[REVIEW] Bird Box – Tác phẩm gợi lên sự tiếc nuối

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

Giữa lúc dòng phim kinh dị bị thống trị bởi các pha hù dọa quen thuộc, kịch bản rập khuôn và những ý tưởng xáo mòn, Bird Box nổi lên như một cơn gió mới lạ. Có lẽ đã đến lúc các màn jump-scare phải nhường chỗ cho một khái niệm kinh dị tinh vi hơn.

Kéo xuống để xem tiếp

Giữa lúc dòng phim kinh dị bị thống trị bởi các pha hù dọa quen thuộc, kịch bản rập khuôn và những ý tưởng xáo mòn, Bird Box và trước đó là Vùng Đất Câm Lặng (A Quiet Place), nổi lên như một cơn gió mới lạ. Có lẽ đã đến lúc các màn jump-scare phải nhường chỗ cho một khái niệm kinh dị tinh vi hơn.

Bird Box không phải là một bộ phim dở, chỉ là nó được xây dựng quá bài bản, quá an toàn, bất chấp có một dàn diễn viên nặng ký và ý tưởng sáng tạo.

Bộ phim mở đầu với khung cảnh bà mẹ Malorie dặn dò hai đứa trẻ về hành trình mà cả nhà sắp phải dấn thân trong phong thái sẵn sàng, khẩn trương với giọng nói pha lẫn sự sợ hãi, dứt khoát nhưng không kém phần gan dạ, quyết chí. Rồi cả ba mẹ con rời khỏi chòi gỗ. Họ đi thật nhanh, hành động phải thật khẩn trương. Ba mẹ con phải vượt qua con sông trong khi luôn phải giữ khăn bịt mắt thật chặt. Vì trong thế giới của Bird Box, người ta sẽ chết vì một cái nhìn. Sau đó, bộ phim nhanh chóng tua về thời điểm năm năm về trước.

Luật quan trọng nhất để sống là luôn phải che mắt (Nguồn: The Film Experience)
Luật quan trọng nhất để sống là luôn phải che mắt (Nguồn: The Film Experience)

Ngay từ những giấy phút đầu tiên, ngay khi Malorie (Sandra Bullock) bịt mắt, kéo theo hai đứa trẻ cũng bịt mắt và men theo sợi dây đã được căng sẵn trước đó để đến bên bờ sông, khán giả đã cảm nhận được bầu không khí căng thẳng lân la kéo đến, rằng các nhân vật đang chạy trốn khỏi thứ gì đó rất kinh khủng. Họ tò mò muốn biết được thứ đó là gì. Chỉ như vậy thôi, bộ phim đã lôi kéo được người xem. Nhưng khi quay về đoạn thành phố chìm trong hoản loạn – thời điểm khởi đầu của thảm họa, bầu không khí này đột ngột bị giảm xuống vì dàn nhân vật bắt đầu hành xử theo kiểu đã được lập trình sẵn.

Ví dụ như phân cảnh những người chạy nạn tập trung vào một ngôi nhà, trong đó có cả Malorie, thì ngay lập tức, các nhân vật thực hiện nhiệm vụ của họ. Một nhân viên siêu thị đề ra giả thuyết về nguồn gốc của những sinh vật trên. Một nhân viên công trường lập tức cảnh báo mọi người đừng nhìn vào chúng nếu không muốn liên tục tìm cách tự sát. Một người đàn ông trung niên lăm lăm khẩu súng và có ánh mắt kì lạ đóng vai trò như kẻ nhận hết ác cảm từ người xem. Và quy trình cung cấp thông tin cứ tiếp tục như thế cho đến khi phim kết thúc phân đoạn hồi tưởng. Điều duy nhất được bảo tồn là tính tò mò về những sinh vật kia.

Hình ảnh phát họa của sinh vật lạ (Nguồn: What's on Netflix)
Hình ảnh phát họa của sinh vật lạ (Nguồn: What's on Netflix)

Mang thể loại kinh dị, có sự xuất hiện của lũ sinh vật lạ, nhưng Bird Box  không tuân theo những khuôn mẫu của các bộ phim cùng thể loại. Thật chất, nội dung của phim không ôm đồm bất cứ điều gì nếu chúng không liên quan đến hai chữ “sinh tồn”.

Không có bất cứ cảnh jump-scare nào. Không có phân cảnh người đối đầu với quái thú được sử dụng. Nguồn gốc và hình dạng của lũ sinh vật cũng không được mô tả. Và cuối cùng là không giải pháp nào được tìm ra. Các chủ thể con người hoàn toàn bị động, họ chỉ có một mục tiêu duy nhất: sống sót ở thời hậu tận thế.

Như vậy, thay vì phải phân tán kịch bản trên nhiều phương diện, bằng cách tập trung phát triển một tuyến truyện duy nhất, Bird Box  có thể truyền tải nội dung đến phía khán giả dễ dàng hơn. Đây được coi là một lựa chọn an toàn và mang đến hiệu quả ở mức độ nhất định, nhất là khi đội ngũ biên kịch quyết định sử dụng phương thức song song giữa hiện tại đan xen quá khứ để kể chuyện.

