Ký ức về "Anh Hùng" của điện ảnh Việt Nam
Tin điện ảnh · BaVu ·
Đây là bài tôi viết cho tờ Thể Thao Văn Hoá Cuối Tuần vào năm 2013, lúc đó tôi tự “Kỷ niệm 20 năm Việt Nam lần đầu được đề cử Oscar (1993 – 2013)”. Nhân dịp đạo diễn Trần Anh Hùng sang Việt Nam để ra mắt bộ phim thứ sáu của mình, Éternité (Vĩnh cửu), tôi post bài này lên như một lời tri ân anh - người đã cho tôi biết thế nào là làm điện ảnh thực thụ. Tựa bài tôi sửa lại từ “Người hùng” thành “Anh Hùng” (tên của anh). Tôi có bổ sung thêm một vài chi tiết không có trong bài gốc...
Cũng vào những ngày cuối tháng 5 của 20 năm về trước (1993), LHP Cannes đã trao giải Camera Vàng (dành cho phim đầu tay) cho bộ phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Điều rất bất ngờ với công chúng Việt Nam lúc đó, là Mùi đu đủ xanh sử dụng tiếng Việt 100% với bối cảnh hoàn toàn Việt Nam. Chuyện cổ tích cũng bắt đầu từ đây…
* Tôi nhớ lần đầu xem Mùi đu đủ xanh…
Chỉ một tháng (nếu tôi nhớ không lầm) sau khi thắng giải Camera Vàng tại LHP Cannes, Mùi đu đủ xanh đã có mặt ở Việt Nam do đích thân đạo diễn Trần Anh Hùng và nhà sản xuất Christophe Rossignon mang sang giới thiệu với công chúng Việt Nam.
Buổi chiếu giới thiệu Mùi đu đủ xanh tại NVH Thanh Niên Tp.HCM đông kín người trong một buổi chiều mùa hè. Trời ở ngoài thì nóng hầm hập, còn bên trong hội trường thì không khác gì lò bát quái. Dăm ba cái quạt trần chỉ như phủi bụi cho gần cả ngàn người lúc ấy… Những người vừa từ ở những phòng chiếu sang trọng mát lạnh tại Cannes, chắc cũng không bao giờ hình dung được có lúc mình phải xem phim ở trong một cái lò xông hơi khổng lồ như vậy…
Máy chiếu phim nhựa cổ lỗ sĩ chiếu trên cái màn ảnh bằng vải đã ngả màu, ít nhiều đã làm giảm đi chất lượng của bộ phim đang được khen ngợi hết lời về hình ảnh. Phim chiếu được khoảng 20 phút, tôi đã… ngáp 3 lần! Chiếu được hơn nửa phim, tôi chỉ muốn chui ra ngoài hít thở không khí cho nó đã, nhưng nhắm không len ra nổi đành phải thôi. Mà không chỉ có mình tôi, nhiều người xung quanh cũng có cảm giác đó, vì không chịu nổi nhịp phim có tiết tấu… rùa bò như vậy. Nhiều cảnh quay dài, các nhân vật đi đi lại lại, nói năng chậm rãi từ tốn đến sốt cả ruột!
Buổi chiếu chấm dứt trong tiếng vỗ tay hoan hô như sấm dậy của khán giả, khi đạo diễn được mời lên sân khấu. Lần đầu tiên tôi được biết mặt anh và cũng rất ngạc nhiên vì anh trẻ lắm, dáng người nhỏ bé trắng trẻo, mặc áo sơ mi trắng, tóc gần như cắt trọc, bẽn lẽn rụt rè như một cậu sinh viên… khác hẳn hình dung ban đầu của tôi là đạo diễn thì phải hầm hố, tướng mạo gồ ghề. Anh từ tốn trả lời mọi câu hỏi của khán giả về bộ phim bằng giọng Bắc nhẹ nhàng, khá lưu loát và không đệm ngoại ngữ vào.
* Có một Trần Anh Hùng khác…
Khoảng nửa năm sau lần đầu tiên xem Mùi đu đủ xanh, tôi bất ngờ được nhận vào làm trong bộ phận Regie (sản xuất) của bộ phim Cyclo – phim truyện thứ hai của Trần Anh Hùng theo đúng mong ước của anh – được làm phim Việt trên đất Việt Nam.
