Phiêu cùng 5 giai điệu bất hủ của 5 phim Hollywood kinh điển

Góc Nghệ Thuật · SarahTran ·

Hôm nay hãy cùng Moveek điểm lại những ca khúc nhạc phim được Viện phim Mỹ bình chọn là hay nhất trong 100 năm trở lại đây nhé.

Từ cuối thập niên 1920 đến cuối thập niên 1950, Hollywood chứng kiến sự ra đời của nhiều bộ phim không những thành công vang dội lúc bấy giờ mà sau nhiều thập kỉ, những tác phẩm này như một bức tranh mosaic, cùng nhau góp phần tạo nên nhiều nét đặc sắc trong đời sống văn hóa, xã hội Mỹ. Cùng với kịch bản, diễn viên xuất sắc và hình ảnh đẹp, yếu tố âm nhạc cũng góp phần quan trọng vào thành công của các tác phẩm này. Cho dù có bao nhiêu năm trôi qua thì giai điệu trong những phim này luôn vọng mãi trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả. Hôm nay hãy cùng Moveek điểm lại những ca khúc nhạc phim được Viện phim Mỹ bình chọn là hay nhất trong 100 năm trở lại đây nhé.

1. Over the Rainbow - The Wizard of Oz (1939)

The Wizard of Oz (Phù Thủy Xứ Oz) là bộ phim thần thoại do Victor Flemming làm đạo diễn và được chuyển thể từ tiểu thuyết thiếu nhi The Wonderful Wizard of Oz của L. Frank Baum vào năm 1939. Bộ phim kể về cô bé Dorothy Gale (Judy Garland) và chú chó nhỏ Toto bị một cơn lốc cuốn đến vương quốc đầy màu sắc Oz nằm bên ngoài cầu vồng, nơi có các nhân vật thần tiên. Dorothy cùng những người bạn mới là Scarecrow (Bù Nhìn) (Ray Bolger), Tin Man (Người Thiếc) (Jack Haley) và Cowardly Lion (Chú Sư Tử Hèn Nhát) (Bert Lahr) đến gặp phù thủy đầy quyền năng của xứ Oz (Frank Morgan) để giúp cô bé trở về quê nhà ở Kansas và cũng để giúp những người bạn này.

The Wizard of Oz được phát hành vào ngay thời hoàng kim của Hollywood, tuy không thành công về doanh thu nhưng được giới phê bình đánh giá cao và luôn có mặt trong danh sách 10 bộ phim hay nhất mọi thời đại trên toàn thế giới. Nhiều chi tiết của phim đã đi vào văn hóa, đời sống của nước Mỹ. Bộ phim này luôn xuất hiện vào các dịp lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh hay Phục Sinh dưới dạng phim kinh điển và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Tuy chỉ nhận được 2 trong số 6 giải đề cử Oscar nhưng bộ phim vẫn gây nhiều tiếng vang lớn. Ca khúc Over the Rainbow (Somewhere Over the Rainbow) nhận được giải Oscar cho hạng mục Nhạc phim hay nhất, do Harold Arlen viết nhạc và E.Y. Harburg soạn lời và là một trong những ca khúc đáng nhớ nhất của nền âm nhạc và điện ảnh Hoa Kỳ. Với ca từ giản dị, trong sáng, thể hiện ước muốn của một cô gái trẻ muốn thoát khỏi cuộc sống u buồn, đầy rắc rối, bài hát đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Mỹ. Judy Garland, diễn viên chính của phim và cũng là người trình bày bài hát, lúc biểu diễn ca khúc này cô chỉ mới 17 tuổi, có lẽ nhờ vậy mà Judy đã thể hiện xuất sắc niềm tin, hy vọng của cô gái về một thế giới tốt đẹp hơn.

Over the Rainbow được Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ bình chọn là bài hát của thế kỷ 20 và được Viện phim Mỹ xếp đầu tiên trong danh sách 100 ca khúc đáng nhớ nhất của điện ảnh Hoa Kỳ thế kỷ 20.

2. As Time Goes By - Casablanca (1942)

Lấy bối cảnh giai đoạn đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, Casablanca là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại nói về tình yêu thời chiến. Phim do Michael Curtiz làm đạo diễn, dựa trên vở kịch Everybody Comes to Rick’s của Murray Burnett và Joan Alison. Nhân vật chính trong phim là Rick Blaine (Humphrey Bogart) – một người Mỹ sống lưu vong tại thành phố biển Casablanca và là ông chủ của một quán bar sang trọng kiêm song bạc nổi tiếng có tên “Rick’s Café Américain”. Anh bị giằng xé giữa tình yêu dành cho IIsa Lund (Ingrid Bergman) và trách nhiệm giúp cô cùng chồng là Victor Laszlo (Paul Henreid)– một lãnh tụ kháng chiến người Tiệp Khắc, thoát khỏi Maroc, bấy giờ đang thuộc quyền quản lý của chính quyền Vinchy Pháp thân Đức Quốc Xã.

Khi được ra mắt, Casablanca thành công ngoài mong đợi của nhà sản xuất và vượt trội hơn những bộ phim khác của Hollywood được sản xuất cùng năm. Bộ phim chiến thắng ba giải Oscar ở các hạng mục: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Mặc dù đã hơn 75 năm từ ngày đầu tiên được công chiếu, Casablanca vẫn luôn được đánh giá cao và được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hollywood với nhiều câu thoại, hình tượng nhân vật và phần nhạc phim trở thành mẫu mực trong lịch sử điện ảnh.

