Lưu Trọng Ninh đưa Truyện Kiều lên màn ảnh - Liệu có quá sức mạo hiểm?

Tin điện ảnh · Maii ·

Khán giả sẽ được thưởng thức những hai phiên bản, một là bản truyền hình, hai là bản điện ảnh, chỉ giống nhau ở bối cảnh, còn lại sẽ hoàn toàn khác.

Cách đây không lâu, thông tin Truyện Kiều của Nguyễn Du được chuyển thể lên màn ảnh đang gây sự chú ý lớn từ truyền thông cũng như độc giả.

Người cầm trịch dự án này chính là đạo diễn đã hơn 60 tuổi Lưu Trọng Ninh. Ông là người sở hữu nhiều bộ phim truyền hình đặc sắc và nổi tiếng như Canh Bạc, Ngã Ba Đồng Lộc, Dốc Tình, Hoa Cỏ May… Là con trai của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư, Lưu Trọng Ninh khi nhỏ lại rất dốt thơ văn, không thể phân tích, bình giảng văn học hồi còn ngồi trên giảng đường. Thế nhưng, thơ ca không phải là thứ chỉ đơn thuần thể hiện qua câu chữ, mà hình ảnh, màu sắc cũng là thứ có thể truyền tải được tinh thần thơ. Được cha truyền cho sức cảm thụ văn thơ dung dị nhưng không thể viết thành lời được, Lưu Trọng Ninh thể hiện điều đó trong những thước phim. Bởi thế mà khi có thông tin ông sẽ chuyển thể Truyện Kiều, nhiều người đã rất trông chờ vào dự án này.

Truyện Kiều là tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, dựa trên tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, bao gồm 3254 câu viết theo thể thơ lục bát (6 câu, 8 chữ) bằng chữ Nôm. Đây là một trong những tác phẩm kinh điển của Văn học Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng và đưa vào chương trình giáo dục bậc phổ thông. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời éo le hồng nhan bạc phận của nàng Vương Thúy Kiều.

Mặc dù được xem là kinh điển, nhưng Truyện Kiều cũng vấp phải nhiều chỉ trích, trước đây được xem là dâm thư, không ích lợi gì. Tuy nhiên, theo thời gian, góc nhìn của xã hội đã cởi mở hơn, người ta lật lại tác phẩm và tìm thấy những điểm hay của nó. Truyện Kiều được đưa vào hàng Văn học kinh điển do phản ánh đúng bối cảnh xã hội, phận đời ba chìm bảy nổi của phụ nữ thời bấy giờ. Không chỉ mang màu sắc lãng mạn, Truyện Kiều còn mang tinh thần nhân đạo, thấm đẫm hơi thở của thời đại. Tác phẩm không chỉ mang tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học, mà còn ảnh hưởng lên văn hóa đại chúng. Những từ ngữ, tên nhân vật trong Truyện Kiều đã xuất hiện từ lâu trong ngôn ngữ nói hằng ngày như Tú Bà, Tú Ông (chỉ những kẻ mai mối, chăn dắt mại dâm), Sở Khanh (kẻ chuyên dụ dỗ con gái nhà lành, phụ tình), Hoạn Thư (người đàn bà có máu ghen thái quá)... Những câu cửa miệng Chết đứng như Từ Hải cũng được người ta sử dụng nhiều trong một số tình huống.

Phim chuyển thể từ Truyện Kiều của Lưu Trọng Ninh không phải là phim cổ trang chuyển thể đầu tiên của Việt Nam. Truyện Kiều trước đây đã từng được chuyển thể lên màn ảnh rộng, do hãng phim Chiếu bóng và Đông Dương (của Pháp thành lập) thực hiện, ra mắt năm 1923. Tuy nhiên, phim thất bại ở phòng vé do bị xem là xuyên tạc nguyên tác của Nguyễn Du. Sau đó thì có một bản phim ca nhạc cải lương mang tên Vương Thúy Kiều, ra mắt năm 1989. Đến nay thì phiên bản của Lưu Trọng Ninh là phiên bản chuyển thể Truyện Kiều thứ 3.

Ngoài ra, Việt Nam còn có các phim cổ trang khác dựa trên các tác phẩm văn học như Đêm Hội Long Trì và phần 2 Kiếp Phù Du (chuyển thể từ tiểu thuyết lịch sử Đêm Hội Long Trì của nhà văn/nhà viết kịch nổi tiếng Vũ Huy Tưởng), Trùng Quang Tâm Sử (tiểu thuyết cùng tên của Phan Bội Châu), Lục Vân Tiên (tác phẩm truyện thơ cùng tên của Nguyễn Đình Chiểu – cũng được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của Văn học Việt Nam), Long Thành Cầm Giả Ca (chuyển thể từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Du)… Gần đây nhất thì có Thiên Mệnh Anh Hùng của Victor Vũ, dựa trên tác phẩm Nguyễn Trãi phần 2 – Bức Huyết Thư của nhà văn Bùi Anh Tuấn. 

Phim cổ trang là thể loại phim đã xuất hiện từ những năm 1924, lấy bối cảnh phong kiến thời kỳ trước, có thể dựa trên các sự kiện, nhân vật có thật, hoặc có thể hư cấu. Tuy nhiên, kể từ sau những năm 2010, phim cổ trang đã thất thế trước dòng phim hiện đại do bối cảnh, trang phục cực kỳ tốn kém, hơn nữa khán giả cũng chú trọng nhiều vào yếu tố lịch sử, nên chỉ cần sơ sẩy một chút là rất dễ bị ném đá.

Dự án Truyện Kiều lần này được xem là thách thức lớn đối với đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Ông cho biết đây là di nguyện của cha trước khi mất. Khán giả sẽ được thưởng thức những hai phiên bản, một là bản truyền hình, hai là bản điện ảnh, chỉ giống nhau ở bối cảnh, còn lại sẽ hoàn toàn khác. Phim sẽ lấy bối cảnh làng quê để tiết chế vấn đề kinh phí về phục trang. Ngoài ra, ông cũng sẽ mô tả và thể hiện những tình tiết sao cho phù hợp với các quan điểm thời hiện đại, chứ không phải từng li từng tí sao cho giống với bối cảnh lịch sử 300 năm trước. Cái chính ở đây sẽ là cái hồn thơ Nguyễn Du, nỗi đau nhân gian, phim cũng sẽ có chút hài hước chứ không chỉ có nước mắt. Hiện ông vẫn chưa tìm được người sẽ thể hiện hình ảnh Làn thu thủy, nét xuân sơn. Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh của nàng Kiều. Tìm ra nữ diễn viên chính, cái hồn của bộ phim sẽ là thách thức lớn đối với ông. Theo thông tin cho biết, bối cảnh của phim sẽ được thực hiện từ Hà Tiên trở ra, và phim sẽ được trình chiếu cuối năm 2018.