Penny Dreadful – Đời khó hiểu hay ta chẳng hiểu bản thân ta

Tin điện ảnh · Grewi ·

Cuộc sống này vốn dĩ là những thứ thật khó hiểu. Ta tự hỏi liệu có thể hiểu hết được nó không? Như con thuyền lênh đênh ngoài biển xa, mà ngỡ rằng mình đang trôi trên một dòng sông.

Cuộc sống này vốn dĩ là những thứ thật khó hiểu. Ta tự hỏi liệu có thể hiểu hết được nó không? Như con thuyền lênh đênh ngoài biển xa, mà ngỡ rằng mình đang trôi trên một dòng sông. Phải, cuộc sống này là vậy, là những điều mà ngay cả khi ta cố gắng để hiểu nó thì ta lại dường như cảm thấy nó quá xa vời. Ta còn chẳng thể hiểu được mình.Tôi cô đơn không có quá nhiều bạn bè. Vì tôi xa lánh mọi người hay vì tôi không xứng để có những người bạn bên cạnh? Tôi thường thích đi một mình, nghe những bài nhạc mà tụi cùng phòng nói tôi nên đeo tai nghe vào mà tự thưởng thức lấy. Tôi cũng hay coi những bộ phim mà tìm khắp đám bạn chẳng mấy ai coi chung để cùng bàn luận. Vài ngày trước, tôi tình cờ đọc được bài giới thiệu về một bộ phim hay nhưng không nhiều người coi. Và rồi sau coi nó, tôi cũng thấy nó khó hiểu như cuộc sống này, khó hiểu từ cái tên của nó – Penny Dreadful.

Đa phần khán giả thường thích những bộ phim kinh dị đầy máu me với những tên sát thủ giết người không ghê tay hay là những bộ phim đầy cảnh giật gân và những màn hù dọa bất ngờ. Vì thế mà những phim như Insidious, The Conjuring, hay Saw của James Wan lại được đông đảo người coi đến vậy. Mà các tác phẩm kinh dị kiểu The Witch (2015) hay It Follows (2014) lại bị một bộ phận khán giả phổ thông chê là không đủ yếu tố kinh dị. Thế những, nỗi sợ đó không phải nằm ở con mắt của ta, mà nó nằm sâu trong tâm trí. Ta bị ám ảnh bởi nó hay bị nó thu hút, cũng chẳng biết. Chỉ biết rằng là ta sợ nó. Penny Dreadful là vậy, nó không hẳn là một bộ truyền hình kinh dị mà bạn thường gặp với những màn giết chóc hay những cảnh hù dọa. Penny Dreadful mang đến một nỗi sợ sâu thẳm từ trong bản thân mỗi người. Ta sợ khi chính ta là những nhân vật trong phim hay chúng ta nhận ra cuộc sống chính mình đâu đó trong những nhân vật ấy.

 Đã bao giờ ta để cho cảm xúc lấn át lý trí, để nỗi sợ hãi xâm chiếm bản thân? Có bao giờ bạn tự hỏi mình có đang dằn vặt vì những sai lầm trong quá khứ, vì những suy nghĩ xấu xa nằm sâu trong tâm trí. Và nếu bạn coi Penny Dreadful, bạn sẽ thấy cái cách mà  Vanessa Ives, nhân vật chính của chúng ta nhận lấy nó. Sự đau khổ mà Vanessa phải chịu đựng từ suốt những tập đầu của phim tới giờ có phải là do cô lựa chọn? Tất nhiên mỗi người coi đều biết rõ câu trả lời này. Một câu trả lời mà ta chẳng dễ dàng gì chấp nhận đối với một cô gái xinh đẹp và đầy lòng thương người như Vanessa. Tôi từng tự hỏi tại sao tác giả lại cho cuộc đời của cô ấy đầy sự cay đắng như vậy. Mà nếu chỉ là những gì ở hiện tại thì làm sao có thể khắc họa hết cái đắng cay ấy. Tập 5 mùa 1 cũng như tập 3 mùa thứ 2, quá khứ của Vannesa hiện lên như một bản nhạc buồn cho tất cả những người nghe nó. Với tôi, tập 3 mùa 2 xứng đáng là tập phim hay nhất trong cả hai mùa phim đầu khi nó tạo được những cảm xúc khó mà diễn tả bằng lời được. Từ tài năng diễn xuất đã được khẳng định xuyên suốt bộ phim của Eva Green hay lối diễn đầy sức nặng của Patti Lupone trong vai Joan Clayton. Từ những hình ảnh đầy sâu sắc cho đến những câu thoại tuyệt vời của John Logan. Tất cả làm nên một tập phim ám ảnh người coi.

