[PHÂN TÍCH] Ngôn ngữ điện ảnh đỉnh cao trong siêu phẩm The Artist

Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · PhanNguyenSangSang ·

The Artist đã thành công trong việc gợi lại một thời kỳ lịch sử mà ở đó, điện ảnh là một thứ gì đấy thật trong trẻo và thuần khiết.

Kéo xuống để xem tiếp

The Artist | Ảnh: Filmconcertslive)
The Artist | Ảnh: Filmconcertslive)

Vào buổi bình minh của nền công nghiệp điện ảnh, phim câm xuất hiện và trở thành một trào lưu, khẳng định sự vươn lên của nhiều nền điện ảnh mới. Trong quá trình hình thành và phát triển, phim câm đã trải qua giai đoạn thăng trầm với những dấu ấn vô cùng ấn tượng. Nổi bật với Charlie Chaplin, Laurel, Hardy hay Anh em nhà Marx với các bộ phim như Chiến hạm Potemkin, The Kid, Modern Times, The General. Những tưởng với những bộ phim không có lời thoại, không có âm thanh đã biến mất sau kỷ nguyên phim tiếng lên ngôi, nhưng The Artist đã trở lại và ghi tên mình vào giải Oscar danh giá. The Artist làm sống dậy lịch sử vinh quang, tái tạo lại phong cách làm phim câm tưởng như đã bị lãng quên trong xu thế làm phim bom tấn dựa vào sức mạnh của công nghệ. Siêu phẩm điện ảnh thường sẽ đến từ ngôn ngữ điện ảnh trong tác phẩm, hôm nay hãy cùng Moveek phân tích ngôn ngữ điện ảnh trong “tượng đài điện ảnh” này nhé!

Kỹ thuật quay

The Artist thể hiện được nét đặc sắc của điện ảnh Hollywood thập niên 20. Không có quá nhiều yếu tố kỹ thuật trong quay phim, song chủ yếu là cách xử lý đơn giản của chuyển động máy quay kết hợp với những cảnh quay cận cảnh để bắt được những diễn biến cảm xúc, cách thể hiện tâm lí nhân vật hay cảnh quay toàn cảnh để làm rõ bối cảnh phim. Sự rung lắc nhẹ của máy quay khi di chuyển theo bước chân và hành động của nhân vật hay những cảnh quay tĩnh để neo giữ cảm xúc của nhân vật.

Cảnh quay 180 độ áp dụng trong cuộc trò chuyện giữa Peppy và George kết hợp với sự sắp xếp bố cục trong vị trí của diễn viên: Peppy Miller đang đi lên rồi đứng bậc thang trên nhìn xuống còn George Valentin đang đi xuống rồi đứng bậc thang dưới ngước nhìn lên, như một lời dự đoán cho số phận “người lên tột đỉnh vinh quang, kẻ xuống vực sâu chạm đáy”. Sự bố trí này không chỉ là lời tiên đoán cho số phận nhân vật mà còn là lời tiên đoán cho sự đổi ngôi của phim thu tiếng thay cho phim câm. Sự phối hợp của kỹ thuật tạo tiền cảnh và hậu cảnh đã giúp tạo ra khoảng cách tình cảm ngày càng lớn giữa George và vợ.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Sự xa cách đã xuất hiện ở rất nhiều cảnh quay khác và mối quan hệ chính thức chấm dứt khi cả hai không còn chung tiếng nói. Mặt nạ khung hình cũng được sử dụng nhiều trong phim, giúp người xem xác định được sự việc hay sự vật cần được tập trung theo dụng ý của đạo diễn. Dù không sử dụng nhiều kỹ thuật quay trong phim câu chuyện vẫn được thể hiện vô cùng trôi chảy và thu hút.

Kỹ thuật dựng

Ảnh: Ybox
Ảnh: Ybox

Kỹ thuật dựng nối tiếp cũng là một đặc điểm tiêu biểu của điện ảnh Hollywood. Kỹ thuật dựng nối tiếp trở nên quen thuộc với phong cách làm phim Hollywood nhờ sự tối đa hóa cảm giác của tính liên tục về không gian và thời gian. Cắt dựng nối tiếp cổ điển đạt được phong cách trần thuật “mượt mà” và “liền mạch”. Người xem không có ý thức về việc cắt dựng “vô hình” này và bỏ qua những yếu tố chuyển cảnh vụng về hay bị nhầm lẫn về không gian của bối cảnh. 

Ngoài cách cắt dựng nối tiếp, trong phim còn sử dụng một số kỹ thuật như cắt dựng xen kẽ trong các phân đoạn có sự đối lập giữa sự nghiệp của Peppy Miller đang dần được khán giả đón nhận cũng như yêu mến và tình cảm giữa George Valentin và vợ thì dần trở nên xa cách và lạnh nhạt. Điều này đã tạo ra một sự đối lập thú vị trong cảm xúc. Kỹ thuật dựng mờ chồng cũng được sử dụng thể hiện sự lao động nghệ thuật một cách hăng say, miệt mài. Sự chuyển cảnh đột ngột này tạo cảm giác là một cú cắt, kết thúc một take. Đây giống như một sự đồng nhất giữa cảnh quay của The Artist với bộ phim trong đó, giúp ta liên tưởng được sự tương đồng của cách tạo phim lồng phim.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Trong trường đoạn George để Peppy cùng tham gia vào bộ phim mới, nó trở thành một quá trình diễn tiến tâm lý của hai nhân vật chính, từ hiếu kỳ đến nảy sinh tình cảm. Sự thể hiện tăng tiến trong nhịp điệu và sự kéo dài trong việc giao lưu từ ánh mắt đến ngôn ngữ cơ thể lúc khiêu vũ tạo ra xúc tác mạnh mẽ cho hai nhân vật chính nhận thức được tình cảm của mình dành cho đối phương. Các cảnh trong phim được nối với nhau còn khá thô và đôi khi vụng về nhưng chính điều này thể hiện được một trong những đặc điểm của phim Hollywood thời kỳ này. 

