Mùa Hè Lạnh trơn tuột cảm xúc
Tin điện ảnh · Moveek ·
Ý tưởng không tệ nhưng cách kể quá rườm rà, các mối dựng rời rạc gây mệt mỏi, ức chế cho người xem và khó để lại cảm xúc gì khi phim kết thúc.
Đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Ngô Quang Hải sau 6 năm từ Chuyện của Pao, Mùa Hè Lạnh là một trong những phim điện ảnh Việt Nam được dư luận chú ý nhất năm nay. Thuộc thể loại phim Noir hiện đại, lại có sự tham gia của Đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ cùng rất nhiều cảnh nóng hé lộ trong trailer nên tác phẩm này gây bao tò mò cho khán giả trong mùa cuối năm. Sau rất nhiều phim "hài nhảm" chất lượng kém từ đầu năm tới giờ, Mùa Hè Lạnh được kỳ vọng sẽ là bộ phim nghiêm túc, thắp được "ngọn lửa hy vọng" cho bức tranh phim Việt đang ngày một bị "hài kịch hóa".
Phim là câu chuyện về Kiên, một chàng trai gốc Bắc sau khi cha mất đi vào Nam tìm mẹ. Trên hành trình tìm lại người thân duy nhất, Kiên gặp gỡ và có quan hệ tình cảm với hai người phụ nữ. Hoa, vợ của một đại gia ở khu vực Chợ Lớn, là biểu tượng của nhục dục với khát khao mãnh liệt về thể xác trong khi Nhâm, cô sinh viên năm thứ ba trường Y, lại là biểu tượng của sự ngây thơ, thuần khiết. Hai người đem lại cho Kiên tình yêu và những dục vọng mà anh chưa từng trải nghiệm. Tuy nhiên, chàng trai trẻ lại không lường trước được sự nguy hiểm từ mối quan hệ tay ba này.
Ngô Quang Hải định hình Mùa Hè Lạnh là phim Noir hiện đại nên câu chuyện có đủ các yếu tố của thể loại phim này – điều tra, phá án, các cuộc thẩm vấn, tâm lý đen tối, nhân vật nữ đẹp và nguy hiểm... Nội dung phim khiến những khán giả hay theo dõi điện ảnh chuyên sâu nhớ tới bộ phim Noir kinh điển của Hollywood, The Postman Always Rings Twice, với cấu, tứ và đường dây câu chuyện giống nhau đến giật mình. Tuy nhiên, hai bộ phim vẫn có nhiều nét khác biệt riêng về cách xây dựng.
Phim có ý tưởng không tệ với đoạn kết gài bẫy người xem tạo bất ngờ nhưng cách kể chuyện quá rườm rà, mang tính chất "show hàng", thể hiện quá đà biến Mùa Hè Lạnh thành một mớ hổ lốn, "ngon" thì ít mà sạn thì nhiều. Nếu như nhân vật Kiên hoang mang với hành trình đi tìm mẹ và quan hệ với hai người phụ nữ bao nhiêu thì khán giả ngồi xem cũng mệt mỏi, sốt ruột bấy nhiêu trong một câu chuyện đơn giản mà kể hai tiếng đồng hồ vẫn chưa xong.
Những chi tiết vụn vặt của Mùa Hè Lạnh nhằm tạo không khí, cảm giác thì khá nhiều trong khi diễn biến tâm lý nhân vật lại thiếu thuyết phục. Kiên có tính cách không rõ ràng và từ đầu đến cuối phim, anh giống như một đường thẳng, chẳng lên cũng chẳng xuống và hết phim, khán giả vẫn không hiểu rốt cục mục đích của anh này là gì vì cách mô tả quá hời hợt. Hà Việt Dũng có thể đóng không dở nhưng lối diễn xuất của anh trong Mùa Hè Lạnh khó mà nhận định được vì bản chất nhân vật vốn không có điểm nhấn, mông lung và trung lập thái quá.
Hai nhân vật nữ tưởng như phức tạp nhưng hóa ra lại vô cùng đơn giản và những khán giả nào tinh ý thì chỉ cần xem trailer là đã có thể "bắt bài" ngay hai nàng từ đầu tới cuối phim. Tương tự Hà Việt Dũng, diễn xuất của Lý Nhã Kỳ và Midu trong Mùa Hè Lạnh cũng khó định dạng thành lời dù Hoa và Nhâm có "màu" hơn Kiên.
