[Review] Das Boot (Trận Chiến Tàu Ngầm)
Đánh giá phim · PhanNguyenSangSang ·
Không có nỗi sợ nào vượt qua nỗi sợ từ chiến tranh.
Das Boot – Trận Chiến Tàu Ngầm, một bộ phim về chiến tranh Tây Đức năm 1981 do Wolfgang Petersen viết kịch bản và đạo diễn. Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Đức cùng tên năm 1973 của Lothar-Gunther Buchheim dựa trên kinh nghiệm của ông trên chiếc tàu ngầm Đức mang số hiệu U-96. Bộ phim được lấy bối cảnh trong Thế chiến thứ hai và theo chân con tàu U-96 cùng các phi hành đoàn bắt đầu một chuyến hành trình đầy giông bão trong trận chiến Đại Tây Dương. Một chuyến đi đầy rẫy biến cố, những mồi lửa của sự chiến tranh chết chóc và những câu chuyện đề cập đến hậu quả tâm lý vô cùng nặng nề đè nén lên cuộc sống của hàng triệu sĩ quan và thủy thủ trẻ làm việc dưới độ sâu khủng khiếp của mực nước biển. Đồng thời đưa ra cái nhìn sâu sắc và chân thực về các vấn đề cá nhân, nỗi sợ hãi và cảm xúc khác nhau mà những người đàn ông trẻ đang mang.
Câu chuyện xoay quanh việc trung úy Werner là một phóng viên chiến trường trên chiếc tàu ngầm Đức U-96 vào tháng 10 năm 1941. Anh được thuyền trưởng và kỹ sư trưởng của con tàu đưa đến một vùng giáp ranh “ồn ào” của nước Pháp. Trong suốt thời gian có mặt trên con tàu định mệnh, Werner đã quan sát và nhìn thấy rất rõ sự khác biệt về ý thức hệ giữa các thành viên phi hành đoàn mới và các cựu chiến binh rất “cứng”, đặc biệt là thuyền trưởng, người đang chán nản và luôn có sự hoài nghi sâu sắc về chiến tranh. Những người đàn ông mới, bao gồm cả Werner thường xuyên bị chế giễu bởi những người còn lại trong đoàn, những người vốn đã có những sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Sau nhiều ngày buồn chán trên tàu, thủy thủ trên tàu đã rất mừng rỡ khi nhìn thấy chiếc U-boat phát hiện một đoàn tàu vận tải của đối phương, nhưng ngay sau đó họ nhanh chóng bị một tàu khu trục của Anh phát hiện và bắn phá bằng các đòn tấn công sâu. Từ đây, cuộc chiến bắt đầu. Mưa, gió, bão tố không ngừng xảy ra vào những ngày tiếp sau đó. Tinh thần của các thủy thủ trên tàu đã giảm sút khá nhiều sau một loạt những điều không may xảy ra, nhưng thủy thủ đoàn tạm thời được “khích lệ” bởi một cuộc chạm trán tình cờ với con thuyền của Thomsen. Sau khi cơn bão kết thúc, con thuyền chạm trán với một đoàn tàu vận tải của Anh và nhanh chóng phóng ba quả ngư lôi, đánh chìm hai con tàu. Họ bị một tàu khu trục phát hiện và phải lặn xuống dưới độ sâu thử nghiệm, giới hạn đánh giá của tàu ngầm. Những chuỗi ngày ròng rã vẫn tiếp tục, cuốn theo nỗi lo, sự sợ hãi tột độ của các phi hành đoàn đến sức cùng lực kiệt. Sự tàn ác sau cùng trả giá bằng những cái chết đầy tang thương và đau lòng.
Đảm nhận vai diễn này, Jurgen Prochnow thực sự đã không làm người xem phải thất vọng khi màn trình diễn của anh rất tròn trịa, từ cử chỉ hành động, biểu cảm, trạng thái cảm xúc đã được anh truyền tải đến khán giả một cách chân thực và trọn vẹn nhất.
Một thành viên khác cũng đã đảm nhiệm rất tốt vai diễn của mình chính là kỹ sư trưởng - người bạn tốt nhất của thuyền trưởng. Một người đàn ông với nỗi thất vọng riêng song lại rất có năng lực, một người dành trái tim và tình yêu nồng nàn cho vợ, luôn hằng hữu nỗi lo về người vợ ốm đau của mình ở quê nhà. Cảm quan của người viết, kỹ sư trưởng là một nhân vật với nội tâm rất sâu sắc nhưng mang trong mình nhiều nỗi niềm khó để bày tỏ thành lời.
Và cái hay của đạo diễn khi đã truyền đạt được sự mất mát và những nỗi đau tột cùng của chiến tranh là khi một sĩ quan trẻ tuổi khác với tóc đỏ nổi bật (Martin Semmerlogge), chàng trai rất lạc quan và thường vui vẻ trong cả cuộc hành trình cũng không thể tránh được những cú sốc, những nỗi sợ đang hiện hữu của chiến tranh lên kẻ thù và trên chính những người đồng động của anh. Tất cả các nhân vật đều được phát triển rất tốt và mang trong mình những tính cách và điểm nổi bật riêng, song cốt lõi vẫn quy về một bức tranh tổng quan: Niềm đau thương và sự mất mát đáng sợ của chiến tranh.
Một điểm hay khác đến từ bộ phim này là khi tác phẩm được nhìn dưới góc nhìn của kẻ thù, qua đó khán giả sẽ thấy được những góc khuất “hiếm có” góc nhìn của những con người vốn “không bao giờ được tha thứ”. Về các cảnh quay, đạo diễn Wolfgang Petersen cũng đã vô cùng xuất sắc khi làm việc với chiếc máy quay. Những cảnh long shot trong khu vực tàu hầm chật chội hay cách mà đạo diễn đã phóng máy quay của mình qua con thuyền từ đầu này sang đầu kia, lao qua những khe hở nhỏ hẹp, vượt qua các chướng ngại vật trên boong tàu. Những cú máy dài được sử dụng khá nhiều - đặc biệt là khi con thuyền đang chìm dần, vượt ngoài tầm kiểm soát. Đó là lúc chúng ta như đang rơi vào cùng hoàn cảnh với thủy thủ trên tàu, cũng đang bị mắc kẹt trong cùng một không gian và thời gian với họ một cách đầy tuyệt vọng.
Nhìn chung, Trận Chiến Tàu Ngầm là một tác phẩm hay và kinh điển về đề tài chiến tranh đầy tàn khốc. Một bộ phim phản chiến nổi tiếng đáng được công chiếu trên toàn thế giới và ai cũng nên xem một lần. Đây như một kiệt tác về điện ảnh phản chiến mà bất kỳ nhà làm phim nào cũng nên học hỏi để phát huy. 10/10 cho Trận Chiến Tàu Ngầm đến từ mọi phương diện của tác phẩm.