Nhắc tới John Logan, tôi cũng phải rất cảm ơn ông vì đã tạo ra một bộ phim hay như vậy. Ông dựng nên một bộ phim đẹp mỹ miều khi lấy bối cảnh Anh Quốc những năm 1800s. Những bộ cánh cầu kỳ đầy sang trọng thời Victoria. Những màn xã giao lịch thiệp cùng những buổi tiệc đầy chất xưa. Nhưng lời khen nhất phải dành cho chính John Logan với chất thơ trong từng câu thoại. Ông như viết ra một cuốn tiểu thuyết văn học trên truyền hình chứ không còn phải là một cuốn phim thông thường trên TV. Các phim truyền hình khác thường có một đội ngũ kịch bản thì với Penny Dreadful, ông viết tất cả các tập phim làm chúng có một lối liên kết chặt chẽ. Và cũng vì thế mà chất lượng các tập phim khá là đồng đều nhau. Cách tạo dựng kịch bản như vậy làm tôi nhớ tới Nic Pizzolatto, nhà biên kịch đã viết cả tám tập phim của mùa đầu tiên True Detective. Nhưng khác với Nic, một biên kịch trẻ đang khẳng định tài năng của mình thì John Logan đã quá nổi tiếng với những bộ phim như Hugo (2011), The Aviator (2004) hay Gladiator (2000). Có lẽ ông muốn tạo ra một bộ phim hoàn hảo trong mắt của người coi. Nên đã tự một mình dựng lên những câu thoại mà ta đang thưởng thức.

Coi Penny Dreadful nhiều bạn sẽ nói rằng đây cứ như một gách xiếc hỗn loạn với những nhân vật được bước ra từ văn học và dân gian Anh. Nhưng nếu bạn thử cảm nhận nó, nghiền ngẫm nó, thưởng thức nó thì các nhân vật ấy được mang đến không thừa thãi và đều phục vụ ý đồ được định trước của biên kịch. Từ những Dracula, Dorian Gray, Dr. Frankenstein, Dr. Jekyll trong văn học Anh cho tới ma sói, phù thủy, ác quỷ… trong những câu chuyện mà ta được nghe qua. Mỗi nhân vật đều có đất diễn riêng của mình và tạo dựng được hình ảnh đầy ấn tượng trong lòng người xem. Tất cả như tạo nên một gách xiếc ma quái với những điều bí ẩn lôi cuốn khán giả đến coi. Một cái hay khác mà phải nói phim đã rất thành công đó là cách xây dựng nên các nhân vật chính. Vanessa, Malcolm, Ethan, Victor hay Sembene đều có bí mật của riêng mình. Họ có những khoảng tối trong con người, những sai lầm trong quá khứ. Nhưng rồi tất cả đều cố gắng giữ lấy nó, cố gắng sống chung và chấp nhận nó, coi nó như một thứ để bảo vệ bản thân mình. Lúc đầu, tôi đã chẳng hiểu nổi ý của John, khi ông cho những con người đó vào một nhóm, họ chiến đấu cho cùng một mục tiêu. Cho tới cuối mùa một, khi cuộc chiến đầu tiên kết thúc, tôi dường như nhận ra sự sắp đặt ấy hoàn toàn là hợp lý.

