỳ quặc, tôi cũng thấy xấu hổ", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ trên Baogiaothong khi được hỏi về chuyện kiểm duyệt.

Trước khi được cấp phép phát hành và phổ biến, nhà sản xuất phải trình kịch bản hoặc bản chiếu phim cho  Hội đồng trung ương thẩm định. Bộ phận này gồm 11 thành viên nhiều người đã hoặc đang công tác tại Cục Điện ảnh.

Ròm phải gánh lấy án phạt 40 triệu sau khi đạt giải lớn tại LHP Busan
Ròm phải gánh lấy án phạt 40 triệu sau khi đạt giải lớn tại LHP Busan

Được biết, 11 thành viên này đang phải gánh một khối lượng công việc rất lớn. Mỗi năm có khoảng 200 phim nước ngoài nhập về Việt Nam và khoảng 40 phim nội địa được gửi tới duyệt. Khi phim gửi đến thì trong khoảng thời gian 15 ngày hội đồng phải hoàn thành thủ tục duyệt phim để Cục Điện ảnh cấp giấy phép hoặc từ chối cấp phép.

"Quy chế duyệt phim và những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh của luật Điện ảnh VN vẫn còn chung chung và hiện đã lỗi thời so với sự phát triển của điện ảnh", Bích Liên, nhà sản xuất phim trả lời trên Tuổi Trẻ Online.

Văn bản về Quy chế thẩm định và đánh giá phim ảnh do Cục Điện ảnh ban hành có chỉnh sửa từ năm 2016 cho thấy sự mù mờ và nhập nhằng của quá trình duyệt phim. Đầu tiên, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét một bộ phim có vi phạm Luật điện ảnh hay không.

Điều 11. Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh

1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

3. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

4. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.  

Bi, đừng sợ bị cấm phổ biến vì có những cảnh nhạy cảm
Bi, đừng sợ bị cấm phổ biến vì có những cảnh nhạy cảm

Sau khi lọt ải trên, một bộ phim sẽ được đánh giá về nội dung và kĩ thuật để chấm điểm tiếp và được phân chia thành 4 mức độ phim ảnh khác nhau. Việt Nam đã có bộ phân chia khán giả theo các cấp độ: phổ biến (P), cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13), cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16) và cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18). Trước đó, các bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam chỉ được phân loại theo hai mức độ là phổ biến rộng rãi (G) hoặc cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (NC-16). 

Tuy nhiên, miêu tả về những yếu tố cần kiểm duyệt của Cục điện ảnh về các thể loại phim là C13, C16 và C18 chỉ mang tính chất qua loa và cảm tính. Cụ thể, phim C18 không chấp nhận khai thác quá sâu những yếu tố kinh dị bạo lực và cho phép chúng xuất hiện ở thời lượng kéo dài, cụm từ "quá sâu" và "kéo dài" chỉ mang tính ước lệ, không thể hiện rõ rệt một con số nào cụ thể.

Ở thể loại phim C13 và C16, các yếu tố kinh dị, bạo lực chỉ được cho phép xuất hiện ở mức độ vừa phải. "Mức độ vừa phải" cũng là một cụm từ gây hoang mang. Bộ luật không hề cung cấp một bản quy chuẩn chi tiết về việc giải thích như thế nào là "vừa phải" hay "quá mức". Quyền quyết định chủ quan thuộc về cá nhân người kiểm duyệt. Các nhà làm phim chỉ biết cầu mong phim của họ không lọt vào tay người kiểm duyệt quá cực đoan. 

Nàng Tiên Có 5 Nhà là phim hài gia đình nhưng lại xếp hạng C13
Nàng Tiên Có 5 Nhà là phim hài gia đình nhưng lại xếp hạng C13

Mặt khác, những quy chuẩn đánh giá một bộ phim không được cấp phép chẳng hạn như "vi phạm thuần phong mỹ thuật", “chi tiết mang tính chất nhạy cảm” hay "không phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam" là hoàn toàn mang tính chất cảm tính, gây hoang mang cho người xem.

Bên cạnh đó, việc phân loại phim vẫn còn rất lộn xộn. Tết Nguyên Đán 2016. Tây du ký: Mối Tình Ngoại Truyện 2 của Châu Tinh Trì khởi chiếu đúng mùng 1 Tết với nhãn P - tức được phổ biến tới mọi đối tượng khán giả, nhưng phim lại có nhiều cảnh dung tục, hở hang. Trong khi đó, các phim Việt ra rạp cùng thời điểm như Lục Vân Tiên: Tuyệt Đỉnh Kung Fu hay Nàng Tiên Có 5 Nhà là phim hài gia đình và không nhạy cảm bằng lại bị dán nhãn C13.

Kiểm duyệt phim ở các nước Châu Á

Với bối cảnh xã hội an toàn và đa dạng tôn giáo, quy chuẩn kiểm duyệt phim ở Việt Nam tuy lan man nhưng vẫn thoáng hơn ở các nước Châu Á khác.

