Ma Cây (Respati) có đáng để bạn bỏ thời gian?
Phim Kinh Dị · Ivy_Trat ·
Sau Mồ Tra Tấn khai thác chủ đề đức tin, Oan Hồn Báo Oán kể lại một sự kiện tâm linh có thật, Ma Cây (Respati, hiện được chấm 7/10 trên IMDb) là cái tên tiếp theo được điện ảnh Indonesia mang đến màn ảnh rộng Việt Nam. Nhưng bộ phim này nói về điều gì mới được?
Đó là câu hỏi chung khiến các fan kinh dị Việt đau đầu khi bộ phim xuất hiện khá đột ngột, lại hầu như không quảng bá gì rầm rộ ngoài một đoạn trailer ma mị và một số thông tin cơ bản. Nên sẽ là dễ hiểu khi chúng ta e dè trước quầy mua vé. Sau thắc mắc về nội dung, liệu đây có phải là một bộ phim đáng xem là nghi vấn cần được giải đáp nhất.
Ma Cây nói về gì?
Nhân vật chính của Ma Cây là một thiếu niên đang tuổi học sinh tên Respati (Devano Danendra) đang trải qua một nỗi đau đớn cùng cực. Respati đã mất cả cha lẫn mẹ trong một tai nạn đột ngột, buộc cậu phải dọn về sinh sống với ông bà. Chịu nỗi đau tâm lý đã đành, Respati phải vật lộn với những cơn ác mộng cậu không thể hiểu nỗi.
Mãi đến khi nhận ra bản thân đang ở trong giấc mộng của một người khác, đang chứng kiến những cái chết thê thảm dưới tay một hồn ma tàn bạo, Respati rơi vào vòng xoáy thuật phù thủy cổ xưa.
Ma Cây là một tựa đề phóng ý dựa trên hình ảnh bí ẩn nhất, đồng thời cũng kể về hình ảnh trung tâm của bộ phim – một rừng cây đen tối đến ám ảnh. Dường như rừng cây có mối liên kết kỳ lạ với hồn ma đang gieo rắc sự kinh hoàng, hoặc có thể là trung tâm của mộng giới khi nó liên tục đưa Respati đến chỗ nó trong vô thức.
Bộ phim còn khắc họa một phụ nữ ngồi trước bệ thờ ma thuật, thực hiện những nghi thức kỳ bí. Trailer còn thể hiện hình ảnh của Jenglot – một búp bê tà thuật trong văn hóa Indonesia (gần giống với Kumanthong của Thái Lan). Và vô số hồn ma lảng vảng gần Respati. Có thể thấy, Ma Cây là bộ phim kinh dị sử dụng chất liệu tín ngưỡng dân gian.
Ma Cây - Hứa hẹn một câu chuyện kinh dị khác biệt
Ma Cây sở hữu tất cả những đặc điểm gợi ý rằng đây không khác gì một bộ phim kinh dị điển hình. Song, khi đạo diễn đằng sau nó là Sidharta Tata, “điển hình” không phải là từ để mô tả một bộ phim như vậy. Đây là bộ phim mà cái tên đạo diễn trở thành điểm thu hút nhất của nó trong con mắt quốc tế.
Nếu tóm tắt sở trường của Tata, đó sẽ là gia đình, kinh dị, và hành động. Trọng tâm của phim là một thiếu niên trẻ tuổi đột ngột mất cha mẹ đồng nghĩa Ma Cây đang vận dụng thế mạnh của chính nam đạo diễn khi pha trộn giữa bi kịch gia đình, chấn thương và mất mát với thuật phù thủy đen tối, tạo nên một câu chuyện ma thành thị rùng rợn.
Tata là một đạo diễn có tay nghề làm phim nhấn nhá. Như những bộ phim anh đã làm trước đây, ngay cả khi đó không phải là phim kinh dị, anh vẫn có thể làm nên một bầu không khí đầy ám chỉ, rùng rợn hoặc khơi dậy bất an căng thẳng, như thể một điềm gỡ luôn có thể đến bất kỳ lúc nào. Từ đó, nhân vật của anh được thử thách và phân tách nhiều khía cạnh.
