Nếu bạn không biết tình yêu là gì, hãy xem 10 bộ phim này

Tin điện ảnh · Never ·

Phim ảnh có thể là một trong những phương thức mang tính nghệ thuật hiệu quả nhất để đưa ra những quan điểm về đạo đức và đức tin.

Phim ảnh có thể là một trong những phương thức mang tính nghệ thuật hiệu quả nhất để đưa ra những quan điểm về đạo đức và đức tin. Hình thức nghệ thuật này thường được sử dụng để truyền tải các thông điệp và bài học về một chủ đề nào đó, và có lẽ tình yêu chính là đề tài được khai thác nhiều nhất từ trước đến nay.

Trong suốt chiều dài của dòng chảy lịch sử, ta có thể bắt gặp chủ đề tình yêu được thể hiện dưới rất nhiều hình thức, và rất nhiều nghệ sĩ đã sử dụng các tác phẩm của họ để dạy cho khán giả những bài học về tình yêu. Những ý tưởng về tình yêu có thể được khám phá và mô tả bằng rất nhiều phương thức phi thường độc đáo, và danh sách này được đưa ra để vinh danh những bộ phim đã có hướng tiếp cận vô cùng sáng tạo và khác biệt.

Những bộ phim trong danh sách này, không chỉ bản thân nội dung phim đã xuất sắc mà chúng còn đem đến cho khán giả những bài học về tình yêu có thể đem ra phân tích và áp dụng trong suốt quá trình xem phim và thậm chí cả sau đó nữa.

1. Call Me by Your Name (Luca Guadagnino, 2017)

Call Me by Your Name của Luca Guadagnino là một trong những tác phẩm được công nhận và đánh giá cao nhất trong năm vừa qua. Lý do chủ yếu cho điều này là bởi bài học tình yêu tuyệt vời mà nó đem tới cho khán giả. Bộ phim kể về quãng thời gian khi cậu trai tuổi teen tên Elio dành một mùa hè tại Ý với bố mẹ và sau đó đã rơi vào một mối quan hệ với một trong những học sinh của cha cậu.

Bộ phim dành thời gian cho ta thấy quá trình phát triển từ từ của mối quan hệ này, từ tình bạn tới một cái gì đó lãng mạn hơn. Chính điều này đã khiến những niềm vui và nỗi buồn mà các nhân vật phải trải qua trở nên rõ ràng và tác động mạnh tới người xem hơn.

Một trong những phân cảnh đem lại nhiều cảm xúc nhất nằm ở phần cuối bộ phim, khi cha của Elio có một màn độc thoại về sức mạnh và tầm quan trọng của tình yêu. Chính tại đây, một trong những bài học về tình yêu của bộ phim được đưa ra: tầm quan trọng của cảm xúc. Như cha của Elio đã khẳng định trong đoạn độc thoại này: “Để khiến bản thân bạn không cảm nhận được gì, tuyệt đối không một điều gì; thật là một sự phí phạm.” Tất cả những cảm xúc, bất kể là tích cực hay tiêu cực, đều vô cùng quan trọng và cần thiết đối với con người, và kiềm nén nỗi buồn là một sự phí phạm đối với cảm xúc và nhân loại nói chung.

Đây là một trong nhiều bài học Call Me by Your Name đưa ra, và là một trong những lý do giúp bộ phim gây được tiếng vang lớn đến thế với công chúng.

2. Three Colors: Red (Krysztof Kieslowski, 1994)

Bất kỳ phần phim nào trong Three Colors Trilogy đều chứa đựng những bài học về tình yêu, nhưng có lẽ phần cuối trong trilogy này, Red là minh chứng rõ ràng hơn cả.

Điều khiến Three Colors: Red trở thành một câu chuyện tình yêu đặc biệt đến vậy là bởi cặp đôi nhân vật chính chưa bao giờ thực sự gặp mặt nhau xuyên suốt toàn bộ nội dung phim. Bộ phim xoay quanh cô người mẫu Valentine và tình bạn kỳ lạ của cô với một thẩm phán đã về hưu, người lắng nghe những cuộc gọi riêng tư của mọi người, một mối quan hệ trong đó cả hai người chưa từng gặp mặt, dù thực ra anh ta chính là người hàng xóm của Valentine.

Trong suốt bộ phim, Kieslowski luôn mớm cho khán giả viễn cảnh hai người gặp mặt và xác lập một mối quan hệ, nhưng điều này không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, bộ phim luôn tập trung vào những mối quan hệ không biết mặt giữa người với người. Để nhấn mạnh thêm điểm này, ông liên tục đưa ra những nét tương đồng trong cuộc sống của người hàng xóm của Valentine và cựu thẩm phán, khiến khán giả tin rằng hai người họ là hai nhân cách khác nhau của cùng một con người.