Ánh sáng – màu sắc – dàn cảnh 

Ảnh:Ybox
Ảnh:Ybox

The Artist lấy bối cảnh năm 1927, với phong cách đặc thù phim trắng đen với chất liệu phim toàn sắc (panchromatic). Phục trang và hóa trang của nhân vật hoàn toàn thể hiện tính thời đại và xu hướng hay phong cách thời trang lúc bấy giờ. Những năm đầu thập niên 20, 30 với những mẫu hình người phụ nữ lý tưởng về thân hình mảnh mai gợi cảm hay cách ăn vận và cách trang điểm cầu kỳ cũng được thể hiện chi tiết trong phim. Các bộ phim Hollywood thập niên 20 thường dùng bối cảnh hầu như trong studio, với hệ thống chiếu sáng bằng ánh sáng nhân tạo và hệ thống chiếu sáng ba điểm đã trở thành tiêu chuẩn của phim Hollywood, giúp tạo nên tính nhất quán trong các cảnh quay. Sự tương phản mạnh mẽ giữa chỗ sáng – tối hay đen – trắng được làm nổi bật nhờ sự chiếu sáng này, cũng một phần đánh mạnh vào thị giác của người xem. The Artist đã vận dụng và thể hiện đầy đủ một bộ phim Hollywood chuẩn mực.

Một trong số những khung hình vô cùng ấn tượng như bố cục khung hình đối xứng, George và Peppy ngồi đối lưng nhau, chiếc cột phía sau trở thành vật ngăn cách họ. Khoảng cách vật lý giữa họ rất gần, gần đến nỗi với tay là có thể chạm được nhưng trong quan điểm nghệ thuật khoảng cách tư duy lại vô cùng lớn. Sự lên ngôi của phim thu tiếng đã tách George và Peppy trở thành hai thái cực đối lập. “Tôi nhường chỗ cho cô đó” chính thức như một lời tuyên bố và sự nghiệp của George từ đó tuột dốc không phanh. Bộ phim đầu tay cũng chính là bộ phim cuối cùng của George đã hoàn toàn khép lại sự nghiệp hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực phim câm của anh. Trái ngược là Peppy với bộ phim thu tiếng được công chiếu cùng lúc với bộ phim của George, đã thành công lớn trong doanh thu. Chỉ với kết quả này ta đã thấy được sự thất thế của phim câm trong thị hiếu của khán giả. Âu cũng là lẽ tất nhiên dẫn đến sự thay thế của phim thu tiếng.

Âm thanh

Ảnh: Japantimes.co.jp
Ảnh: Japantimes.co.jp

Chính vì là phim câm nên âm thanh trong phim chủ yếu là nhạc giao hưởng thính phòng. Ngay trong chính The Artist cho ta thấy được sự hoành tráng trong buổi công chiếu một bộ phim câm, khi vừa chiếu phim vừa có một dàn nhạc giao hưởng chơi ngay bên dưới. Âm nhạc chính là một yếu tố không thể thiếu vì tính hợp lý và giàu cảm xúc tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa âm nhạc và nội dung của bộ phim. Sự đặc biệt của thể loại phim câm không tạo nên cảm giác lỗi thời mà chính nó còn tạo ra một sức hút mạnh mẽ đối với các nhà làm phim, bằng chứng là có nhiều những đạo diễn lớn vẫn tìm về và hồi sinh lại dòng phim này như một sự tưởng nhớ thời kỳ đầu của lịch sử điện ảnh.

Ảnh: IMDb
Ảnh: IMDb

Sự bắt đầu của phim thu tiếng và trong chính The Artist là một sự thể nghiệm khi mọi thứ im bặt và chỉ còn âm thanh của tiếng động, nó chính xác là một sự đảo lộn và cơn ác mộng khủng khiếp của những tầng lớp diễn viên tài năng trong thời kỳ huy hoàng của phim câm, nay đã không còn phù hợp hay bị lỗi thời trong thời đại phim thu tiếng. Trường đoạn tạo ra một khoảng lặng rồi dần đưa những âm thanh tiếng động, dồn dập và đỉnh điểm là một chiếc lông vũ rơi cũng tạo ra tiếng ầm vang như tiếng bom nổ. Có thể nói cách xử lý âm thanh đặc biệt như thế này khiến cho The Artist trở nên riêng biệt và đạo diễn cũng nhắc nhở chúng ta rằng: ta không chỉ đang xem một bộ phim câm mà ta còn xem một bộ phim câm được làm trong một thế kỷ kỹ thuật công nghệ rất phát triển, để ta thấy rõ sự tiến bộ trong kỹ thuật đã đưa điện ảnh trở thành một cuộc cách mạng mới.

Ngành công nghiệp điện ảnh luôn biến đổi không ngừng theo guồng quay đầy khắc nghiệt. Nghệ sĩ nào cũng có một thời kỳ hoàng kim để rồi khi qua thời kỳ đó, họ trở thành kỳ cựu, trở thành những người của "thế hệ trước". Tuy nhiên, có những giá trị cũ sẽ mãi mãi chẳng bao giờ bị biến đổi và hao mòn, nó chính là bàn đạp cho sự xuất hiện đầy mới mẻ và rực rỡ của phim thu tiếng. The Artist đã thành công trong việc gợi lại một thời kỳ lịch sử mà ở đó, điện ảnh là một thứ gì đấy thật trong trẻo và thuần khiết.