[PHÂN TÍCH] Black Mirror 5 – "Nghiện ngập” và chuyện mất kết nối giữa người với người trong thời đại công nghệ số

TV Series · Đánh giá phim · Maii ·

Black Mirror 5 - Mùa phim mang nhiều tâm sự.

Kéo xuống để xem tiếp

Vậy là sau thời gian dài chờ đợi, fan hâm mộ Black Mirror nói riêng và fan Netflix nói chung cũng đã có cơ hội thưởng thức 3 tập phim mới nhất của mùa 5. Tuy mùa này không quá đen tối như nhiều fan nhận định so với các phần phim trước, nhưng chất lượng của phim nhìn chung vẫn được giữ nguyên. Tiếp tục theo công thức 3 câu chuyện riêng biệt nhưng có mối liên quan giữa con người và công nghệ, Black Mirror 5 đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với nội dung sáng tạo, châm biếm nhưng vẫn không thiếu những giây phút cảm động. Nếu đã “cày” xong phần phim mới nhất, mời các bạn cùng nhìn lại những thông điệp đầy tính “thời sự” mà Black Mirror mang đến cho chúng ta nhé!

1. Rachel, Jack và Ashley Too – Cái kết màu hồng cho câu chuyện đau khổ của người nổi tiếng

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Có phần hơi “teen”, kết hợp một chút giả tưởng, một chút viễn tưởng, Rachel, Jack và Ashley Too khiến không ít người xem liên tưởng đến TV series Hannah Montana với sự xuất hiện của Miley Cyrus trong vai cô ca sĩ thần tượng tóc vàng Ashley O. Mặc dù tập phim có một số khoảnh khắc hơi trẻ con và khá hài hước, vui vẻ nhưng thông điệp ẩn của nó lại tăm tối hơn khi khắc họa mặt trái trong cuộc sống của người nổi tiếng. Ashley O của Miley Cyrus không phải là Hannah Montana, mà là phiên bản kết hợp của một nhân vật giả tưởng chính bản thân Miley, Britney Spears, Michael Jackson và nhiều người nổi tiếng khác có trường hợp tương tự.

Bị người dì kiểm soát mọi hoạt động từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến các loại thuốc mà cô đang dùng, Ashley O trở thành công cụ để dì mình kiếm tiền, buộc phải làm thứ nhạc mà công chúng thích, xây dựng hình tượng mẫu mực mà đại chúng, nhất là những bạn trẻ như nhân vật Rachel sẽ noi theo. Nhưng làm hài lòng người khác không phải là điều mà Ashley muốn. Tạo nên những giai điệu thể hiện cảm xúc bản thân mới là điều cô mong mỏi. Ashley mong thay đổi, nhưng dì cô lại không cho phép. 

Chuyện thay đổi hình tượng và bị chỉ trích là điều chẳng mấy lạ lẫm với những người như Britney Spears hay chính bản thân Miley Cyrus. Gắn bó với một hình mẫu mình yêu thích bấy lâu nay, chúng ta dễ dàng cảm thấy hụt hẫng và tức giận khi hình mẫu ấy không còn đi theo hướng mà mình mong muốn. Nhưng chúng ta quên một điều rằng, nghệ sĩ có quyền tạo ra thứ âm nhạc mà mình muốn truyền tải, lựa chọn trung thành với họ, hay trung thành với hình mẫu của họ (thể hiện qua hình ảnh robot Ashley Too) như một số nhân vật fan cuồng trong phim là quyền của chúng ta.

Ashley O sau đó bị dì chuốc thuốc, hôn mê rồi bị can thiệp vào não để trục lợi. Một đoạn twist không đến nỗi quá sốc óc, nhưng lại bất ngờ và hiệu quả trong việc xây dựng nhân vật người dì (hình mẫu "cha mẹ độc hại") của Ashley. Hoàn cảnh của cô lúc ấy rất giống với Britney Spears khi Công chúa nhạc Pop ngoài đời thật cũng đang vướng vào lùm xùm bị cha đẻ và team quản lý thao túng cũng như giam cầm gắt gao về mặt tinh thần.

