Making Family – Cách một gia đình được tạo ra?

Đánh giá phim · HungMBH ·

Making Family đúng như tên gọi, là hành trình kiến tạo, diễn giải những gì đẹp đẽ nhất của hai chữ “gia đình”, một bộ phim cảm động về tình yêu, tình thân.

Tôi đặc biệt thích cái kết cấu, cái cách đặt vấn đề ngược của Making Family. Khi nói đến một gia đình, người ta thường nghĩ đến việc một người nam và một người nữ yêu nhau, lập gia đình, sinh con, như việc đơm kết trái của một cái cây để tạo ra những hạt mầm mới… Making Family lại kể một câu chuyện ngược lại.

Tae-bong – linh hồn của bộ phim – là một cậu bé được sinh ra trong ống nghiệm tại Hàn Quốc. Cậu lớn lên bên người mẹ đơn thân của mình và chưa bao giờ thôi khao khát có một gia đình đúng nghĩa. Với sự thông minh, lém lỉnh của mình, Tae-bong đã giả nai, lừa gạt, làm tất cả mọi thứ để tìm ra người bố sinh học – người đã hiến tinh trùng cho mẹ cậu năm xưa. Mọi chuyện bắt đầu rối tung lên khi Tae-bong quyết định nhìn tận mặt người bố sinh học của mình đang sinh sống tại Hong Kong bất chấp mọi khoảng cách về địa lí hay ngôn ngữ…

Như một hạt giống vô tình bị gió cuốn đi khỏi cội nguồn của mình,sau bao năm lưu lạc, cuối cùng hạt giống ấy cũng lăn lóc, tìm cách mò về bên cái cây đã sinh ra nó… Đó là hành trình kì diệu khi chính cái hạt giống nhỏ bé ấy lại tạo ra gia đình của riêng mình…

Trẻ con là niềm vui của cả gia đình, cho dù nó có bất ngờ xuất hiện đi nữa…

Đó là niềm hạnh phúc bất ngờ khi ông bố trẻ vừa qua tuổi 30 bất ngờ nhận ra mình có thằng con gần 10 tuổi đầu. Là 3 thế hệ gia đình vốn bị cơm áo gạo tiền chia cắt bất ngờ gắn kết lại với nhau thông qua công cuộc truy tìm “thằng chắt trai”. Là tiếng thằng nhóc Hàn Quốc cật lực học từng chữ tiếng Hoa, chỉ để chúc “bà cố ngủ ngon”, “chúc ông nội ngủ ngon”. Là cách thằng bé tròn xoe mắt, cười toe toét nhìn từng tấm ảnh của ba nó lúc nhỏ, nhìn ảnh ông bà nội, bà cố mà nó thầm ao ước được có bấy lâu nay… Ba ngày về quê là ba ngày cả đại gia đình được sưởi ấm bởi nụ cười của thằng chắt nội lém lỉnh, thông minh…

-Tae-bong nó thích làm gì?
-Nó thích làm những gì mà có anh đi cùng nó.

Phụ - tử vốn có một mối liên kết đặc biệt, dẫu chưa bao giờ chung một hình hài nhưng lại gắn bó vô cùng mãnh liệt.

Zuan Lyian suốt bao năm trời trốn tránh phận sự “tìm cháu nối dõi” của gia đình, mải mê với con đường nghệ thuật lần đầu tiên được cảm nhận cảm giác làm bố … dù anh chưa có vợ. Mi-yeong, bà mẹ đơn thân cũng lần đầu hiểu ra rằng: Tae-bong xứng đáng có đầy đủ bố mẹ, nó không có lỗi gì khi phải thiếu mất những phần đẹp nhất của tuổi thơ chỉ vì quá khứ hay số mệnh nghiệt ngã của mẹ nó. Hai con người tiêu biểu cho hai xu hướng của người trẻ hiện đại ưa thích: đàn ông độc thân vui tính và bà mẹ đơn thân, lần đầu cảm nhận được cái gì gọi là hạnh phúc của một mái ấm, cái gì gọi là vẻ đẹp của một gia đình, cho dù họ chỉ vô tình là ba mẹ của một sinh linh…

Tôi xem mà ứa nước mắt mấy lần, xao xuyến, rung động trước từng cử động của Tae-bong, thằng bé như một thiên thần tỏa sáng trong cả khán phòng. Tae-bong không chỉ tìm ra người bố sinh học của mình, nó còn là giọt nước mát lành, hàn gắn mọi vết xước, mọi nỗi đau trong đại gia đình của ba mẹ nó, để mọi người tạm dừng chân, thôi hối hả với nhịp sống, để nhìn và ngẫm lại rằng “bao lâu rồi ta không để ý đến gia đình của mình?”. Máu mủ suy cho cùng vẫn là thứ đáng quý, đáng trân trọng hơn so với những hư vinh bình thường của thế giới vật chất…

Making Family đúng như tên gọi, là hành trình kiến tạo, diễn giải những gì đẹp đẽ nhất của hai chữ “gia đình”, một bộ phim cảm động về tình yêu, tình thân.

Nguồn: HH

Bài viết liên quan