Lịch sử phát triển của San Diego Comic-Con

Tin điện ảnh · VLynd ·

Hẳn khi mới sáng lập vào năm 1970, 145 con mọt phim, truyện cũng không ngờ buổi offline của họ sau hơn 40 năm thu hút lượng người tham gia lên tới hơn 150.000 người và là bãi đất màu mỡ cho các nhà quảng bá điện ảnh Hollywood.

Hẳn khi mới sáng lập vào năm 1970, 145 con mọt phim, truyện cũng không ngờ buổi offline của họ sau hơn 40 năm thu hút lượng người tham gia lên tới hơn 150.000 người và là bãi đất màu mỡ cho các nhà quảng bá điện ảnh Hollywood. Vì đâu mà từ một buổi giao lưu nhỏ mở rộng thành một sự kiện lớn, mang tầm cỡ quốc tế và diễn ra vào mỗi năm? San Diego Comic-Con là minh chứng cho việc đam mê hoàn toàn có thể làm nên chuyện. Hãy cùng Moveek tìm hiểu về các cột mốc phát triển của sự kiện này nhé, biết đâu một ngày nào đó chúng ta có Moveek Comic-Con tại Việt Nam và thu hút được các nhà sản xuất của nước ngoài.

1970: Shel Dorf, Ken Krueger và Richard Alf đã tập hợp một nhóm người cuồng truyện tranh tại khách sạn U.S Grant Hotel (California), với tên gọi là San Diego’s Golden State Comic-Minicon, sở dĩ là “minicon” vì lượng người tham gia chỉ vỏn vẹn có 145 thành viên. Và ngày 21/03/1970 là cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của cư dân geeks vì nó chính là cánh cổng cho các sự kiện comic-con sau này. 5 tháng sau đó, buổi comic-con lại được tổ chức một lần nữa với sự tham gia của 3 khách mời danh tiếng là Ray Bradbury, Jack Kirby và A. E. van Vogt, con số người tham dự lên tới hơn 300.

1972: đổi tên thành San Diego’s West Coast Comic Convention. Không chỉ tập trung quảng bá những cuốn truyện tranh, sự kiện còn bao gồm nghệ thuật đại chúng khá phổ biến thời bấy giờ như: điện ảnh, văn học viễn tưởng, v.v. 1973: chính thức lấy tên gọi San Diego Comic-Con (SDCC). Số lượng người tham gia lên tới hơn 1000 người.

1974: lần đầu tiên những người tham gia hoá trang.

1979: chính thức được diễn ra sự kiện tại Trung tâm hội nghị San Diego.

1983: năm đầu tiên SDCC tổ chức theo chủ đề lưu niệm.

1985: mẫu thiết kế của Rick Geary được chọn làm logo chính thức. Fea Desmond lên làm tổng quản lý.

1987: bắt đầu hướng dẫn sự kiện.

1988: ban nhạc Innocent biểu diễn. Bắt đầu có khu vực riêng cho anime.

1989: thu hút hơn 11.000 người tham gia.

1995: sử dụng logo “con mắt” của Richard Bruning, đồng thời là logo chính thức cho tới bây giờ.

2004: sự kiện được mở rộng ra tới sảnh H, bao gồm cả sảnh triển lãm. Gần 100.000 người tham gia và con số đó hầu như tăng dần qua mỗi năm.

2010: sự kiện được mở rộng ra tổ chức ở nhiều nơi, nhiều nhất là vào năm 2015.

2012: lần đầu tiên có chương trình Preview Night.

Sau hơn 40 năm phát triển, San Diego Comic-Con từ một trào lưu nhỏ trở thành thánh đường cho người hâm mộ điện ảnh và truyện tranh. Các nhà sản xuất, phát hành đều tranh thủ sự kiện này để quảng bá sản phẩm của họ, sự phản ứng của khán giả trong SDCC chính là quyết định số phận của các bom tấn điện ảnh. Còn nhớ năm 2012, nhờ vào đoạn footage bị leak mà đầu năm nay chúng ta đã có siêu phẩm Deadpool, có thể không phải ai cũng vừa mắt nhưng đó là bộ phim Marvel duy nhất mà Fox làm tốt nhất.

Bên cạnh đó, những hoạt động khác trong khuôn khổ SDCC cũng hấp dẫn không kém là: so tài cosplay, triển lãm nghệ thuật truyện tranh, giải Oscar cho comics, chiếu phim, trò chơi, các sản phẩm đồ chơi ăn theo, khu vực chụp ảnh và giao lưu với các diễn viên, v.v. Khó có thể dự đoán sức hút của SDCC bao giờ mới giảm nhiệt, đặc biệt là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.

Liệu có một comic-con nào ở Việt Nam? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Trong những năm gần đây, mọi người đã chấp nhận việc cosplay các nhân vật trong anime và manga Nhật Bản, có khá nhiều festival uy tín diễn ra tại những địa điểm nổi tiếng như: Nhà văn hoá thanh niên, SVĐ Hoa Lư, AEON Mall Tân Phú, v.v. Vậy còn đối với dòng phim siêu anh hùng và comics? Hầu như, chỉ là những buổi offline giữa các thành viên trong fan page, chưa thật sự mở rộng ra. Tuy nhiên, với những bước đầu tổ chức offline thành công (chẳng hạn như offline Captain America: Civil War do Marvel Việt Nam tổ chức cùng Moveek) có thể dẫn đến những chương trình lớn hơn.

Một khó khăn khác nữa là thật khó tìm được một quyển truyện tranh nước ngoài được dịch sang tiếng Việt, khán giả chỉ có thể tìm đọc trên mạng và tự dịch cho nhau, hoặc là đặt mua truyện gốc với số tiền không hề nhỏ. Bên cạnh đó, việc đầu tư cosplay không hề đơn giản, chi phí đã đành, các coser còn bị “ném đá” nếu không giống nguyên tác, thậm chí là “body shaming”. Luôn có những thách thức và nỗ lực trong việc phát triển đam mê. Hy vọng một ngày nào đó, comic-con thật sự có mặt tại Việt Nam.

Tổng hợp từ: comiccon, wikipedia, Los Angeles Times