[CẢM NHẬN] Listen to Me Marlon – Di sản, bí ẩn, góc tối và tâm hồn của nam diễn viên vĩ đại nhất nước Mỹ

Đánh giá phim · Maii ·

Listen to Me Marlon, phim tài liệu về cuộc đời và những lời tự sự, tâm tình của một diễn viên vĩ đại đã không còn trên cõi đời này: Marlon Brando.

Đã 15 năm sau ngày mất của Marlon Brando – nam diễn viên vĩ đại nhất nước Mỹ. Tuy không còn, nhưng sức ảnh hưởng của cố nam diễn viên, di sản và sự đấu tranh cho công bằng của ông vẫn còn đó, kèm theo là nhiều ý kiến nhìn nhận trái chiều.

Marlon Brando thời còn trẻ. (Ảnh: IMDb)
Marlon Brando thời còn trẻ. (Ảnh: IMDb)

Là một diễn viên giỏi và kín đáo về cuộc sống riêng, suốt nhiều năm, người ta vẫn thường có cái nhìn sai lệch về Brando. Nhiều khán giả biết đến ông với vai diễn Bố Già trong The Godfather, nhưng trước bộ phim kinh điển này, Marlon Brando đã sở hữu một gia sản vai diễn đồ sộ, đa dạng và được nhiều người tán dương. Ông cũng là một trong những diễn viên sử dụng “method acting” nổi tiếng nhất, góp phần làm thay đổi nền diễn xuất theo hướng mà chúng ta nhìn nhận ngày nay.

Listen to Me Marlon – phim tài liệu do Stevan Riley thực hiện, dựa trên các bức thư, băng ghi âm và các cuốn phim từ thời trẻ cho đến lúc cuối đời của Brando – vốn là những điều mà công chúng chưa bao giờ được biết, chưa bao giờ được Brando hé lộ, đã góp phần mang đến cho khán giả nhiều góc nhìn khác về Marlon Brando. 

Stevan Riley làm Listen to Me Marlon sau khi ông xem Hearts of Darkness: A Filmmaker’s Apocalypse – phim tài liệu dưới góc nhìn của đạo diễn Francis Ford Coppola về mối quan hệ không tốt đẹp giữa ông và Brando khi thực hiện phim Apocalypse Now (một trong những phim kinh điển Brando từng tham gia). Brando chưa bao giờ có cơ hội phản hồi về những cáo buộc mà truyền thông (qua lời của đạo diễn Coppola) đổ lên đầu mình như đến phim trường mà không tìm hiểu về kịch bản, về nhân vật, thích chỉnh sửa kịch bản để đòi tăng thù lao, làm tiêu tốn chi phí sản xuất lên đến hàng trăm ngàn đô… Listen to Me Marlon ở một mặt nào đó khác, chính là lời giãi bày của ông đến với khán giả sau khi đã không còn trên cõi đời này. Vậy, Marlon Brando thực sự là ai?

Marlon Brando sinh trưởng cho một gia đình lao động bình thường và không có truyền thống về nghệ thuật. Mối liên hệ duy nhất giữa Brando và phim ảnh đó là những lúc ông buồn hoặc tâm trạng không tốt, ông thường xem một bộ phim, đắm chìm vào thế giới muôn màu mà diễn viên và bộ phim mang đến. Mây đen biến mất, và ông lại được tự do.

Cha là kẻ bạo hành, rách việc và phóng đãng, mẹ nghiện rượu và có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cuộc sống gia đình đã ảnh hưởng đến tính cách cũng như những năm cuối đời của Marlon Brando rất nhiều. Brando không giấu việc mình ghét cha như thế nào trong Listen to Me Marlon. Nhưng đấy là trước khi bộ phim ra mắt khán giả vào năm 2015, còn trước đó, nhất là khi đang ở đỉnh vinh quang, mỗi khi phải xuất hiện cùng cha, Brando vẫn thường “diễn”.

Ông mất vào năm 2004, cách đây đã 15 năm. (Ảnh: IMDb)
Ông mất vào năm 2004, cách đây đã 15 năm. (Ảnh: IMDb)

“Con người đã phát triển kỹ năng diễn xuất từ rất sớm. Diễn xuất là một kỹ năng sinh tồn.” Ông đóng vai một người con ngoan ngoãn và không chút oán hận cha, còn cha thì đóng vai một người đàn ông tận tụy vì gia đình và tự hào về cậu con trai thành công. Nhưng mối quan hệ của họ thì thù hằn trong gần như suốt cuộc đời Brando khi ông và mẹ thường phải chịu nhiều trận đòn của cha khi nhỏ. Hình ảnh cha ông thường là điều ông nghĩ đến mỗi khi phải diễn cảnh nổi giận và ra tay với phụ nữ trong A Streetcar Named Desire.