Kieslowski tập trung vào những mối liên kết không rõ ràng, trong vô thức giữa những người chưa từng gặp mặt, và ông khẳng định niềm tin của mình về những mối quan hệ soulmate trong toàn bộ tác phẩm. Three Colors: Red dạy cho ta một bài học rằng tình yêu được hình thành qua các mối liên kết về tâm hồn một cách vô thức, và soulmate của bạn vẫn đang ở ngoài kia, chờ đợi bạn tìm đến với họ.

3. Beginners (Mike Mills, 2010)

Beginners của Mike Mills là một trong những bộ phim độc đáo và kỳ lạ nhất trong thập kỷ trước. Bộ phim là sự đan xen của hai câu chuyện tình diễn ra song song nhau, một giữa nam nhân vật chính Oliver và một nữ diễn viên người Pháp, Anna, và câu chuyện còn lại về cha của Oliver, người tự nhận mình là gay sau cái chết của vợ, và người bạn trai trẻ tuổi hơn của ông.

Điều khiến Beginners trở nên độc đáo nằm ở cách kể chuyện của nhà làm phim. Bộ phim có một nhịp điệu của riêng nó và kể chuyện bằng cách tường thuật, những cảnh hồi tưởng, thậm chí có một chút phong cách siêu thực. Bởi vì lý do này, thông điệp mà Beginners truyền tải gần như trở nên vô cùng khách quan, và thường tùy vào cách diễn giải của mỗi người mà nó có thể mang những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Đối với rất nhiều người, thông điệp của bộ phim này là về sự chấp nhận, khi Olive phải học cách chấp nhận con người mới mà cha mình vừa để lộ, và cha của Oliver phải đối mặt với cái chết của chính mình. Những người khác lại tin rằng bài học của bộ phim là về sự cam kết bởi đó chính là trọng tâm trong câu chuyện tình yêu giữa Oliver và Anna. Chính sự tinh tế này đã khiến Beginners trở thành một bộ phim độc đáo và thú vị mà tất cả mọi người đều nên xem thử.

4. The Lobster (Yorgos Lanthimos, 2015)

Yorgos Lanthimos đã khẳng định bản thân là một trong những nhà làm phim độc đáo và sáng tạo nhất trong thập kỷ trước, và không một bộ phim nào có thể trở thành minh chứng rõ ràng cho điều này hơn The Lobster. Bài học tình yêu của The Lobster được truyền tải qua phong cách kể chuyện đầy châm biếm của bộ phim. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện một người đàn ông bị chuyển đến ở một khách sạn sau khi bị vợ bỏ rơi. Trong khách sạn dành cho những người độc thân này, những người khách có 45 ngày để tìm ra soulmate cho mình trước khi bị biến thành một con vật do họ tùy chọn.

Câu chuyện khác thường này được sử dụng để truyền tải thông điệp là lời bình phẩm xã hội của Lanthimos về tình yêu thời hiện đại. Trong bộ phim, soulmate của các nhân vật là những người có cùng nỗi đau hoặc dị tật giống họ, và đó là cách duy nhất để hai con người tương hợp được với nhau. Các nhân vật thậm chí có thể tự làm mình trở nên mù lòa để có thể hoàn toàn thích hợp với soulmate của họ.

Yorgos Lanthimos châm biếm cả những áp lực nặng nề đặt trên các mối quen hệ trong xã hội hiện đại lẫn cái cách xã hội này đối xử với những người độc thân như những kẻ ngoài cuộc. Lanthimos cũng lấy làm trò cười về nỗi khao khát đầy ám ảnh về việc tìm kiếm một người bạn đời hoàn toàn tương thích hoàn toàn với bạn, không được có một điểm gì khác biệt. Yorgos Lanthimos sử dụng phương pháp châm biếm này trong The Lobster và rất nhiều phim khác của ông như một phương pháp hiệu quả để cho các khán giả biết về quan điểm của ông về tình yêu trong xã hội hiện đại.

5. Paris, Texas (Wim Wenders, 1984)

Chưa có bộ phim nào khắc họa thành công về khoảng cách mà hai người yêu nhau sẵn sàng vượt qua vì tình yêu hơn Paris, Texas của Wim Wender. Bộ phim theo chân Travis, một người được tìm thấy đang lang thang trong sa mạc sau khi biến mất suốt 4 năm. Khi tìm lại được toàn bộ ký ức, anh lại cố gắng để liên lạc lại với con trai của mình và tìm kiếm người vợ đang mất tích.