Và nếu để dành tặng những cái khen cho Penny Dreadful thì tôi cũng chẳng biết phải khen đến bao giờ. Có quá nhiều thứ có thể khen ngợi dành cho một bộ phim hay như thế này. Kịch bản ư, tôi nói rồi ấy, John Logan rất xuất sắc. Cách dựng phim ư, từ các góc quay hay nhạc phim đều được đầu tư vô cùng chuyên nghiệp. Diễn xuất ư, đó là một dàn diễn viên tuyệt vời, những cung bậc xúc cảm mà họ mang lại là một thứ mà khó bộ phim nào có được. Đôi lúc cũng có một vài cảnh mà các diễn viên làm tôi cảm thấy đó là cảm xúc thật chứ không phải là đang diễn. Màn lên đồng của Eva Green ở mùa đầu tập 2 là điển hình. Khúc mà Patti Lupone mắng nhưng thực ra là trăn trối ở tập 3 mùa thứ hai. Hay chỉ những màn đối thoại ngắn của Ethan và Sembene, của Vanessa và John Clare, của John Clare và Lily. Dù ít đất diễn nhưng những Danny Sapani (vai Sembene), Rory Kinnear (vai John Clare) hay Billie Piper (vai Lily) đều được xây dựng đủ để gây ấn tượng rất mạnh với tôi. Sembene bí ẩn trong từng cảnh phim. John Clare khao khát có một cuộc sống hạnh phúc thì lại bị nhân loại chà đạp. Ngay cả một cô gái mù hiền lành đến thế cũng coi anh như một con thú biểu diễn trong rạp xiếc. Còn Lily, mùa đầu tiên trong thân phận Brona dường như cô không có một chút nổi bật trong dàn diễn viên quá xuất sắc thì sang mùa hai, chỉ một vài trường quay ngắn giữa cô và John Clare, giữa cô và Victor, giữa cô và Dorian mọi thứ dường như trở nên khác hẳn. Một nhân vật biểu tượng cho nữ quyền của bộ phim, một khía cạnh mà chắc những ai theo dõi đều cảm nhận được. Khi cô nói về những chiếc giày cao gót, những bộ váy chật ních. Tất cả mọi thứ làm ta hướng về cô và rồi ngay ở tập thứ hai mùa ba mới được chiếu thì cô như một nữ hoàng bước ra từ lâu đài của mình. Cô nói với Victor những thứ mà tưởng chừng như ta chẳng bao giờ có thể tin rằng cô gái này sẽ nói vậy. Và rồi tôi lại chẳng hiểu nổi Lily như cách mà tôi cũng chẳng hiểu nổi những con người khác trong Penny Dreadful vậy. John Logan đã mô tả tâm lý các nhân vật vô cùng xuất sắc, và khi ta tưởng như đã hiểu được một nhân vật, thì nội tâm người ấy lại được đẩy mạnh lên, phát triển hơn khiến ta không thể giữ suy nghĩ lúc đầu.

Lắm lúc, tôi tự hỏi bản thân mình, rằng mình đã hiểu được hết bản thân mình hay chưa? Tôi chẳng bao giờ có câu trả lời. Lắm lúc, tôi tự hỏi mình, có khi nào đã hiểu rõ cuộc sống này hay chưa.? Tôi luôn có một câu trả lời rằng mình sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Cuộc sống này là vậy, là những thứ vốn dĩ ta chẳng thể hiểu, và càng muốn hiểu thì ta lại đẩy mình vào một lối mòn khác. Con người cũng vậy, họ chẳng thể nào hiểu được những người xung quanh họ, những gì đang diễn ra quanh họ, cuộc sống của họ. Họ sẵn sàng chấp nhận những thử thách, những điều mới mẻ. Họ chấp nhận đánh đổi bản thân mình, để bản năng của mình dẫn dắt. Đôi lúc lại tìm những thứ khó hiểu để giải đáp, lại tìm những điều vô hạn để có câu trả lời cho bài toán “Cuộc sống này là gì?”

Nguồn: Grewi