Marlon Brando trở thành diễn viên một cách rất tình cờ khi định mệnh đưa đẩy ông gặp một nữ diễn viên và giáo viên diễn xuất tuyệt vời là Stella Adler. Đây chính là hình mẫu đã ảnh hưởng đến suy nghĩ và con đường sự nghiệp của Brando sau này. Còn trẻ và mất phương hướng, Stella Adler đã mở ra cánh cửa đến với nghề diễn xuất cho Brando, giúp ông hiểu bản thân có quyền được biết ông là ai, ông ở đâu và là người như thế nào.

Brando luôn có cảm giác thấp kém từ thời trẻ cho đến lúc mới vào nghề vì không được giáo dục tử tế và gia đình không êm ấm. Ông chọn trở thành diễn viên vì sinh nhai, vì ông không thể làm gì khác. “Nếu không may mắn trở thành diễn viên, tôi đã có thể trở thành một kẻ lừa gạt. Một kẻ lừa gạt giỏi.” Niềm yêu phim ảnh của Brando giúp ông tôn trọng nghề diễn xuất và vì sinh tồn, ông dồn hết sức mình vào việc diễn. “Theo kinh nghiệm của tôi, với máy ghi hình, nếu bạn là một người nói dối, hoặc bạn đang nói dối, tốt hơn là bạn nên có khả năng làm nó với kỹ năng siêu đẳng.” Ông là một diễn viên giỏi trước khi ông trở thành một diễn viên yêu nghề.

Trong những năm thập niên 30, 40… lối diễn xuất thời đó trong mắt một người yêu phim như Brando, gần như vai nào cũng giống vai nào. Biểu hiện giận dữ, thất vọng, đau khổ… đều cường điệu và cách diễn của họ thật ngớ ngẩn. Ngôn ngữ cơ thể, hành động ký hiệu… không có tính đột phá và Brando muốn tham gia vào điện ảnh nhằm thay đổi điều này. Stella Adley là người giúp giới thiệu đến điện ảnh Mỹ cái gọi là “method acting” và Marlon Brando – học trò của bà, chính là một trong những người tiên phong áp dụng “method acting” đó. 

“Method acting” một thuật ngữ theo trường phái diễn xuất Stanislavski, do Constantin Stanislavski đưa ra, cho rằng nếu diễn viên hiểu suy nghĩ của nhân vật, thì giọng nói và ngôn ngữ cơ thể sẽ dễ dàng biểu đạt một cách tự nhiên nhất có thể. Trường phái diễn xuất này sau đó đã được 3 người là Stella Adley, Lee Strasberg và Sanford Meisner phát triển dưới các góc độ tiếp cận khác nhau. Stella Adley sau khi đến Paris và học hỏi Stanislavski đã đem về giới thiệu ở Mỹ dưới góc độ xã hội học.  

Ông được xem là một trong những nam diễn viên vĩ đại nhất nước Mỹ. (Ảnh: IMDb)
Ông được xem là một trong những nam diễn viên vĩ đại nhất nước Mỹ. (Ảnh: IMDb)

“Bất cứ điều gì bạn làm, hãy làm nó thực nhất có thể, làm nó sống động, làm nó không thể nghi ngờ được. Tìm sự thật trong khoảnh khắc đó. Và phong cách diễn đã hoàn toàn thay đổi.” Marlon Brando bắt áp dụng method acting vào bộ phim The Men, phim điện ảnh đầu tay khi ông đóng vai một nhân vật bị liệt. “Bạn phải hiểu đối tượng của mình, phải hiểu nhân vật của mình”, và để làm được điều đó, Brando đã dành thời gian sống cùng những người liệt thực sự ngoài thực tế, học cách họ vận động chỉ với một nửa cơ thể, hiểu suy nghĩ của họ, hiểu thất bại của họ… dần dần đánh thức cảm xúc của bản thân để hòa chung vào cảm xúc của những người đang thực sự phải trải qua những suy nghĩ đó.

“Tôi nghĩ về nó, mơ về nó và khi thức dậy, tôi bị lôi cuốn bởi nó.” Brando ý thức được không bao giờ để khán giả biết được diễn viên sẽ diễn nó như thế nào. Phim ảnh còn sống là bởi vì nó luôn còn khả năng làm người ta ngạc nhiên, làm người ta phải há hốc mồm và một diễn viên giỏi cũng phải có khả năng tương tự. “Với một thái độ, một từ, một cái nhìn, làm khán giả bất ngờ.” Cảm giác diễn đúng, kết nối cảm xúc với khán giả thành công là cảm giác rất tuyệt với Brando.