"Nhiệm vụ" của nhân vật Hoa là lẳng lơ, gợi tình, ban ngày lượn qua lượn lại khoe những đường cong nóng bỏng trước con mắt hau háu của bao gã trai và ông chồng già còn ban đêm thì lao vào "cuộc chiến xác thịt" điên cuồng với tiếng thở hổn hển đê mê dễ khiến người xem cười khúc khích. Trong khi đó, Nhâm lại phô diễn sự ngây thơ, trong sáng với đôi mắt huyền và những câu hỏi kiểu như: "Có lúc nào anh nhớ tới em không?", "Sao anh lại dối em?". Những gì về Hoa và Nhâm trên màn ảnh gây cảm giác hai nhân vật này đang bị áp đặt tính cách một cách cực đoan và gò bó.
Mùa Hè Lạnh có những khung hình khá đẹp và đậm chất điện ảnh như cận cảnh đôi môi mọng đỏ quyến rũ của Lý Nhã Kỳ ở đoạn cuối, Hà Việt Dũng nổi lên từ vũng bùn đen hay Midu moi ruột cá. Tuy nhiên, những cảnh này chỉ đẹp khi nói riêng còn lúc kết hợp, chắp ghép vào phim lại thiếu sự chặt chẽ. Cách dựng của Mùa Hè Lạnh ngay từ đầu khơi gợi sự tò mò nhưng lại bị "quá tay". Các chi tiết màu mè và thừa thãi, muốn tạo không khí nhưng lại gây khó hiểu, rối loạn. Trường đoạn Kiên ngắm cầu Long Biên, lang thang trên đường ray tàu hỏa đầu phim quá dài dòng mà không hiệu quả.
Phim Noir không thể thiếu các đoạn thẩm vấn, đối thoại mặt đối mặt. Nhưng trong Mùa Hè Lạnh, các câu hỏi cung, câu trả lời cứ được quăng qua, quăng lại với nhạc và hiệu ứng âm thanh lặp đi lặp lại dễ gây mệt mỏi, ức chế tâm lý người xem.
Nhà sản xuất và thiết kế mỹ thuật đã tìm được một bối cảnh rất đẹp cho phim. Khu nhà trọ Phương Bắc mang nét cổ kính, âm u hợp với sự đen tối và những bí mật trong câu chuyện. Nhưng thêm một điều đáng tiếc nữa là cách đánh sáng không tốt khiến cho phần lớn các cảnh quay nội, đặc biệt vào ban đêm đều bị "muỗi".
Sau khi "bí mật" của Mùa Hè Lạnh được phơi bày thì ở đoạn kết, đạo diễn lại tạo thêm một chi tiết nữa để phim có kết thúc mở và chứng tỏ câu chuyện này "không hề đơn giản". Khán giả thông thường sẽ dễ bị mắc lừa với bao câu hỏi: "Thế rốt cục là thế nào?", "Ơ, tại sao lại thế nhỉ?" hay "Chẳng hiểu gì cả, thế cuối cùng là ra sao?" nhưng những ai tinh ý thì sẽ nhận biết được ngay chiêu thức cố gây hoang mang này.
Mùa Hè Lạnh không hẳn đã là một tác phẩm tệ hại. Phim cũng có nhiều điểm thú vị với những nền tảng đáng ra có thể làm nên một sản phẩm điện ảnh hấp dẫn hơn, nhưng chính cách kể quá hình thức và lối dàn dựng như mê cung đã biến "mùa hè lạnh" thành "mùa đông lãnh cảm". Nội dung khó mà đọng lại được gì khi kết thúc đã đành, thêm bài hát Yêu mình anh do Thu Minh thể hiện dù hay nhưng chẳng liên quan tới phim lại càng khiến cảm xúc người xem trôi tuột đi.
Vẫn biết sự sáng tạo và những thử nghiệm mới là đáng khích lệ cho điện ảnh Việt Nam hiện giờ nhưng các nhà làm phim cần dùng cách thể hiện nào đó tinh tế hơn để chinh phục khán giả, chứ không phải là dùng cảnh nóng, những trò giật gân câu khách hay theo đuổi một thứ "nghệ thuật" viển vông, xa vời mà xem xong chẳng ai hiểu nổi.
Mùa Hè Lạnh khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 21/12.