[PHÂN TÍCH] Svaha: The Sixth Finger và các yếu tố tâm linh, tôn giáo đến từ văn hóa Hàn Quốc
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Maii ·
Svaha: The Sixth Finger - Bộ phim kinh dị, tâm linh, trinh thám hấp dẫn của Hàn Quốc.
Kéo xuống để xem tiếp
Svaha: The Sixth Finger do Jae-hyun Jang chỉ đạo kiêm viết kịch bản, tiếp tục chứng minh khả năng làm phim kinh dị vô cùng cuốn hút của vị đạo diễn. Là bộ phim đậm chất tôn giáo, pha trộn giữa Đông – Tây, Svaha: The Sixth Finger hơi khó xem đối với nhiều khán giả, đặc biệt là những ai không có chút kiến thức nào về tôn giáo.
Phim theo chân mục sư Park Ung Jae, kết hợp với giáo hội Phật giáo Hàn Quốc, tìm cách điều một tổ chức tôn giáo mới được gọi là Đồi Hươu mà anh nghi ngờ là đường dây khủng bố, dị giáo, mại dâm… Tuy nhiên, càng theo đuổi bằng chứng và tìm cách lật tẩy Đồi Hươu, anh càng nhận ra mọi chuyện có vẻ như không đơn giản như mình tưởng.
Với yếu tố Phật giáo bao trùm lên toàn bộ câu chuyện, Svaha: The Sixth Finger bị nhiều khán giả phương Tây đánh giá thấp do không hiểu được thông điệp, cũng như những tình tiết mà bộ phim sáng tạo để tạo ra câu chuyện về “thiện ác tại tâm” trong bản thân con người. Ngay cả cái tên Svaha: The Sixth Finger cũng đã tạo nên nhiều sự tò mò và khó hiểu nơi khán giả.
Chữ Svaha tiếng Phạn là một từ cảm thán, đại khái mang ý nghĩa reo vui, hân hoan vui mừng, xuất hiện trong các câu chú Phật giáo. Còn The Sixth Finger – Ngón tay thứ 6 trong phim, được cho là dấu hiệu tu hành đắc đạo. Tổ chức Đồi Hươu mà mục sư Park Ung Jae đang tìm hiểu, lấy hình ảnh con hươu vì hươu hoặc nai là biểu tượng của sự trường sinh, trường thọ. Tựa phim và tên tổ chức này là một số gợi ý nho nhỏ của các nhà làm phim để khán giả có thể hiểu thêm về nội dung mà Svaha: The Sixth Finger mang lại.
Không chỉ là phim kinh dị tâm linh, Svaha: The Sixth Finger còn thấm đẫm chất trinh thám, làm người xem không khỏi nghĩ đến Angels and Demons hay Davinci Code của Âu Mỹ. Mặc dù phim nói đến tôn giáo chính là Đạo Phật, nhưng có kết hợp thêm Thiên Chúa giáo, khiến câu chuyện đôi khi lằng nhằng và khó hiểu. Tuy nhiên, người viết cho rằng đây là ý đồ thể hiện sự giao thoa giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo của người Hàn. Tín đồ Công giáo (một nhánh của Thiên Chúa giáo) và tín đồ Phật giáo có mối quan hệ mang tính hợp tác, Công giáo Hàn Quốc có sự tiếp nhận ảnh hưởng từ Phật giáo, Nho giáo. Vì lý do đó mà xuyên suốt phim, khán giả thấy các nhà làm phim mượn các truyền thuyết trong Kinh Thánh để nói về mục tiêu, ý định của các nhân vật vốn theo đạo Phật. Chẳng hạn như chuyện Vua Herodes tìm giết tất cả những đứa trẻ mới sinh do nghe tin "Vị vua mới" (Đức Jesus) chào đời, có phần tương tự như việc Đại đức Kim tìm giết tất cả những đứa trẻ sinh năm 1999 vì tin rằng một trong số đó là kẻ thù của mình như lời tiên tri.
Chuyện mê tính dị đoan và sống vật chất (thể hiện qua các chi tiết nhỏ như mục sư Park Ung Jae "săn phù thủy" để kiếm tiền hay chuyện sư Bạch Tuộc là người tu hành nhưng sống rất giàu sang) vốn không chừa một tôn giáo nào. Dù phương Đông hay phương Tây, niềm tin trong tôn giáo đều có ít nhiều điểm chung về quan niệm “ở hiền gặp lành” hay ma quỷ đều từ tâm người mà sinh ra, trong trường hợp này là từ tâm của Đại đức Kim Je Seok. Cũng không loại trừ khả năng đây là phong cách của đạo diễn vì các phim ông từng tham gia như The Priest, House of the Disappeared đều là phim đậm màu sắc tôn giáo phương Tây.
