Phim Việt Noel 2015 : Già Gân không xứng với Mỹ Nhân

Tin điện ảnh · MarsLe ·

Sau thành công của Ma Dai, Đức Thịnh nổi lên như một hiện tượng đạo diễn mới thành công tương tự như Quang Huy với Thần Tượng. Ma Dai với kịch bản tốt, những mảng miếng xuất sắc mang đến tiếng cười trong trẻo tự nhiên dễ thương cùng với ý nghĩa về tình cha con gia đình lẫn tình người giữa XH.  Tuy nhiên, trong giới làm phim vẫn có những đồn đoán rằng sự thành công của Ma Dai có công đóng góp rất lớn của diễn viên Thái Hòa khi chính anh là người chỉnh sửa hoàn thiện kịch bản này. Bởi vì anh đã nhận lời đảm nhận vai chính trong Ma Dai. Nhưng về sau do quá bận dự án Để Hội Tính nên đích thân Đức Thịnh phải thay thế Thái Hòa. Và Đức Thịnh không phải làm một mình mà đồng đạo diễn Ma Dai với Hoàng Duy ( chồng của Trang Nhung ). Thế nên, khi Đức Thịnh một mình đảm nhận vai trò biên kich và đạo diễn Già Gân Mỹ Nhân Và Găngxtơ, bộ phim khi ra mắt đã khiến báo giới một phen bất ngờ vì sự chênh lệch chất lượng quá lớn so với Ma Dai. Và sau buổi họp báo, không có một lời khen nào ( chưa kể còn có chê tan nát trên group kín FB ) của báo giới dành cho bộ phim. Rõ ràng những lời đồn về lý do thành công của Ma Dai đã rất chính xác.

Nói như vậy, ai đọc đến đây có lẽ sẽ nghĩ rằng bài review phim này Poly sẽ hoàn toàn chê phim. Bạn nghĩ sai rồi, thật sự phim này cũng những điểm tốt, hay khiến poly phải trầm trồ. Ví dụ điển hình nhất là phim này có phần hình ảnh cực kỳ tốt, quay phim đẹp. Điều này ai chưa xem đều có thể kiểm chứng qua trailer. Các đoạn hành động được DOP đặt góc máy rất Hollywood, theo xe, góc máy thấp, ngang, cận….. đẩy mạnh được tốc độ , tính hành động của màn rượt đuổi. Đồng thời màn hành động rất sáng tạo, mãnh mẽ được Team X thể hiện rất tốt. Và theo Poly đây chính là 2 điểm tốt nhất của phim Già Gân.

Trước khi tiếp tục đọc qua phần sau, Poly muốn nói rằng những ai không quan tâm đến câu chuyện, mặc kệ kịch bản, không cần biết về logic hay dựng phim là gì, chỉ cần cười với những mảng miếng của Hoài Linh, mê kiểu hài Trường Giang, thì hãy cứ đi xem phim này. Và bạn cũng không cần đọc tiếp đoạn sau, vì Poly có chê phim và lưu ý có spoil phim.

Già Gân là câu chuyện của anh Tỏi 30 năm trước làm giang hồ ( giang hồ gì không biết) hình như là cướp hay giựt tay trên của anh Chanh 1 vali tiền rồi bỏ trốn về nuôi vợ. Nhưng tiếc thay trong đêm Noel vợ lại bỏ anh đi biệt tích vì anh làm giang hồ xấu…Nói chung rất nhiều khán giả khi xem phim sẽ rất thắc mắc về câu chuyện thiếu đầu thiếu đuôi thiếu câu chuyện nền của các nhân vật. Ví dụ đầu tiên là vụ anh Tỏi làm giang hồ gì, anh Chanh là đại ca gì, anh Tỏi cướp tiền của Chanh từ vụ gì, vợ Tỏi vì sao yêu Tỏi mà không biết Tỏi làm giang hồ…… xấu, rồi bỏ Tỏi. Rồi câu chuyện quan hệ Tỏi Chanh cũng được chỉ kể bằng lời nói…..