Love, Simon bị cấm chiếu ở Malaysia vì đề cập đến LGBT
Love, Simon bị cấm chiếu ở Malaysia vì đề cập đến LGBT

Cụ thể, hầu hết các phim có yếu tố đụng chạm một ít tới đạo Hồi đều bị cắt xén hay không được cấp phép tại Malaysia và Indonesia. Đặc biệt, bộ phim I Don't Want To Sleep Alone của đạo diễn Thái Minh Lượng bị cấm chiếu tại Malaysia với lý do phản ánh xã hội quá đen tối. Kể cả bộ phim giải trí Baywatch cũng bị cấm khi có quá nhiều nam diễn viên cơ bắp, bán khỏa thân. Những bộ phim mang yếu tố LGBT cũng bị cấm theo bối cảnh xã hội của các nước Hồi giáo.

Mặt khác, việc kiểm duyệt phim ở Malaysia vừa được sửa đổi một cách rất chi tiết. Mohd Zamberi Abdul Aziz, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phim Malaysia chia sẻ khi cắt bỏ nội dung bạo lực, máu me ở một bộ phim họ xem xét kĩ lưỡng để không làm hỏng nội dung và đề ra một bộ quy chuẩn chi tiết.

"Lấy một đoạn nhân vật bị chém đầu làm ví dụ. Chúng tôi chắc chắn sẽ cắt bỏ hình ảnh cột máu phun ra ngoài vết thương, chứ không phải lúc thủ phạm cầm vũ khí thực hiện nhát chém", Mohd Zamberi Abdul Aziz trả lời tờ NST.

Baywatch từng bị cấm ở Malaysia vì hình ảnh khỏa thân
Baywatch từng bị cấm ở Malaysia vì hình ảnh khỏa thân

Hiện tại, Malaysia phân chia các bộ phim thành 3 quy chuẩn là U (phổ biến), P13 (vị thành niên), P18 (người lớn). Những yếu tố liên quan đến chất kích thích, rượu bia, ma túy cũng được kiểm soát chặt chẽ. Mohd chia sẻ Hội đồng kiểm duyệt chỉ cắt bỏ hành vi sử dụng và thực hiện chúng, chứ không can thiệp vào mạch phim. Đặc biệt, đối với phim được dán mác P18, những yếu tố bạo lực kinh dị sẽ không hề bị cát xén, kiểm duyệt.

"Công dân đủ 18 tuổi đã được cung cấp đầy đủ nhận thức rằng những yếu tố trên chỉ thuộc phạm trù giải trí", Mohd nói. 

Giải pháp nào cho kiểm duyệt phim ở Việt Nam

PGS-TS Phạm Xuân Thạch, chủ nhiệm khoa Văn học (ĐH KHXH&NV- ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét rằng để việc kiểm duyệt phim thật sự khách quan, hội đồng duyệt phải có sự đa dạng về tiếng nói và tư tưởng. Đồng thời, ông cho rằng hội đồng kiểm duyệt cần tham khảo ý kiến chuyên gia cũng như phân chia công việc một cách hợp lý. 

Đập Cánh Giữa Không Trung cũng lận đận trong chuyện cấp phép
Đập Cánh Giữa Không Trung cũng lận đận trong chuyện cấp phép

PGS-TS Phạm Xuân Thạch bày tỏ quan điểm không nên cho rằng phim có cảnh bạo lực có nghĩa là Việt Nam nhiều cảnh bạo lực, tác giả chỉ thể hiện suy niệm của chính mình về hiện thực. Ông cho rằng quan điểm phim ảnh phản ánh hiện thực là lỗi thời. Đây là quy chuẩn cảm tính làm cho những bộ phim hiện thực từng đoạt giải cao không được ra rạp như Bụi Đời Chợ Lớn, Đập Cánh Giữa Không Trung và gần đây nhất là Ròm

Tuy nhiên, bộ quy chuẩn kiểm duyệt phim vẫn chưa được miêu tả chi tiết. Hội đồng kiểm duyệt phải đảm đương qua nhiều công việc trong khi nguồn nhân sự luôn trong trạng thái thiếu thốn. Theo Nguyễn Minh Đức, chuyên gia thuộc phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra giải pháp chia đều khối lượng công việc cho các đài truyền hình hoặc những tổ chức khác được cấp phép. Đây là cách làm giống như quy chuẩn kiểm duyệt phim của Hollywood.

Cục Điện ảnh nên phân chia công việc kiểm duyệt cho các đơn vị phim truyền hình
Cục Điện ảnh nên phân chia công việc kiểm duyệt cho các đơn vị phim truyền hình

Bên cạnh đó, vấn đề của kiểm duyệt phim là phạm vi kiểm duyệt quá rộng, chúng ta khó có thể nắm bắt được hết các yếu tố cần phải loại bỏ mà không làm ảnh hưởng tính nghệ thuật và thương mai của phim. Đồng thời, sự độc quyền trong công tác kiểm duyệt làm cho quá trình cấp phép không được thuận lợi.

"Những đội ngũ đang làm kiểm duyệt tại các đài truyền hình sẽ có thể giải quyết khối lượng công việc. Nếu giao cho các đài truyền hình việc kiểm duyệt phim chiếu ở rạp, mức độ cạnh tranh của các đài truyền hình cũng đủ để tạo ra thị trường dịch vụ tốt", Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Nguồn: Tổng hợp