Đại đức Kim Je Seok được coi là "chân sư" và tu theo Phật giáo Nhật Bản (Hàn Quốc và Nhật Bản vốn không ưa gì nhau. Đây cũng không phải lần đầu phim Hàn Quốc có tình tiết “đá động” đến Nhật Bản theo chiều hướng tiêu cực). “Tu thành chánh quả là cảnh giới tối cao trong Phật giáo Đại thừa. Nhưng Phật giáo Tây Tạng khi sang đến Nhật Bản đã có nhiều sự thay đổi. Họ tin rằng trở thành Phật tức là rời bỏ thân xác phàm. Cuộc sống vĩnh hằng. Bất tử.” Tức là theo lý lẽ của bộ phim, Kim Je Seok theo quan niệm của Phật giáo Nhật Bản mà chống lại luật nhân quả - luân hồi, vốn rất được coi trọng trong Phật giáo chính thống.
Mọi sự vật trên đời đều có liên quan đến nhau, “Thứ này sinh ra để thứ kia được sinh ra. Thứ này bị tiêu diệt để thứ kia bị tiêu diệt”. Sự bất tử của Kim Je Seok là đi ngược lại với vòng tuần hoàn của tạo hóa và để tái thiết sự cân bằng, đất trời đã sinh ra “thiên địch” (natural enemy) nhằm kết thúc sự bất tử của ông ta, kẻ mà ông ta gọi là “mãng xà”. Chị gái song sinh của Kim Geum-wa, ác quỷ chào đời trước cô bé 10 phút, gây nên bao nỗi khiếp đảm cho những người xung quanh, chính là mãng xà mà Kim Je Seok nhắc tới trong kinh Hàng Ma mà ông ta tự viết – vốn là danh sách 81 "mục tiêu” mà nhóm sát thủ “Tứ Đại Thiên Vương” phải tiêu diệt. Kim Je Seok lập nên Đồi Hươu, các nhân vật mà ông ta cho là hiện thân của Bồ Tát hay Tứ Đại Thiên vương, cuối cùng cũng chỉ là công cụ để ông ta tiêu diệt thiên địch của mình.
Tứ Đại Thiên Vương là 4 vị tướng của Thiên Đế, có nhiệm vụ cai quảng 4 phương và bảo vệ Chánh pháp, bao gồm: Nam Thiên vương Tăng Trưởng, Đông Thiên vương Trì Quốc, Bắc Thiên vương Đa Văn và Tây Thiên vương Quảng Mục. Nếu hỏi lý do tại sao người cuối cùng còn sống lại là Jeong Na-han - hiện thân của Quảng Mục Thiên vương, là bởi Ngài trấn giữ hướng Tây và cai quản loài "Naga". Pháp khí trên tay Ngài là con rắn và một viên ngọc. Có tượng thì Ngài cầm sợi dây màu đỏ, ứng với sợi dây vải đỏ vẽ chú mà Na-han hay cầm theo. Naga là tên gọi đồng nhất cả loài rắn và loài rồng trong Phật giáo Ấn Độ. Trái với quan niệm của nhiều người, không phải cứ là rắn thì mặc định xấu xa bởi trong kinh điển Phật giáo, có rất nhiều câu chuyện về việc loài rắn đã cúi mình trước quyền năng của Đức Phật cũng như che chở và bảo vệ Ngài như thế nào.
Hiện thân của Phật có thể nằm trong những tạo vật xấu xí nhất, và hiện thân của tà ma có thể xuất hiện dưới những hình ảnh đẹp đẽ nhất. Cô chị song sinh của Kim Geum-hwa bị nhìn nhận là quỷ dữ, nhưng vì thiện tâm từng niệm chú cứu em gái trước Quảng Mục một lần mà trở thành người được Đức Phật lựa chọn, đón Quảng Mục để khai sáng ("quảng mục" có nghĩa là "nhìn xa trông rộng") cho nhân vật lầm đường này, hoàn thành sứ mạng giết chết long thần – Kim Je Seok, người đã biến chất trở thành mãng xà trong lời tiên tri. Chị song sinh của Kim Geum-hwa sau đó chết, về mặt thể chất là bị ung thư (rụng hết lông tóc, da trở nên trắng bệch), về mặt tâm linh là nhân vật đã hoàn thành nhiệm vụ trong kiếp sống này.
Đường tu là con đường khó khăn, khổ ải mà tham, sân, si thì cám dỗ vô cùng, chưa đến được Niết bàn thì vẫn còn mối ràng buộc với luân hồi, nhân quả. Kim Je Seok tu được đến một mức độ nhất định, nhưng vì tâm ma khởi sanh, sợ chết và muốn trường sinh bất lão nên sa vào con đường lạc lối. Đoạn kết, ông ta bị ngọn lửa mà Quảng Mục châm lên thiêu chết, có thể hiểu là ẩn dụ cho hình ảnh hỏa ngục hay lửa tam muội chân hỏa, thiêu cháy tham sân si của ông ta.
Việc nhân vật Đại đức Kim được xem là hiện thân của Đức Di Lặc, nhưng cuối cùng ra tay tàn ác cho thấy thông điệp lớn nhất của cả bộ phim: sanh ra là ai không quan trọng, quan trọng là chúng ta muốn trở thành người như thế nào.