[REVIEW] Em Là Của Em

Đánh giá phim · Maii ·

Em Là Của Em là phim xem được, dù nội dung của nó không có gì mới mẻ. Chính Ngô Kiến Huy và cặp đôi Khả Như - Hoàng Phi đã cứu cả bộ phim của đạo diễn Lê Thiện Viễn.

Em Là Của Em, đến từ đạo diễn Lê Thiện Viễn, người đã từng thành công trước đó với Vu Quy Đại Náo. Nhưng trái với nét mới lạ và gần gũi của Vu Quy Đại Náo, Em Là Của Em, dù không phải là một bộ phim tồi, lại thiếu đi sự đột phá và một câu chuyện dễ đồng cảm.

Em Là Của Em xoay quanh Hoàng (Ngô Kiến Huy) - một chàng trai đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa đi đến được trạm cuối của con đường tình yêu. Anh phải lòng chị Quỳnh Anh đã 10 năm, trải qua nhiều trắc trở để “cầm cưa" chị đẹp nhưng đều bị từ chối. Lúc này, chị gái Thanh “hiến kế", lập ra một kế hoạch cưa đổ crush cực kỳ hoàn hảo dành cho Hoàng. Chỉ có một vấn đề duy nhất khó khăn trong kế hoạch này: Hoàng phải giả gái. Liệu anh có thành công chinh phục trái tim của người đẹp với thân phận "chị chị em em" với Quỳnh Anh?

Trong khi thế giới đang bận rộn với việc làm sao đổi mới kịch bản, làm mới những câu chuyện cũ, hướng đến kỹ xảo tân tiến hơn và thử sức với các thể loại đa dạng…, thì phim Việt Nam quyết định tung ra một bộ phim với anh chàng nam chính giả gái để cưa cẩm người đẹp, vốn đã là một chủ đề cũ mèm được xào đi xào lại trong khoảng 10 năm trước? Cao trào, nút thắt và diễn biến của phim đều cực kỳ dễ đoán, kể cả đối với những người không hiểu biết nhiều về điện ảnh.

Em Là Của Em không mấy thách thức mong đợi của người xem, không đòi hỏi người xem phải hoà mình vào bộ phim hay suy ngẫm nhiều lắm về nhân sinh và thế giới loạn lạc dù chỉ mới bước qua năm 2021 khoảng 7 ngày. Bù lại, chính nhờ vậy mà bộ phim lại có tính giải trí và dễ xem. Dẫu sao Lê Thiện Viễn cũng không phải là một đạo diễn tồi, và tôi tin chỉ cần một kịch bản hay là anh có thể mang đến một bộ phim đáng xem, sâu sắc hơn Em Là Của Em và tiến bộ hơn Vu Quy Đại Náo.

Là một điểm trừ khá lớn khi nói về độ hấp dẫn của cốt truyện, Em Là Của Em may mắn đã có thể bù lại bằng các phân đoạn gọn gàng, nhanh chóng và cố gắng không làm mất thời gian của người xem ở đầu phim. Tuy vậy, các phân đoạn này được biên tập hơi lộn xộn và khá vội vàng để đẩy nội dung đến đoạn Hoàng lấy thân phận là nữ giới để tiếp cận Quỳnh Anh (Maya), nhưng lại dài dòng ở phần kết, vốn đang cần phải đẩy nhanh cách giải quyết. Thêm nữa là một số chi tiết hài có cố gắng, nhưng kết quả không khả quan lắm (aka không hài) và cũng không đóng góp gì trong việc xây dựng nhân vật hay phát triển cốt truyện.

Sự xuất hiện của Ngô Kiến Huy trong vai Hoàng chính là điểm thú vị của phim. Từng gây ấn tượng với màn giả gái chung với Trấn Thành trong chương trình Ơn Giời Cậu Đây Rồi, các nhà làm phim đã tận dụng điểm này tối đa với Em Là Của Em. Dù giả gái, nhưng anh không làm nhân vật trở nên quá yếu đuối hay uỷ mị, dù cách xây dựng nhân vật có phần trẻ con và không hợp thời.

Maya trong vai công nàng Quỳnh Anh “hổ báo" tạm ổn, dù đài từ đôi lúc còn khó nghe và nhân vật cũng không mấy đặc sắc. Cặp đôi Khả Như (vai Thanh) và Hoàng Phi (vai Tú) lại là đôi thú vị và mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả, đôi khi còn lấn át cả đôi nam nữ chính.

Cao trào của phim may thay đã phần nào tránh được màn bước lên sân khấu và phát biểu cảm nghĩ dông dài cliché trong phim Việt, tuy kết thúc như mơ của nó có phần khiến người xem hơi thất vọng vì không có gì khác biệt hay đáng mong chờ. Nhìn chung, Em Là Của Em là một bộ phim xem được. Nhưng nội dung cũ mèm của nó khó có thể khiến người xem đang hi vọng một bước tiến mới của phim Việt hào hứng.