Nhói lòng với những bộ phim về đề tài ấu dâm
Cũng giống như hai đứa trẻ trong Bạch Dạ Hành, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều trong trắng, ngây thơ và muốn được sống dưới ánh mặt trời. Nhưng vì tội ác ấu dâm mà chúng phải sống trong đêm tối, nhân cách, linh hồn bị bóp méo ngay khi chưa kịp thành hình. Bởi sự ngây thơ giống như một chiếc gương sáng, đã vỡ thì không thể nào lành lại được.
Nhắc đến hai từ "ấu dâm", chúng ta không khỏi cảm thấy căm phẫn và ghê tởm. Đây đang là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội, không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Hiểu được phần nào nỗi đau mà nạn nhân và gia đình của họ phải trải qua, các nhà làm phim đã đưa vấn đề này lên màn ảnh, thông qua đó thể sự hiện sự căm phẫn của họ đối với tội ác không thể nào tưởng tượng nổi, đồng thời kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ những đứa trẻ và ngăn chặn tội ác này. Vậy điện ảnh thế giới đã đóng góp những tác phẩm nổi bật nào để gửi gắm thông điệp này?
1. Hope (Hy Vọng - 2013)
Đây là bộ phim quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam và được tìm xem nhiều nhất trong 2 năm trở lại đây. Phim được sản xuất từ năm 2013 nhưng do không được quảng bá rầm rộ, dàn diễn viên cũng không phải thuộc hàng khủng nên ít người biết tới. Thế nhưng, từ khi nạn ấu dâm bắt đầu gia tăng và trở nên khó kiếm soát thì Hope lại được cư dân mạng chia sẻ nhiều hơn bao giờ hết.
Hope dựa trên một vụ án có thật khiến cả đất nước Hàn Quốc căm phẫn vào năm 2008. Phim kể về cô bé So-won (Lee Re), trong một ngày mưa đi học một mình đã bị tên biến thái bắt và tấn công tình dục. Cô bé bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần, phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để sống sót. Nhưng cuộc sống của So-won từ đó cũng thay đổi mãi mãi, dư chấn tâm lý mà cô bé phải chịu đựng lớn đến nỗi cô còn sợ cả cha ruột của mình. Người cha phải hoá thân thành nhân vật hoạt hình mà So-won yêu thích để có thể đi theo bảo vệ và kết nối với con gái. Thế nhưng, điều khiến khán giả phẫn nộ nhất chính là cảnh sát không thể tìm đủ bằng chứng để trừng trị kẻ phạm tội một cách thích đáng.
Khi mới ra mắt, phim được khán giả trong nước đón nhận một cách nồng nhiệt và gây bão dư luận ở nhiều nước châu Á khác. Phim chiến thắng giải Phim điện ảnh hay nhất, Kịch bản hay nhất và Diễn viên phụ xuất sắc nhất tại lễ trao giải Rồng Xanh lần thứ 34 của Hàn Quốc. Đây là bộ phim rất xuất sắc về đề tài ấu dâm mà chắc chắn sẽ lấy đi không ít nước mắt của khán giả.
2. Silenced (Sự Im Lặng - 2011)
Silenced được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Dogani của nhà văn Kong Ji Young, dựa trên vụ án có thật về 9 học sinh khiếm thính là nạn nhân của hành vi lạm dụng tình dục bởi chính hiệu trưởng, giáo viên và quản lý ký túc xá. Phim kể về hành trình tìm ra sự thật và đấu tranh vì công lý của thấy giáo trẻ Kang In-ho (Gong Yoo). Bản thân In-ho đã có cuộc sống khó khăn, tài chính eo hẹp, vợ mất, con gái bị bệnh hen suyễn phải sống với bà nội. Anh được bổ nhiệm về dạy nghệ thuật cho trẻ em khiếm thính ở một ngôi trường tỉnh lị quê mùa tại Mujin (một địa danh không có thật). Nhưng chuyển đến chưa được bao lâu thì In-ho và Yoo Jin (Jung Yu Mi) – cô gái làm việc tại Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền ở thị trấn Mujin, dần phát hiện ra những bí mật khủng khiếp mà chính những người có chức trách trong trường đều thông đồng che giấu. Thế là hai người quyết tâm đưa sự thật ra ánh sáng và đòi lại công bằng cho những đứa trẻ.
Bộ phim được ra mắt vào năm 2011 – đúng vào thời điểm xã hội Hàn Quốc đang nhức nhối vì nạn xâm phạm tình dục trẻ em. Nhưng điều đáng sợ hơn chính là những tội ác này lại diễn ra ngay trong môi trường giáo dục và những kẻ thủ ác lại là những kẻ mang danh nhà giáo, những kẻ có trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng những đứa trẻ bất hạnh này. Bên cạnh đó, khán giả còn căm phẫn bởi cách mà những người đại diện cho pháp luật đã hành xử. Tất cả những con người này đã tạo nên một xã hội vô nhân đạo và ích kỉ đến đáng sợ. Tuy vậy, xã hội vẫn luôn còn rất nhiều con người chính trực và tốt bụng như cô Yoo Jin và thầy In-ho, vì thế cái ác sẽ không bao giờ có thể thống trị được.