Khía cạnh đạo đức chủ đạo của bộ phim là về tinh thần sẵn sàng hi sinh bản thân cho những người bạn yêu quý (phía sau có spoilers). Cuối bộ phim, Travis đã để cho con và vợ mình đoàn tụ, tin rằng anh là người đã chia rẽ hai người họ. Anh sau đó đã bỏ đi để sống một mình, xa cách hoàn toàn với những người anh yêu quý. Travis đã tự chia cắt mình với những người anh yêu bởi anh tin điều này sẽ khiến cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Bài học ở đây là không phải ai cũng có một cái kết có hậu và thông điệp này có vai trò cực kỳ quan trọng bởi nó vô cùng gần với thực tế.

Bộ phim không thực sự đồng tình với quyết định Travis đã đưa ra, nhưng rõ ràng Wim Wenders và biên kịch Sam Shepard tin rằng sự hi sinh đóng vai trò quan trọng trong tình yêu và các mối quan hệ khác, và đây là một bài học vô cùng quan trọng mà người xem cần phải giác ngộ.

6. Ali: Fear Eats the Soul (Rainer Werner Fassbinder, 1974)

Đạo diễn huyền thoại người Đức, Rainer Werner Fassbinder thường khai thác chủ đề tình yêu trong các tác phẩm của mình, nhưng bộ phim có thông điệp để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho khán giả, không nghi ngờ gì, chính là Ali: Fear Eats the Soul.

Bộ phim kể về chuyện tình khác lạ giữa Ali, một dân nhập cư người Ả Rập, và Emmi, một quả phụ lớn tuổi làm nghề lau dọn. Cặp đôi đã gần như bị chia cách bởi sự phản đối đến từ cộng đồng của cả hai bên. Gia đình, hàng xóm và cả đồng nghiệp của Emmi đều bỏ rơi và cô lập cô khi họ phát hiện ra cuộc hôn nhân của cô. Cả hai nhân vật chính trong mối quan hệ này đều trở thành kẻ sống ngoài xã hội và bị bỏ rơi, không có ai ở bên.

Phim của Fassbinder luôn đặt nặng những mối quan hệ bất thường, và vị đạo diễn này mong muốn khán giả có thể bỏ qua vấn đề về đân tộc và độ tuổi để nhìn vào tâm hồn con người, nơi thường bị ảnh hưởng và chiếm lĩnh bởi nỗi sợ và những điều xấu xa, chính như tiêu đề bộ phim đã đề cập.

Rainer Werner Fassbinder chắc chắn đã đi trước thời đại khi bàn đến những bộ phim kích thích cảm xúc và khiến ta phải suy nghĩ sâu xa hơn, và Ali: Fear Eats the Soul chính là một trường hợp đặc biệt trong số đó, một bộ phim mà ta có thể áp dụng bài học nó đem lại cho dù là hơn 40 năm sau ngày ra mắt.

7. Y Tu Mamá También (Alfonso Cuarón, 2001)

Tác phẩm đánh dấu bước đột phá của Alfonso Cuarón, Y Tu Mamá También là bộ phim nói về những khám phá về tình dục. Nội dung phim xoay quanh quãng đường hai cậu trai tuổi teen đưa một người phụ nữ lớn tuổi hơn tới một khu resort nhân tạo bên bãi biển.

Điều khiến cho bộ phim, và những bài học nó đưa ra, trở nên thú vị là cách nó phê phán tất cả những giá trị mà nó khắc họa. Ham muốn, yếu tố đóng vai trò chủ đạo trong phim, được đánh giá là một điều xấu xa. Xuyên suốt toàn bộ nội dung phim, chính sự vô năng của các nhân vật trong việc kiểm soát những ham muốn thể xác đã chia rẽ mối quan hệ của ba người. Cái kết của bộ phim để lại thông điệp cho khán giả rằng tình yêu không được xác định bằng tình dục và sự hấp dẫn, mà nằm ở tình bằng hữu và những mối liên kết.

Y Tu Mamá También là một bộ phim xuất sắc khi khai thác chủ đề tình yêu thông qua những ham muốn thể xác bằng cách khắc họa một câu chuyện với những nhân vật chưa thực sự hiểu tình yêu là gì, như hầu hết các cô cậu tuổi teen. Bộ phim dạy cho chúng ta một bài học quan trọng về tình yêu rằng sự kết nối giữa người với người phải được xếp ở vị trí cao hơn những ham muốn và hấp dẫn về mặt thể xác.

