[Oscar Rewind] Atonement - Day dứt, ám ảnh và đậm chất duy mỹ

Đánh giá phim · SarahTran ·

Atonement là một trong những bộ phim hay nhất để lại cho người xem nỗi buồn day dứt và ám ảnh khôn nguôi về một mối tình đẹp nhưng đầy bi kịch ở xứ sở sương mù.

Kéo xuống để xem tiếp

Atonement mở đầu một cách nhẹ nhàng, rồi từ từ dẫn dắt người xem vào một câu chuyện đầy bi kịch và mất mát. Được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên của tác giả Ian McEwan, Atonement là một trong những bộ phim hay nhất để lại cho người xem nỗi buồn day dứt và ám ảnh khôn nguôi về một mối tình đẹp nhưng đầy bi kịch ở xứ sở sương mù.

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

Vào một ngày hè oi bức tại nước Anh năm 1935, cô bé 13 tuổi Briony Tallis (Saoirse Ronan) từ cửa sổ phòng ngủ, chứng kiến chị gái mình - Cecilia Tallis (Keira Knightley) trút bỏ váy áo và ngâm mình trong hồ nước. Nhưng không chỉ có một mình Briony chứng kiến cảnh này mà lúc đó còn có một người khác - Robbie Turner (James McAvoy), con trai của người quản gia. Anh là người thông minh, sáng dạ, được nhà Tallis cho học hành tử tế và tốt nghiệp từ đại học Oxford. Nhưng cho dù anh có thông minh như thế nào thì địa vị của anh vẫn kém xa những thành viên của gia đình giàu có này.

Briony không chỉ một lần chứng kiến Cecilia và Robbie tình tứ với nhau. Qua nhiều lần bắt gặp hai người có những cử chỉ yêu đương cuồng nhiệt, Briony - với trí tưởng tượng và phán đoán đầy cảm tính của một nhà văn, cộng với lòng ghen tị cùng những cảm xúc phức tạp của một đứa trẻ mới lớn, đã gán cho Robbie tội lỗi mà anh không hề phạm phải, khiến cho cuộc đời của cả ba người thay đổi mãi mãi.

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

4 năm sau, Robbie được ra tù với điều kiện phải nhập ngũ. Còn Cecilia đang làm y tá ở Luân Đôn. Nhưng khoảng cách vẫn không thể khiến cho họ ngừng yêu nhau. Trước khi Robbie sang Pháp, họ được đoàn tụ một lần tại Luân Đôn, dù chỉ trong thoáng chốc. Hai người hứa hẹn sẽ gặp lại, thế nhưng họ không biết rằng đó cũng là lần cuối họ được ở bên nhau.

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

Briony (Romola Garai) lúc bấy giờ đã 18 tuổi, từ chối lời mời đến học tại Cambridge và tham gia vào quân y nơi Cecilia đã từng làm việc với khao khát chuộc lại lỗi lầm năm xưa. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng, không có thứ gì có thể thay đổi và bù đắp được bi kịch mà cô đã gây ra. Lời buộc tội của cô bé 13 tuổi năm nào đã trở thành phán quyết cuối cùng cho cuộc đời của Robbie và Cecilia, và cũng là cho cuộc đời của chính Briony. Có lẽ không có hình phạt nào dành cho Briony đau đớn hơn việc phải sống trong dằn vặt và cô độc cho đến cuối đời. Và điều duy nhất mà cô dám làm để chuộc lại tội lỗi là viết ra cuốn tiểu thuyết Atonement, trong đó Robbie và Cecilia có một kết thúc viên mãn mà họ xứng đáng có được.

(Ảnh: IMDb)
(Ảnh: IMDb)

Atonement mang lại cho người xem cảm giác buồn và day dứt khôn nguôi, bởi bộ phim được xây dựng trên những hồi tưởng, nỗi nhớ, nỗi ăn năn và cả trí tưởng tượng của Briony. Cả bộ phim khoác lên mình một tông màu ảm đạm và u buồn mặc cho từng khung hình đều đậm chất duy mỹ. Đặc biệt là ở đoạn kết buồn, ngập tràn cảm xúc và đầy sức sống, tựa như một lưỡi dao cứa vào lòng người xem. 

Phần hình ảnh là một trong những điều khiến khán giả khó quên được bộ phim. Đẹp, buồn và đầy trau chuốt là những từ để nói về hình ảnh của phim. Mọi thứ trong bộ phim đều đẹp một cách kì lạ, từ căn biệt thự vương giả của nhà Tallis, vườn hoa, cánh đồng cỏ, những hàng cây già cỗi, cho đến khung cảnh của cuộc di tản Dunkirk đầy tang tóc và đau thương. Thậm chí những thứ trong căn biệt thự như ly tách, rèm cửa, giấy dán tường cũng được chăm chút tỉ mỉ và đậm chất quý tộc Anh.

