Những góc khuất của xã hội trong các phim có bối cảnh tại vùng ngoại ô nước Mỹ

Góc Nghệ Thuật · SarahTran ·

Đằng sau những cảnh cửa đóng kín, người dân ở đó có thật sự có được gia đình hạnh phúc? Cuộc sống có thật sự yên bình như vẻ bề ngoài của nó hay không?

Thiên nhiên yên tĩnh của các vùng ngoại ô thường gợi cho người ta về một cuộc sống không ồn ào, hối hả, nhiều thị phi như các thành phố lớn. Nhưng đằng sau những cảnh cửa đóng kín, người dân ở đó có thật sự có được gia đình hạnh phúc? Cuộc sống có thật sự yên bình như vẻ bề ngoài của nó hay không? Những bộ phim có bối cảnh ở các vùng ngoại ô dưới đây sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn rất khác về đất nước mà nhiều người cho là “thiên đường” trên thế giới.

1. American Beauty (Vẻ Đẹp Mỹ - 1999)

Lấy bối cảnh tại một khu phố khuất danh dành cho tầng lớp trung lưu - cũng là đại diện cho gần như khắp các vùng ngoại ô tại Mỹ, American Beauty khắc họa cuộc sống của những gia đình tại đây đều gượng ép và giả tạo, mà gia đình Burnham chính là điển hình. Trong gia đình này, Lester Burnham (Kevin Spacey) – một nhân viên văn phòng đang gặp phải khủng hoảng ở lứa tuổi trung niên, nảy sinh tình cảm và bị ám ảnh tình dục bởi bạn thân của cô con gái mình là Angela Hayes (Mena Suvari). Anh ta tập thể hình để cải thiện cơ thể, đổi sang một chiếc xe thể thao và bắt đầu hút cần sa chỉ để tán tỉnh Angela. Vợ của Lester – Carolyn Burnham (Annette Bening), là một nhà môi giới bất động sản đầy tham vọng và thực dụng, có quan hệ lén lút với một gã doanh nhân. Còn cô con gái 16 tuổi – Jane Burnham (Thora Birch) lại thấy ghê tởm cha mẹ mình và luôn có thái độ tự ti. Chính vì lối sống buông thả và sự thỏa mãn bản thân quá mức mà gia đình này kết thúc trong bi kịch khi Lester bị bắn chết.

Mặc dù nhận được nhiều phản ứng trái chiều về sự rập khuôn của bối cảnh và hình tượng nhân vật nhưng cuối cùng American Beauty lại chiến thắng tới 5 giải Oscar. Không chỉ là tác phẩm trào phúng về sự thỏa mãn bản thân của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ tại các vùng ngoại ô, phim còn nói đến quan niệm về cái đẹp, về chủ nghĩa duy vật, về sự cô độc, sự giải thoát, chuộc lỗi của bản thân và hơn hết chính là ý nghĩa của cuộc sống.

2. Little Children (Gái Có Chồng – 2006)

Chủ đề chính của Little Children tuy không mới nhưng chưa bao giờ hết hấp dẫn: ngoại tình. Sarah (Kate Winslet) phải gác lại sự nghiệp để suốt ngày tất bật chăm lo cho chồng con. Nhưng chồng cô lại không thích gần gũi vợ mà lại bị ám ảnh bởi cô nàng nóng bỏng mà anh ta thấy trên một web đen. Chán nản với cuộc sống, với người chồng, Sarah ngoại tình với Brad (Patrick Wilson). Cuộc sống gia đình của Brad cũng không khá hơn mấy, anh thất nghiệp, phải ở nhà chăm con thay vợ trong khi cô vợ là người phụ nữ xinh đẹp và thành đạt. Chính vì hoàn cảnh khá giống nhau, đồng cảm được đối phương mà cả hai nhanh chóng lao vào cuộc tình vụng trộm. Cả hai quyết định bỏ trốn để thoát khỏi tình cảnh hiện tại và xây dựng cuộc sống mới. Nhưng cuối cùng Brad vẫn chỉ là một đứa trẻ trong thân xác của người lớn, nhanh chóng quên đi người tình. Còn Sarah đã lấy nhầm chồng, giờ đây lại yêu nhầm người và rốt cuộc vẫn cô đơn.

Đạo diễn Todd Field đã đưa cuộc sống đời thường của giới trung lưu tại vùng ngoại ô ở Boston của Mỹ để khán giả có thể nhận ra rằng, những gì xảy ra trong các gia đình ở đây có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên nước Mỹ, thậm chí ở các quốc gia khác. Sarah và Brad cũng có thể là đại diện của bất cứ trong chúng ta – những đứa trẻ dại dột, lầm lỡ trong thân xác của người trưởng thành.