Trước đó tôi chỉ quen làm trợ lý đạo diễn cho các bộ phim “Mì ăn liền" ở Việt Nam, gọi diễn viên, xếp lịch quay… chứ chả biết tí gì về sản xuất. Chỗ mà tôi muốn làm trong bộ phim Cyclo là bộ phận casting (chọn diễn viên), nhưng chỗ đó đã có anh bạn thân của tôi vào làm trước đó 2,3 tháng rồi. Nhờ có chút tiếng Anh, tôi nhanh chóng thích nghi với công việc mới trong bộ phận sản xuất, nhưng hễ rảnh một tí là tôi chui tọt vào phòng casting để trò chuyện với bạn tôi, thực chất là quan sát học hỏi cách làm việc khoa học của người Pháp.
Từ phòng casting của Cyclo, tôi phát hiện ra Anh Hùng rất mê các diễn viên đường phố. Sự trải đời và vốn sống của họ, cho dù là đứa bé đánh giày, đều là thứ mà các diễn viên thực thụ khó mà có được. Bộ phận casting (cả tây lẫn ta) đã toả đi khắp đường phố Sài Gòn để chụp bất cứ ai phù hợp với tiêu chí của đạo diễn đề ra. Hàng ngàn tấm ảnh đã được chụp (thời đó chưa có máy ảnh số, điện thoại di động… tất cả đều chụp bằng phim 35mm), và đạo diễn đều xem qua hết, không bỏ sót một tấm nào! Khá nhiều diễn viên phụ trong Cyclo sau này đã được chọn trong đống ảnh khổng lồ đó.
Công việc của tôi đi thực tế hiện trường, thị sát các bối cảnh đã được chọn, sau đó báo cáo lại để các nhà điều hành sản xuất lên kinh phí đền bù, giải toả, thuê mướn hay mua đứt… Tôi cực kỳ sửng sốt vì mang tiếng là dân làm phim sống ở Sài Gòn từ nhỏ, vậy mà đa số những bối cảnh được chọn trong Cyclo là nơi mà tôi cả đời chưa hề biết tới! Hỏi ra mới biết Anh Hùng trước đó đã dành ra một năm đi bộ khắp các hẻm hóc xó xỉnh ở Sài Gòn để chọn cảnh! Bạn có thể học được rất nhiều thứ nếu xem phim Cyclo. Đặc biệt là những xếp đặt về ánh sáng và màu sắc.
Vào làm việc ở đây, tôi giáp mặt với anh nhiều hơn. Hầu như lúc nào anh cũng sơ mi trắng dài tay, quần jean bạc màu và đi giày Doctor. Anh luôn tươi cười, cư xử lịch thiệp nhã nhặn với tất cả người Việt Nam. Chính vì thế mà không một người Pháp nào trong đoàn “dám” đối xử trịch thượng với người Việt cả.
Đã đôi lần trong công việc tôi thử đề xuất phương án dự phòng vì e phương án đầu có vẻ khó khăn, thì đa số người Pháp (trong tổ sản xuất và tổ đạo diễn) đều không dám thay đổi, và họ thường phải giúp tôi đến tận cùng để làm cho bằng được, bởi đơn giản là: “Mr. Đạo diễn muốn thế!”. Trần Anh Hùng đã làm tôi rất tự hào vì, điện ảnh là do người Pháp tạo ra, chế độ thực dân của họ đã từng đô hộ chúng ta hàng trăm năm trước, vậy mà bây giờ một người Việt Nam bé nhỏ, đã khiến hàng trăm người Pháp phải nghe răm rắp, mỗi ý muốn của anh là tối thượng!
Mùi đu đủ xanh được đề cử Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất, đã giúp cho Cyclo có được kinh phí sản xuất khá “xông xênh”. Có đủ tiền và uy tín của đạo diễn để mời được Lương Triều Vỹ – ngôi sao nổi tiếng nhất nhì ở Hồng Kông lúc bấy giờ. Có đủ tiền cho thời gian chuẩn bị dài đến 9 tháng (Xin lỗi, học 9 tháng ở đây bằng 10 năm học trường điện ảnh).
