Những cú long take đáng nhớ nhất trong lịch sử điện ảnh (Phần 2)

Tin điện ảnh · khacduy ·

Thuật ngữ cú máy dài (long take, continuous shot) nhằm chỉ bất kì trường đoạn phim nào được thực hiện bằng việc quay không gián đoạn cho đến khi chuyển sang cảnh khác.

(tiếp theo và hết)

Thuật ngữ cú máy dài (long take, continuous shot) nhằm chỉ bất kì trường đoạn phim nào được thực hiện bằng việc quay không gián đoạn cho đến khi chuyển sang cảnh khác.

Giờ đây, những cú máy dài đã dần trở thành công cụ yêu thích của các nhà làm phim hiện nhằm thể hiện sự ăn ý tuyệt vời giữa dàn diễn viên và đội ngũ quay phim, và đem đến cảm giác thật nhất cho khán giả khi ta tưởng chừng như đang hiện diện ngay trong khung cảnh của phim. 

Sau đây Moveek xin giới thiệu với các bạn những cú máy dài đáng nhớ nhất trong lịch sử điện ảnh.

Phần 1

10. Russian Ark (2002)

Phim có cốt truyện đơn giản về cuộc hội ngộ ngẫu nhiên giữa đạo diễn Alexander Sokurov (đồng thời cũng là người dẫn truyện và phim được quay dưới góc nhìn thứ nhất của ông) và một nhà ngoại giao Pháp thế kỷ 19. Cả hai người cùng bước chân qua từng căn phòng gặp gỡ những gương mặt lớn trong lịch sử như Pierre đại đế, nữ hoàng Catherine II, các sa hoàng Nicolas cho đến đại thi hào Puskin. Từng căn phòng cũng được trang hoàng nhằm tái hiện lại một thời kì lịch sử của nước Nga.

Chuyến du hành qua 300 năm lịch sử của nước Nga này được ngợi ca như một tuyệt tác của điện ảnh thế giới, một “báu vật” mới của kho tàng điện ảnh nhân loại. Ngay từ lần đầu tiên bước đến Bảo tàng Ermitage – viện bảo tàng lớn thứ hai thế giới, được xây dựng trên nền cung điện Mùa Đông của sa hoàng ở Saint-Péterbourg, đạo diễn Alexander Sokurov đã ấp ủ ý tưởng tái hiện toàn cảnh bảo tàng Ermitage chỉ trong một cú máy duy nhất. 34 bối cảnh, 2000 diễn viên và 3 dàn nhạc giao hưởng là con số khổng lồ để tái hiện lại 300 năm lịch sử của nước Nga. "Choáng ngợp", "Nghẹt thở", "Đẹp như mơ"... là những cụm từ mà cộng đồng hâm mộ điện ảnh trên thế giới phải thốt lên khi nhìn thấy quang cảnh của Bảo tàng Ermitage trong Russian Ark. Phim cũng đem về cho đạo diễn Alexander Sokurov một đề cử cành cọ vàng từ LHP Cannes danh giá.

11. Rope (1948)

Với kịch bản được biên kịch Arthur Laurents chắp bút vào năm 1929, phim xoay quanh hai thanh niên Brandon (John Dall) và Phillip (Farley Granger), cả hai cùng chia sẻ một căn hộ ở New York. Brandon và Phillip quyết định hạ sát người bạn lâu năm David Kentley (Dick Hogan), người mà họ cho rằng là một cá thể "thấp kém" hơn. Tiếp theo đó, cả hai giấu xác David trong một chiếc rương bằng gỗ và tổ chức một bữa tiệc ngay tại căn hộ của mình. Danh sách khách mời bao gồm: cha, dì và vị hôn thê Janet Walker (Joan Chandler) của nạn nhân, người bạn thân Kenneth Lawrence (Douglas Dick) đồng thời cũng từng là bạn trai cũ của Janet và giáo viên phụ trách kí túc xá cũ của hai người Rupert Cadell (James Stewart). Họ dùng chiếc rương giấu xác David để làm bàn ăn chính, tất cả sự liều lĩnh đó chỉ để thực hiện một tội ác hoàn hảo không thể bị phát hiện nhằm chứng minh trí tuệ siêu việt của bản thân.

Đạo diễn huyền thoại Afred Hitchcock tạo ra sự căng thẳng và hồi hộp khi đưa chúng ta chứng kiến từng thành viên trong gia đình của David đến căn hộ, không hề ngờ rằng xác David đang nằm trước mắt họ, còn khán giả thì chăm chú dõi theo từng cử chỉ nhỏ nhặt của các nhân vật tự hỏi liệu khi nào sự thật sẽ được hé lộ. Do sự hạn chế của công nghệ quay phim thời đó, mỗi cuốn phim chỉ có thời lượng tối đa 10 phút, đạo diễn Afred Hitchcock đã khéo léo xây dựng 10 trường đoạn phim riêng lẻ sau đó ghép chúng lại với nhau, ông giấu những đoạn chuyển cảnh giữa các trường đoạn bằng cách lia ống kính máy quay vào những vật thể cố định như lưng của nhân vật Brandon (do John Dall thủ vai), phía sau của một món vật dụng trong căn phòng… Kết quả là một cú máy dài tuyệt đẹp mà tưởng chừng như chỉ có thể được thực hiện với kĩ thuật hiện nay.

