8 lý do giúp Marvel đi từ phá sản cho đến tỷ đô

Tin điện ảnh · Maii ·

8 lý do giúp Marvel đi từ hành trình ký giấy tuyên bố phá sản vào năm 1996, cho đến lúc vực dậy được như ngày hôm nay.

Ngày 20 tháng 7 năm 1996, Marvel tuyên bố phá sản. Hơn 20 năm sau, Avengers: Infinity War của Marvel cán mốc $2 tỷ và là một trong số 4 phim từng làm được điều này.

Mặc cho vẫn tồn tại nhiều lời chê bai hay chỉ trích, nhưng chúng ta cũng phải công nhận rằng thành công của Marvel là điều không thể chối cãi. Vậy thì điều gì khiến một studio gần như phải bắt đầu lại từ con số 0 đạt đến thành công như hôm nay?

Dưới đây là một số yếu tố khách quan, biết đâu có thể trở thành bài học cho các hãng và studio khác học hỏi.

1. Nền tảng vững chắc

Lý do tiên quyết làm nên thành công của MCU đấy là việc tập trung xây dựng nền tảng vững chắc. Marvel tạo một lộ trình quen thuộc bao gồm làm các phần phim riêng về các nhân vật, sau đó kết hợp họ lại với nhau trong một thương hiệu lớn hơn mang tên Avengers.

Giai đoạn 1 của Marvel bao gồm 4 siêu anh hùng nắm vị trí “trụ cột” là Captain America, Hulk, Iron Man và Thor. Sang giai đoạn 2 và 3, sau khi thương hiệu đã ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ, họ đưa thêm nhiều nhân vật mới và kết quả là chúng ta có Avengers: Infinity War, kết hợp hơn 60 nhân vật lớn nhỏ từ các phần phim trước.

2. Đa dạng thể loại phim

Để xem, chúng ta có một tỷ phú công nghệ (Iron Man), một người lính mang gen đột biến (Captain America), một vị tiến sĩ đa nhân cách (Hulk), một phù thủy (Doctor Strange), chưa kể một đội Vệ binh ngoài hành tinh (Guardians of the Galaxy)… Một trong những lý do nữa khiến MCU thành công chính là họ không sợ thử nghiệm nhiều thể loại và phong cách phim khác nhau, mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm mới lạ. Mỗi bộ phim là một thể loại khác nhau phù hợp với nhiều phân lớp khán giả. Nếu không thích người máy, súng ống mà thích dạng phép thuật huyền ảo? Bạn luôn có thể bỏ qua Iron Man và đến với Doctor Strange đấy. 

3. Chấp nhận mạo hiểm

Thông thường thì các hãng khác sẽ làm một phần phim chung, sau đó nhân vật nào được ưa thích nhất sẽ tách ra làm cho họ một phim riêng (như với X-Men). Sau khi bán tống bán tháo nhiều bản quyền các nhân vật, Marvel gần như không còn nhiều các siêu anh hùng nổi tiếng nữa. Iron Man, Captain America hay Thor trước đây đều ít được biết đến. Việc làm phim riêng sau đó mới làm phim chung mang rủi ro khá cao. Nhưng một lần nữa, việc chấp nhận mạo hiểm chính là một trong số các hướng đi mang tính bước ngoặt giúp Marvel đạt đến thành công.

4. Vũ trụ Điện ảnh Marvel và Kevin Feige

Dưới sự lèo lái tài tình của Kevin Feige, Marvel Studio bắt đầu được hồi sinh và Vũ trụ Điện ảnh Marvel trở thành xu hướng mới. Thor nối với Captain America. Captain America nối với Iron Man, Iron Man nối với Nick Fury, S.H.I.E.L.D.… và cứ thế các nhân vật, các bối cảnh và dòng thời gian kết nối với nhau, tạo nên một vũ trụ điện ảnh, siêu anh hùng khổng lồ. Mô hình ấy trở thành xu hướng mới. Các hãng khác bắt đầu học tập và làm theo, nhưng không phải ai cũng làm tốt được như Marvel.