Trong những năm 50, 60, mọi người mong chờ một sự thay đổi trong diễn xuất, trong hình ảnh những nhân vật xuất hiện trên màn ảnh, và Brando đã làm điều đó “đúng nơi, đúng lúc với hướng suy nghĩ đúng.” Đối với ông nói riêng và các diễn viên nói chung thì nỗi sợ bị đánh giá khi diễn xuất là nỗi sợ lớn nhất. Một trong những động lực luôn cố gắng trở thành một diễn viên giỏi hơn là bởi nó giúp ông không cảm thấy bản thân tầm thường.

Marlon Brando sinh ra là để làm diễn viên và các khía cạnh trong cuộc sống của ông đều được ông áp dụng vào vai diễn. Với vẻ ngoài đẹp mã, hài hước, dí dỏm, phóng túng, thật dễ nhìn Marlon Brando với hình ảnh một diễn viên “dân chơi”, vừa có tài, nhưng cũng vừa lắm tật.

Marlon Brando là nam diễn viên có quan điểm chính trị rất rõ ràng và không khoan nhượng. Bên trái ông là Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, đi đầu phong trào đấu tranh bình đẳng sắc tộc ở Mỹ vào những năm 60. (Ảnh: IMDb)
Marlon Brando là nam diễn viên có quan điểm chính trị rất rõ ràng và không khoan nhượng. Bên trái ông là Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, đi đầu phong trào đấu tranh bình đẳng sắc tộc ở Mỹ vào những năm 60. (Ảnh: IMDb)

Nhưng Marlon Brando, dưới một góc khuất khác là người nhạy cảm, yêu tự do, ghét loại người hung bạo, thú vật như cha mình, ghét sự nổi tiếng, bất lực khi không thể làm người bình thường, luôn đấu tranh và lên tiếng vì công bằng cũng như lẽ phải. Với Listen to Me Marlon, khán giả được biết góc nhìn của Brando về cuộc sống dưới ánh hào quang ra sao, và nỗi đau khổ cũng như sự tổn thương mà nó mang lại cho ông như thế nào. Những diễn viên thường xuyên sử dụng “method acting” như Marlon Brando hầu hết đều nhạy cảm hơn người khác, đặc điểm này giúp họ hòa nhập vào vai diễn, hiểu được suy nghĩ và biểu lộ xúc cảm của nhân vật mạnh mẽ. Nhưng “method acting” cũng có mặt trái của nó khi ảnh hưởng nặng nề lên tâm lý của diễn viên nếu việc áp dụng kỹ thuật diễn xuất này đi quá đà, khiến họ bị mất ngủ, chấn thương tâm lý, trầm cảm… Trường hợp bị ảnh hưởng tâm lý bởi method acting nặng nề và nổi tiếng nhất là trường hợp của Health Ledger khi cố nam diễn viên vào vai Joker trong The Dark Knight.

Marlon Brando quan tâm về bộ phim, quan tâm về trải nghiệm làm phim, tôn trọng nghiệp diễn và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giúp bộ phim ông đóng không trở thành thảm họa. Ông chia sẻ trải nghiệm làm phim tồi tệ nhất của mình là Mutiny on the Bounty khi đạo diễn chẳng biết phải điều phối diễn viên ra sao. Ông là người hiểu rõ hơn ai hết việc sáng tạo ra một cảm xúc gây ấn tượng đối với khán giả khó như thế nào.

Đối với nhiều nhà làm phim, nhân vật và diễn viên cuối cùng cũng chỉ là một công cụ trong dàn cảnh của đạo diễn. Nhưng sự khác nhau xuất hiện khi cán cân nghiêng về phía diễn viên nếu họ và đạo diễn không có năng lực tương đồng. Đây là trường hợp của Marlon Brando. Brando nổi tiếng là hay can thiệp vào kịch bản cũng như công việc của đạo diễn, vì thế mà nó tạo ra tiếng xấu cho ông. Truyền thông gọi ông là kẻ tự mãn, bất hợp tác và hay thay đổi. Điệu bộ thờ ơ và bất cần của Brando càng tăng sức thuyết phục cho những bài báo ấy, nhưng ông “thực ra là người nhạy cảm và bị tổn thương rất nhiều,” ông nói trong đoạn băng ghi âm.