3. Mystic River (Dòng Sông Tội Ác - 2003)
Mystic River mở đầu với câu chuyện ám ảnh khi cậu bé Dave (Cameron Bowen) bị hai kẻ giả danh cảnh sát bắt vào trong xe hơi. Chúng lạm dụng tình dục cậu bé suốt 4 ngày. Sau đó, Dave chạy thoát nhưng lại mang tâm lý không ổn định, trở thành một con người hoàn toàn khác và không còn hoà nhập với bạn bè nữa. 25 năm sau, Dave (Tim Robbins) gặp lại hai người bạn thân lúc nhỏ là Jimmy (Sean Penn) và Sean (Kevin Bacon) trong hoàn cảnh éo le. Con gái của Jimmy bị ám sát, kẻ tình nghi lại chính là Dave và Brendan - bạn trai của con gái Jimmy, và người đứng ra điều tra vụ án lại là Sean.
Phim không hề có cảnh gây shock nào nhưng vẫn đủ để mang đến cho khán giả một trải nghiệm đầy đau xót bởi từng câu thoại đầy ám ảnh và tông màu xám u ám, lạnh lẽo trải dài suốt cả phim. Phim còn được đánh giá cao về mặt đạo diễn (Clint Eastwood) và diễn xuất của 3 diễn viên chính. Ngoài ra, phim còn chiến thắng nhiều giải thưởng danh giá như giải Oscar cho Nam chính xuất sắc nhất (Sean Penn) và Nam phụ xuất sắc nhất (Tim Robbins), giải Quả Cầu Vàng ở 2 hạng mục tương tự cùng nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác. Mystic River là bộ phim với nhiều tầng ý nghĩa mà chắc chắn mỗi lần xem khán giả sẽ ngộ ra được rất nhiều điều.
4. Byakuyako/Into the White Night/White Night (Bạch Dạ Hành - 2006)
Bạch Dạ Hành là phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Keigo Higashino. Phim kể về cô bé 11 tuổi Yukiho (Mayuko Fukuda) sống trong một căn hộ tồi tàn, người mẹ thì lúc nào cũng ngập trong nợ nần. Yukiho có một người bạn kì lạ ở thư viện là Ryoji (Yuki Izumisawa). Một ngày, Ryoji phát hiện Yukiho bị xâm hại, mà người đàn ông đó lại chính là cha của cậu. Đáng sợ hơn, chính mẹ của Yukiho bán cô cho người đàn ông đó để lấy tiền. Ryoji vì bảo vệ Yukiho mà lấy kéo đâm chết cha mình, còn mẹ của cô bé thì cắt ống ga tự vẫn. Sau này, Yukiho được người bà con giàu có nhận nuôi và đổi họ. Còn Ryoji thì luôn dằn vặt vì đã giết cha, cái chết của mẹ Yukiho và những đau khổ, mất mát mà cô phải chịu đựng. Cả hai người đều cố gắng làm lại cuộc đời, thế nhưng tội ác năm xưa vẫn luôn âm ỉ.
Mặc dù chủ đề chính của phim nói về tội ác và ranh giới mong manh của đạo đức, nhưng ấu dâm lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch cuộc đời của hai nhân vật. Tội ác ấu dâm được kể rất quyết liệt trong tập đầu và kết thúc ngay trong tập đầu, thế nhưng chính điều này đã khiến cho linh hồn của hai đứa trẻ ngây thơ bị bóp méo và cuộc đời sau này hoàn toàn thay đổi. Tuy tiểu thuyết gốc được chuyển thể thành 3 phiên bản, 2 phiên bản còn lại là điện ảnh của Nhật và Hàn, thế nhưng phiên bản truyền hình của Nhật được xem là thành công nhất nhờ cách kể chuyện và xây dựng mạch phim, nhờ vậy mà truyền tải được hết cái hay của tiểu thuyết.
Qua lăng kính của điện ảnh, người xem có thể thấy và cảm nhận được những nỗi đau mà nạn nhân của ấu dâm và những người thân xung quanh phải trải qua. Cũng giống như hai đứa trẻ trong Bạch Dạ Hành, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều trong trắng, ngây thơ và muốn được sống dưới ánh mặt trời. Nhưng vì tội ác ấu dâm mà chúng phải sống trong đêm tối, nhân cách, linh hồn bị bóp méo ngay khi chưa kịp thành hình. Bởi sự ngây thơ giống như một chiếc gương sáng, đã vỡ thì không thể nào lành lại được.