12. Gravity (2013)

Phim xoay quanh cuộc chiến giành giật sự sống từ tay tử thần của hai phi hành gia Ryan Stone (Sandra Bullock) và Matt Kowalsky (George Clooney). Trong lúc thực hiện nhiệm vụ sửa chữa kính thiên văn, họ bị hất tung khỏi tàu con thoi giữa vùng không trọng lực, do ảnh hưởng của những mảnh vỡ từ một vệ tinh. Cả hai trôi dạt giữa không gian và phải chạy đua với thời gian để tìm cách liên lạc với đài chỉ huy trước khi bình dưỡng khí của cả hai cạn kiệt.

Tiếp nối sự thành công của tác phẩm Children of Men (2006), Alfonso Cuarón tiếp tục chứng minh vì sao ông là một trong những bậc thầy về việc sử dụng kĩ thuật long take trong điện ảnh hiện nay. Sau 6 năm ẩn mình, ông và đạo diễn hình ảnh Emmanuel Lbezki quay trở lại với tác phẩm Gravity (2013). Trường đoạn mở đầu dài 12 phút 30 giây của phim thành công trong việc nắm bắt được vẻ đẹp hùng vĩ, bao la đến mức nghẹt thở của bối cảnh ngoài không gian. Góc quay như đưa chúng ta trôi dạt trong môi trường không trọng lực cùng với hai nhà phi hành gia, cho tới khi vụ tai nạn ập tới và cuốn chúng ta theo cuộc chiến của hai nhân vật chính.

Gravity nhận được 10 đề cử và chiến thắng 7 Oscar trong nhiều hạng mục quan trọng như Quay phim xuất sắc nhất cho Emmanuel Lbezki, Đạo diễn xuất sắc nhất cho Alfonso Cuarón, Biên tập phim xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất cho nhà soạn nhạc Steven Price và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất.

13. Touch of Evil (1958)

Tác phẩm phim noir bất hủ được Orson Welles chỉ đạo và viết kịch bản chuyển thể cuốn tiểu thuyết Badge Of Evil của tác giả Whit Masterson. Phim lấy bối cảnh tại một thị trấn nằm ở biên giới giữa Mỹ và Mexico, khi tuần trăng mật lãng mạn của đặc vụ phòng chống ma túy Miguel "Mike" Vargas (Charlton Heston) bị chen ngang bởi một vụ nổ bom diễn ra ngay trước mắt anh. Dần dần, Miguel nhận ra đây không phải là một vụ án mạng tầm thường khi anh dần khám phá ra những âm mưu thâm độc liên quan đến những tay cảnh sát biến chất và các tập đoàn ma túy Mexico.

Mặc dù là một trong những đạo diễn huyền thoại với tác phẩm Citizen Kane (1941), bộ phim được xem như hay nhất mọi thời đại theo BBC, uy tín của Orson Welles trong mắt các studio lại rất tệ khi những tác phẩm ông thực hiện thường không tuân thủ lịch quay cũng như vượt quá kinh phí. Cú máy dài ở đầu Touch of Evil chính là ngón tay “thối” của ông dành cho studio nhằm chứng minh rằng những lời chỉ trích nhắm vào ông là sai. Bằng việc không miêu tả cách làm thế nào ông sẽ thực hiện cảnh quay này, điều làm bộ phận quản lý của studio cực kì lo lắng khi biết tin ông dành ra cả một ngày trời chỉ để diễn tập. Họ cử người xuống đốc thúc để rồi chứng kiến ông thực hiện cú máy dài này, trường đoạn đã giúp ông đi trước tiến độ quay nhiều ngày trời.

Càng không thể phủ nhận tay nghề bậc thầy của Orson, khi từ cú máy cận đầu tiên cho thấy quả bom, ông tạo ra không khí hồi hộp căng thẳng tột cùng khiến chúng ta không thể rời mắt khỏi chiếc xe chứa quả bom khi nó di chuyển chầm chậm qua khu đông đúc dân cư của thị trấn, hiểu rằng chỉ cần phát nổ nó sẽ sát hại vô số cư dân vô tội. Ngày nay, Touch of Evil vinh dự được Viện Phim Mỹ chọn để lưu trữ vì tính biểu tượng của nó trong thể loại phim noir.