Phân đoạn Ashley O nằm bất động trên giường bệnh, người dì quay phim tài liệu nói về nỗi đau của mình và cùng lúc đó bắt đầu làm nhạc dựa trên sóng não của Ashley là tình tiết châm biếm và chế giễu việc dựa vào sự nổi tiếng của người đã khuất để moi tiền. Nghe quen nhỉ? Vâng, nếu là fan của Ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson thì hẳn 2 tình huống này sẽ chẳng lạ lẫm gì. Kể cả khi về với chín suối, tên tuổi của Michael Jackson vẫn bị đem ra làm công cụ trục lợi với nhiều bài hát mới mang danh nghĩa tôn vinh ông hay bộ phim mang danh nghĩa “tài liệu” nhằm chỉ trích và khơi gợi lại cáo buộc ấu dâm mà xưa kia ông từng phải đối mặt. Người chết rồi thì chẳng thể lên tiếng được nữa, dù có khen hay có chê, ông cũng đâu còn khả năng thanh minh?

Kết thúc tập phim này, Ashley O nhờ sự giúp đỡ của Rachel và Jack mà thoát khỏi “móng vuốt” của dì và sống thật với con người mình. Nhưng ngoài đời, liệu có mấy ai nổi tiếng may mắn được như Ashley?

2. Mãng Xà Giao Đấu - Thực thực giả giả và cơn nghiện sống trong thế giới ảo

Ừ thì… sau khi xem tập này, bạn nghĩ chữ "mãng xà" tượng trưng cho thứ gì? Cho bộ phận nào của đàn ông?

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Theo nhiều người nhận định, nếu so với các mùa trước đây thì nhìn chung twist của 3 tập mới mùa 5 khá dễ đoán và không khiến người xem quá bất ngờ. Nhưng dù sao thì đôi khi chúng ta cũng chẳng cần một cái twist mới có thể cảm nhận được nội dung hay ho của một bộ phim. Tính hấp dẫn của Black Mirror khả năng truyền tải được nội dung, nhịp phim và mạch truyện rành rọt, rõ ràng, nhanh chậm hợp lý trong 60 phút mà khiến người xem có cảm giác như đang xem một bộ phim 90 hay 120 phút thực sự.

Mãng Xà Giao Đấu là tên của một trò chơi mà đôi bạn thân Karl và Jayden ngày xưa từng rất thích. Sau 11 năm gặp lại, họ cùng chơi trò chơi tuổi thơ một lần nữa, chỉ khác là lần này, thay vì dùng tay cầm để chơi thì họ sử dụng công nghệ để bước vào thế giới ảo. Nhưng thay vì đánh nhau thì họ lăn ra… “vật nhau phong cách 18+”. Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu cả hai đều là người đồng tính, Jayden không có vợ con và Karl thì chẳng có cô người yêu nào đầu ấp tay gối.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Tập phim này có phần hơi khó nắm bắt về mặt thông điệp bởi câu chuyện của Mãng Xà Giao Đấu vừa ảo, nhưng cũng vừa thật. Nó “đời” đến độ bạn có khi chẳng nhìn ra điểm gì bất thường và hoàn toàn có thể tưởng tượng được hoàn cảnh của nhân vật diễn ra trong cuộc sống, bởi công nghệ hiện tại đã có thể biến thực tế ảo thành sự thật. Chuyện Jaden và Karl có trải nghiệm tình dục trong trò chơi không ẩn ý chuyện LGBT hay chuyện xu hướng giới tính mà nó nói về việc nghiện sống trong một thế giới ảo nhưng mọi thứ đều có cảm giác như thật.

Họ hôn nhau, làm tình và thấy mọi thứ thật sống động, nhưng khi đối mặt với nhau ngoài đời, đôi bạn thân chẳng cảm thấy gì và nỗi thất vọng với cuộc sống thực khiến họ cứ bị cuốn vào trò chơi ấy mãi. Bất cứ cơn nghiện nào đều có phần xuất phát từ sự cô đơn và không thỏa mãn ở một mặt nào đó. Người yêu Karl thì cứ cắm mặt vào điện thoại, mỗi lần trò chuyện thì cô chẳng hiểu được trò đùa của anh và người bạn thân Jayden. Karl cứ luôn tìm về với Jayden không chỉ bởi chuyện thỏa mãn về tình dục, mà vì Jayden là người hiểu anh nhất. Họ yêu nhau không phải với tình yêu của một đôi nam nữ, mà yêu nhau với tình cảm của hai người bạn thân, của hai tri kỷ và ở bên Jayden, Karl cảm thấy trọn vẹn cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Jayden thì có cuộc hôn nhân đã trải qua hơn 10 năm sóng gió và hứng thú theo đuổi như những ngày đầu đã không còn. Hành động của Jaden ẩn ý cho việc “ngoại tình trong tư tưởng”, điều mà gần như bất cứ cuộc hôn nhân lâu năm đều gặp phải. Chuyện của Karl và Jayden có thể là câu chuyện của biết bao người, và đam mê mà họ cảm nhận được trong trò chơi khiến họ khó dứt bỏ. Kết thúc của Mãng Xà Giao Đấu có thể là một kết thúc đẹp trên bề mặt, nhưng phía dưới tảng băng trôi là một câu chuyện khác: Jayden vẫn tiếp tục “ngoại tình trong tư tưởng”, vợ anh tìm kiếm sự thỏa mãn ở một người khác và Karl vẫn không thể dứt được cơn nghiện của mình.

