[Phỏng Vấn] Những Cánh Én Đầu Tiên - Góc nhìn của Việt Nam về trận không chiến có thật trong lịch sử

Maii ·

Nhà sản xuất Nguyễn Văn Trường Sơn đã có những chia sẻ rất thú vị xoay quanh Những Cánh Én Đầu Tiên.

Những Cánh Én Đầu Tiên - Bộ phim tài liệu đầu tiên nằm trong series Không Chiến Việt Nam của Silver Swallows Studio đã chính thức ra mắt tại Đà Nẵng và chuẩn bị "đổ bộ" tại TP. HCM trong 1 ngày duy nhất. Nhằm giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về xưởng phim trẻ Én Bạc cũng như bộ phim Những Cánh Én Đầu Tiên, Moveek đã có một bài phỏng vấn nho nhỏ với bạn Nguyễn Văn Trường Sơn - Nhà sản xuất của bộ phim, đại diện cho Silver Swallows Studio trả lời. 

Chào bạn,

1. Lời đầu tiên, các bạn có thể giới thiệu một chút về Silver Swallows Studio cho độc giả Moveek biết được không? Vì cơ duyên nào mà Xưởng phim Én Bạc được thành lập? Mục tiêu hoạt động của các bạn là gì?

Silver Swallows Studio(SSS) đã thành lập được khoảng 6 năm và là một đơn vị trực thuộc đại học Duy Tân. Người thành lập xưởng phim này là thầy Lê Nguyên Bảo, hiệu trưởng của đại học Duy Tân hiện nay. Ngoài dự án chính là Không Chiến Việt Nam thì xưởng còn thực hiện các công việc gia công đồ hoạ, tham gia các dự án trong và ngoài nước để trau dồi tay nghề về kỹ thuật làm phim và đồ hoạ máy tính.

Khi thầy Bảo còn trẻ, thông qua các bộ phim tài liệu của Mỹ về những trận không chiến trên thế giới, đặc biệt là series Dogfight. Thầy dần có mơ ước là Việt Nam cũng có thể làm được như vậy và câu chuyện sẽ là góc nhìn từ phía Việt Nam, từ một bên cũng trực tiếp tham gia những trận không chiến đó. Và từ ideas (ý tưởng) ấy thì thầy bắt đầu thực hiện dự án.

Mục tiêu của Xưởng phim Én Bạc hiện nay là có khả năng sản xuất được phim. Rồi từ đó hình thành những dự án lớn hơn, được đầu tư bài bản hơn nhằm mang lại cho khán giả những nội dung tốt nhất.

2. Vì sao các bạn lấy tên studio của mình là Én Bạc? Cái tên này có ý nghĩa như thế nào?

Lấy tên như vậy cũng có ý nghĩa của nó. Vì dự án đầu tiên tụi mình làm là về chiếc Mig-17 của Không quân Nhân dân Việt Nam. Máy bay này màu bạc và có dáng dấp rất giống với chim én nên được Không quân ngày ấy ưu ái gọi với tên là Én Bạc. Đây cũng là loại máy bay tiêm kích đầu tiên mà Việt Nam có ngày ấy. Nó cũng như bọn mình là những người đầu tiên tạo ra những nội dung điện ảnh về chiến tranh Việt Nam nhưng có sử dụng công nghệ vậy. Nó mang ý nghĩa là “đầu tiên”.

3. Các bạn có thể giới thiệu một chút về nội dung của series Không Chiến Việt Nam được không và series này sẽ bao gồm bao nhiêu phần?

Không Chiến Việt Nam sẽ là một series điện ảnh xoay quanh những trận đánh về bảo vệ bầu trời Tổ quốc của Không quân Nhân dân Việt Nam. Bọn mình sẽ tái hiện lại nhiều trận đánh hơn trong tương lai nhưng về thể loại phim sẽ có thể linh động hơn. Có thể sẽ là phim truyện hoặc các thể loại phim khác nhưng chủ yếu là truyền tải được sự khốc liệt về chiến tranh và sự quả cảm hy sinh của con người ngày ấy.

