Người Kiến, món ăn mới lạ trong bữa tiệc lạt vị của Marvel
Tin điện ảnh · MarsLe ·
Người Kiến xoay quanh câu chuyện về 1 bộ quần áo đặc biệt, sử dụng 1 loại công thức đặc biệt để làm chất dẫn, thu nhỏ người mặc và cho họ sức mạnh không thể tin nổi so với kích thước bé nhỏ của họ. Nghe có vẻ chẳng giống gì lắm với những gì mà MCU từ trước đến giờ đã làm với các siêu anh hùng của họ trên màn ảnh. Nếu có liên quan 1 chút thì chắc là liên tưởng đến Iron Man nhưng ai lại đi xem trọng 1 con kiến cơ chứ? Vậy là bạn đã sai lầm, con kiến có thể cắn chết voi đấy.
Khác hẳn với các mô tuýp siêu anh hùng đã có của Marvel, Scott Lang bị ép buộc làm siêu anh hùng nhưng thật ra cũng chỉ vì chuyện cá nhân mà thôi (muốn chăm lo cho cô con gái bẻ bỏng). Cũng với 1 bộ áo “giáp” nhưng khác với Người Sắt, Người Kiến nhìn rất dễ bị tổn thương nhưng thực tế lại rất khó đánh bại. Thử tưởng tượng, 1 con kiến có thể nâng gấp 50 lần trọng lượng cơ thể của nó thì 1 con người có thể nâng 1 chiếc ô tô dễ như cầm 1 món đồ chơi. So với Người Kiến, sức mạnh anh chàng có được còn nhiều hơn thế, 1 “con kiến” có thể vật 1 con người dễ như 1 võ sư hàng xịn.
Câu chuyện của Ant-Man không đi quá xa xôi hay tạo ra quá nhiều sự đập phá, khung cảnh hoành tráng mà lại là những cảnh nền rất quen thuộc. Như dưới nền nhà, cống nước, trong 1 cái hộp hay trên bộ đồ chơi xe lửa…Cách mà nhà làm phim đã “phóng to” những bối cảnh ấy đã đem lại 1 cái nhìn mới lạ với những thứ tưởng chừng quá quen thuộc, có 1 chút gợi nhớ về bộ phim hồi xưa cũng thu nhỏ mấy đứa nhóc chạy khắp từ nhà ra vườn. Cái hay của đạo diễn là phóng to hay thu nhỏ đúng lúc để tạo nên những cảnh phim hấp dẫn và đầy chất hài hước, nó khiến khán giả phải bật cười 1 cách tự nhiên. Nhắc đến hài hước thì rõ ràng là không thể bỏ qua Pena, anh chàng có những lời thoại và hành động vui nhộn tự nhiên. Đó là còn chưa kể đến Scott Lang đôi lúc cũng có những pha vô duyên nhưng lại rất duyên, làm người ta phải phì cười.
So với kỷ xảo thu nhỏ người của cái phim cách đây hơn chục năm thì dĩ nhiên Người Kiến đã có tiến bộ hơn rất nhiều. Những khung cảnh được làm chân thật, khán giả tưởng chừng như đó là 1 thế giới thật. Và đặc biệt hơn cả chính là tạo hình của bầy kiến. Người ta thấy những chú kiến sống động đến từng chi tiết như thể được xem Thế Giới Khủng Long vậy. Nhiều chi tiết thú vị về loài kiến được lồng vào phim làm cho phim có nhiều ý nghĩa nhân văn hơn rất nhiều so với các tập phim khác trong MCU. Bạn sẽ được giải thích về cách bầy kiến làm việc, tổ chức và tạo dựng mối quan hệ như thế nào. Trong đó, có 1 sự so sánh ngầm về sự tin tưởng giữa con người và loài vật.
Một điểm nổi bật khác của Ant-Man chính là tình cảm trong phim chiếm nhiều thời lượng hơn so với phim khác. Bạn sẽ được gặp 1 Scott Lang dở hơi, điên điên…nhưng lại rất yêu thương con gái và mong muốn làm những điều tốt đẹp cho cô bé, và đó cũng chính là lý do anh chọn làm Người Kiến. Bên cạnh đó là mối quan hệ cha con phức tạp giữa tiến sĩ Pym và cô con gái Hope. Có những thứ không thể diễn tả bằng lời hay đôi lúc tình yêu thương phải được giấu đi trong những lời nói dối. Bạn sẽ thấy 1 người cha sẽ phải kiềm nén bao nhiêu thứ vào trong để che chở cho cô con gái của mình dù phải chịu nhiều sự căm ghét.
Như đã nói ở trên, phần hài hước của Paul Rudd và Michael Pena rất tự nhiên và đem lại những phút giây thư giãn xen kẽ trong suốt phim. Với Michael Douglas và Corey Stoll, cũng như Evangeline Lilly, các nhân vật này hoàn toàn làm tốt vai diễn của mình. Nhận xét chung về diễn xuất là rất ổn.
Đánh giá: Người Kiến là 1 bộ phim hay và mới lạ trong MCU cho đến hiện tại. Không đơn thuần là những màn trình diễn kỹ xảo nữa mà trong đó còn có rất nhiều cảm xúc. Marvel có lẽ đã đánh liều 1 phen với Ant-Man khi đưa những cảm xúc này vào phim.
*Lưu ý: hãy cố nán lại cho đến những phút cuối cùng để xem điều gì sẽ xảy ra.
Người Kiến - Ant-Man chính thức ra rạp từ 24.7.2015, xem lịch chiếu ngay tại đây.