Marlon Brando trên phim trường Apocalypse Now, bộ phim ông đóng góp rất nhiều vào việc nhào nặn nhưng chưa bao giờ được công nhận. (Ảnh: IMDb)
Marlon Brando trên phim trường Apocalypse Now, bộ phim ông đóng góp rất nhiều vào việc nhào nặn nhưng chưa bao giờ được công nhận. (Ảnh: IMDb)

Apocalypse Now, bộ phim kinh điển của đạo diễn Francis Ford Coppola là phim mà ông bị đổ tiếng xấu nhiều nhất. Một bài báo trên tạp chí Life mô tả ông trong phim này là không đọc kịch bản, không thuộc thoại, thích chỉnh sửa kịch bản và làm tiêu tốn hàng trăm ngàn đô kinh phí sản xuất của bộ phim, thái độ ngôi sao nhằm đòi tăng thù lao, say xỉn trên phim trường (Brando bị chứng nghiện rượu như mẹ mình).

Nhưng mãi sau khi ông mất người ta mới biết được rằng sự thật là ông đã đọc cuốn tiểu thuyết gốc, tìm hiểu về nhân vật rất rõ, ông không thuộc thoại vì kịch bản ban đầu quá tệ hại, hiểu sai nhân vật và ông đã bỏ công ngồi sửa lại toàn bộ kịch bản. Đạo diễn Coppola vừa quay phim vừa hoảng loạn vì không có kịch bản trong tay, đồng thời dựa dẫm quá nhiều vào Brando để tạo dựng nhân vật Kurt mà ngay đến ông cũng cảm thấy không thoải mái khi lấn át cả quyền đạo diễn. Sau bài báo trên tạp chí Life, Coppola đã gửi thư xin lỗi Brando, nhưng sự việc đã rồi và đóng góp của Brando vào bộ phim không bao giờ được thừa nhận một cách chính thức. The Godfather của Coppola trước đó đã cứu sự nghiệp xuống dốc lúc bấy giờ của Brando, nhưng chính vị đạo diễn cũng là người góp phần khiến mối quan hệ giữa ông và Brando từ lúc đó cho đến cuối đời của nam diễn viên trở nên xấu đi hẳn. 

Brando lựa chọn vai diễn thường là vì ông thích, vì nó thú vị, vì nó anh hùng và vì nó có ý nghĩa với ông, tương đồng với niềm tin chính trị của Brando. Ông là người lên tiếng vì phân biệt chủng tộc mặc cho việc dính dáng vào chính trị thời điểm đó làm danh tiếng của ông bị ảnh hưởng. Ông cũng từng từ chối nhận giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong The Godfather để phản đối việc đối xử bất công với người Mỹ bản địa (người da đỏ).

Marlon Brando là một diễn viên tài năng, đó là điều chắc chắn. Nhưng việc ông có phải là người yêu nghề, chúng ta vẫn không bao giờ có thể khẳng định được. (Ảnh: IMDb)
Marlon Brando là một diễn viên tài năng, đó là điều chắc chắn. Nhưng việc ông có phải là người yêu nghề, chúng ta vẫn không bao giờ có thể khẳng định được. (Ảnh: IMDb)

Nhưng cũng như bao người bình thường khác, cuộc đời của Brando cũng nhiều thăng trầm cả về sự nghiệp cũng như cuộc sống riêng tư. Với một diễn viên giỏi như Brando, phim kinh điển có mà phim tệ hại cũng không thiếu, chẳng hạn như phim tệ nhất ông từng đóng là Candy. Ông đến với nghề diễn như một cách sinh tồn, vì thế mà có khi ông theo nghề cũng với phong cách sinh tồn nốt: diễn vì tiền. Thế nhưng, là một diễn viên có trách nhiệm, ong nhận thức được bộ phim tệ hại mình đóng như thế nào và không bao giờ muốn thực hiện một bộ phim cùng thể loại như thế thêm một lần nào nữa.

Lối sống và thói quen xấu của Brando đã làm gia đình ông bị ảnh hưởng. Con trai ông phải vào tù vì bắn chết bạn trai của em gái. Con gái ông thì trầm cảm và tự tử tại quê nhà ở Taihiti. Trớ trêu thay, Taihiti lại là nơi ông dành nhiều tình cảm thời còn trẻ, là nơi ông nghĩ rằng sẽ mang lại hạnh phúc cho con cái ông.

Marlon Brando đã không còn, nhưng di sản và sức ảnh hưởng mà ông để lại đến giờ vẫn chưa ai có thể so bì được. Với cuộc đời nhiều thăng trầm, biến cố, có lúc được tán dương nhưng cũng có lúc bị nhấn chìm trong đau buồn, nhưng đến lúc nhắm mắt, Marlon Brando đã không còn phải lo lắng về những điều đó nữa. Ông đã thực sự được tự do.