Vì thế mà những bộ phim mang nhãn Sidharta Tata luôn được đánh giá cao về kỹ thuật kể chuyện và xây dựng nhân vật. Tất nhiên, Tata vẫn có những khiếm khuyết về mặt biên kịch. Nhưng chúng dễ được bù đắp với tinh thần thử thách những ý tưởng mới mẻ.
Sẽ không có gì bất ngờ nếu nhà làm phim áp dụng những phép thử, ý tưởng điện ảnh khác lạ của mình lên Ma Cây - bộ phim hình thành từ một tiền đề thỏa mãn tính viễn tưởng lẫn kinh dị. Tata hoàn toàn có thể biến bộ phim thành một câu chuyện về kinh dị siêu anh hùng.
Hãy tưởng tượng nó là biến thể giữa A Nightmare on Elm Street gặp Stranger Things với cảm giác hành động giống Charles Gozali. Nếu Tata muốn bộ phim trở thành một trải nghiệm mới ít được thử trong điện ảnh quê nhà, Ma Cây là cơ hội của anh.
Ma Cây có đáng xem?
Vậy, rốt cuộc Ma Cây có đáng xem, hoặc ít nhất là khiến khán giả tin tưởng? Câu trả lời là có. Tại thời điểm mà Hollywood, Âu, thậm chí là Thái Lan và Nhật Bản đang có dấu hiệu bão hòa, phim kinh dị xứ vạn đảo mang đến làn gió mới mát lành không kém phần sâu sắc.
Nếu đạo diễn không đủ sức thuyết phục, nền điện ảnh kinh dị Indo có thể làm điều đó. Có thể nói, so với Hollywood và nền điện ảnh châu Âu, nền điện ảnh kinh dị Indonesia dù còn non trẻ đã để lại những dấu ấn độc đáo, đủ để bạn đặt niềm tin vào nó khi nói đến những trải nghiệm kinh dị đặc sắc.
Thật vậy, những bộ phim kinh dị Indonesia trở nên đặc biệt so với phần còn lại của thế giới khi nó phản ánh nỗi sợ hãi trong đức tin thần thánh một cách độc đáo như Satan’s Slaves (2017), thậm chí là mổ xẻ nó ở nhiều tầng lớp tốt lẫn xấu như Mồ Tra Tấn (2024).
Không mặn mà với quái vật không thể khiến nền điện ảnh này ngừng học hỏi và ứng dụng xuất sắc những dấu ấn của Hollywood và những khu vực lân cận để làm nên những bộ phim giết chóc đẫm máu như Macabre (2009), The Doll (2016), Sabrina (2018)...
Song, phim kinh dị Indonesia vẫn tỏa sáng nhất khi nó lột tả chất liệu kinh dị dân gian tâm linh, bùa chú, tín ngưỡng cổ xưa, tà giáo như Ma Cây, trước đó là một Impetigore (2019) quỷ quyệt, The Queen of Black Magic rùng rợn và đau thương, May the Devil Take You (2018) lột tả cuộc chiến giữa người và quỷ dữ, Kuntilanak khắc họa khía cạnh kinh dị của tình mẫu tử…
Tiềm năng của nền điện ảnh này, những niềm tin, tín ngưỡng đến những câu chuyện dân gian kinh dị độc đáo thậm chí hãi hùng được mài dũa dưới bàn tay của những đạo diễn tài ba như Joko Anwar, Timo Tjahjanto, Kimo Stamboel...và giờ đây là Sidharta Tata với bộ phim Ma Cây.
Trên tinh thần thử những cái mới lại và những gì đáng thử, một lần nữa đặt dấu ấn kinh dị dân gian Indonesia vào tâm điểm, cộng hưởng với dấu ấn riêng, điện ảnh kinh dị Indonesia chính là hương vị mới lạ đáng bỏ công đó! Hãy bắt đầu với Ma Cây.
Ma Cây khởi chiếu toàn quốc vào ngày 09.08.2024.
Ma Cây phiên bản Indonesia gia nhập đường đua phim kinh dị “tháng cô hồn”.Phim Ma Cây tung trailer nặng đô
Phim Ma Cây tung trailer nặng đô
Moveek ·