ParaNorman - ứng cử viên hoạt hình của Oscar 2013
Tin điện ảnh · Moveek ·
Với cách thể hiện độc đáo pha trộn giữa nhiều thể loại và một câu chuyện ý nghĩa, tác phẩm Stop Motion của hãng Laika xứng đáng có tên trong danh sách tranh giải Phim hoạt hình xuất sắc của Viện Hàn Lâm năm sau.
Phong cách hoạt hình Stop Motion (sử dụng ảnh liên tục của sự vật để ghép lại thành từng khuôn hình) vốn không xa lạ với khán giả qua rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như Chicken Run (Phi đội gà bay), Corpse Bride hay We Are The Strange. Năm 2009, hãng Laika đã tạo nên những bước đột phá mới của thể loại này với bộ phim Coraline. Được đánh giá cao cả về chất lượng hình ảnh và câu chuyện, Coraline đã được đề cử danh hiệu Phim hoạt hình hay nhất tại cả Oscar, Quả Cầu Vàng và Bafta nhưng đều bị tuột vào tay Up của hãng Pixar. Năm nay, Laika tiếp tục cho ra sản phẩm Stop Motion tiếp theo là ParaNorman.
Lấy bối cảnh tại thị trấn Blithe Hollow (một địa danh hư cấu), ParaNorman kể về cậu bé 11 tuổi Norman Babcock. Khác với những đứa trẻ khác, Norman dành phần lớn thời gian cho phim kinh dị và nghiên cứu về các truyền thuyết ma quỷ. Trên thực tế, cậu bé còn là người có khả năng trò chuyện với người chết. Một ngày nọ, người chú kỳ quặc Prenderghast tìm đến Norman và cho cậu biết lời nguyền phù thủy yểm vào thị trấn cách đây 300 năm sắp linh nghiệm. Chỉ có Norman là người duy nhất ngăn chặn được hiểm họa từ lời nguyền này. Sử dụng giác quan thứ sáu, cậu bé 11 tuổi chạm tới những giới hạn của tận cùng thế giới bên kia.
Nếu như những phim kiểu Brave, Madagascar, Ice Age với màu sắc tươi vui phù hợp với trẻ em đủ lứa tuổi thì ParaNorman có phần hơi "nặng ký" với các bé dưới 10 tuổi. Cũng giống như Coraline, phim có màu sắc khá u tối và nhiều khoảnh khắc bất ngờ, gây giật mình như các thây ma hiện ra bất thình lình hay tiếng động lạ trong ngôi nhà cổ. Thay vì hoàng tử, công chúa, các con vật ngộ nghĩnh, những vương quốc màu mè, những khu rừng sặc sỡ như ở các phim hoạt hình thông thường, ParaNorman đem tới cho người xem hình ảnh các thây ma, phù thủy, những ngôi mộ âm u trong rừng sâu, hồn ma – bóng quế.
ParaNorman có phần hình ảnh Stop Motion rất đẹp mắt. Hơn 31.000 bức ảnh chân dung đã được thu thập để phục vụ cho việc tạo hình các nhân vật. Mỗi nhân vật, từ Norman, cậu bạn Neil, cô chị Courtney, cho tới ông anh Mitch, "học sinh đầu gấu" Alvin đều có vẻ "trào phúng" với những đặc điểm riêng ấn tượng. Norman có mái tóc dựng đứng bất trị, Neil mập ú, Courtney có vòng ba ngoại cỡ như Kim Kardashian, Mitch cơ bắp đầy mình... Các thây ma trong phim được xây dựng với hình ảnh vừa rùng rợn, gây sợ hãi, lại vừa hài hước, gây cười.
Norman là một cậu bé khác biệt so với các bạn đồng trang lứa. Chính vì sự khác biệt ấy mà cậu bị bạn bè xa lánh, ức hiếp, cha mẹ không tin tưởng. Norman cô độc trong thế giới của chính đồng loại mình. Người duy nhất có thể lắng nghe tâm sự của cậu là hồn ma của người bà vẫn ngồi đan len trong nhà mà chỉ mình Norman nhìn thấy. Những con ma thậm chí còn quan tâm và đối xử tốt với cậu hơn cả những người bạn cùng tuổi ngày ngày vẫn buông những lời phán xét đầy ác ý lên tủ locker của Norman. Đến một ngày, chính sự khác biệt, cái khiến mọi người gọi Norman là "quái dị", đã biến cậu bé thành một người hùng.
Bên cạnh các yếu tố hài hước, rùng rợn được đan xen nhau, ParaNorman cũng đề cao tình cảm gia đình. Trong tình huống khó khăn nhất, những người thân sẽ luôn ủng hộ và sát cánh bên nhau. Phim cũng đem tới một thông điệp về sự khác biệt. Nó có thể khiến một con người trở nên đặc biệt nhưng đôi khi, sự khác biệt mang đến những nỗi sợ hãi, những cuộc chiến vô nghĩa và đẩy mọi thứ đến tận cùng bi kịch. Bạn không giống những người khác không có nghĩa là bạn quái dị, bạn xấu xí hay đáng ghét. Có lúc vẻ ngoài lại là sự đối lập với tâm hồn bên trong. Ý nghĩa này đã được thể hiện rất rõ trong ParaNorman.
Ở phần đầu của phim, khán giả sẽ có rất nhiều tiếng cười và những lúc rùng mình nhưng càng về cuối, câu chuyện của ParaNorman lại càng có chiều sâu hơn. Đoạn kết bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ với triết lý về chuyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích gối đầu giường đẹp đẽ với "ngày xửa ngày xưa ở một vương quốc nọ có một nàng công chúa xinh đẹp chờ đợi tình yêu của chàng hoàng tử đẹp trai" dễ dàng đưa những trẻ chìm vào giấc ngủ. Nhưng những câu chuyện cổ tích màu hồng đẹp như mơ ấy rồi đến một lúc nào đó cũng phải kết thúc. Mỗi đứa trẻ đều sẽ phải lớn lên, trưởng thành và thay đổi. Tuy nhiên, ai cũng cần có những giấc mộng đẹp để vỗ về sau những bi kịch khắc nghiệt của cuộc sống. Triết lý này được thể hiện một cách tinh tế trong ParaNorman.
Từ đầu năm tới giờ, khi những phim hoạt hình như The Lorax, Brave, Ice Age: Continental Drift hay Madagascar 3: Europe's Most Wanted đều khá nhẹ nhàng và hiền hòa thì một bộ phim mạnh mẽ như ParaNorman lại trở nên nổi bật. Khó có thể nói trước về cơ hội chiến thắng của cậu bé Norman tại Oscar 2013 bởi cuối năm nay sẽ còn nhiều phim hoạt hình khác ra mắt như Hotel Transylvania, Frankenweenie, Wreck-It-Ralph và Rise of The Guardians. Tuy nhiên với những gì đã thể hiện, ParaNorman xứng đáng có tên trong danh sách 5 tác phẩm đề cử Phim hoạt hình xuất sắc của năm.
ParaNorman (Norman và Giác quan thứ sáu) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 17/8 với cả hai định dạng 2D và 3D.