Phim điện ảnh Cám (2024) - Bối cảnh độc lạ, hiếm thấy
Phim Kinh Dị · Video - Trailer · Thaithanh ·
Cám là dự án phim kinh dị Việt Nam được thực hiện bởi ekip Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, dự kiến khởi chiếu ngày 27.9.2024.
Dù chưa chính thức lên sóng, phim điện ảnh Cám đã nhiều lần tạo bất ngờ cho người xem về dàn diễn viên, tạo hình nhân vật, phục trang… Đặc biệt phải kể đến bối cảnh phim Cám, một trong những điểm sáng, làm nên sự khác biệt.
Phim Cám lấy bối cảnh Quảng Trị đặc sắc, mới lạ
Phim Cám là sự kết hợp của bộ đôi NSX Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám nổi tiếng. Tuy nhiên, đây là một dị bản kinh dị đẫm máu, hứa hẹn mang đến trải nghiệm thú vị cho khán giả. Nội dung chính của phim xoay quanh nhân vật Cám - cô em gái cùng cha khác mẹ của Tấm. Đồng thời sẽ có nhiều nhân vật mới xuất hiện, lồng ghép các chi tiết sáng tạo, tạo nên một bộ phim “lạ mà quen”.
Theo thông tin chia sẻ từ đoàn làm phim thì Cám hiện là bộ phim kinh dị được đầu tư lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Việt. Phim được ghi hình trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Trong đó, có 3 bối cảnh chính ở Quảng Trị gồm: đình làng Hà Trung, đầm sen Trường Phước và rừng tràm ngập mặn. Bối cảnh còn lại nằm ở làng cổ Phước Tích (Huế).
Chia sẻ lý do vì sao chọn Quảng Trị làm bối cảnh chính cho phim, NSX Hoàng Quân bày tỏ mong muốn hiện thực hóa trí tưởng tượng của mình về phiên bản kinh dị Tấm Cám ấp ủ từ trước đến nay. Trong teaser của phim chỉ vỏn vẹn 1 phút 42 giây, bối cảnh Quảng Trị hiện lên vừa đẹp đẽ lại vừa huyền bí.
Đầu tiên là Đình làng Hà Trung - nơi được chọn làm bối cảnh quay các cảnh ngày hội và một số hoạt động quan trọng của làng. Vì nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ phù hợp với thể loại phim cổ trang.
Đình làng Hà Trung nổi bật với kiến trúc nhà rường truyền thống, xung quanh đình là những bức tường rào, cổng trụ và bức bình phong mang đậm dấu ấn thời gian. Điểm đặc sắc mà khán giả có thể thấy trong teaser chính là mái ngói cong vút và các đầu đao được chạm khắc tỉ mỉ, nổi bật.
Địa điểm ghi hình tiếp theo ở Quảng Trị chính là đầm sen Trường Phước, tọa lạc ở huyện Hải Lăng. Nơi đây có hồ sen rộng lớn, được dùng để quay hai phân cảnh đặc sắc của phim. Đó là phân đoạn Tấm và Cám tắm ao sen, và phân đoạn Tấm múa trên mặt ao.
Điểm dừng chân cuối cùng là rừng tràm ngập mặn thuộc huyện Gio Linh, nơi quay phân đoạn rừng hiến tế. Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ cực kỳ ấn tượng với hình dạng co quắp của những cành cây, lớp vỏ cây bong tróc và không khí u ám về đêm. Hy vọng với việc lựa chọn bối cảnh này có thể tạo nên cảm giác rùng rợn, chân thật cho khán giả xem phim.
Bối cảnh làng cổ Phước Tích và nhiều biến tấu đặc sắc
Bối cảnh cuối cùng xuất hiện trong phim điện ảnh Cám chính là làng cổ Phước Tích. Làng được thành lập từ nhiều thế kỷ trước dưới triều Lê, hiện nằm cách thành phố Huế khoảng 40km về phía bắc. Đây là ngôi làng cổ thứ hai được nhà nước công nhận, cấp bằng Di tích Quốc gia, sau làng Đường Lâm (Hà Nội). Ngoài những ngôi nhà cổ, Phước Tích còn có cảnh quan thiên nhiên yên bình với nhiều cây xanh và sông nước, phù hợp để ghi hình một số cảnh sinh hoạt trong làng.
Có lẽ vì vậy mà phim được dựng lên vô cùng chân thật, sinh động. Điểm đặc biệt, ngay tại ngôi làng này có cây thị hơn 600 năm tuổi, được xem là di sản của làng. Rất nhiều sự trùng hợp, kết nối thú vị càng làm cho bộ phim thêm hấp dẫn, đáng đón đợi.
Ngoài nhân vật chính là Cám do diễn viên Lâm Thanh Mỹ thủ vai thì phim còn có sự góp mặt của Thúy Diễm trong vai vai dì ghẻ, Rima Thanh Vy trong vai Tấm, Hải Nam trong vai Hoàng tử.
Trong quá trình ghi hình, ekip cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Vì quay vào thời điểm nắng nóng đỉnh điểm của miền Trung nên không khó tránh khỏi những khó khăn, khắc nghiệt, mệt mỏi. Tuy vậy, phía đạo diễn Trần Hữu Tấn vẫn nói rằng mình rất yêu quý hai mảnh đất này. Đặc biệt, ekip được bà con miền Trung dành nhiều tình cảm quý mến.
Đạo diễn phim điện ảnh Cám chia sẻ: “Đặc biệt là khi biết có đoàn phim quay ở tỉnh nhà thì mọi người rất hào hứng, rất phấn khởi. Bà con bỏ hết cả việc đồng áng để đến trường quay hỗ trợ đoàn phim, cũng như tham gia những vai quần chúng, dân làng”.
Không chỉ đơn thuần là một bộ phim điện ảnh, nhà làm phim còn mong mỏi rằng sau khi phim kinh dị Cám lên sóng, khán giả, đặc biệt là người trẻ sẽ biết đến Quảng Trị nhiều hơn vì nơi đây là một vùng đất xinh đẹp. Trong tương lai cũng có thể giúp cho du lịch của tỉnh này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Với sự đầu tư, chăm chút về mặt xây dựng bối cảnh như thế, liệu phim Cám có khuấy động rạp Việt vào cuối tháng 9 này?