Equilibrium - Cái giá của cảm xúc!

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Bạn có từng vì một phút bốc đồng mà mất hết tiền bạc, danh dự?

Bạn có từng chán ghét những nhịp đập loạn của con tim khi gặp "người ấy"?

Con người, tất thảy đều có lúc cảm thấy khó chịu vì cảm xúc của mình nhưng rồi lại vô thức trả những cái giá thật đắt để thỏa mãn những cảm xúc đó.

Nếu một ngày kia, cảm xúc của bạn phải đánh đổi bằng sinh mạng, liệu bạn có dám trả cái giá đó?

Equilibrium là một bộ phim viễn tưởng. Phim lấy bối cảnh là tương lai, khi con người xác định rằng cảm xúc chính là thứ gây ra chiến tranh và mọi tội lỗi khác trong lịch sử nhân loại. Loài người đi đến quyết định dùng thuốc Equilibrium để tiêu diệt những cảm xúc nhen nhóm trong lòng con người, nhằm ngăn chặn chiến tranh. Và đứng đầu là một tổ chức có hình thức khá giống một tôn giáo - do một Đức Cha lãnh đạo, bên dưới là các Linh Mục (Cleric) phụng sự. Tổ chức này chuyên nhận nhiệm vụ tiêu diệt những thứ có thể tạo ra cảm xúc như tranh ảnh, âm nhạc, và cả những phần tử nổi loạn không chịu dùng thuốc.

Trong bối cảnh đó đã xuất hiện nhân vật chính của chúng ta: Linh Mục Preston (Christian Bale). Preston là một linh mục ưu tú, không những có thể tiêu diệt phần tử nổi loạn, mà còn biết cách phát hiện ra kẻ nào không dùng thuốc.

Thế nhưng, trên bước đường "thực thi công lý", hay "phụng sự" của mình, anh ta đã dần va chạm với những người khác. Bức tường vô tình của anh ta cũng dần bị phá đổ.

Trong đoạn đầu của phim, Preston tự tay giết chết cộng sự Parridge (Sean Bean) của mình vì phát hiện ra ông ta có cảm xúc. Preston đã không ngần ngại dùng súng bắn xuyên quyển "Cloths of Heaven" cuối cùng trên thế giới trong lời thì thầm của người cộng sự.

"But I, being poor, have only my dreams;

I have spread my dreams under your feet;

Tread softly because you tread on my dreams."

( Nhưng tôi, vốn nghèo, chỉ có những giấc mơ

Tôi đã trải những giấc mơ dưới chân em

Hãy bước nhẹ nhàng vì em đang bước trên những giấc mơ của tôi)

Cái chết của người cộng sự, cùng với cái chết của vợ Preston vì ngừng dùng thuốc đã không ngừng ám ảnh anh ta. Anh bắt đầu tò mò về cái gọi là "cảm xúc". Tại sao vợ anh, đồng sự, và những kẻ nổi loạn ngoài kia không ngừng bỏ mạng vì một thứ "độc hại" như cảm xúc?

Tôi coi Equilibrium từ năm 2005, nhưng không để lại ấn tượng gì nhiều. Bởi cơ bản đây là một bộ phim thú vị, nhưng nó không giải quyết triệt để những tiền đề nó đặt ra. Một thế giới nơi mà những cảm xúc bị ngăn cấm, thật là một chủ đề hay. Nhưng kịch bản phim lại có quá nhiều chỗ chưa khai thác hết cái hay của nó.

Chẳng hạn như:

Khi thiếu vắng tình cảm thì trí tuệ sẽ là nhân vật chính.

"Người trong cuộc tối, người ngoài cuộc sáng!" câu nói này chỉ việc những kẻ bàng quan đứng ngoài thường không bị cảm xúc chi phối nên dễ nhìn ra hướng giải quyết. Con người chúng ta thường bị cảm xúc cản trở mà ảnh hưởng đến quyết định của mình. Thế nên nếu Equilibrium muốn tạo ra một cuộc cách mạng của những kẻ có cảm xúc, thì phim phải khai thác sâu hơn nữa khía cạnh đấu trí: Những con người chấp nhận trở nên yếu mềm vì cảm xúc của mình phải trải qua một cuộc đấu trí thật gay go với những kẻ cầm quyền máu lạnh và tinh ranh. Thế nhưng cuộc nổi dậy trở nên thật đơn giản: tất cả nhờ vào một mình Preston (và nhờ thế nào thì mời xem phim).

Một xã hội hoàn toàn mất đi cảm xúc.

Những nhân vật trong phim như lão trùm cuối, tên Cleric da đen chống lại Preston. Họ đều chưa thể hiện sự đánh mất hoàn toàn cảm xúc của mình. Có lẽ trên một phương diện nào đó, đạo diễn muốn nói rằng: "Cảm xúc là thứ mà bạn không thể hoàn toàn tước khỏi tay con người". Nhưng nói gì thì nói, đó vẫn là một điểm chưa hoàn chỉnh trong bố cục.

Nhưng bên cạnh đó, phim cũng đã đạt được những thành công riêng.

Gun-kata (Gunfu)

Đây là hình thức chiến đấu kết hợp giữa Kiến thức vật lý + Kungfu. Người dùng (những Cleric vô cảm) sẽ tính toán góc độ đường đạn, kết hợp với kungfu để hai khẩu súng trong tay họ đạt được lực tấn công lẫn phòng thủ hoàn hảo nhất. Những màn chém giết bằng súng lục, súng trường của Preston trong phim phải nói là rất ấn tượng: dùng thứ võ công hoa mỹ Kungfu kết hợp với sự lạnh lùng của hai khẩu súng ngắn trên tay, Preston trở thành một cỗ máy giết người chính xác tuyệt đối. Và Gunkata đích thực là thứ võ công của những kẻ vô cảm, vì chỉ có kẻ vô cảm mới có thể tính toán chính xác việc giết người trong khi đạn bay vèo vèo xung quanh.

Một điểm sáng nữa là diễn xuất của dàn diễn viên rất tốt. Sean Bean tuy chết sớm nhưng cái chết của anh ta rất có sức ám ảnh lên nhân vật Preston. Và diễn xuất của Christian Bale đã vượt quá yêu cầu của một bộ phim hành động thông thường. Có thể nhờ vai diễn này mà anh đã được Christopher Nolan chọn vào vai Batman trong Dark Knight Trilogy. Những trường đoạn bật khóc và xa lạ với chính những giọt nước mắt của anh khiến bộ phim thực sự có hồn, vượt xa mức giải trí thông thường của những bộ phim  hành động cháy nổ tràn ngập màn ảnh Hollywood thời kì 1990-2000.

Equilibrium không hẳn là một bộ phim hay, và cũng không hoàn toàn dở. Sự lấp lửng đó tạo cảm hứng và kích thích suy nghĩ của người xem. Với tôi, câu hỏi lớn nhất sau khi xem bộ phim này là:

“Ta sẽ đi bao xa để thỏa mãn những cảm xúc của riêng mình?”