Những mảnh đời đa sắc màu thông qua 4 bộ phim tài liệu ý nghĩa

Tin điện ảnh · Maii ·

Từ một đầu bếp cho đến một vị thiền sư, bất cứ ai cũng có thể xuất hiện trên một bộ phim tài liệu, mang đến nhiều cảm hứng và mở rộng cái nhìn về cuộc sống cho người xem.

Phim tài liệu là thể loại khai thác mọi khía cạnh cuộc sống của con người ở góc độ chân thực và tự nhiên nhất. Từ một đầu bếp cho đến một vị thiền sư, bất cứ ai cũng có thể xuất hiện trên một bộ phim tài liệu, mang đến nhiều cảm hứng và mở rộng cái nhìn về cuộc sống cho người xem. Dưới đây là 4 bộ phim tài liệu với những mảnh đời thú vị nhất, chất chứa nhiều thông điệp và khiến người xem phải suy ngẫm lại cuộc sống của chính mình.

1. Jiro Dreams of Sushi 

Ra mắt năm 2011 và được dàn dựng bởi đạo diễn David Gelb. Nhân vật chính của phim là Ono Jiro, chủ nhân một nhà hàng sushi 3 sao Michelin - Sukiyabashi Jiro. Nhà hàng của ông chỉ có 10 chỗ ngồi và chỉ phục vụ sushi, với thực đơn nhỏ khoảng 20 món. Ngoài Ono Jiro, phim còn xuất hiện hai người con trai của ông, cũng là đầu bếp sushi. Bộ phim là hành trình hoàn thiện nghệ thuật làm sushi không ngừng nghỉ của Ono Jiro cũng như áp lực mà con trai cả Yoshikazu phải đối mặt khi được chỉ định trở thành người kế nhiệm.

Những miếng sushi đầy màu sắc qua bàn tay điệu nghệ của Ono Jiro
Những miếng sushi đầy màu sắc qua bàn tay điệu nghệ của Ono Jiro

Đối với những người yêu thích ẩm thực Nhật Bản thì đây sẽ là một bộ phim tài liệu thú vị và đầy màu sắc. Jiro đã dành cả cuộc đời mình để làm sushi, là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, mọi quy trình từ đơn giản nhất như lau bàn, cho đến quy trình phức tạp nhất như thái thịt, cá đều được ông chăm chút.

Các qui trình từ đơn giản đến phức tạp nhất đều được ông chăm chút tỉ mỉ
Các qui trình từ đơn giản đến phức tạp nhất đều được ông chăm chút tỉ mỉ

Thông thường, đối với các nhà hàng Nhật thì "Khách hàng là thượng đế" chính là phương châm. Tuy nhiên, đối với Sukiyabashi Jiro thì các thực khách thường sẽ phải đặt bàn từ 3 tháng đến cả năm trời mới có cơ hội được ăn tại đây, và cũng không được chọn món theo ý thích, mà ăn theo menu ngày hôm đó các đầu bếp của nhà hàng đưa ra. Hằng ngày, Jiro sẽ dành thời gian ra chợ lựa từng con cá, từng nguyên liệu tươi ngon nhất nhằm mang đến cho thực khách những cuộc sushi hoàn hảo. Có những người theo ông cả năm trời chỉ để học cách vắt khăn và nấu cơm sao cho thiệt chuẩn, đủ thấy đam mê và tinh thần làm việc của ông dành cho sushi đạt đến mức độ tỉ mỉ như thế nào. Phim được đánh giá là sẽ làm thỏa mãn kể cả những ai không quan tâm đến ẩm thực.

2. My Love, Don’t Cross That River

Bộ phim tài liệu Hàn Quốc mang màu sắc lãng mạn của đạo diễn Jin Mo Young, xoay quanh tình yêu của đôi vợ chồng ông Jo Byeong Man (98 tuổi) và bà Kang Gye Yeol (89 tuổi).

Sau 75 năm kết hôn, tình cảm của ông bà vẫn mặn nồng như ngày nào
Sau 75 năm kết hôn, tình cảm của ông bà vẫn mặn nồng như ngày nào

Lấy nhau từ lúc cả hai tóc hãy còn xanh, đến giờ sau 75 năm, đôi vợ chồng gần trăm tuổi vẫn yêu thương ngọt ngào chẳng kém thế hệ trẻ. Hai ông bà sống trong một căn nhà nhỏ bên bờ sông, hằng ngày vẫn thường mặc trang phục truyền thống, nắm tay cùng nhau đi dạo, cắm trại với bè bạn hay tham gia những buổi tiệc nho nhỏ trong làng... Cuộc sống giản dị nhưng đầy ắp tình yêu và niềm vui của hai ông bà lão đã khiến biết bao người phải ngưỡng mộ.

