Phượng Khấu và những điều cần biết về phục trang phim

Tin điện ảnh · Maii ·

Cùng tìm hiểu về trang phục mà Phượng Khấu mang đến cho người xem nhé!

Sau khi tung những hình ảnh đầu tiên, Phượng Khấu đã được khán giả yêu thích và có hiểu biết về lịch sử cũng như trang phục cổ trang Việt Nam ủng hộ nồng nhiệt. Tuy nhiên, bên cạnh những phản ứng tích cực, Phượng Khấu cũng gặp phải nhiều ý kiến tiêu cực khi cho rằng “trang phục lấy cảm hứng từ Trung Quốc”, “giống Tàu”, “thảm họa”… Phản ứng này có thể được hiểu là vì trang phục mà Phượng Khấu trình làng vốn lạ lẫm với đa phần khán giả đại chúng, mặc dù đây là trang phục sát sử nhất trong các phim cổ trang Việt Nam từng được thực hiện.

Phượng Khấu xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu Phạm Thị Hằng, phi tần của Hoàng Đế Thiệu Trị và là mẹ ruột của Hoàng Đế Tự Đức. Bà được biết đến rộng rãi hơn với danh hiệu Từ Dụ Hoàng Thái Hậu. Theo chân bà từ khi còn làm phủ thiếp cho đến khi trở thành Hoàng Thái Hậu của triều Nguyễn và những sóng gió khốc liệt chốn hoàng cung, hứa hẹn theo sát nhất có thể các cột mốc lịch sử được ghi lại.

Phượng Khấu hiện chỉ mới hình ảnh của nghệ sĩ Hồng Đào, Kiều Trinh và nghệ sĩ Thành Lộc trong tạo hình với áo Nhật Bình và thường phục của nam giới thời Nguyễn là áo tấc.

Bên trái là Vua Khải Định mặc trang phục Cổn Miện. Bên phải là Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương.
Bên trái là Vua Khải Định mặc trang phục Cổn Miện. Bên phải là Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương.

Triều Nguyễn, bối cảnh của Phượng Khấu trong phim, bắt đầu vào khoảng năm 1802, sau khi Vua Gia Long – Nguyễn Ánh lên ngôi. Đây là thời điểm văn hóa phương Tây, đặc biệt là tư tưởng Pháp bắt đầu có ảnh hưởng lên đời sống người Việt. Tuy nhiên, để gìn giữ truyền thống và lòng tự tôn dân tộc, triều Nguyễn vẫn nhất quyết bài xích trang phục phương Tây và quyết lưu giữ phục trang trước giờ vốn ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tham khảo tư liệu trang phục từ nhà Tống, Minh, Thanh, trong đó nhà Tống và nhà Minh được xem là nguồn tham khảo chính thống, phục trang của thời Nguyễn sau đó được cách tân, thêm thắt để tạo nên bản sắc riêng của nước Việt. Sau này, đến thời vua Bảo Đại, âu phục của Pháp mới bắt đầu chiếm lĩnh và thay thế phục trang truyền thống.

Trang phục thời Nguyễn được quy định và phân biệt rất rõ về giai tầng xã hội dựa trên chất liệu, màu sắc, hoa văn, họa tiết, số lượng họa tiết, thường phục ra sao, sử dụng trong lễ tiết nào, thậm chí cả số lượng trang phục cho từng giai tầng cũng được quy định rất chặt chẽ.

Đối với nhà Vua thì trang phục nhìn chung chia làm 3 loại là lễ phục, triều phục, thường phục và quân phục. Mỗi loại trang phục lại chia thêm nhiều loại nhỏ với màu sắc, phong cách và các dịp lễ cụ thể, vô cùng phức tạp. Hiện tại thì Phượng Khấu chưa tung tạo hình Đức Vua, nhưng với sự xuất hiện của nghệ nhân Vũ Kim Lộc, người tiên phong trong công cuộc phục dựng mũ mão triều Nguyễn tại Việt Nam thì chúng ta có thể được nhìn thấy một số trang phục tuyệt đẹp của Vua triều Nguyễn xuất hiện vô cùng sống động trong Phượng Khấu. Thành tựu lớn nhất của nghệ nhân Vũ Kim Lộc là phục dựng 4 chiếc mũ của Hoàng đế triều Nguyễn bao gồm Cửu Long Thông Thiên và Bình Thiên.

Cửu Long Thông Thiên là loại mũ nằm trong bộ Lễ phục Cổn Miện của nhà Vua được dùng trong Lễ Tế giao, bao gồm mũ Cửu Long, Hoàng bào, đai ngọc, xiêm vàng. Mũ Cửu Long Thông Thiên còn có tên gọi khác là mũ Xung Thiên, trên có trang trí hình rồng mây, hoa lửa, mây gió, đính nhiều pha lê, trân châu, hạt vàng… vô cùng tinh xảo.

Mũ Miện của Vua triều Nguyễn được phục nghệ nhân Vũ Kim Lộc phục chế.
Mũ Miện của Vua triều Nguyễn được phục nghệ nhân Vũ Kim Lộc phục chế.

Đặc biệt, mũ Miện của Hoàng Đế triều Nguyễn phải có đủ 12 lưu trước và sau (12 sợi tua), nhằm phân biệt với các quan. Số lượng lưu thể hiện sự cao quý, cho biết thân phận của người đội mũ. Trong phim Lý Công Uẩn: Đường Tới Thăng Long, mũ Miện của Vua bị làm sai lệch do chỉ có 9 lưu trước sau, vốn dành cho hoàng tử, vương công.