Bài hát chủ đề As Time Goes By do Herman Hupfeld sáng tác đứng thứ 2 trong danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất mọi thời đại của Viện phim Mỹ, chỉ đứng sau Over the Rainbow của The Wizard of Oz. Từ năm 1999, bài hát này được Warner Bros dùng làm nhạc hiệu mở đầu cho hãng và là bài hát chủ đề của series hài lãng mạn As Time Goes By của Anh trong thập niên 90.

3. Singin’ in the Rain - Singin’ in the Rain (1952)

Singin in the Rain lấy bối cảnh năm 1927 khi ngành công nghiệp điện ảnh chuyển mình mạnh mẽ từ phim câm sang phim lồng tiếng. Bộ phim kể về những rắc rối của chàng tài tử điển trai Don Lockwood (Gene Kelly) đem lòng yêu cô diễn viên Kathy Selden (Debbie Reynolds) nhưng lại không thể công khai tình cảm của anh đối với cô vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh “cặp đôi hoàn hảo” với Lisa Lamont (Jean Hagen). Rắc rối càng ập đến nhiều hơn khi Kathy chấp nhận làm người đứng sau cánh gà hát thay cho Lisa bởi Lisa sở hữu chất giọng chát chúa và chẳng thể hát đúng tông nổi một bài. Nhưng sau cùng thì bí mật của Lisa cũng bị bại lộ, Don và Kathy cũng đến được với nhau.

Mặc dù lúc mới ra mắt bộ phim chỉ thành công khiêm tốn nhưng lại được các nhà phê bình đương thời ca ngợi là bộ phim âm nhạc hay nhất mọi thời đại.

Là một bộ phim âm nhạc nên phần nhạc phim được đầu tư rất kỹ lưỡng, tất cả những bài hát trong phim đều được phổ nhạc bởi Arthur Freed và Nacio Herb Brown viết lời. Bên cạnh Broadway Rhythm, Should I, Singin’ in the Rain là bài hát nổi tiếng nhất và sau này còn được sử dụng trong nhiều tác phẩm khác. Singin’ in the Rain đạt hạng 3 trong Danh sách 100 ca khúc phim hay nhất của Viện phim Mỹ.

4. Moon River - Breakfast at Tiffany’s (1961)

Hình ảnh Audrey Hepburn trong Breakfast at Tiffany’s với búi tóc cao, tay cầm đót thuốc lá được xem là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của nền điện ảnh Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên của Truman Capote, kể về cô gái xinh đẹp Holly Golighly (Audrey Hepburn) miền quê Texas lên New York với những ảo mộng về cuộc sống xa hoa của tầng lớp thượng lưu. Cho đến một ngày chàng nhà văn nghèo tên Paul Varjak (George Peppard) xuất hiện và khiến Holly nhận ra được ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Breakfast at Tiffany’s trở thành trong những phim kinh điển, lãng mạn nhất mọi thời đại và giành được hai giải Oscar cho Nhạc phim hay nhất và Ca khúc phim xuất sắc nhất (Moon River). Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng hình ảnh Audrey Hepburn ngồi bên bậu cửa sổ gảy đàn guitar và ngân nga ca khúc Moon River vẫn không hề phai nhạt. Moon River được Henry Mancini và Johnny Mercer sáng tác riêng cho Audrey để phù hợp với quãng giọng của cô, dựa trên bài hát mà cô đã từng thể hiện trong Funny Face 1957. Ca khúc này được Henry Mancini sáng tác chỉ trong nửa giờ đồng hồ, ban đầu bị giám đốc sản xuất của Paramount phản đối nhưng Audrey kiên quyết phải sử dụng ca khúc này và nó đã thành công hơn cả mong đợi.

Moon River đứng thứ 4 trên Danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất của Viện phim Mỹ.

5. White Christmas - Holiday Inn (1942)

Jim Hardy (Bing Crosby) và Ted Hanover (Fred Astaire) là hai người bạn thân, cùng là hai nhạc sĩ nổi tiếng ở New York và cùng yêu Lila Dixon (Virginia Dale). Trong đêm Giáng Sinh, Jim dự định sẽ biểu diễn lần cuối cùng trước khi cưới Lila và về sống cùng cô ở một trang trại tại Connecticut. Thế nhưng vào phút cuối Lila lại không muốn dừng sự nghiệp tại đây đồng thời thú nhận cô đã yêu Ted. Jim vẫn đi theo kế hoạch của mình, nhưng do cuộc sống trang trại ngày một khó khăn nên anh biến nó thành một nơi giải trí với cái tên “Holiday Inn”. Tại đây anh gặp Linda Mason (Marjorie Reynolds), hát ca khúc White Christmas cho cô nghe, hai người đem lòng yêu nhau và rồi vòng quay của cuộc đời lại khiến họ rời xa. Nhưng khi giai điệu của White Christmas cất lên, những người sinh ra dành cho nhau cuối cùng lại trở về bên nhau.

Holiday Inn do Mark Sandrich làm đạo diễn và năm 1943 nhận được giải Oscar cho Ca khúc trong phim hay nhất (White Christmas), ngoài ra còn được đề cử ở hai hạng mục Nhạc phim hay nhất và Kịch bản gốc hay nhất.

Ca khúc White Christmas không giai điệu gắn kết tình yêu trong phim mà nó còn truyền cảm hứng cho bộ phim cùng tên vào năm 1954. White Christmas đứng đầu bảng xếp hạng từ tháng 10.1942 và liên tục ở vị trí đó trong 11 tuần liền. Năm 2004, Viện phim Mỹ xếp White Christmas vào vị trí thứ 5 trong Danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất trong 100 năm trở lại đây.

Theo bạn ca khúc trong phim nào là hay nhất? Hãy chia sẻ với Moveek nhé!

Bài viết liên quan