[REVIEW] Điệp Viên Báo Thù – Hỗn loạn nhưng lôi cuốn tới những phút cuối cùng
Điệp Viên Báo Thù cũng có một khởi đầu khá tương đồng, nhưng những diễn biến tiếp theo và cách phát triển mạch phim lại hoàn toàn khác biệt.
Thông tin chung:
Tựa gốc: Atomic Blonde
Đạo diễn: David Leitch
Diễn viên: Charlize Theron, James McAvoy, John Goodman, Til Schweiger, Eddie Marsan, Sofia Boutella, Toby Jones.
Thể loại: Hành động, Bí ẩn- Hồi hộp.
Kịch bản: Kurt Jonhstad
Thời lượng: 115 phút
Khởi chiếu: 28/07/2017
Rated: C-18 – Cấm khán giả dưới 18 tuổi.
Nội dung:
Được chuyển thể từ bộ truyện tranh màu (graphic novel) The Coldest City của tác giả Antony Johnston, phim lấy bối cảnh nước Đức những ngày đầu tháng 11/ 1989, vài ngày trước khi bức từng Berlin bị phá bỏ. Lorraine Broughton (Charlize Theron), nữ điệp viên hàng đầu của MI-6, được cử đến Berlin để thu hồi một bảng danh sách tối mật, thứ sẽ để lại hậu quả không thể đong đếm nếu rơi vào tay các đặc vụ KGB. Để hoàn thành nhiệm vụ, cô phải hợp tác với David Percival (James McAvoy), một điệp viên đang nằm vùng tại Berlin. Nhiệm vụ của cả hai liên quan đến sự tranh chấp quyền lợi của các tổ chức như MI-6, CIA, Cục tình báo Pháp, KGB... cùng bối cảnh là sự hỗn loạn của nước Đức trước ngày thống nhất đã tạo nên một cục diện rối ren nhưng lại cực kỳ lôi cuốn.
Đánh giá:
Với một bộ phim về điệp viên, motif thường thấy sẽ là: một mối nguy cơ xảy đến đe dọa đến an ninh quốc gia hoặc àn toàn của tổ chức tình báo; tổ chức sẽ cần tới một điệp viên xuất sắc để giải quyết chuyện này và đó là lúc nhân vật chính xuất hiện; lịch lãm, hào hoa, mạnh mẽ cùng với những màn rượt đuổi trên xa lộ hay những pha hành động cháy nỗ gay cấn. Điệp Viên Báo Thù cũng có một khởi đầu khá tương đồng, nhưng những diễn biến tiếp theo và cách phát triển mạch phim lại hoàn toàn khác biệt. Đầu tiên phải kể đến những phân cảnh hành động được thực hiện với mức độ bạo lực ở một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt. Cần gì phải dùng súng để giết người khi mà bạn có thể dễ dàng làm được việc này với chìa khóa xe, mũi giày, hay bất cứ vật cứng nào nằm trong tầm tay. Cảnh đánh nhau trong Điệp Viên Báo Thù diễn ra một cách chân thật và trần trụi với chủ đạo là những màn tay không vật lộn với kẻ địch, đánh cho đến khi bê bết máu hoặc chết mới thôi.
Mạch phim được chia ra làm hai giai đoạn rõ rệt. Phần đầu diễn biến khá chậm và hơi lòng vòng, từ việc Lorranie gặp David cho tới việc những đầu mối dường như có sẵn nhưng lại khá mất thời gian để nắm bắt chúng. Tất cả được triển khai với dụng ý giới thiệu một cách đầy đủ các phe nhóm đang tranh giành bảng danh sách và giúp người xem hiểu rõ hơn sự biến động tại nước Đức lúc bấy giờ. Sang đến phần sau, khi mọi quân cờ đều đã tập hợp đầy đủ, mạch phim trở nên nhanh một cách bất ngờ đẩy câu chuyện đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có cảm giác như các nhà làm phim đã khéo léo sắp xếp tạo ra hàng chục nút thắt, để rồi khi mở nút liên tục đã tạo ra một mạch phim nhanh và cực kỳ hấp dẫn. Hết âm mưu này lại đến toan tính khác được hé lộ, khiến khán giả bị choáng ngợp, đôi lúc còn không thể theo kịp những gì đang xảy ra. Ngay cả lúc tưởng chừng như mọi chuyện đã được phơi bày thì phim lại làm mọi người giật mình một lần nữa bằng một cái kết mà sẽ chẳng ai ngờ tới. Kết phim cũng là lúc khán giả vỡ lẽ ra mình vừa xem một tác phẩm hay đến nhường nào.
Trong Điệp Viên Báo Thù, niềm tin trở thành một thứ cực kỳ xa xỉ, thế giới dường như chỉ có một màu đen của sự dối trá và lừa lọc. Ngay cả các nhà làm phim dường như cũng chẳng phải là ngoại lệ khi đã không dưới hai lần “bẫy” người xem. Tốt nhất khán giả đừng dại dột đặt niềm tin vào bất kỳ nhân vật nào nếu không muốn chịu cảm giác thất vọng cùng cực. Tuy nhiên, phim không phải chỉ có những tình tiết giết chóc hay lừa lọc, ẩn trong mớ bòng bong ấy vẫn có yếu tố tình cảm, có cả cảm xúc nam - nữ lẫn nữ - nữ, những chi tiết ấy để lại ấn tượng về mặt hình ảnh nhưng nội dung và ý nghĩa của chúng thì vẫn khá mơ hồ. Ngoài ra, dù hiếm hoi nhưng vẫn có 2 đến 3 cảnh tương đối hài hước, làm giảm bớt sự nặng nề cho phim.
Bên cạnh nội dung xuất sắc thì màn thể hiện của các nhân vật cũng chiếm trọn cảm tình của người xem. Charlize Theron thật sự hóa thân thành một điệp viên quyến rũ, lạnh lùng, luôn mang đến cảm giác chết chóc mỗi khi cô xuất hiện. Còn nhân vật David Percival của James McAvoy được thể hiện tốt tới mức người viết sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu ngoài đời nam tài tử này là một kẻ láu cá và nham hiểm giống những gì mà anh thể hiện trên màn ảnh. Có phần hơi đáng tiếc cho nhân vật Delphine Lasalle do “Xác ướp” Sofia Boutella thể hiện. Đây là một nhân vật đủ sức tạo ra nhiều điểm nhấn cho phim nhưng chưa được khai thác hết. Dù vậy vẫn phải nói rằng Sofia đã có một màn trình diễn rất tốt.
Phim còn để lại ấn tượng nhờ khâu dàn dựng. Nước Đức 3 thập kỉ trước đã được tái hiện một cách trọn vẹn, chính xác, từ khung cảnh đường phố, những quán bar hay những bóng đèn neon độc đáo. Ngoài ra phim còn sử dụng một cách chuẩn xác và ấn tượng âm nhạc của thập niên 80, rất nhiều bài hát được lồng ghép vào các phân cảnh một cách phù hợp, giai điệu tuy lạ nhưng đem lại cảm giác rất thích thú. Màu sắc chủ yếu trong phim thuộc về gam màu xám tối, hoàn toàn hợp lý với một bộ phim nặng nề và diễn ra trong bối cảnh như vậy.
Dù không nằm trong hàng ngũ những bộ phim xuất sắc nhất, nhưng Điệp Viên Báo Thù chắc chắn vẫn là một bộ phim hay mà các mọt phim không thể bỏ lỡ.