Mũ Bình Thiên (đến thời vua Minh Mạng đổi tên là mũ Bình Đính) là loại mũ Miện của hoàng tôn, hoàng tử, hoàng thân… số lượng hoa, rồng, khảm ngọc, vàng trang trí ít hơn so với trang phục của nhà Vua.

NSƯT Thành Lộc trong trang phục áo tấc, bên ngực trái có đeo ngọc bội, loại trang sức dành cho người có xuất thân quyền quý.
NSƯT Thành Lộc trong trang phục áo tấc, bên ngực trái có đeo ngọc bội, loại trang sức dành cho người có xuất thân quyền quý.

Trang phục, mũ đại triều lại chia ra theo giai tầng mà gia giảm, thêm bớt số lượng hoa văn, trang sức, long phượng trang trí… Ngoài mũ Bình Thiên và mũ Cửu Long kể trên thì còn triều Nguyễn còn có mũ miện Kim Quan, mũ Phốc Đầu, mũ Xuân Thu, kết hợp với nhiều loại áo bào khác nhau như áo bào Tứ Linh, áo bào Đại Vân… được phân chia và quy định chặt chẽ. Dù chắc chắn sẽ không xuất hiện hết trên Phượng Khấu, nhưng nếu có tạo hình nhà vua, hoàng tử… thì ít nhất chúng ta cũng hi vọng được chiêm ngưỡng mũ Bình Thiên hoặc mũ Cửu Long Thông Thiên xuất hiện trong phim.

Trong những hình ảnh đầu tiên của Phượng Khấu thì chúng ta chỉ có dịp nhìn thấy chú Thành Lộc trong trang phục cổ trang dành chung cho nam giới thời Nguyễn là áo tấc. Đây là loại áo phổ biến mà mọi tầng lớp đều có thể sử dụng, trong tất cả các dịp trọng đại. Áo tấc cổ đứng, nhìn có hơi giống áo ngũ thân, nhưng phần tay áo rộng hơn, tà áo dài hơi dài quá gối. Còn loại áo thường thấy trong các phim cổ trang Trung Quốc và một số phim cổ trang trước đây của Việt Nam với 2 vạt giao nhau trước ngực là áo giao lĩnh. Đây là một loại áo cổ, phổ biến ở các nước có nền văn hóa ảnh hưởng nhau ít nhiều như Việt, Trung, Hàn, Nhật... Đến thời Nguyễn, đặc biệt là thời Vua Minh Mạng áo giao lĩnh dần bị phế bỏ, thay bằng các loại áo khác.

Nếu trang phục của nhà Vua thường thiêu hình rồng thì hậu cung sử dụng chủ yếu hoa văn loan, phượng. Số lượng chim phượng, chim loan tiếp tục được phân theo giai tầng như Hoàng hậu và Hoàng Thái hậu thì mặc Phượng bào sa sợi vàng kết hợp với mũ Cửu (9) Phượng. Công chúa thì dùng mũ Thất (7) Phượng, Ngũ (5) phượng kết hợp với Phượng bào sa sợi đỏ. Chim phượng trên áo Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu thì có 3 dải đuôi, trong khi áo công chúa thì có 1 dải đuôi…

Ngoài chú Thành Lộc thì cô Hồng Đào và nữ diễn viên Kiều Trinh cũng xuất hiện trong một loại trang phục khác khá lạ lẫm đối với nhiều người là áo Nhật Bình. Đây là Thường phục của Hoàng hậu, Công chúa và là Triều phục của phi tần Nhất, Nhị, Tam, Tứ giai Tần.

Nghệ sĩ Hồng Đào trong trang phục Nhật Bình đỏ, thêu phượng ổ, vấn khăn. Cách trang điểm cũng theo sát lịch sử nhất có thể.
Nghệ sĩ Hồng Đào trong trang phục Nhật Bình đỏ, thêu phượng ổ, vấn khăn. Cách trang điểm cũng theo sát lịch sử nhất có thể.
Màu sắc cũng trang phục cũng phân cấp theo giai tầng.
Màu sắc cũng trang phục cũng phân cấp theo giai tầng.

Áo Nhật Bình có nguyên mẫu là áo Phi Phong thời Minh, xẻ cổ, đối khâm, cổ áo to bản tạo thành hình chữ nhật trước ngực, dưới ức có dải vải buộc 2 vạt áo. Mũ mão kết hợp với loại áo này thay đổi không ổn định, khi thi dùng Kim Ước Phát (trâm cài, búi tóc bằng vàng, số lượng thay đổi theo giai tầng), Kim Phượng, sau này thay đổi sử dụng khăn vành như trong tạo hình của Phượng Khấu, có màu xanh lam. Nhật Bình dành cho Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu có màu vàng, Công chúa có màu đỏ, Nhị giai Phi là màu xích đào (đỏ hơi hồng), Tam giai Tần màu tím chính sắc, Tứ giai Tần thì là màu tím nhạt. Trước Phượng Khấu thì khán giả đã từng có dịp bắt gặp áo Nhật Bình, áo tấc xuất hiện trong web drama Kỳ Án Cung Diên Thọ.

Áo Nhật Bình của Công chúa thời Nguyễn.
Áo Nhật Bình của Công chúa thời Nguyễn.

Dưới đây là một số góc nhìn sơ lược về trang phục triều Nguyễn được thể hiện phần nào trong tạo hình đầu tiên của Phượng Khấu. Hiếm khi mới có một bộ phim cổ trang với phần trang phục được tái hiện sát với lịch sử nhất có thể, mang đến cho khán giả một bộ phim cổ trang “thuần Việt” đúng nghĩa.

Nguồn: Ngàn Năm Áo Mũ