3. The Girl on the Train (Cô Gái Trên Tàu - 2016)

Trên chuyến tàu Hudson Metro-North, mỗi ngày đi làm Rachel Watson (Emily Blunt) đều nhìn vào những hình ảnh vụt qua cửa sổ và hồi tưởng lại những ký ức trong ngôi nhà mà cô từng sống với chồng cũ Tom Watson (Justin Theroux) – người giờ đây đang sống với vợ mới là Anna Watson (Rebecca Ferguson). Không chỉ vậy, Rachel còn nhìn vào cuộc sống của hai vợ chồng hàng xóm cách đó vài căn là Megan Hipwell (Haley Bennett) và Scott Hipwell (Luke Evans). Cô bị ám ảnh bởi cuộc đời của họ và cho rằng họ là đôi vợ chồng hạnh phúc với tình yêu dành cho nhau mà ai cũng ao ước. Nhưng rồi một ngày, Rachel chứng kiến một sự việc không ngờ, khiến cho niềm tin của cô vào tình yêu hoàn toàn sụp đổ: Megan ôm ấp và hôn một người đàn ông khác trên ban công. Vài ngày sau, Megan mất tích, sau đó thi thể được tìm thấy trong rừng, và Rachel bị tình nghi là kẻ giết người. Cô cố chứng minh mình vô tội, nhưng làm sao cô có thể thuyết phục được cảnh sát tin mình khi mà chính cô còn không nhớ mình đã làm gì?

Không những được kể từ góc nhìn của Rachel Watson, The Girl on the Train còn được kể từ góc nhìn của Anna và Megan – những nhân vật tưởng chừng như có tuyến truyện rời rạc nhưng cuối cùng lại có mối liên kết chặt chẽ với Rachel. Mặc dù được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ tác giả Paula Hawkins, nhưng khi lên phim The Girl on the Train lại có bối cảnh ở vùng ngoại ô New York thay vì ở vùng ngoại ô của Luân Đôn như trong nguyên tác. Nhưng thực ra bối cảnh của phim ở Luân Đôn hay New York đều không quan trọng, bởi những câu chuyện trong phim có thể xảy ra ở bất cứ vùng nào. Bằng cách kể về câu chuyện đi tìm lời giải đáp cho vụ mất tích, bộ phim đã cho thấy những áp lực mà phần lớn phụ nữ phải gánh chịu trong cuộc sống, đồng thời còn nói lên mong muốn của phụ nữ khẳng định ý nghĩa cho sự tồn tại của chính mình.

4. Suburbicon (Bí Ẩn Vùng Ngoại Ô - 2017)

Phim lấy bối cảnh năm 1959 tại một thị trấn giả tưởng mang tên Suburbicon ở Mỹ. Mặc dù không có thật nhưng Suburbicon được lấy ý tưởng từ chính các thị trấn ở New York và Mississipi. Tại đây, không khí luôn yên bình, cư dân đều thân thiện với nhau, nhà cửa có giá rẻ và chế độ phúc lợi xã hội thỏa đáng. Nhưng đời sống tại Suburbicon trở nên hỗn loạn kể từ khi nhà Mayer – một gia đình người da màu, chuyển đến sống, và ngay lập tức các cư dân da trắng “văn minh” tại đây liền đổ lỗi cho gia đình này và không ngừng kì thị họ. Ở cùng thời điểm đó, gia đình của Gardner Lodge (Matt Damon) ngay bên cạnh cũng gặp phải nhiều rắc rối khi hai tên cướp vào nhà cuỗm sạch tiền và sát hại vợ anh. Trong quá trình cảnh sát truy tìm danh tính của hai tên cướp, nhiều sự thật đen tối dần được phơi bày, lột trần một xã hội mục nát với những con người tham lam, giả tạo, dâm dục, bạo lực và kì thị chủng tộc khác.

Suburbicon có cốt truyện thú vị, nhiều tầng lớp và thông điệp ý nghĩa khi lên án nạn phân biệt chủng tộc. Kịch bản của phim được chắp bút bởi anh em nhà Coen (Fargo, No Country for Old Men, Burn After Reading). Tuy thế, họ đã nhường vai trò đạo diễn lại cho George Clooney (Argo, The Monuments Men, Good Night, and Good Luck, The Ides of March). Dàn diễn viên "gánh team" bao gồm Matt Damon, Julianne Moore và Oscar Isaac... Ekip làm phim toàn những người có nhiều giải thưởng và từng thử sức ở nhiều vai trò khác nhau với điện ảnh, nên phim cũng rất được chú ý ngay khi nó chưa ra mắt.

Phim trình làng tại thị trường Bắc Mỹ từ 27/10 và đã chào sân Việt Nam từ 03/11.