8. Hannah and Her Sisters (Woody Allen, 1986)

Hầu hết tất cả các tác phẩm trong gia tài điện ảnh đồ sộ của Woody Allen có thể được đưa vào danh sách này, nhưng trong số đó không phim nào đưa ra một bài học về tình yêu hiệu quả như Hannah and Her Sisters. Bộ phim là sự đan xen giữa những câu chuyện của hai người đàn ông trong quá trình tìm kiếm tình yêu. Một trong hai câu chuyện là về Elliot, một người đàn ông đã rơi vào lưới tình với em gái của vợ mình. Câu chuyện còn lại là về chồng cũ của Hannah, Mickey (do chinh Woody Allen thủ vai), một người mắc chứng u uất có tình cảm với người em còn lại của Hannah.

Nội dung phim tập trung vào những ví dụ ít hào nhoáng hơn của tình yêu, một khía cạnh ít khi được khai thác trên màn ảnh. Mối quan hệ giữa Elliot và người em dâu khá khiên cưỡng và vụng về, và nó bắt đầu làm tan vỡ mối quan hệ vốn cố của họ với những người thân thiết khác. Khi một người bắt đầu tiến lại gần người còn lại, người còn lại sẽ cố gắng tránh đi, và một người nào đó thì luôn luôn bị tổn hại bởi mối quan hệ này.

Khía cạnh ít hào nhoáng hơn của tình yêu được thể hiện một cách vừa hài hước vừa đau lòng qua phương pháp quay chụp khác thường của Allen, và bộ phim dạy cho chúng ta một bài học cực kỳ quan trọng về tình yêu thông qua chân dung một mối quan hệ gượng gạo, không thể có kết quả, và phần nào trái với đạo đức.

9. Punch-Drunk Love (Paul Thomas Anderson, 2002)

Các nhân vật chính trong Punch-Drunk Love của Paul Thomas Anderson không phải những người ta thường gặp trong vai trò dẫn dắt câu chuyện như này. Nam nhân vật chính của phim Barry Egan đã được Adam Sandler thể hiện một cách xuất sắc, và đây có lẽ là một trong những nhân vật có lòng tự căm ghét bản thân nhất từng được đưa lên phim. Anh không ngừng bị làm tổn thương bởi những người xuất hiện trong cuộc đời mình, đặc biệt là bảy người chị ruột, và anh ta là một người có vẻ không bao giờ tin rằng mình sẽ tìm được chân ái của cuộc đời. Và đương nhiên đây không phải sự thật, bởi anh và Lena (Emily Watson thủ vai) đã có tình cảm dành cho nhau.

Mối quan hệ đơn giản này cho Barry khả năng trở thành một con người mà anh luôn mong muốn. Anh phát triển được sự tự tin và tự tôn, dám đứng lên chống lại cả những người chị và cô người hầu luôn cưỡng bách anh phải đưa tiền cho cô ả.

Thông điệp về lòng tự tôn này là điều Paul Thomas Anderson muốn truyền tải thông qua bộ phim. Nghe có vẻ lỗi thời, nhưng “với tình yêu, không gì là không thể” là một bài học vô cùng quan trọng chúng ta cần biết, và nó được thể hiện một cách xuất sắc thông qua Punch-Drunk Love.

10. Shadows In Paradise (Aki Kaurismaki, 1986)

Cũng như một số bộ phim khác nằm trong danh sách này, kiệt tác Shadows In Paradise của Aki Kaurismaki tập trung vào khía cạnh ít hào nhoáng hơn của tình yêu. Không có những bữa tối xa hoa, những cuộc hẹn ngọt ngào hay những cử chỉ đầy lãng mạn gây xúc động, chỉ còn lại mối liên kết giữa hai con người và nó có thể nói lên rất nhiều điều.

Nội dung phim nói về mối quan hệ giữa một người đàn ông nhặt rác và cô thu ngân tại quầy bán rau trong quá trình họ từ từ học được cách vượt qua những nỗi buồn và sự khó khăn trong cuộc sống. Bộ phim đã chứng minh rằng luôn có một tình yêu ngoài kia cho những người sẵn sàng kiếm tìm nó, không cần biết cuộc sống của họ có bất hạnh đến đâu. Tiêu đề của bộ phim chính là hiện thân cho quan điểm rằng dù ở trong bóng tối, con người ta vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc.

Không có nỗi buồn, niềm vui không thể được tận hưởng một cách trọn vẹn, và điều này đã được chứng minh thông qua câu chuyện tình đẹp của Kaurismaki. Shadows In Paradise đôi khi có thể khá ảm đạm, nhưng về tổng thể vẫn là một tác phẩm đầy hi vọng và đẹp đẽ, một câu chuyện dạy ta những bài học về tình yêu và lòng tự tôn bằng cách khắc họa một mối quan hệ bình dị đầy chân thực.

Nguồn: Taste of Cinema

Bài viết liên quan