(Nguồn: Daily Mail)
(Nguồn: Daily Mail)

Tuy nhiên, cũng vì quá an toàn nên phim đã không thể vươn lên đỉnh cao mà Vùng Đất Câm Lặng đạt được. Và điều này đã để lại trong tôi một nỗi niềm tiếc nuối cho một tác phẩm tiềm năng. Tôi ước gì đạo diễn Susanne Bier đã bạo dạn hơn trong việc sử dụng bóng tối cho các cảnh phim của mình như cách Fedé Álvarez đã làm với Sát Nhân Trong Bóng Tối (Don’t Breathe).

Nếu phải đặt lên bàn cân, thì nỗi sợ mà Bird Box mang đến đáng sợ hơn nhiều so với thế giới lặng như tờ của Vùng Đất Câm Lặng. Con người vốn dĩ không phải loài có khướu giác hay cảm giác nhạy bén. Chúng ta dựa dẫm rất nhiều vào thị giác để nhận biết môi trường xung quanh, đặc biệt là những tình huống nguy hiểm. Khi nhận biết được bất kì mối nguy hiểm nào, não bộ ngay lập tức đưa ra quyết định hoặc là tẩu thoát, hoặc là đối đầu. Hãy tưởng tượng một sự bất lợi khi khả năng này bị tước đoạt.

Làm mọi thứ trong bóng tối (Nguồn: Daily Express)
Làm mọi thứ trong bóng tối (Nguồn: Daily Express)

Con người có thể ngưng nói. Nếu không thể giao tiếp bằng lời, ta có thể dùng ngôn ngữ kí hiệu, chữ viết. Nhưng nếu phải sinh tồn trong môi trường bóng tối bao phủ lại là một chuyện khác hoàn toàn. Càng tồi tệ hơn, chúng ta luôn bị thúc giục bởi bản năng phải “nhìn”.

Bộ phim còn rất tài tình khi tận dụng những yếu tố kích thích các giác quan của con người. Đạo diễn Susanne Bier đã chi tiết hóa những âm thanh và tận dụng việc không thể nhìn của nhân vật để khiến người xem phải sử dụng trí tưởng tượng của bản thân. Trí tưởng tượng càng sâu, thì cảm giác càng thật. Những góc quay giật theo lối góc nhìn thứ nhất càng khiến các trải nghiệm của nhân vật thêm chân thật.

Vậy mà các sự kiện của phim lấy chủ đề nỗi sợ những thứ con người không thể nhìn thấy hoàn toàn được diễn ra trong không gian tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Không một phân cảnh nào, kể cả hành trình sinh tồn của họ, được quay về đêm. Có thể những pha hù dọa bất ngờ không cần thiết với mục tiêu mà phim hướng tới; nhưng việc bộc lộ hết những phân đoạn cao trào trong điều kiện thuận lợi cho thị giác người xem khiến khán giả vơi bớt nỗi hồi hộp.

Những cảnh phim đắm chìm trong ánh sáng và trở nên rõ nét. Chính vì quá rõ nét, nên sự chân thật của nỗi sợ mà bộ phim đã dày công xây dựng chỉ có thể dừng lại ở mức độ trung bình thay vì đẩy lên cao so với những gì Vùng Đất Câm Lặng đã làm. Thật may mắn là nhờ vào Sandra Bullock, nhờ vào diễn xuất không thể rời mắt của cô đã cứu rỗi phim.

Ngôi sao của phim - Sandra Bullock (Nguồn: Vanity Fair)
Ngôi sao của phim - Sandra Bullock (Nguồn: Vanity Fair)

Nhắc đến nữ chủ nhân của tượng vàng Oscar 2010, nhân vật Malorie qua cách diễn đạt tự nhiên của cô đầy thu hút và tràn đầy năng lượng. Ngay cả khi không thể sử dụng đôi mắt để bộ lộ cảm xúc, Sandra vẫn có thể truyền tải ý chí, tính tháo vát và nghị lực phi thường của Malorie qua các cử chỉ dứt khoát. Khi có thể tận dụng đôi mắt của mình, Malorie đưa người xem trải qua quá trình từ một người phụ nữ lạnh lùng đến một chiến binh kiên cường, tình cảm.  

Mặc dù còn mặt hạn chế, Bird Box  vẫn là một tác phẩm mang tính sáng tạo, tuyển chọn diễn viên tài tình, được xây dựng khá tốt về mặt ý tưởng, và cảm động về tình người, cũng như đức hi sinh cao cả. Giá như đội ngũ biên kịch có thể nâng tầm độ kịch tính của phim hơn nữa, đây có thể là một tác phẩm xuất sắc, chứ không yên phận ở hạng mục trung bình.

[CẢM NHẬN] To All The Boys I Loved Before – Hãy là nhân vật chính trong cuộc đời mình

[CẢM NHẬN] To All The Boys I Loved Before – Hãy là nhân vật chính trong cuộc đời mình

Xem xong To All The Boys I Loved Before, bỗng chốc ta nhìn thấy chính bản thân mình ở nhân vật Lara Jean trong bộ phim...

[PHÂN TÍCH] Crisis on Infinities Earths – Sau tất cả, đây sẽ là điểm dừng cho series Arrow?

[PHÂN TÍCH] Crisis on Infinities Earths – Sau tất cả, đây sẽ là điểm dừng cho series Arrow?

Nhưng với những gì được thể hiện ở Elseworlds, tôi tự hỏi liệu đây có phải là sự kiện báo hiệu cái kết đang đến với Arrowverse hay một trong số các series của nó?