3. Smithereens - Hãy bỏ điện thoại xuống và bước ra ngoài

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Trong 3 tập thì có lẽ Smithereens là tập đơn giản và có ý nghĩa rõ ràng nhất, dễ làm chúng ta đồng cảm nhiều nhất, nhưng cũng vì thế mà nó ít tính bất ngờ và dễ đoán nhất. Smithereens vốn là tên một ứng dụng mạng xã hội, có giao diện giống một cách “kỳ lạ” với Twitter và chức năng thì cũng không khác Facebook là bao, giúp người dùng đăng ảnh, trạng thái, thích và chia sẻ những điều mà họ vô tình bắt gặp trên internet cũng như kết bạn với nhau mọi lúc mọi nơi. Một ứng dụng gây nghiện và vì sự gây nghiện đó mà Smithereens vô tình gián tiếp gây ra bi kịch cho một người đàn ông tên Christ. Vì mải cắm mặt vào điện thoại để kiểm tra lượt thích của một bức hình trên Smithereens mà Christ gặp tai nạn, giết chết người yêu và một người đàn ông khác. Người đàn ông này lúc đó đang say rượu, thế là mọi tội lỗi đổ lên đầu anh ta, trong khi Christ mới thực sự là người có lỗi. Vì quá đau khổ và bị dằn xé, Christ ra một quyết định liều lĩnh nhằm có cơ hội trút được nỗi lòng. Cơ bản thì chuyện nghiện điện thoại, nghiện ứng dụng mạng xã hội cùng thông điệp “hãy bỏ điện thoại xuống và nhìn ra thế giới bên ngoài” gần như là tất cả những gì mà tập phim muốn hướng tới.

“Lúc nào cũng cắm mặt vào điện thoại. Bầu trời có thể đổi sang màu tím cả tháng mà mấy người chẳng biết.” Mặc dù kết thúc phim có phần không rõ ràng, nhưng chúng ta có thể hiểu là Christ đã bị bắn chết, dù vậy, câu chuyện của Christ đã được mạng xã hội lan truyền, góp phần tạo nên thay đổi khi người ta bắt đầu ngưng nhìn vào điện thoại và bắt đầu bước ra ngoài vui chơi, giao tiếp thực sự với nhau. Smithereens mang đến cái kết bi kịch nhất cho nhân vật chính, nhưng lại là tập phim mang đến hi vọng nhiều nhất so với 2 tập còn lại, mặc dù sự thay đổi ấy phải trả giá bằng mạng số của một con người. Ngoài ra, với nhân vật thực tập sinh, phim còn ẩn ý chuyện người ta đôi khi quá chú trọng vào vẻ bề ngoài nhưng thực lực thì không có. Những thứ hào nhoáng mà chúng ta nhìn thấy đôi khi chỉ là cái danh hão, còn thực quyền thì có khi chỉ bằng một “thực tập sinh”.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Với 3 tập phim riêng biệt, nhưng cả 3 đều đi theo một chủ đề chung: các hình thức gây nghiện mà chẳng cần phải dùng đến chất cấm, sống thực, sống ảo và sự mất kết nối giữa người với người: Rachel thì nghiện trò chuyện với Ashley Too vì không có ai ở bên, không ai cho cô động lực trong môi trường mới. Karl thì cô đơn với cuộc sống của một người đàn ông không gia đình nên cố bám víu vào người bạn thân như người chết đuối vớ được cái phao cứu sinh. Tất cả những ai dùng Smithereens đều gần như mất đi mối liên hệ với cuộc sống bên ngoài.

Có thể mùa 5 này của Black Mirror không hay bằng những mùa khác, nhưng lại gần gũi và mang nhiều tâm sự muốn gửi gắm đến khán giả. Nhưng hiểu được thông điệp của nó là một chuyện, còn có làm theo hay không lại là chuyện khác.