Có thể nhiều khán giả xem phim sẽ thấy nó hẫng hẫng nhạt nhạt thôi chứ không hiểu lý do nằm ở đâu ? Còn Poly thấy lý do của tất cả những câu hỏi này nằm ở phần kịch bản. Tất cả những chi tiết tình tiết tạo nên cảm giác thiếu hụt này là bởi vì kịch bản có lẽ được viết theo kiểu sân khấu. Nghĩa là tất cả những nút thắt này nọ được viết để nhân vật nói bằng thoại, hoặc bằng lời dẫn chuyện, chứ không được diễn đặt bằng khung hình tình huống điện ảnh. Ví dụ điển hình 2 cái tên Tỏi và Chanh được đặt ra nghe rất đối xứng, chỏi tai và vui vẻ. Nhưng không có 1 phân đoạn nào kể về câu chuyện quá khứ của 2 nhân vật này, để thấy họ có 1 mối quan hệ dài lâu bạn thân và đối thủ ra sao. Mà chỉ có 1 cảnh ngồi kể lể bắt khán giả phải nghe và chấp nhận. Nên khán giả rất chán. Tương tự với cảnh hiếp dâm, tại sao lại có mối quan hệ đó, tại sao lại leo ra xe đến chỗ vắng, tất cả ko có đường dẫn mà chỉ kể để khán giả chấp nhận.

Rồi 2 nhân vật điên khùng diễn nhây chiếm thời lượng rất lờn của phim mà không hề có lý do liên quan gì đến câu chuyện chính. Xem xong phim thì Poly nghĩ rằng có cắt luôn 2 nhân vật này đi cũng ko hế ảnh hưởng gì đến mạch phim. Chỉ là biên kịch-đạo diễn cố tình nhét vào để chọc cười khán giả và dành đất diễn cho mình cùng Kiều Minh Tuấn. Nhưng đây có lẽ là vai diễn thất bại nhất của Kiều Minh Tuấn từ trước đến nay. Nhắc Kiều Minh Tuấn lại nhớ Bụi Đời Chợ Lớn, nếu phim này không bị leak chắc sẽ không có Kiều Minh Tuấn và Long Điền như hôm nay.

Như Poly đã nói ở trên, có lẽ đây là vai diễn thất bại nhất của Kiều Minh Tuấn. Nhưng không chỉ mình anh, mà Poly nghĩ rằng đây cũng có lẽ là bộ phim mà cả vai diễn của Hoài Linh lẫn Trường Giang đều đạt kỷ lục về mức độ ít gây cười nhất. Tuy nhiên điều này đều không phải do lỗi của cả 3 người. Trong phim, cả 3 nhân vật của 3 diễn viên đều có những câu thoại lẫn tình huống rất hài hước. Poly có thể tưởng tượng ra những câu thoại và tình huống này khi còn nằm trong kịch bản thì đọc lên rất buồn cười, có thể cười sặc sụa không ngừng nghỉ. Nhưng khi vào phim thì lại nhạt, vì nhấn không đủ mạnh để khiến khán giả cười như khi nó còn trong kịch bản. Và lỗi này thuộc về đạo diễn. Vì sao ? Poly ví dụ một tình huống rất nhỏ để bạn có thể thấy rõ. Khi ông Tỏi trong bệnh viện, trên tường ghi chi chít những câu châm ngôn rất vui rất độc đáo. Nhưng Poly không cười được vì khung hình lại cho thấy chữ trên tường trước, khán giả đọc xong rồi mới nghe diễn viên hát, diễn viên lại không có diễn xuất khuôn mặt đặc biệt, tất cả mọi thứ đều không đúng trình tự dựng, không ăn rơ với nhau, rất vụng. Để một phân đoạn hài phát huy tác dụng, thì phải kết hợp giữa diễn xuất, thoại, khung hình toàn trung cận nhấn vào hành động cuối sau mỗi thoại, điểm dừng để khán giả ngấm…..và cười. Nên Poly nhìn thấy đạo diễn chỉ có tu duy của người làm sân khấu kịch, vì chỉ dùng thoại hài, khung cảnh toàn và thế mạnh của diễn viên theo đúng trình tự thời gian của câu chuyện. Và anh ấy đã áp dụng điều này vào phim điện ảnh. Nên mảng miếng hài hay cứ trôi tuột qua và mất, khán giả thấy vui đó những không cười được, rất đáng tiếc.

