[REVIEW] Đảo Của Dân Ngụ Cư - Ốc đảo nhỏ của những mảnh đời cô độc

Đánh giá phim · Moveek ·

Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến, Đảo Của Dân Ngụ Cư có lẽ là một bộ phim nặng về tâm lý và đậm chất nghệ thuật, chính vì vậy khá kén người xem.

Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến, Đảo Của Dân Ngụ Cư có lẽ là một bộ phim nặng về tâm lý và đậm chất nghệ thuật, chính vì vậy khá kén người xem.

Mạch truyện được mở đầu khi Phước – chàng trai trẻ lang thang đến xin làm thuê tại nhà hàng món dê Đêm Trắng của ông chủ gốc Hoa. Quán ăn cũ kỹ đậm chất người Hoa xưa cũ với hàng mái ngói âm dương và lớp tường gạch ngả màu bao gọn 6 con người với những số phận khác nhau, như một ốc đảo thu nhỏ cô lập giữa cuộc đời. Một ông chủ nhà hàng gốc Hoa âm trầm, yêu thương con gái bằng một tình yêu ích kỷ và bạo lực. Một người đầu bếp Hồi giáo lặng lẽ, luôn đều đặn với nghi thức cầu nguyện mỗi tối; một anh chàng Miên hoang dã, nhưng phóng khoáng, liều lĩnh; một Xiểm Hoa cam chịu với cuộc sống bị chồng đối xử như người ở; cô gái tên Chu cô đơn với khiếm khuyết về đôi chân và khát khao không thể nói thành lời, cùng với Phước - chàng trai lang thang tò mò, hiền lành, có chút ngây thơ. Mỗi phận người như một mảnh ghép của bức tranh nghệ thuật đa văn hóa được dựng trên phông nền cổ kính đượm chút u tối, ảm đạm của sự cô đơn.

Cuộc sống của 6 con người cứ đều đặn trôi qua như thế. Họ tập trung làm công việc của mình, ôm trong lòng nỗi niềm và những ám ảnh riêng tư. Phim khá ít lời thoại, đa phần chỉ thông qua những lời tường thuật từ nhân vật Phước để giới thiệu tuyến nhân vật. Tuy nhiên chính điều đó lại tạo “đất” cho các nhân vật bộc lộ tính cách của mình nhiều hơn thông qua diễn xuất. Cá nhân tôi đánh giá cao dàn diễn viên chính, họ diễn khá tự nhiên và tròn vai. Thêm một điểm cộng cho Đảo Của Dân Ngụ Cư là mặt hình ảnh được đầu tư khá kỹ lưỡng, các thước phim được trau chuốt tinh tế và đầy tính nghệ thuật, những cảnh quay chi tiết cận cảnh mang nhiều tính ẩn dụ khiến khán giả khó có thể rời mắt khỏi màn ảnh. Không khí phim mang lại chút gì đó rất hoài cổ, từ căn nhà với mái ngói âm dương, những bức tường bạc màu, cánh cổng cũ kỹ với đèn lồng đỏ, bàn thờ, bình rượu ủ... tất cả những hình ảnh bạn có thể dễ dàng nhìn thấy ở các khu phố người Hoa hay những khu phố cổ, được đưa lên phim với một góc nhìn nghệ thuật hơn. Nếu bạn là người yêu thích về văn hóa hay muốn tìm lại một chút gì đó từ quá khứ của một Việt Nam xưa cũ, có lẽ bạn sẽ cảm thấy thích thú thưởng thức từng cảnh phim. Tuy nhiên, nếu bạn mong chờ tìm kiếm yếu tố giải trí hay thư giãn thì phim hoàn toàn không dành cho bạn, dù đôi khi phim cũng xen lẫn vài chi tiết nhỏ khiến người xem phải phì cười. Sự u ám, ngột ngạt đến nghẹt thở bao trùm từng thước phim khiến đôi lúc tôi không khỏi liên tưởng đến những cảnh trong phim ma. Tiếng cọt kẹt của những món đồ chơi trong căn phòng cô độc và tăm tối cùng hình ảnh Chu xõa tóc ngồi trên giường nhìn về khoảng tối xa xăm có thể cho bạn cảm giác đang lạc trôi vào một bộ phim ám ảnh nào đó.