5. Hợp vai

Yếu tố tiếp theo đóng góp vào thành công của Marvel chính là việc tuyển vai rất hợp. Tưởng tượng xem nếu Tom Cruise vào vai Iron Man thì sẽ thế nào? Robert Downey Jr. là sự lựa chọn đúng đắn cho Iron Man và đến nay, anh là một trong những người không thể thay thế trong Vũ trụ Marvel.

Việc tuyển Robert cũng khá "nguy hiểm" và là thử thách lớn bởi sự nghiệp của anh lúc đó đang chìm nghỉm giữa một rừng các ngôi sao đang lên khác. Anh thậm chí còn đang dính scandal ngồi tù cũng như chưa từng tham gia bộ phim nào có quy mô như Iron Man. Nhưng con mắt nhìn người tuyển vai của Marvel có vẻ như rất có hiệu quả. Các diễn viên khác như Chris Hemsworth, Scarlett Johansson, Chris Evans, Chris Pratt… cũng tương tự vậy. Họ được sinh ra để vào vai Thor, Captain America, Hulk, Black Widow hay Star-Lord… dù trước đó có thể nhiều người trong số họ không nổi tiếng mấy.

6. Kịch bản gia và đạo diễn

Giống như tuyển chọn diễn viên, Marvel cũng muốn bắt đầu với phần kịch bản và chỉ đạo phim với những cái tên mới hay ít được biết đến. MCU đang dần trở thành bệ phóng cho các tên tuổi mới như Kenneth Branagh, Joss Whedon, Jon Favreau, anh em nhà Russo… Người thì trước đó chỉ đạo phim truyền hình, người thì phim hài, phim sit-com... Marvel đã cho họ cơ hội được làm phim bom tấn, và nhìn xem kết quả thế nào? Hàng trăm triệu đô chạy vào túi Disney - Marvel cũng chính bởi những lựa chọn và quyết định như thế này đấy. 

7. Disney

Marvel có thể sẽ khó thành công nếu không có sự hỗ trợ của Disney, từ tài chính cho đến tên tuổi, đồng thời là một ngôi nhà đúng nghĩa. Mối quan hệ giữa Marvel Entertainment, Marvel Studios và Walt Disney Company rất tốt đẹp. Trước đây thì họ thường sẽ đồng hợp tác sản xuất các bộ phim dựa trên truyện tranh của mình, nhưng sẽ bị khống chế phần nào trong khâu phát triển nhân vật, nội dung. Về dưới trướng Disney, Marvel có thể tự do sáng tạo đúng với phong cách của chính Marvel.

Thời Bob Iger, CEO của Disney kể từ khoảng năm 2005 trở đi, Marvel không chỉ hồi sinh được thương hiệu phim mà còn mở rộng ra các mảng kinh doanh khác như đồ chơi, video game... Vì thế mà họ có thể mạnh dạn đưa đến các siêu anh hùng mới hơn như Ant-Man, Dr. Strange hay Black Panther.

8. “Thân thiện"

Thân thiện ở đây có nghĩa là họ không ngại nói chuyện hợp tác với các bên khác. Điều này đã được chứng minh bằng việc kết hợp với Sony và đưa Spider-Man trẻ tuổi do Tom Holland thủ vai xuất hiện trong MCU. Sony tiếp tục được giữ bản quyền Người Nhện và doanh thu phim cũng thuộc về Sony, nhưng… Disney và Marvel được giữ bản quyền đồ chơi và các sản phẩm ăn theo, vốn có giá trị gấp nhiều lần bộ phim. Một mối quan hệ hai bên cùng có lợi nhỉ.

Giờ thì Disney đang nhăm nhe mua lại 20th Century Fox, bên nắm giữ bản quyền nhiều nhân vật X-Men của Marvel. Mặc dù mục đích của cuộc thương lượng này vốn để mở rộng thị trường streaming và cạnh tranh với Netflix, nhưng việc các X-Men “đoàn tụ” với Avengers vẫn là điều mà nhiều người hâm mộ đang chờ đợi nhỉ.

Bạn nghĩ còn điều gì khác đang góp phần vào thành công của Marvel? Cùng chia sẻ dưới phần bình luận nhé!