Bao nhiêu phần thì mình không nói được, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khán giả, các bên quan tâm nhằm mang lại nguồn kinh phí hoạt động cho các dự án này.

4. Tại sao các bạn quyết định chọn chiến dịch Sấm Rền làm nội dung chính của Những Cánh Én Đầu Tiên?

Vì đấy là trận đánh đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam đã bảo vệ thành công cầu Hàm Rồng. Và trận thắng này như một sự chứng minh về việc chúng ta có thể đánh thắng được Không quân của Mỹ.

5. Mục đích thực hiện của Không Chiến Việt Nam nói chung và Những Cánh Én Đầu Tiên nói riêng là gì?

Mục đích của dự án là mang lịch sử nước nhà lại gần hơn với thế hệ trẻ. Cách truyền tải lịch sử bằng phim ảnh nó là một cách hiệu quả để khích lệ các bạn trẻ tìm hiểu, khai thác lịch sử để có một cái nhìn toàn vẹn về dân tộc. Mục đích đó là nói chung.

Còn để riêng phần đầu tiên thì bọn mình muốn xem khán giả đón nhận việc này thế nào. Có những gì cần lưu ý, sửa đổi để các phần sau được tốt hơn và để có thể hoạch định được các phần tiếp theo sẽ phát triển như thế nào.

6. Được biết, Những Cánh Én Đầu Tiên là phim tài liệu lịch sử và các gương mặt sẽ xuất hiện trong phim này là 4 thành viên của một biên đội, bao gồm Trần Hanh (Biên đội trưởng), Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm. Họ là ai và tại sao các bạn lại chọn 4 gương mặt này mà không phải là ai khác?

4 phi công này là đội hình bay trong ngày 4.4.1965 nhằm bảo về cầu Hàm Rồng trước sự đánh phá của máy bay Mỹ. Những phi công này đã chiến đấu và ba trong số họ đã hy sinh để bảo vệ được cầu Hàm Rồng. Sự hy sinh của họ để mang lại chiến thắng khi ấy đã khiến đội ngũ làm phim cân nhắc và quyết định chọn ngày 4 để thực hiện phần đầu tiên. Diễn biến về ngày đó thì khi xem phim các bạn sẽ thấy nó thực sự rất đặc biệt.

7. Trong quá trình thực hiện Những Cánh Én Đầu Tiên, các bạn đã phải đối mặt với những khó khăn nào?

Khối lượng công việc là rất lớn, từ việc bạn phải thu gom tư liệu, kiểm chứng, xác thực tư liệu từ các bên thì các bạn cũng còn phải lọc ra từ những tư liệu ấy, những đoạn phỏng ấy cái nào phù hợp cái nào mạch lạc dễ hiểu để đưa đến khán giả. Bọn mình đã có những thời gian ngồi cả tuần lễ chỉ để xem lại những đoạn phỏng vấn các bác phi công để trích ra đưa vào phim.

Cái khó thứ hai đến từ con người, nhân lực kỹ thuật ở miền Trung là rất khan hiếm và để tập trung mọi người lại để có thể làm việc được với nhau lại càng khó hơn. Nhưng hiện giờ các khó khăn trên cũng đã tương đối ổn nên bây giờ khó khăn lớn nhất là làm sao để khán giả tiếp tục hưởng ứng, ủng hộ để dự án tiếp tục hoạt động và mang đến cho mọi người những sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Cám ơn các bạn về những chia sẻ sâu sắc xoay quanh dự án cũng như xưởng phim Én Bạc. Hi vọng Những Cánh Én đầu tiên nói riêng và Không Chiến Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía khán giả yêu sử, yêu phim cũng như studio sẽ càng ngày càng tiến bộ và cho ra đời nhiều thước phim hay khác.