Điểm nóng trong phim có lẽ là những cảnh 18+ được cảnh báo là không dành cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, những cảnh “nóng” trong phim thật ra cũng không đến nổi “bỏng mắt” lắm. Những cảnh không quá dài này được đoàn làm phim trau chuốt, lại thêm một lời khen cho những góc quay. Cảnh nóng trong Đảo Của Dân Ngụ Cư không hề thô mà được diễn tả khá nghệ thuật, qua đó lại bộc lộ phần nào tính cách nhân vật. Nếu Miên đối với Chu là sự hoang dã, cuồng nhiệt đầy dục vọng thì cảnh quay với Phước lại dịu dàng, nhẹ nhàng và hiền hòa hơn rất nhiều. Nhiều người xem có thể chê rằng cảnh nóng của phim không đủ nóng, nhưng tôi thành thật nghĩ rằng, hãy đánh giá phim dưới góc độ nghệ thuật của nó hơn là những yếu tố thỏa mãn thị hiếu.

Phim kết thúc bất ngờ với muôn vàn câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp, khiến khán giả hoang mang không biết liệu mình có lỡ bỏ qua cảnh phim hay chi tiết nào quan trọng trước đó có thể suy luận đến kết cục. Có vẻ như đạo diễn muốn mỗi người xem tự có cảm nhận của riêng mình nên sử dụng khá nhiều hình ảnh và lời thoại ẩn dụ nhưng cũng chính vì vậy mà nội dung trở nên khá khó hiểu và thông điệp truyền tải khá mơ hồ. Cái kết của Chu có lẽ là nút thắt để các nhân vật giải thoát bản thân khỏi ốc đảo ngột ngạt của ngôi nhà cũ kỹ hay ốc đảo trong chính trái tim mình, mất mát là lý do và động lực để họ có thể rời đi. Cái kết của phim làm tôi liên tưởng đến những bộ phim tâm lý xã hội của Nhật Bản với những kết thúc mở khiến khán giả phải vắt óc suy nghĩ, chắp nối các chi tiết tưởng chừng nhỏ nhất để tự tìm ra lời giải đáp. Tuy nhiên kết phim Đảo Của Dân Ngụ Cư làm tôi không khỏi cảm thấy lửng lửng lơ lơ, không hiểu chuyện gì đã xảy ra và tại sao nhân vật lại hành động như thế, liệu sau đó họ sẽ thế nào? Có lẽ tôi sẽ cần xem lại lần thứ hai để ý hơn đến những chi tiết ẩn dụ tưởng chừng vô ý xuyên suốt bộ phim để hiểu rõ hơn mạch truyện và chuyển biến tâm lý của các nhân vật.

Đảo Của Dân Ngụ Cư có lẽ hoàn toàn không phù hợp để bạn xem giải trí hay thư giãn, bởi kết thúc chỉ còn đọng lại sự ảm đạm và ám ảnh, thậm chí bạn sẽ còn phải đau đầu hơn khi nghĩ về cái kết bộ phim. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thưởng thức nghệ thuật ở một góc độ khác hay có thể thử và cảm nhận, đảm bảo hình ảnh và diễn xuất không làm bạn phải thất vọng. Cá nhân tôi đánh giá khá cao sự đầu tư, trau chuốt và tâm huyết của đoàn làm phim dành cho bộ phim, nhưng phải chi kết thúc phim có thể dễ thở hơn, bớt “hack não” khán giả hơn thì việc thưởng thức bộ phim có lẽ sẽ thỏa mãn hơn rất nhiều.

Clip review của các bạn vừa xem phim xong

CTV: Châu Nguyễn