(Ảnh: NY Times)
(Ảnh: NY Times)

Phục trang cũng là nhân tố quan trọng khiến bộ phim trở nên đặc biệt. Từng bộ trang phục mà mỗi nhân vật khoác lên người đều được thiết kế và lựa chọn kĩ lưỡng, mà trong đó nổi bật nhất là chiếc váy xanh mềm mại, đầy gợi cảm mà Cecilia mặc đã trở thành một trong những trang phục đẹp nhất mọi thời đại trên màn ảnh.

Chiếc váy màu xanh đã trở thành biểu tượng điện ảnh khó phai của Keira Knightley (Ảnh: IMDb)
Chiếc váy màu xanh đã trở thành biểu tượng điện ảnh khó phai của Keira Knightley (Ảnh: IMDb)

Nét gợi cảm, thanh thoát của Keira Knightley và phong cách lịch lãm, đầy cuốn hút của James McAvoy cũng là những thứ đã thổi hồn vào bộ phim này. Sau Pride and Prejudice (Kiêu Hãnh Và Định Kiến - 2005), Keira đã một lần nữa chứng tỏ đẳng cấp và sức hấp dẫn của mình ở thể loại phim cổ điển đậm chất quý tộc Anh. Vẫn là vẻ ngoài dịu dàng, mỏng manh quen thuộc nhưng Keira trong Atonement lại chứa đựng một sự nổi loạn ngầm bên dưới vỏ bọc của một người phụ nữ của tầng lớp thượng lưu, một người phụ nữ trưởng thành và cuồng nhiệt trong tình yêu.

"Bông hồng nước Anh" Keira Knightley (Ảnh: IMDb)
"Bông hồng nước Anh" Keira Knightley (Ảnh: IMDb)

Còn James ở thời điểm lúc bấy giờ chỉ mới là một nam diễn viên trẻ chưa tạo dựng được tên tuổi nhưng đã chứng minh được thực lực của mình khi thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc, từ ánh nhìn dịu dàng, nồng nàn dành cho Cecilia cho đến ánh mắt đầy căm hờn đối với Briony khi bị kết tội và gặp lại cô nhiều năm sau này. 

James McAvoy đã thể hiện rất thành công vai Robbie mặc dù lúc bấy giờ chỉ là một diễn viên trẻ chưa có tên tuổi (Ảnh: IMDb)
James McAvoy đã thể hiện rất thành công vai Robbie mặc dù lúc bấy giờ chỉ là một diễn viên trẻ chưa có tên tuổi (Ảnh: IMDb)

Không chỉ có Keira và James toả sáng mà Saoirse Ronan trong vai Briony lúc nhỏ cũng tạo được ấn tượng khó quên. Saoirse lúc bấy giờ chỉ mới 13 tuổi nhưng đã cho người xem thấy được một cô bé nông nổi, mù quáng, mỗi câu nói, biểu cảm đều mang nét cay nghiệt và độc đoán. Saoirse đã thành công trong việc hoá thân thành một Briony khiến khán giả căm ghét nhưng cũng không khỏi thương hại.

Saoirse Ronan đã thực sự toả sáng khi chỉ mới 13 tuổi (Ảnh: IMDb)
Saoirse Ronan đã thực sự toả sáng khi chỉ mới 13 tuổi (Ảnh: IMDb)

Atonement khi mới ra mắt đã nhận được nhiều phản ứng tích cực và vô số lời khen từ các nhà phê bình và khán giả. Đây được xem là một trong những phim chuyển thể xuất sắc nhất với diễn xuất đỉnh cao của các diễn viên, nhạc nền tuyệt vời, hình ảnh duy mỹ và những góc quay tinh tế. Phim khép lại bằng sự hối hận, ăn năn muộn màng của Briony vào những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi đã tự dằn vặt bản thân mình trong ngần ấy năm. Cái cốt lõi của bộ phim không phải là muốn người xem cảm thấy hả hê khi chứng kiến Briony sống trong giằng xé vì những tội lỗi mà mình đã gây ra, mà là để chúng ta nhận ra rằng lời nói dối và sự ích kỉ, bồng bột của bản thân nguy hiểm đến nhường nào. Một khi đã phạm phải sai lầm, được người khác tha thứ là một chuyện, còn toà án của chính lương tâm mình có tha thứ được hay không, lại là một chuyện khác.