[REVIEW] Darkest Hour – Gary Oldman lại có thêm một vai diễn để đời!

Đánh giá phim · Genis ·

Trong suốt suốt bộ phim, chứng kiến một Winston Churchill quá giống với phiên bản thật khiến tôi hầu như đã quên mất đây là Gary Oldman vốn đã để lại quá nhiều ấn tượng trong những siêu phẩm trước đó.

Khó mà tưởng tượng được một Gary Oldman từng thể hiện xuất sắc vai Sirius Black đã lấy đi không ít nước mắt của các tín đồ hâm mộ series Harry Potter; hay hình ảnh một ủy viên James Gordon kiên định, điềm đạm như bước ra từ truyện tranh trong trilogy The Dark Knight, nay có thể hóa thân thành một Thủ tướng Anh cáu kỉnh nhưng cực kỳ bản lĩnh với Darkest Hour. Trong suốt suốt bộ phim, chứng kiến một Winston Churchill quá giống với phiên bản thật, từ thần thái, cách đi đứng, cách thể hiện khuôn mặt và đặc biệt là giọng nói đầy nội lực đã khiến tôi hầu như đã quên mất đây là Gary Oldman vốn đã để lại quá nhiều ấn tượng trong những siêu phẩm trước đó. Cái mà tôi thấy đó hình tượng không lẫn vào đâu được của vị Thủ tướng tài ba bậc nhất của Vương Quốc Anh.

Bối cảnh phim diễn ra khi Thủ tướng Anh đương nhiệm lúc đó là Neville Chamberlain đã mất lòng tin trong dân chúng và buộc phải từ chức. Winston Churchill được chọn ngồi vào vị trí quyền lực nhất Vương Quốc Anh trong khoảng thời gian đội quân hùng mạnh của Đức đang sắp nuốt trọn toàn bộ châu Âu. Bỉ bị chiếm đóng, Đồng minh Pháp sắp thất thủ, Đế quốc Mỹ lại không thể ra tay hỗ trợ, Winston giờ đây phải quyết định lựa chọn giữa 2 con đường đó là chấp nhận ngồi lại đàm phán hòa bình hoặc quyết chiến đến cùng với người Đức.

Mở đầu phim chúng ta thấy Winston, khi đó đang còn là Bộ trưởng Hải Quân, đang ngồi làm việc ngay trên giường ngủ cùng với bàn ăn sáng. Ông được giới thiệu đến một cô thư ký với công việc là gõ lại những gì mà ông sẽ nói trong các buổi diễn thuyết. Cô thư ký được dặn trước đây là một người rất kỹ tính trong công việc, dễ gắt gỏng và khó đoán. Thật vậy. Khoảnh khắc lần đầu tiên nhìn thấy Gary trong vai Winston tôi gần như đã thốt lên: “Sao mà giống đến thế?”. Rồi sau đó khi tiếng nói ông cất lên, cái giọng như kiểu hụt hơi của một ông già gần 70 tuổi được thể hiện quá tốt. Đối với tôi, đây là một vai diễn rất khác so với nhất gì mà ôn từng thể hiện trước đây, một nhân vật có nội tâm xung đột rất dữ dội nhưng đồng thời lại có ý chí vô cùng mãnh liệt.

Khoảnh khắc mà tôi nhận ra đây chính là Winston Churchill chứ không còn là Gary Oldman nữa là khi ông bước vào cung điện để diện kiến nhà vua. Dáng đi hơi nghiêng về phía trước, hai tay chắp đằng sau lưng và những bước đi khệnh khạng thẳng tiến đến chỗ vua George VI đang chờ sẵn đích thị là của Thủ tướng Winston. Từ đây, tôi đã hoàn toàn tin tưởng Gary sẽ hoàn thành xuất sắc phần còn lại vai diễn của ông.

Một trong những phân đoạn mà tôi rất thích đó là khi Winston tranh cãi với Tử tước Halifax và Chamberlain về việc có nên ngồi xuống để đàm phán với Đức hay không. Khi ông quát lên, tay đẩy mạnh chiếc ghế gỗ: “Ông không thể đàm phán với một con hổ khi mà đầu của ông đang ở trong miệng nó!”, không gian bỗng trở nên căng thẳng thẳng đến lạ thường, còn riêng tôi thì cảm thấy câu nói của ông như một lời thức tỉnh những con người yếu đuối đang sợ hãi. Chất giọng của Gary khi ấy đúng kiểu của một vị đại tướng. Chưa hết, trong khoảnh khắc cao trào cuối phim, khi Winston đọc to bài phát biểu trước Nghị viện để vực dậy tinh thần của những người đứng đầu đất nước, tôi đã thực sự xúc động. Vẫn là giọng nói nói hùng hồn ấy nhưng Gary xuất sắc đẩy nó lên đến cực hạn làm cho cả bản thân tôi chỉ là một khán giả cũng cảm thấy tinh thần hung phấn hẳn lên. Không ngoa mà nói rằng, ngoài diễn viên, Gary thật sự có thể trở thành một diễn thuyết gia vì giọng nói và cách nói của ông rất có sức mạnh chạm đến đến trái tim con người.

Ngoài ra, tôi còn muốn dành lời khen đến đạo diễn Joe Wright khi đã làm nên một bộ phim quá hay và đã rất khôn khéo khi quyết định chọn Gary vào vai diễn nội tâm phức tạp này. Cách ông xây dựng kịch bản theo trình tự thời gian với những cột mốc ngày tháng rất hợp lí và gần như không có một chi tiết nào là thừa thải. Joe Wright đã chọn cho phim một tông màu đen tối vừa phải, thể hiện rõ khoảnh khắc quyết định của một con người có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng triệu con người và số phận của cả thế giới. Ông cũng không quên thêm một chút hài hước, chỉ một chút thôi để nhịp phim không trở nên quá căng thẳng và qua đó tạo thiện cảm hơn đối với vị Thủ tướng già.

Âm thanh chính là một điểm cộng rất lớn góp phần vào thành công của bộ phim. Ngay từ khi xem trailer, tôi đã bị cuốn hút bởi âm nhạc hùng hồn của nó mà phải xem đi xem lại phải ít nhất là 5 lần trước khi ra rạp xem bộ phim hoàn chỉnh và quả thực, tôi đã không hề bị thất vọng.   

Đây là một bộ phim lịch sử rất đáng xem, đặc biệt dành cho những ai đang theo học và quan tâm về lịch sử văn hóa nước Anh. Là một bộ phim lịch sử nên nó đòi hỏi người xem cần có tính kiên nhẫn vì đôi khi tình tiết có thể khiến bạn ngáp dài, và đặc biệt là bạn cần tìm hiểu sợ lược về Wiston Churchill cũng như sự kiện chính diễn ra trong suốt Darkest Hour: cuộc giải cứu 300.000 binh sĩ Anh đang mắc kẹt ở bờ biển nước Pháp từng được nhắc đến đến trong bộ phim Cuộc Di Tản Dunkirk do đạo diễn Christopher Nolan thực hiện rất thành công.