Một ví dụ khác cho điều này, rõ nét nhất và dễ thấy nhất, chính là những hình ảnh hạnh phúc của 2 vợ chồng ông Tỏi. Nếu bạn nào hay đi xem kịch sẽ hay thấy những đoạn mô tả hạnh phúc của 1 đôi nam nữ thì trên sân khấu là 2 người làm việc gì đó vui vẻ cười đùa với nhau, âm thanh thì nhạc nền vui vẻ, 2 người gương mặt hạnh phúc, tất cả là cảnh toàn là xong. Phim này y chang như vậy, 2 vợ chồng ngồi ghế đôi vuốt ve vuốt tóc, cười nhìn nhau ý nhị. Còn khúc không vui thì mặt vợ chầm dầm nhìn chồng, chồng đứng hút thuốc, vậy là hiểu 2 người đang không vui. Quá đơn giản và dễ hiểu.

Góp phần làm nên sự nhạt nhẽo của bộ phim, chính là cách dựng phim tuyến tính quá đơn giản . Ví dụ để thấy nhất chính là cảnh đầu phim, 30 năm trước xuất hiện đầu tiên rồi là đến cảnh ngày nay. Thật sự nếu muốn bộ phim hấp dẫn hơn, vui hơn, thì cảnh đầu tiên của bộ phim theo poly nên là câu lạc bộ Già Hư ( cảnh giới thiệu của CLB này cũng rất nhiều chất liệu hài nhưng đạo diễn lại không sử dụng được nó để mang đến tiếng cười ) . Như thế sẽ vui hơn và gây nhiều tò mò hơn về nhân thân của một ông Tỏi giàu có nhưng sống cô độc nhiều trăn trở. Nhưng đạo diễn lại chọn cách dựng tuyến tính theo thời gian, nó đã góp phần đơn giản hóa 1 câu chuyện hình sự không có bí mật. Chưa kể các flash back giữa phim có màu giống hệt với cách cảnh hiện đại đôi khi làm khán giả chưng hửng vì không phân biệt được cũ mới ra sao dù mốc thời gian là gần 30 năm xa cách.

Cuối cùng Poly hoàn toàn thất vọng với score của nhạc sĩ Dương Khắc Linh khi nhiều cảnh đường nhạc và đường hình hoàn toàn không ăn nhập gì nhau. Nhiều đoạn hành động xong cả chục giây mà nhạc còn đùng đùng tổ nhức tai khán giả. Đỉnh cao hơn nữa là ca khúc chủ đề “Hai chúng ta” của Thu Phương được ghép vào chẳng ăn nhập và xúc cảm gì hết. Nhắc tới đây lại nhớ em Tóc Tiên. Sự xuất hiện của em trong phim này đã không gây ấn tượng mạnh với khán giả.

Nó y chang với cảnh đầu phim khi em bất ngờ ló mặt từ cửa xe không hiểu từ đâu và khi nào. Điều này rất dở, vì nguyên tắc khi giới thiệu nhân vật đẹp thì cảnh đầu tiên trong phim của nhân vật  đó phải thật sự đẹp để gây ấn tượng tốt cho khán giả. Như các phim khác poly xem thì nhân vật chính trong khung đầu tiên đẹp hút hồn, có khi phải chơi slowmotion tóc gió tung để hỗ trợ. Poly thấy tiếc cho Tóc Tiên vì nhận phim này mà từ chối Tấm Cám tạo cơ hội cho Hạ Vy. Đây là bài học mà rất nhiều gương mặt nữ đã gặp phải khi chọn sai đạo diễn.

Chính vì vậy, có lẽ mọi người không nên mong chờ nhiều vào bộ phim thứ 2 của đạo diễn Đức Thịnh-Taxi Em Tên Gì đang được quay với Angela Phương Trinh đảm nhận vai nữ chính đóng cặp cùng Trường Giang.

Cuối cùng của cuối cùng, theo poly thì phim Việt Nam hay nhất mùa Noel 2015 này chính là Em Là Bà Nội Của Anh.

#anhpoly