Hằng ngày, ông bà vẫn cùng nắm tay đi dạo
Hằng ngày, ông bà vẫn cùng nắm tay đi dạo

Kể từ khi công chiếu, My Love, Don’t Cross That River đã trở thành bom tấn không chỉ ở xứ sở kim chi, mà còn ở cả thị trường quốc tế. Không có trai xinh gái đẹp hay những màn hành động đỉnh cao, chỉ có những khoảnh khắc đáng yêu và sự thủy chung của cặp đôi đã gần đất xa trời, bộ phim đã khiến ai ai cũng ngưỡng mộ. Giữa cuộc sống hiện đại với những giá trị nguyên sơ nhất của tình yêu dần dần càng lúc càng thay đổi, thì một cuộc tình trong trẻo như của hai ông bà đã trở thành mơ ước của biết bao nhiêu người.

3. Old Marine Boy 

Sau thành công của My Love, Don't Cross That River, đạo diễn Jin Mo-young đã cho ra mắt một bộ phim tài liệu khác tên gọi Old Marine Boy với hi vọng lập được nên kỳ tích tương tự. Cốt truyện của phim tập trung chủ yếu về một người thợ lặn biển sâu tên Park Myeong-ho, người có khả năng lặn đến 50 mét xuống biển tại Gangwon với một bộ đồ lặn nặng tới 60 kg. Làn nước tối sẫm, áp suất cao có thể hủy hoại cơ thể người lặn bất cứ lúc nào và nguy cơ căn bệnh khí ép đến từ biển cả khiến cái chết lúc nào cũng rình rập anh. Thế nhưng, nhu cầu cuộc sống và gia đình khiến anh buộc bất chấp. Mỗi ngày anh còn sống chính là mỗi trận đấu anh chiến thắng trước tử thần.

Vì mưu sinh và gia đình, anh luôn phải đối mặt với tử thần mỗi ngày
Vì mưu sinh và gia đình, anh luôn phải đối mặt với tử thần mỗi ngày

Park Myeong-ho vốn là người Triều Tiên. Năm 2006, anh vượt biên cùng gia đình tìm tự do ở một đất nước tiến bộ hơn. Hơn ai hết, anh hiểu rõ ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như thế nào, nhưng điều đó cũng không khiến việc phải đối mặt với đại dương mỗi ngày trở nên dễ chịu hơn. 

Bên cạnh công việc đầy nguy hiểm, anh còn là người chồng, người cha đầy mẫu mực
Bên cạnh công việc đầy nguy hiểm, anh còn là người chồng, người cha đầy mẫu mực

Mặc dù cảm thấy bị áp lực bởi doanh thu của My Love, Don't Cross That River, đạo diễn chia sẻ rằng điều quan trọng là cảm xúc truyền tải đến khán giả thông qua đề tài và nội dung phim. Ngoài ra, Old Marine Boy cũng đã giúp vợ con Park Myeong-ho có cái nhìn rõ hơn về công nguy hiểm của anh và hiểu được anh đã phải hi sinh nhiều thế nào cho gia đình. 

4. Walk With Me - Bước Chân An Lạc

Một bộ phim về Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai, do Max Pugh và Marc James Francis làm đạo diễn. Bộ phim đã được ra mắt tại Mỹ hồi tháng 3 đầu năm, sau đó đi sang nhiều nước Âu Á.

Bộ phim đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người, kể cả ekip làm phim
Bộ phim đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người, kể cả ekip làm phim

Bộ phim theo chân chuyến hoằng pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Mỹ và Canada, đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người, kể cả vị đạo diễn. Thiền định, lắng nghe và chia sẻ trong hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời đã mang đến rất nhiều cảm hứng cho các nhà làm phim, giúp họ tìm cách thể hiện sao cho hay và chân thực nhất về nghệ thuật sống chánh niệm của các vị thiền sư nói chung và của vị thầy nổi tiếng thế giới Thích Nhất Hạnh nói riêng.

Để có được các cảnh quay và góc nhìn chân thực nhất, đoàn làm phim đã dành nhiều thời gian sống tại Làng Mai
Để có được các cảnh quay và góc nhìn chân thực nhất, đoàn làm phim đã dành nhiều thời gian sống tại Làng Mai

Để có được những thước phim thật nhất về cuộc sống giản dị và đi sâu về mặt tinh thần của các vị thiền sư, ekip làm phim đã dành nhiều thời gian sống tại các tu viện Làng Mai ở Pháp và Mỹ, thực tập chánh niệm và nhìn thế giới bằng góc nhìn khác. Quá trình làm phim bỗng nhiên trở thành hành trình đi tìm kiếm ý nghĩa tinh thần của họ, vừa mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, vừa mang lại cảnh quay chân thực nhất. Hình ảnh đẹp, màu sắc tĩnh lặng và âm thanh trong trẻo, bộ phim mang đến cho người xem những trải nghiệm thực sự thoải mái.