Khoảng thời gian quay phim Cyclo kéo dài 3 tháng rưỡi, tôi nhớ có 2 tuần liên tiếp quay đêm (tập trung từ 5 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau thì kết thúc). Có những lúc gần về sáng cả đoàn rất mệt mỏi, đạo diễn là người mệt nhất, nhưng anh không dám nằm mà chỉ ngồi trên ghế nhắm mắt thư giãn chốc lát, vì anh biết mình nằm là sẽ gục luôn, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của mọi người.
Trong suốt thời gian quay, anh vẫn luôn tươi cười, ăn nói nhỏ nhẹ, cư xử rất lịch thiệp với mọi người. Hiếm khi thấy anh nóng nảy, những lúc nóng giận hay không bằng lòng việc gì, anh thường ra riêng một chỗ cho đến khi “hạ hoả” rồi sau đó vào làm việc tiếp, tuyệt nhiên không to tiếng. Sau 14 tuần quay, Trần Anh Hùng của ngày đầu bấm máy và ngày cuối cùng đóng máy là khác xa một trời một vực: Anh sút cân hẳn, mặt mày bơ phờ hốc hác, chỉ có đôi mắt là vẫn còn tinh anh…
* Người hùng của điện ảnh Việt Nam
20 năm qua, không thể nhớ tôi đã bao nhiêu lần xem Mùi đu đủ xanh. Cảm giác mỗi lần xem là mỗi lần phát hiện một điều mới mẻ từ bộ phim đó, để rồi tự xấu hổ với tư duy xem phim ngốc nghếch của chính mình ngày xưa. Chưa đến 30 tuổi Anh Hùng đã có một cái nhìn khác lạ về phim ảnh, bằng những cảm nhận ký ức của tuổi thơ còn sót lại (anh sang Pháp cùng gia đình lúc 12 tuổi).
Sự chậm rãi khoan thai, lịch sự của người Việt ở thập niên 1950, đã được anh mô tả trong Mùi đu đủ xanh như một nhịp điệu khác thường, nổi bật trong bạt ngàn những bộ phim gấp gáp, tốc độ, ồn ào… của thời ấy. Người phương Tây đánh giá cao Mùi đu đủ xanh ở nhịp điệu chậm rãi ấy. Từng ấy năm trôi qua, tôi đã xem đủ hết những phim của người Việt (Việt kiều lẫn trong nước) làm về Việt Nam, nhưng chưa thấy phim nào có được hồn cốt quê hương mộc mạc trong trẻo như Mùi đu đủ xanh.
Với Mùi đu đủ xanh, Anh Hùng mới ngoài 30 tuổi đã có trong danh thiếp các danh hiệu mà nhiều đạo diễn danh tiếng cố gắng cả đời còn chưa có được: Năm 30 tuổi: Camera Vàng tại LHP Cannes 1993, César (Pháp) cho phim đầu tay 1993, đề cử Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất 1993. Năm 33 tuổi với bộ phim Cyclo, anh đoạt giải Sư tử Vàng ở LHP Venice, trở thành một trong những đạo diễn trẻ nhất chiến thắng ở LHP lâu đời nhất thế giới này... Thử hỏi có mấy đạo diễn trên thế giới làm được điều này ở độ tuổi đó, và chỉ trong 2 bộ phim đầu tiên?
Giải Oscar, LHP Cannes, LHP Venice mãi mãi vinh danh cái tên Việt Nam trong biên niên sử điện ảnh - dù phim Cyclo đến giờ vẫn còn bị cấm chiếu ở Việt Nam! Hãy thử hỏi tất cả những người nước ngoài biết gì về điện ảnh Việt Nam, chắc chắn 100 câu trả lời như một sẽ là, Mùi đu đủ xanh!
Từ rất lâu rồi chúng ta chưa nhìn nhận đúng mức những gì mà Trần Anh Hùng đã đóng góp vinh quang to lớn cho điện ảnh Việt Nam. Đơn cử một ví dụ, những kỳ LHP quốc tế tổ chức tại Việt Nam vừa qua, tại sao chúng ta cứ phải đỏ mắt đi tìm người xứng đáng ngồi ghế chủ tịch ban giám khảo. Trong khi chúng ta lại đang có một người con mang dòng máu Việt tầm cỡ thế giới, mà tác phẩm và danh tiếng thừa sức đứng đầu ban giám khảo của các LHP quốc tế khác trên thế giới!
20 năm là một khoảng thời gian rất dài, nhưng cũng đủ để khẳng định ai mới đích thực là người hùng của điện ảnh Việt Nam.